Phụ nữ chỉ có quyền sinh con, nuôi con và… chấm hết!

Thứ Sáu, 25/11/2016, 11:00
Trong lý tưởng Hồi giáo mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan quan niệm, phụ nữ nước này chỉ hiện hữu với tư cách là người mẹ. Vai trò của họ rất rõ ràng: nuôi nấng ít nhất 3 đứa con và ở nhà để dạy dỗ chúng. Đứng trước tương lai u ám càng ngày càng bị tước nhiều quyền lợi, nỗi lo lắng đang dâng cao trong phái nữ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hasret rất đẹp với đôi mắt xanh và dáng vẻ đúng chuẩn. Là chủ một tiệm làm tóc ở hữu ngạn sông Istanbul, Hasret liên tục đi khắp nơi, nở nụ cười với các nữ khách hàng nhưng nỗi âu lo cứ vương trong mắt. Trong vài ngày tới cô phải đến tòa án để tham dự phiên tòa xử người chồng cũ.

Ở tuổi 35, Hasret sắp phải sống lại câu chuyện bi thảm của một đêm tháng 8-2014, lúc cuộc đời của cô suýt kết thúc. "Chúng tôi đang làm thủ tục ly hôn. Chồng tôi đánh đập tôi và tôi không thể chịu đựng được nữa. Nhưng ông ta không chấp nhận ý nghĩ rằng tôi có thể lấy lại tự do. Mất vợ tức là mất danh dự của ông ta" - Hasret cho biết.

Bà chủ tiệm làm tóc Hasret.

Đêm hôm đó chuông cửa reo lên và Hasret ra mở cửa. Chồng cô lao vào đánh đập cô tới tấp với một cây tuốcnơvít. "Điều cuối cùng mà tôi còn nhớ là ánh mắt khiếp đảm của đứa con trai 3 tuổi. Nó bịt chặt tai để không nghe thấy tiếng kêu la của tôi" - Hasret kể lại. Khi được xuất viện 18 ngày sau đó, cô sững sờ khi được biết người chồng vũ phu vẫn còn tự do. Phải thêm 1 lần hành hung nữa nhưng nhờ hàng xóm can thiệp, ông ta mới bị câu lưu.

"Mỗi ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ có 1 phụ nữ bị giết trong hoàn cảnh như thế" - bà Melek Ozman khẳng định. Với sự hỗ trợ của 10 hiệp hội bảo vệ nữ quyền, nhà làm phim này đã nghiên cứu 949 trường hợp phụ nữ bị giết từ năm 2009 đến 2013. "Trong đa số trường hợp, các bà vợ bị giết vì họ muốn chia tay với chồng. Có rất nhiều án mạng vì danh dự, nhất là khi người vợ có những lời  đồn đại xấu. Nhưng hiếm khi họ nhận được sự trợ giúp của chính quyền.

Ngược lại, những kẻ thủ ác thường không bị trừng phạt. Đôi khi cảnh sát còn giúp họ điền vào tờ khai để không gặp vấn đề gì" - Melek Ozman cho biết. Cũng có cùng nhận định từ bà Melda Onur, cựu dân biểu đảng đối lập CHP của phong trào do Mustapha Kemal Ataturk thành lập vào năm 1923 nói: "Tôi đã dự nhiều phiên tòa xử về án mạng phụ nữ. Quan tòa thường ban cho thủ phạm những tình tiết giảm nhẹ thật kỳ lạ, chẳng hạn như sự ghen tuông".

Vì sao pháp luật lại thiếu công tâm như thế? Bởi vì đã có sự hậu thuẫn của Tổng thống Erdogan và đảng Công lý và Phát triển AKP. "Trong lý tưởng Hồi giáo mà Erdogan quan niệm, phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ hiện hữu với tư cách là người mẹ. Vai trò của họ rất rõ ràng : nuôi nấng ít nhất 3 đứa con và ở nhà để dạy dỗ chúng, như Tổng thống đã tuyên bố vào năm 2013" - cựu dân biểu Lale Akgun người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ của đảng Xã hội Dân chủ (SPD) ở Quốc hội Đức giải thích.

Những con số thật khó tin. Tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có 30% phụ nữ đi làm, và ít có người đảm đương các trọng trách hàng đầu. Trong Quốc hội họ chỉ chiếm 14%.

"Vị trí của họ trong xã hội cũng không ngừng thu hẹp lại. Việc che mạng luôn tiến triển, phụ nữ ngày càng có ít tự do hành động. Theo chính quyền Hồi giáo, bị bó gọn trong vai trò sinh nở, phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay không quan trọng bằng gia đình mà họ phải thuần phục" - triết gia Zeynep Direk đồng tình. Đối kháng với đàn ông, cố thoát ra khỏi khuôn khổ gia đình tức là gây nguy hại cho khuôn mẫu xã hội mà Erdogan luôn hô hào. Điều này có nghĩa là các quan tòa không mấy hứng thú trong việc tạo dễ dàng cho những người có yêu cầu ly hôn.

