Thảm án nhà MacDonald – Đâu là sự thật?

Thứ Hai, 05/10/2020, 14:41
Jeffrey MacDonald, một bác sĩ quân đội của lực lượng Mũ nồi xanh, từng có tất cả. Là bác sĩ phẫu thuật phục vụ cho quân đội Mỹ với sự nghiệp thăng hoa, MacDonald đã kết hôn với người yêu thời trung học của mình và có hai cô con gái xinh đẹp cùng một cậu con trai sắp chào đời. Giấc mơ Mỹ của ông bỗng chốc trở thành ác mộng vào năm 1970 khi gia đình bị sát hại dã man ngay tại nhà riêng.

Vụ án gây rúng động và bi thảm ở chỗ nó có nhiều nét tương đồng với vụ sát hại nữ diễn viên Sharon Tate và vợ chồng LaBianca của “gia đình Manson” từng khiến nước Mỹ kinh hoàng. Dòng chữ “Pig” viết nguệch ngoạc bằng máu của nạn nhân trên đầu giường trong phòng ngủ, và cách kẻ gây án hành xử, đều khiến người ta không khỏi có những so sánh.

“Giấc mơ Mỹ” chấm dứt

Jeffrey Robert MacDonald sinh ngày 12/10/1943, tại thành phố New York, và lớn lên ở Patchogue, Long Island. Là bạn bè từ thời tiểu học, MacDonald và Colette Stevens bắt đầu hẹn hò khi còn là thiếu niên, và phát triển một mối quan hệ nghiêm túc hơn khi lên đại học.

Khi MacDonald bước vào năm thứ hai tại Đại học Princeton, Stevens mang thai. Vào Mùa thu năm 1963, họ quyết định kết hôn và vào tháng 4 năm sau, cô con gái Kimberly chào đời. Cả gia đình chuyển đến Chicago sau khi MacDonald được nhận vào Đại học Y Northwestern. Đứa con thứ hai, Kristen, chào đời vào tháng 5-1967. Dù gánh nặng tài chính đè nặng lên gia đình trẻ, không thể phủ nhận rằng họ đã có một cuộc sống hạnh phúc và những điều quan trọng nhất.

Jeffrey MacDonald phía sau song sắt nhà tù chờ xét xử tại tòa án liên bang.

Sau khi tốt nghiệp năm 1968, MacDonald nhận ra rằng làm việc trong quân đội là cách để thăng tiến sự nghiệp, và điều đó đã đúng. Ngay sau khi chuyển đến Fort Bragg, Bắc Carolina, MacDonald trở thành bác sĩ phẫu thuật cho Lực lượng Mũ nồi xanh.

Mọi chuyện dần đi vào quỹ đạo vào năm 1969. MacDonald không bị điều động tới chiến trường tại Việt Nam, trong khi cả gia đình hân hoan với tin Colette mang thai lần thứ ba. Đáng buồn thay, họ không còn sống được hết năm tới.

Hơn 3 giờ sáng ngày 17/2/1970, các nhân viên điều phối tại Fort Bragg nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ địa chỉ của gia đình MacDonald, số 544 Castle Drive. MacDonald cho biết đã có một vụ “đâm người" và xin xe cấp cứu. Bốn sĩ quan cảnh sát đã đến hiện trường lúc 4 giờ sáng và chứng kiến một cảnh tượng thảm khốc.

Người đầu tiên phát hiện các thi thể là Kenneth Mica. MacDonald còn sống, bị thương và nằm cạnh người vợ đã chết. Colette MacDonald, 26 tuổi, đã bị đâm gần 40 nhát bằng dụng cụ rỗ đá và một con dao - trong khi dòng chữ “pig” (con lợn) vẽ nguệch ngoạc trên đầu giường bằng máu của chính người phụ nữ xấu số. Kristen, 2 tuổi, thiệt mạng vì 33 vết dao và 15 vết thương, trong khi Kimberly, 5 tuổi, bị đánh chết. MacDonald chỉ có một vết đâm, được bác sĩ phẫu thuật của bệnh viện sau đó mô tả là một vết rạch “gọn gàng, nhỏ, sắc” khiến phổi trái tổn thương một phần.

