Thủ đoạn rút ruột tiền tỷ của những “kiều nữ ngân hàng”

Thứ Ba, 04/10/2016, 20:25
Trẻ trung, có nhan sắc, được làm trong môi trường ngân hàng vốn là công việc mơ ước của nhiều người, song vòng xoáy của đồng tiền đã khiến những “kiều nữ ngân hàng” tự đánh mất mình. Khi cần tiền, “kiều nữ ngân hàng” trở nên liều lĩnh, bất chấp để “làm bậy”, chiếm đoạt tiền của khách hàng và ngân hàng với số lượng lớn.

Kiều nữ lập mưu chiếm đoạt 48 tỷ đồng của 6 đại gia

Những ngày qua, dư luận nhân dân tỉnh Nghệ An xôn xao trước thông tin “kiều nữ ngân hàng” Nguyễn Thị Lam (29 tuổi), nhân viên Phòng giao dịch Đô Lương (Ngân hàng Eximbank, chi nhánh Vinh - Nghệ An) bị bắt giữ về hành vi “rút ruột” 48 tỷ đồng tiền gửi của 6 đại gia gửi tại ngân hàng này.

Trong số những “kiều nữ ngân hàng” bị rơi vào vòng lao lý thì Lam là người ít tuổi  nhưng lại có “máu” làm liều hơn hẳn các đàn chị khi con số thiệt hại do Lam gây ra cho ngân hàng được coi là lớn nhất từ trước đến nay tại Nghệ An.

Thông tin ban đầu cho biết, Nguyễn Thị Lam tốt nghiệp Trường Cao đẳng kinh tế Nghệ An (nay là Đại học Kinh tế Nghệ An). Sau một thời gian làm kế toán cho doanh nghiệp của gia đình, cuối năm 2010, Lam thử việc tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh Vinh. Đến tháng 3-2011, Lam được nhận vào làm nhân viên ngân quỹ tại Phòng giao dịch Đô Lương. Nhiệm vụ của Lam là thu chi tiền mặt, kiểm tra hồ sơ cho vay vốn, huy động vốn, cho vay theo chỉ tiêu...

Trần Thị Thu, “kiều nữ” ngân hàng ACB và các đối tượng “tín dụng đen” trước vành móng ngựa.

Theo cơ quan điều tra, sau một thời gian làm việc, Lam quen biết với một số khách hàng giàu có. Ban đầu, để hoàn thành chỉ tiêu huy động tiền gửi, Lam đã chèo kéo số khách này gửi tiền để Lam đạt “chỉ tiêu” bằng cách tự nâng lãi suất tiền gửi từ 3,5-5,5% (theo quy định của ngân hàng) lên 7-12%/năm. Do ham lãi suất cao, lại tin tưởng Lam đang làm việc tại ngân hàng nên nhiều người đồng ý gửi tiền bằng cách không đến ngân hàng mà đến nhà riêng của Lam để ký hồ sơ, sau đó Lam chuyển sổ tiết kiệm.

Thời gian đầu, Lam chuyển đủ tiền gửi của khách cho ngân hàng và thanh toán đầy đủ phần lãi suất chênh lệch. Tuy nhiên, từ năm 2013, Lam bắt đầu nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của những khách hàng thông qua Lam gửi tiền tại Eximbank.

Theo quy chế của ngân hàng, khách hàng muốn rút tiền tiết kiệm gửi tại Eximbank phải trực tiếp đến ngân hàng xuất trình CMND, sổ tiết kiệm và trực tiếp ký các hồ sơ, thủ tục. Vì vậy, để rút được tiền từ ngân hàng, Lam đã lừa những khách hàng quen biết ký trước vào các bản khống chỉ, sau đó Lam tự viết yêu cầu rút tiền vào những giấy tờ này.

Ngoài ra, Lam còn trực tiếp giả mạo chữ ký khách hàng, sau đó trình hồ sơ, giấy tờ khách rút tiết kiệm trình ký duyệt. Với thủ đoạn này, Lam đã trực tiếp rút từ hệ thống Ngân hàng Eximbank số tiền 48 tỷ đồng của 6 khách hàng, trong đó người bị rút nhiều nhất là 34 tỷ đồng. Toàn bộ khách hàng không hề biết việc rút tiền của Lam.

Thậm chí thấy kiều nữ xinh đẹp bỗng chốc giàu có, mua nhiều nhà đất, đi ô tô hạng sang..., nhiều người còn ngưỡng mộ cô nhân viên ngân hàng vừa xinh đẹp, lại làm ăn giỏi. Cho đến khi Lam bị Cơ quan công an bắt giữ, mọi người mới ngã ngửa khi biết thủ đoạn “làm giàu” của “kiều nữ ngân hàng”.