Càng gây cho phụ nữ khó khăn hơn, các nhà làm luật đang chuẩn bị một đạo luật mới. Nếu được phê chuẩn, việc trợ cấp và phân chia tài sản sẽ phải vượt qua những điều kiện ngặt nghèo hơn. Trước khi tiến hành thủ tục, mọi thứ phải được thực thi để tránh việc ly hôn. Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag đã từng lên tiếng: "Sự can thiệp của chính phủ có thực sự cứu vãn gia đình trong trường hợp có bạo hành hay ngược lại càng ngăn cản mọi khả năng hòa giải? Chúng ta cần phải nghiêm túc bàn luận về vấn đề này". Điều đáng đau lòng nhất là không ai hỏi ý kiến của các phụ nữ đòi ly hôn cả. "Chỉ có lời khai của người chồng là được ghi nhận" - nữ Luật sư Hulya Gulbahar cho biết. 

Trong những năm đầu cầm quyền, đảng AKP đã hành động rất nhiều vì phụ nữ. Trong bộ luật hình sự năm 2005, nạn cưỡng hiếp trong gia đình bị xem như là một tội ác. Cuộc đấu tranh chống bạo hành gia đình đã dẫn đến một đạo luật riêng biệt, đây là một tiến bộ trong đất nước có 4/10 phụ nữ là nạn nhân, theo một nghiên cứu của Đại học Hacettepe ở Ankara. Và năm 2012 Tổng thống Erdogan đã phê chuẩn hiệp định Istanbul về ngăn ngừa và chống bạo hành phụ nữ.

3.000 người xuống đường biểu tình phản đối dự luật xóa tội hiếp dâm trẻ em nếu thủ phạm làm đám cưới với nạn nhân.

Nhưng Tổng thống Erdogan đã thay đổi thái độ khi Ankara và Brussels quay lưng lại với nhau sau nhiều năm cố gắng cải thiện quan hệ nhưng không kết quả. Lên làm Tổng thống và không còn bận tâm chuyện phải làm hài lòng châu Âu, ông đã tự do bộc lộ bản chất bảo thủ. Ngày 24-11-2014 ông tuyên bố rằng "phụ nữ không thể được xem ngang hàng với đàn ông".

Vài tháng trước đó, Phó Thủ tướng Bulent Arinc yêu cầu phụ nữ "không nên cười to trước công chúng và phải bảo vệ danh dự". Mới đây thị trưởng thành phố Bingol tuyên bố rằng ông sẽ không đưa phụ nữ vào nhóm vì họ không đủ khả năng nắm giữ các chức vụ đó.

Sau những tuyên bố là các hành động. Năm 2012 Erdogan cố giảm thời hạn hợp pháp để phá thai từ 10 tuần xuống 4 tuần, điều này đơn thuần là bãi bỏ quyền phá thai. Nhưng nhiều cuộc biểu tình rầm rộ khiến ông phải rút lại quyết định. Ít ra là bề ngoài thôi. Hiện nay rất khó khăn nếu phá thai tại Thổ Nhĩ Kỳ.

"Trong dưỡng đường tư nơi tôi làm việc, chúng tôi chỉ có 3 người thực hành kỹ thuật phá thai. Năm người khác không chịu làm với lý do tôn giáo hay ái quốc" - một bác sĩ sản khoa ở Istanbul cho biết. Những ai không có tiền chi trả cho kỹ thuật (khoảng 500 euro, bằng 1 tháng tiền lương) phải đến một bệnh viện công và sẽ gặp rất nhiều rắc rối.

"Phá thai không được bảo hiểm chi trả vì không được xem như là một thủ thuật y học. Bác sĩ không được trả tiền nên cần gì phải liều lĩnh chứ? Thậm chí phá thai còn không được gây mê. Chỉ có một cách là bệnh nhân phải đến phòng khám lậu có rất nhiều tại một số khu phố ở Istanbul. Những nơi đó luôn rất đông người dù điều kiện vệ sinh rất tồi tệ" - bác sĩ cho biết thêm.

Từng bước một, cơn sốt bảo thủ lan dần sang mọi lĩnh vực của xã hội. Nó làm chao đảo nền tảng "thế tục kiểu Thổ Nhĩ Kỳ" mà người sáng lập nước cộng hòa Mustapha Kemal Ataturk mong muốn. Ít ra ông ta đã gieo hy vọng cho phụ nữ. Chính ông vào năm 1934 đã trao cho phụ nữ quyền đi bầu, trước cả nước Pháp 11 năm. Cô con gái nuôi của ông, Sabuha Goken, đã trở thành phi công chiến đấu.

Sự tương phản rất bao quát nhưng nhà xã hội học Hulya Ugur Tanriover phân tích: "Mustapha Kemal muốn cho phụ nữ đi học nhất là vì ông muốn họ dạy dỗ con cái tốt hơn. Theo cách nào đó Erdogan cũng đi theo hướng này. Ông rất được phụ nữ mến mộ, nhất là những ai sống tại các khu vực truyền thống. Nhiều người hưởng được sự trợ giúp của chính phủ vì họ chăm sóc cho con cái và người già. Lợi tức nhỏ nhoi đó giúp họ ít lệ thuộc vào người chồng. Vì thế họ bầu cho Erdogan". 