MacDonald cho biết vì Kimberly làm ướt giường nên anh ta phải ngủ ở ghế dài. Nửa đêm MacDonald bị đánh thức bởi tiếng la hét và thấy ba kẻ đột nhập là nam giới đang được giám sát bởi một phụ nữ tóc vàng. Vì để cứu gia đình, MacDonald đã chống trả quyết liệt tới khi bị đâm và đánh bất tỉnh. Theo lời MacDonald, người phụ nữ tóc vàng bí ẩn đội một chiếc mũ mềm và đi ủng cao gót, vừa cầm một ngọn nến vừa hô vang “Acid is groovy. Kill the pigs”.

Trả lời phỏng vấn tờ People vào năm 2017, sỹ quan Kenneth Mica nói rằng anh nhớ mình đã trông thấy một phụ nữ giống như miêu tả tại khu vực cách nhà của MacDonald vài dãy phố khi anh cùng đồng đội vội vã tới hiện trường. Anh cũng nói rằng mình đã báo cáo vụ việc với cấp trên và yêu cầu cử xe cảnh sát tới để tìm hiểu tại sao người phụ nữ này làm gì ở ngoài đường vào thời điểm đó, song không ai được điều động. Mica cũng cho rằng Bộ phận Điều tra Hình sự của Quân đội (CID) đã bỏ qua điều này trong cuộc điều tra sau đó của họ và không có bất kỳ nỗ lực nào để xác định người phụ nữ đó là ai.

Những hoài nghi

CID tiến hành một cuộc thẩm vấn kéo dài 5 tháng (được gọi là phiên điều trần Điều 32) bắt đầu vào tháng 4, và các quan chức có ý định chỉ sử dụng các bằng chứng vật chất và lời khai của MacDonald để đưa ra phán quyết. Kết quả, họ kết luận rằng vết thương của MacDonald là do tự gây ra và câu chuyện về những kẻ đột nhập là hoàn toàn bịa đặt. Phòng khách chỉ có vài dấu hiệu giằng co, trong khi con dao gây án được tìm thấy ở ngoài cửa sau. Găng tay phẫu thuật được sử dụng để viết dòng chữ trên đầu giường giống hệt với đồ mà MacDonald có trong nhà bếp của mình. Chỉ có duy nhất người phụ nữ tóc vàng là chi tiết vẫn còn bỏ ngỏ.

Phía quân đội buộc tội MacDonald về vụ giết người, song chủ tọa phiên tòa, Đại tá Warren Rock khuyến nghị bác bỏ cáo buộc. Ông cho rằng không có đủ bằng chứng, trong khi luật sư biện hộ Bernard Segal nhận định CID đã xử lý hiện trường không đúng cách, trong khi những kẻ tình nghi như Helena Stoeckley, một kẻ nghiện ma túy trong khu vực, và được cho là người phụ nữ tóc vàng xuất hiện đêm đó, vẫn tiếp tục đi lang thang tự do.

MacDonald được quân đội chấp nhận giải ngũ trong danh dự sau đó. Nhiều người đã tin MacDonald vô tội, trong đó có cả Mildred và Freddie Kassab, mẹ và cha dượng của Colette, hai người từng làm chứng bảo vệ con rể của mình trong phiên điều trần.

Tuy nhiên, sau khi MacDonald chuyển đến Long Beach, California để tiếp tục sự nghiệp của mình tại Trung tâm Y tế St. Mary, một bước ngoặt khác đã đến.

Mildred và Freddie Kassab bắt đầu dấy lên những nghi ngờ sau một cuộc điện thoại vào tháng 11-1970, khi MacDonald nói rằng anh ta đã tìm thấy và giết chết một trong những kẻ đột nhập năm xưa. Trong những lần xuất hiện trên phương tiện truyền thông để kể về thảm kịch của gia đình, như cuộc phỏng vấn trong The Dick Cavett Show, MacDonald tỏ ra thản nhiên một cách đáng ngờ.

