Tiền ảo và những cạm bẫy được báo trước

Thứ Hai, 21/06/2021, 08:39
Tiền ảo chưa được cấp phép tại Việt Nam, nhiều người nhận biết được hậu quả, rủi ro khi tham gia các sàn tiền ảo. Thế nhưng, vẫn không ít người bị lừa vì tham gia các sàn tiền ảo, thậm chí có cả công chức, viên chức, những người làm trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính.


Phương thức cũ nhưng thủ đoạn tinh vi hơn

Câu chuyện tiền mất tật mang, gia đình tan nát khi tham gia các sàn tiền ảo không còn là chuyện mới ở Việt Nam. Nhưng, dường như bài học từ những vụ tiền ảo lớn đã từng bị triệt phá ở Việt Nam như forex, MyAladdinz, Lion Group, Wefitnex, Coolcat... vẫn không làm nhiều người tỉnh ngộ.

Trong số những nạn nhân, có rất nhiều người có hiểu biết, thậm chí còn làm trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh. Mới đây, khi rất nhiều nạn nhân của sàn tiền ảo Robomine tìm đến tòa soạn Chuyên đề ANTG để phán ánh bị lừa một cách cay đắng, chúng tôi đều nhận thấy họ là những người có kiến thức, đang làm trong cơ quan nhà nước, các công ty lớn... nhưng không hiểu tiền ảo có ma lực gì có thể thu hút một lúc vài trăm nghìn người chơi với số tiền lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.

Các buổi hội thảo hoành tráng do Tuấn tổ chức luôn đông kín người.

Chị H., một nạn nhân của sàn tiền ảo Robomine cho biết, chị đã và đang chơi rất nhiều sàn tiền ảo cả trong nước và quốc tế. Những đồng coin nổi tiếng nào trên thế giới chị đều biết hết. Có đồng chị chơi cả 3 năm nay mà vẫn đang lãi. Kinh nghiệm đầy mình như thế, dù đã search không ra đồng tiền ảo như Tuấn nói nhưng không hiểu sao khi nghe Đoàn Mạnh Tuấn dụ dỗ, chị vẫn nghe theo. Mất cả năm trời ngồi ngoài cuộc theo dõi bạn bè, mọi người chơi sàn tiền ảo Robomine, chị mới rót tiền vào. Và chỉ sau 10 ngày rót 82 triệu đồng vào thì Robomine ra thông báo nâng cấp sàn giao dịch, từ đó, chị H. không thể truy cập được vào tài khoản của mình.

Tại sao các nạn nhân dễ dàng bị sập bẫy, tại sao các đối tượng đi lừa thường là những kẻ không nghề nghiệp, không trình độ, bằng cấp... nhưng lại dễ dàng dụ dỗ nhiều người tham gia. Trong hầu hết những sàn tiền ảo bị đánh sập, các đối tượng đều đánh vào lòng tham của các nạn nhân, đều tự tạo dựng một chân dung, vỏ bọc hoàn hảo để đi lừa đảo. Để tăng độ tin cậy của sàn và đánh bóng tên tuổi của mình, các đối tượng cầm đầu thường xuyên khoe ảnh chụp với các lãnh đạo cấp cao, “nổ” các mối quan hệ rộng lớn với những người có ảnh hưởng với xã hội, khoe cuộc sống vương giả, sang giàu. Đồng thời, thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, offline ở những nơi sang trọng để quảng bá hình ảnh của sàn giao dịch, tăng độ tin cậy hút người chơi.

Dự án Robomine của Đoàn Mạnh Tuấn cũng không hề ngoại lệ. Để nhà đầu tư tin tưởng vào dự án Robomine, Tuấn đã cùng cộng sự tổ chức các buổi chia sẻ cũng như Zoom online tạo niềm tin cho cộng đồng.

Thời gian đầu khi chạy dự án Robomine, Tuấn thường tổ chức các buổi hội thảo, offline, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà đầu tư tại khu căn hộ cao cấp ở tòa nhà West Point số 2 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Hà Nội. Toàn bộ địa điểm này, Tuấn cho đầu tư, sửa sang nhìn hoành tráng, đẹp đẽ không khác gì các trung tâm thương mại cao cấp.

Một nạn nhân của Robomine cho biết, khi chị đến đây tham dự hội thảo, bước chân vào sảnh, chị không thể tưởng tượng tòa nhà lại hào nhoáng, sang trọng đến thế. Và niềm tin của chị vào Robomine lại càng được củng cố. Không chỉ đầu tư hoành tráng cho trụ sở chính ở Hà Nội, Đoàn Mạnh Tuấn kết hợp với các thủ lĩnh mở các văn phòng phát triển Robomine tại Hải Phòng, Tp Hồ Chí Minh, Thái Bình... cũng hoành tráng không kém gì ở Hà Nội.

Các nạn nhân đến gặp phóng viên của Chuyên đề ANTG để tố cáo sự việc.