Liên quan đến hành vi “rút ruột” ngân hàng của Nguyễn Thị Lam, Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An cũng đã thực hiện lệnh bắt Đặng Đình Hồng, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Đô Lương về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bước đầu Cơ quan công an xác định trong số tiền 48 tỷ đồng mà Lam chiếm đoạt, có 14 tỷ đồng từ các giấy tờ do ông Hồng ký duyệt. Theo khai nhận của ông Hồng thì do nể nang nhân viên nên đã ký vào các giấy tờ này.

Bài học về công tác quản lý cán bộ

Chuyện những kiều nữ đang công tác tại ngành ngân hàng, lợi dụng công việc, chức trách nhiệm vụ quản lý tiền gửi của người dân để chiếm đoạt như Nguyễn Thị Lam không phải là hiếm.  Một nhan sắc khác của ngành ngân hàng cũng đang chuẩn bị hầu tòa là Cao Thị Anh (35 tuổi), nguyên chuyên viên tín dụng Ngân hàng HSBC.

Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP Hà Nội cho biết vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND TP truy tố kiều nữ này về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Quá trình điều tra làm rõ, từ tháng 5-2012 đến tháng 2-2013, Cao Thị Anh đã thông đồng với Nguyễn Tuấn Sơn (39 tuổi), Giám đốc Công ty CP đầu tư & xuất nhập khẩu Minh Quang (trụ sở tại phố Bạch Mai và Đặng Tiến Đông, Hà Nội) xác nhận cho 25 cá nhân mở thẻ tín dụng và vay tín chấp tại HSBC.

Trong số 25 cá nhân này, Cao Thị Anh nhờ Sơn xác nhận cho 4 trường hợp (trong đó có cả chồng của Cao Thị Anh) là người của Công ty Minh Quang để mở thẻ tín dụng và vay tín chấp nhằm mục đích vừa đạt chỉ tiêu với ngân hàng, vừa mượn khoản vay của những người này để làm ăn, kinh doanh.

Trong 21 khách hàng còn lại do Nguyễn Tuấn Sơn xác nhận, có 10 trường hợp không phải là nhân viên của Công ty Minh Quang. Sau khi những người này vay được tiền ngân hàng, Sơn sử dụng 600 triệu đồng của 4 cá nhân vay tín chấp vào mục đích cá nhân, không có khả năng thu hồi. Có 2 khách hàng vay được 300 triệu đã cho Sơn vay lại 175 triệu. 2 người khác là anh họ và bạn thân của vợ Sơn bị Sơn sử dụng CMND, hộ khẩu... photo rồi cùng Cao Thị Anh lập hồ sơ vay HSBC 423 triệu đồng.

Các khoản vay trên đã được Sơn sử dụng cá nhân nhưng không thực hiện việc trả gốc, lãi cho ngân hàng. Tổng số tiền mà Sơn đã chiếm đoạt của ngân hàng là 425 triệu đồng. Đến năm 2013, Sơn bỏ trốn khỏi địa phương và đã bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an truy nã về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ra, Cao Thị Anh còn lập hồ sơ giả xác nhận cho 6 khách hàng là nhân viên Công ty Biển Bạc (trụ sở tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy); thông đồng với Nguyễn Thị Huyền - Trưởng phòng hành chính tổ chức Công ty CP đầu tư Acom (trụ sở tại đường Giải Phóng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) ký xác nhận cho 9 khách hàng không phải là nhân viên của Acom để mở thẻ tín dụng và vay tín chấp của HSBC...

Sau khi hoàn tất các xác nhận về thông tin giả để khách hàng đủ điều kiện, Cao Thị Anh nộp hồ sơ về bộ phận thẩm định của ngân hàng; đồng thời dặn khách hàng hoặc thông đồng với các nhân viên công ty đã ký xác nhận để họ khai các thông tin gian dối khi bộ phận thẩm định của ngân hàng thẩm định qua điện thoại.

“Kiều nữ ngân hàng” Cao Thị Anh, Nguyễn Thị Lam.

Theo cơ quan điều tra, qua thẩm định, đã có tổng số có 42 khách hàng thông qua Cao Thị Anh làm giả xác nhận vay tín chấp và mở thẻ tín dụng tại HSBC đã được ngân hàng giải ngân với tổng dư nợ là trên 6 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của những khách hàng này, có tới 30 khách hàng chỉ là lao động tự do, làm các công việc không ổn định như thợ mộc, nông dân, thợ sửa xe... thu nhập hằng tháng thấp nên số tiền dư nợ trên khoản vay tín chấp và trên thẻ tín dụng của họ rất khó thu hồi.