Sau khi đọc bản ghi đầy đủ của phiên điều trần, cha mẹ của Colette tin rằng câu chuyện của MacDonald đã bị bóp méo. Freddie Kassab cùng các nhà điều tra của CID đã quay lại hiện trường vụ án vào năm 1971 để đối chiếu với những những tuyên bố của MacDonald và xác định rằng câu chuyện hoàn toàn là vô lý.

Nhà Kassab đã nộp đơn khiếu nại hình sự vào tháng 4-1974, yêu cầu tòa án liên bang triệu tập bồi thẩm đoàn để lật lại vụ án. Nỗ lực thành công và MacDonald bị kết tội giết người vào năm sau đó.

Jeffrey MacDonald bị buộc tội vào tháng 5-1975 song vẫn kiên quyết không nhận tội, khiến phiên tòa bị trì hoãn. Khoảng 5 năm sau, phiên tòa do Thẩm phán Franklin Dupree chủ tọa bắt đầu vào ngày 16-7-1979. Bên công tố, do James Blackburn và Brian Murtagh dẫn đầu, cho rằng MacDonald đã dàn dựng hiện trường vụ án để đổ tội cho những kẻ hippie cực đoan. Họ đưa ra bằng chứng là một tờ báo Esquire năm 1970 được tìm thấy trong nhà của MacDonald có ghi chi tiết về vụ Sharon Tate cùng bạn bè bị giết hại và cho rằng MacDonald đã tạo ra một câu chuyện mô phỏng lại vụ án “gia đình Manson” trước đó.

“Gia đình Manson” và những điểm tương đồng

Charles Manson là con trai của một gái "bán hoa", và không biết cha là ai. Tuổi thơ không êm đềm của Manson, kẻ có chỉ số IQ rất cao (109-121), khiến hắn thay vì lo học hành lại dùng toàn bộ trí thông minh của mình để lên kế hoạch cho những vụ phạm tội và lập hẳn ra một "giáo phái" của riêng mình. 

Charles Manson dùng những câu khẩu hiệu về tình dục, ma túy, tình yêu tự do, âm nhạc... để thu hút đông đảo thành viên cuồng tín, trong đó đa số là các cô gái trẻ cả tin, những thanh niên trẻ tuổi bất mãn với xã hội.

MacDonald tại nhà tù Terminal Island, nơi cũng giam giữ Charles Manson.

Đêm 8/8/1969 định mệnh, dưới sự chỉ đạo của Charles Manson, Tex Watson đã dẫn theo đồng bọn đến "căn nhà mà nhà sản xuất âm nhạc Terry Melcher từng sống" và ra lệnh cho những kẻ còn lại "giết hết mọi người trong nhà theo cách tàn độc nhất". Terry Melcher là một nhà sản xuất âm nhạc từng từ chối thu âm cho nhóm của Manson, và vụ tấn công thực chất nhằm vào gia đình của Terry Melcher nhưng Manson không hề biết căn nhà đã được đạo diễn Polanski thuê lại.

Những kẻ thủ ác dồn nạn nhân đến phòng khách và ra tay giết hại từng người một cách dã man. Ngày 3/12/1969, các nhân viên điều tra xác định thủ phạm chính trong vụ thảm sát tại ngôi nhà của nữ diễn viên Sharon chính là "Gia đình Manson". Bốn trong trong số các thành viên của giáo phái “Gia đình Manson” là những người trực tiếp ra tay giết hại 7 người theo sự chỉ đạo của hắn.

Sau khi thu thập đủ bằng chứng, cảnh sát phát lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với Charles Manson, Tex Watson, Linda Kasabian và Patricia Krenwinkel, Susan Atkins. Linda Kasabian đã quyết định khai ra tất cả để được hưởng khoan hồng.

