Người chuyển giới bị ngược đãi và bạo hành
- Bi kịch người chuyển giới từ một vụ án mạng
- Người chuyển giới Thái Lan gia tăng tấn công du khách
- Sử dụng người chuyển giới biểu diễn "Bikini Show" thu hút khách
Kader được nhìn thấy lần cuối cùng khi bước vào một chiếc ôtô của khách hàng vào ban đêm. Nhưng cái chết không chỉ đe dọa Hande Kader mà còn cho mọi người trong cộng đồng LGPTI ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình trạng khẩn cấp được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ban bố ngay sau âm mưu đảo chính thất bại hôm 15-7 nhằm hạn chế tối đa những cuộc biểu tình nhưng đây là lần đầu tiên, những nhân vật nổi tiếng ở Thổ nhĩ Kỳ cùng kêu gọi phản ứng trước vụ sát hại Hande Kader và tham gia vào cuộc tuần hành tối hôm 20-8 tại Istanbul.
Hande Kader lúc còn sống. |
Theo dữ liệu từ nhóm nhân quyền Transgender Europe (TGEIU) đặt trụ sở tại Berlin (Đức), Thổ Nhĩ Kỳ có số lượng những vụ sát hại người chuyển giới cao nhất châu Âu. Khi còn sống, Hande Kader luôn đi đầu trong những cuộc tuần hành, thường xuyên kêu gọi mọi người quan tâm đến những vụ giết hại người chuyển giới ở Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời chỉ trích mạnh mẽ sự thiếu công lý ở nước này.
Năm 2015, cảnh sát cấm tổ chức cuộc tuần hành thường niên của LGPTI Pride diễn ra tại Quảng trường Taksim ở Istanbul và thậm chí còn sử dụng nhiều biện pháp giải tán và trấn áp cộng đồng này như phun vòi rồng, bắn đạn cao su và phun xịt hơi cay.
Hande Kader lúc nào cũng kiên cường ở hàng đầu chống lại cảnh sát. Cô phát biểu với báo chí: "Các anh chụp hình nhưng không cần công bố chúng. Bởi vì không ai chịu lắng nghe tiếng nói của chúng tôi".
Hande Kader kiếm sống trong ngành công nghiệp tình dục và tính mạng luôn bị đe dọa. Cũng giống như mọi đồng nghiệp khác, Kader đón khách trên đường phố. Người bạn thân Funda nói về Kader: "Kader không hề thích công việc này nhưng cô ấy còn biết kiếm sống bằng nghề gì?".
Kemal Ordek, phụ nữ chuyển giới may mắn sống sót khi nhà riêng bị tấn công, cho biết: "Có rất ít người chuyển giới chết do nguyên nhân tự nhiên. Gần như không có ai cả. Khi bị buộc làm việc trong môi trường tình dục, không ai có thể sống đến già, tất cả họ đều bị giết chết". Kemal Ordek tốt nghiệp khoa Xã hội học và là Chủ tịch Red Umbrella - Hiệp hội bảo vệ quyền những "lao động tình dục" chuyển giới.
Ordek nói tiếp: "Khi bước đi trên đường phố, mọi người luôn nhìn chúng tôi như là những món đồ chơi phục vụ tình dục. Khi lần đầu tiên trở thành nhà hoạt động, tôi khó mà ngủ được khi nghĩ đến những thông tin nhận được trong đêm khuya. Ngay cả bây giờ, điện thoại của tôi được đặt ở chế độ reo lớn nhất khi tôi đang ngủ. Tôi chờ đợi tin tức: một ai đó bị đâm chết, một ai đó bị đánh đập. Tôi được gọi đến và tôi phải đi ngay lập tức".
Tiến trình tái xác định nhân dạng của người chuyển giới ở Thổ Nhĩ Kỳ thường kéo dài và không có kết quả. Nhiều người không dám làm lại giấy căn cước cho nên họ không thể làm việc trong các nhà thổ có bảo vệ.
Sinem Hun, nữ luật sư phụ trách những vụ làm lại căn cước cho người chuyển giới, cho biết chính quyền "muốn nhìn thấy" cơ quan sinh dục của người chuyển giới (cả nam lẫn nữ) để tiến hành thủ tục làm lại căn cước. Sinem Hun kể: "Có nhiều người chuyển giới không làm lại căn cước trong 5 hay 6 năm".
Hiện nay có 24 quốc gia trên thế giới trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Thụy Sĩ đòi hỏi người chuyển giới làm lại căn cước. Trong khi đó 15 quốc gia khác không đòi hỏi như Anh, Thụy Điển, Italia và Tây Ban Nha. Phẫu thuật chuyển đổi giới tính bị coi là bất hợp pháp ở Hungrary, Cyprus, Moldova và Albania.