Ngược lại, tại các thành phố lớn, nỗi bất bình dâng cao. Nữ sinh viên tin học Izel phản đối theo cách của cô: cô mặc áo thun khoét sâu cổ. "Tôi không thể chịu nổi những lời nhận xét liên tục vì tôi để hở một phần vai. Xã hội đã phân làm đôi. Ngay cả trong gia đình tôi, phụ nữ mang mạng che mặt không còn đi đến các lễ hội nữa. Khi kết thúc việc học, tôi sẽ ra nước ngoài".

Chẳng thế lực chính trị nào có thể điều hướng được cuộc nổi loạn này, hơn nữa nhiều người lại rất lo sợ. Cựu dân biểu Đức Lale Akgun đồng tình: "Xã hội dân sự ngày càng  bị áp lực. Tôi tự hỏi không biết khi nào phụ nữ sẽ được lắng nghe".

Trong tiệm làm tóc của mình, Hasret có ý định đấu tranh : "Tôi muốn câu chuyện của tôi sẽ là điển hình. Tôi hy vọng rằng chồng cũ của tôi sẽ bị kết án thật nặng, nhưng chính tôi cũng biết điều gì đang chờ đợi tôi. Anh ta nói rằng sau khi ra tù, anh ta sẽ kết thúc chuyện đã bắt đầu".

Đảng cầm quyền Công lý và phát triển (AKP) của Thổ Nhĩ Kỳ vừa đưa ra dự luật xóa tội cho người quan hệ tình dục với trẻ em nếu họ chấp thuận cưới nạn nhân.

Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết: Dự luật sẽ cho phép hoãn trừng phạt vô thời hạn đối với các vụ lạm dụng tình dục mà trong đó "không có vũ lực, đe dọa hay thủ đoạn" nếu hung thủ đã cưới nạn nhân "Có người kết hôn khi chưa đủ tuổi vì họ không hiểu luật. Khi họ sinh con, người cha phải đi tù, bỏ lại con cái khiến nhiều gia đình "tan vỡ".

Ông Yildirim cho biết dự luật sẽ áp dụng với khoảng 3.000 gia đình và chỉ dùng cho hồi tố "nhằm bù đắp cho những người đàn ông phải ngồi tù và đã tảo hôn, trong một buổi lễ tôn giáo, có sự đồng ý của gia đình". Thủ tướng Binali Yildirim bác bỏ cáo buộc đây là hình thức "ân xá cho tội hiếp dâm trẻ em".

Giải thích thêm cho dự luật kỳ quặc này, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag nói: "Luật này sẽ giúp các cặp đôi tự nguyện quan hệ tình dục và muốn đi tới hôn nhân. Khi một đứa trẻ được sinh ra là kết quả của một mối quan hệ không chính thức, người đàn ông sau đó bị tống vào tù, và như vậy sẽ khiến đứa bé và người mẹ lâm vào cảnh túng thiếu (!).

Tuy luật Thổ Nhĩ Kỳ cấm những cuộc hôn phối với trẻ dưới 18 tuổi nhưng tình trạng tảo hôn thông qua những buổi lễ tôn giáo lại khá phổ biến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn tại quốc gia Hồi giáo đa phần theo dòng Sunni với 78 triệu dân này. Tuy nhiên, dự luật này đã vấp phải không ít những ý kiến chỉ trích cho rằng, việc thông qua dự luật sẽ khuyến khích "hôn nhân cưỡng bức" hay "hợp pháp hóa hiếp dâm".

"Các gia đình ép bé gái từ 11 đến 17 tuổi kết hôn là trái pháp luật. Cộng đồng chỉ biết khi bé gái sinh con tại bệnh viện hoặc trường học phát hiện ra các em đã mang bầu", Canan Gullu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ, nói. Theo nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Nuriye Kadan, khoảng một phần ba đám cưới tại Thổ Nhĩ Kỳ có cô dâu là trẻ em.

Dự luật ngay lập tức trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội Twitter tại Thổ Nhĩ Kỳ với dòng hashtag "không thể hợp pháp hóa hiếp dâm". "Lạm dụng tình dục, hơn nữa lại là lạm dụng trẻ em, là tội ác rõ ràng và không có sự chấp thuận nào trong đó. Đây là điều đảng AKP không hiểu", Ozgur Ozel, nghị sĩ cấp cao đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập, nói. Ngày 19-11, khoảng 3.000 người đã xuống đường tham gia vào cuộc tuần hành tại Quảng trường Kadikoy ở Istanbul, hô vang các khẩu hiệu lên án dự luật mà Đảng cầm quyền AKP của Thổ Nhĩ Kỳ vừa đệ trình lên Quốc hội.

Q.H. (theo Guardian)

Minh Luân (theo L'Express)
.
.