Tại phiên tòa xét xử MacDonald năm 1979, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mô phỏng lại cách MacDonald tuyên bố đã dùng để tự vệ trước những kẻ tấn công và chứng minh lời khai của bị cáo là mâu thuẫn với bằng chứng. Đáng chú ý nhất là những lỗ thủng trên chiếc áo mà MacDonald mặc được cắt quá gọn gàng và không có vẻ gì là bị rách do xô sát. Hồ sơ y tế của MacDonald cho thấy anh ta không có vết thương nào trên cánh tay hoặc bàn tay tương đồng với vụ tấn công được nêu lên trước đó.

Các luật sư đã mời nghi phạm “tóc vàng” Helena Stoeckley làm nhân chứng và hy vọng sẽ nhận được lời thú tội. Stoeckley khẳng định chắc chắn chưa bao giờ vào trong nhà của MacDonald, dù trước đó có tin nói rằng Stoeckley từng rêu rao về chuyện cô ta nhớ rằng mình có thể từng tham gia hiện trường một vụ giết người và nhớ lại là mình đã cầm một ngọn nến nhỏ máu. Thật không may cho MacDonald, Stoeckley không bao giờ thừa nhận bất kỳ ký ức nào về việc mình tham gia vào các vụ giết người tại tòa án.

MacDonald đã tự biện hộ cho mình và kiên quyết phủ nhận tất cả các cáo buộc. Dù không có động cơ và không có tiền sử bạo lực, MacDonald đã bị kết án về vụ giết vợ và hai con gái, bị tuyên 3 bản án chung thân vào ngày 26-8-1979.

Đi tìm sự thật

Câu chuyện của Jeffrey MacDonald chưa dừng lại ở đó. MacDonald đã mời Joe McGinniss viết một cuốn sách về vụ án trước khi phán quyết cuối cùng được tuyên bố. Tác giả đã được tiếp cận đầy đủ phiên tòa và tỏ ra thông cảm với bị cáo. Tuy nhiên, thay vì sự bảo vệ những thông tin và giúp chứng minh MacDonald trong sạch như trông đợi, cuốn sách bán chạy nhất năm 1983 “A Fatal Vision” lại mô tả cựu bác sĩ này là “một kẻ tâm thần đầy tự ái”. MacDonald đã kiện McGinniss về tội gian lận vào năm 1987, và tòa án dàn xếp với số tiền bồi thường 325.000 USD.

Năm 2012, nhà làm phim Errol Morris, bị thu hút bởi câu chuyện nhiều uẩn khúc, đã viết cuốn sách về Jeffrey MacDonald dài 500 trang “A Wilderness of Error”. Kể từ khi được chuyển thể thành loạt phim tài liệu cùng tên do Marc Smirling đạo diễn, dự án nhằm mục đích chi tiết hóa những bằng chứng mà Morris tin rằng đã bị mất, xử lý sai hoặc rõ ràng là không đáng tin cậy ngay từ đầu.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng cuốn sách vẽ một bức tranh đầy cảm xúc về một người đàn ông bị giới truyền thông nhìn nhận tiêu cực này đã bỏ qua những bằng chứng rõ ràng dẫn đến phán quyết năm 1979. Thực tế phần lớn những gì Morris giới thiệu là các bằng chứng mới đều đã xuất hiện trong phiên tòa kết tội MacDonald. Trong số này, thuyết phục nhất là đoạn trích dẫn kháng cáo liên bang năm 2017 của MacDonald. 

Theo đó, 3 sợi tóc được phát hiện tại hiện trường vụ án không khớp với bất kỳ ADN nào của gia đình MacDonald. Một bản khai có tuyên thệ cho thấy công tố viên James Blackburn bị cáo buộc đã đe dọa Stoeckley không được nói sự thật trước tòa.

Với MacDonald, dù 3 sợi tóc được tìm thấy ở hiện trường không giúp ông nói lên được điều gì, song vẫn luôn được xem là bằng chứng chứng minh cho sự vô tội của mình.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.