Những người này cũng khai nhận họ không phải là nhân viên của các công ty Minh Quang, Biển Bạc và Acom nhưng khi nhân viên Ngân hàng HSBC gọi đến thẩm định, theo hướng dẫn của Cao Thị Anh, họ đều nói dối là nhân viên của 3 công ty này và có lương. Hành vi sai phạm của Cao Thị Anh đã gây thiệt hại cho Ngân hàng HSBC khi rất nhiều khách hàng vay tín chấp nợ quá hạn và nợ thẻ tín dụng khó có khả năng thu hồi.

Cho đến đầu năm 2013, khi Cao Thị Anh đã phấn đấu thành chuyên viên cấp 7 khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, những sai phạm của kiều nữ mới bị phát hiện khi Ngân hàng HSBC bất ngờ nhận được đơn khiếu nại của một công dân về việc không nộp hồ sơ tín chấp tại HSBC nhưng bỗng dưng nhận được “trát” đòi nợ của ngân hàng. Sau khi kiểm tra, phát hiện các thủ đoạn gian dối của Cao Thị Anh, phía ngân hàng đã sa thải kiều nữ và đề nghị cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật.

Một “kiều nữ ngân hàng” 8X cũng đang phải trả giá về sự  liều lĩnh khi  ôm tiền của ngân hàng ra thị trường tín dụng đen cho vay để được hưởng lãi suất cao. Đó là Trần Thị Thu (27 tuổi), nguyên thủ quỹ Phòng giao dịch Đền Lừ, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Năm 2013, khi “cơn sốt” tín dụng đen hoành hành, là nhân viên ngân hàng nhưng chính Thu lại rơi vào vòng xoáy này. Chỉ trong vòng 1 tháng từ 16-8 đến 12-9-2013, lợi dụng việc buông lỏng kiểm tra, giám sát của lãnh đạo phòng giao dịch, Trần Thị Thu đã lấy trên 13 tỷ đồng, 74 cây vàng SJC và 20.000 USD từ quỹ của ACB cho vay bên ngoài. “Chơi dao có ngày đứt tay”, bản thân Thu cũng lãnh hậu quả từ mối quan hệ với các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.

Ngày 12-9-2013, Thu rút 2 tỷ đồng của Phòng giao dịch Đền Lừ cho vào thùng giấy nhờ bạn trai mang về nhà, dự định để trả khoản vay 2 cán bộ cùng ngân hàng, không ngờ bị một nhóm “tín dụng đen” ở Thái Nguyên mà Thu vay tiền trước đó đứng chờ trước cửa cơ quan đòi tiền phát hiện. Chúng bắt ép bạn trai Thu lên ô tô chở đi rồi gọi điện thoại yêu cầu Thu đến để giải quyết nợ nần. Phát hiện thùng giấy có tiền, các đối tượng đã ép kiều nữ viết giấy nhận nợ 1,9 tỷ đồng rồi lấy luôn số tiền trong thùng giấy.

Sau khi phát hiện sự việc, phía Ngân hàng ACB mới chỉ thu hồi được một phần nhỏ trong số tài sản bị Thu chiếm đoạt. Với hành vi trên, Trần Thị Thu bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhóm đối tượng “tín dụng đen” cũng bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Bắt giữ người trái pháp luật”.

19 năm tù cũng là sự trả giá đắt đối với kiều nữ Lê Nữ Dạ Thảo (34 tuổi), nguyên nhân viên Ngân hàng SHB chi nhánh Đà Nẵng. Lợi dụng công việc được giao, Thảo đã lấy tên em ruột của mình đứng tên gửi 22 tỷ đồng của chi nhánh này vào Ngân hàng Nam Việt theo 3 hợp đồng tiền gửi nhằm khai thác chênh lệch lãi suất.

Lê Nữ Dạ Thảo tại tòa.

Sau đó, Thảo dùng thủ đoạn gian dối báo mất hợp đồng cũ, yêu cầu Nam Việt cấp hợp đồng mới rồi dùng chính hợp đồng này cầm cố, vay Ngân hàng Nam Việt 15 tỷ đồng. Thảo dùng chính số tiền này để trả nợ cá nhân và chơi chứng khoán. Cho đến khi bị tòa đưa ra xét xử, Thảo còn hơn 9 tỷ đồng không khắc phục được. Với mức án 19 năm tù,  chắc hẳn khi làm liều, những “kiều nữ ngân hàng” như Thảo đều không nghĩ được cái giá phải trả sẽ là quá đắt khi tuổi thanh xuân của người phụ nữ sẽ bị chôn vùi  sau cánh cửa trại giam.

Phía sau những vụ việc “kiều nữ ngân hàng” làm liều, còn là bài học xương máu trong công tác quản lý cán bộ của các ngân hàng bởi đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm nên uy tín của bất cứ ngân hàng nào.

Hương Vũ
.
.