Tại các buổi hội thảo, đào tạo, Tuấn và ê-kíp của mình chia sẻ mong muốn xây dựng một cộng đồng Blockchain chuẩn mực, tử tế và chân thành, mang giá trị tốt đẹp đến cho cộng đồng và để lại di sản số cho người Việt Nam. Tuấn mời những người nổi tiếng đến như TS. P.Q.V (T.V group) chia sẻ về phát triển bản thân, kỹ năng mềm. Hay Tuấn Nam (tên thật là Đỗ Văn Tuấn), đội nhóm từng phát triển ứng dụng Myaladdinz đã được báo chí nói đến nhiều trước đây, tổ chức chia sẻ trên Zoom online, mời gọi mọi người tham gia dự án Robomine. Để tăng thêm niềm tin, Tuấn Nam chia sẻ top 5 đồng coin đáng đầu tư nhất trong năm 2021, Bitcoin, Etherium, Ripple, Tron và Robomine để nhà đầu tư yên tâm tham gia. Đoàn Mạnh Tuấn còn tự giới thiệu mình được ông Trần Trọng Hiếu, Chủ tịch Quỹ IDJ Việt Nam cử sang New Zealand du học. Và, hiện Tuấn đang là Phó Chủ tịch Quỹ IDJ Việt Nam.

Phía IDJ đã phủ nhận thông tin mạo danh này và đã có đơn tố cáo Tuấn lừa đảo ra cơ quan Công an. Trên trang Facebook cá nhân ông Trần Trọng Hiếu, Chủ tịch của IDJ Group đã phản ứng và tố cáo hành vi mạo danh của tên Tuấn.

Để tăng khả năng thuyết phục, Đoàn Mạnh Tuấn còn lấy một gương nhà đầu tư thành công điển hình như trường hợp anh T., một người khuyết tật giàu có nhờ Robomine làm diễn thuyết chính trong nhiều buổi hội thảo. Đến khi bị mất trắng số tiền đầu tư, anh T. cũng mới biết là mình bị lừa. Vợ chồng anh T. đều là người khuyết tật, phải sống dựa vào gia đình, không có công ăn việc làm ổn định nhưng sau một thời gian tham gia Robomine, anh chị đã xây được nhà, tự kiếm sống bằng chính bàn tay, trí tuệ của mình. Những lần diễn thuyết, anh T. nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của các nhà đầu tư. Gương thành công của vợ chồng anh T. càng củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư.

Đặc biệt, với những nhà đâu tư lớn, có tiềm lực kinh tế, Tuấn lại có một chiêu thức hoàn toàn mới để dụ con mồi sập bẫy. Đó là đầu tư theo kiểu “đối ứng”. Nếu nhà đầu tư lớn còn sợ rủi ro về mất tiền, không an toàn thì Tuấn tạo một tài khoản đánh “đối ứng” dưới tài khoản của nhà đầu tư. Tức là Tuấn sẽ tạo một tài khoản chính (tài khoản cấp 1), Tuấn sẽ nộp tiền trực tiếp vào tài khoản của mình tối thiểu là 1 triệu USDT (đơn vị tiền ảo theo quy định của sàn Robomine).

Từ tài khoản cấp 1 của Tuấn, Tuấn sẽ lập tiếp một tài khoản cấp 2 cho chính mình và nhà đầu tư. Như vậy nhà đầu tư sẽ được hưởng hoa hồng 100% từ tài khoản cấp 1 của Tuấn. Từ tài khoản cấp 2 của mình và nhà đầu tư, Tuấn tiếp tục lập tài khoản cấp 3 cho mình và nhà đầu tư. Nhà đầu tư lại tiếp tục được hưởng hoa hồng từ tài khoản cấp 2 và cấp 3 của mình nhưng mỗi tài khoản, nhà đầu tư phải bỏ tối thiểu vào 500 USDT và Tuấn cũng được hưởng hoa hồng từ chính những tài khoản cấp 2, cấp 3 của nhà đầu tư. Vì được hưởng hoa hồng từ chính tài khoản của Tuấn nên các nhà đầu tư lớn yên tâm mở thêm các tài khoản khác và còn giới thiệu thêm bạn bè mình chơi để được hưởng hoa hồng.

Tài khoản cấp 1 sẽ hưởng 100%, cấp 2 hưởng 50%, cấp 3 và các cấp tiếp theo hưởng 5% lợi nhuận được trả bằng RBM. Càng nhiều người chơi thì Tuấn và nhà đầu tư càng có nhiều tiền hoa hồng. Được biết, Công an Hà Nội hiện đã tiếp nhận đơn tố cáo của các nạn nhân Robomine và đang trong quá trình điều tra.

Cần tỉnh táo để không tự “đưa đầu vào rọ”

Có thể nói, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường tiền điện tử, tiền ảo với những công nghệ mới, đánh vào lòng tham khi trả lãi rất cao nhiều đường dây lừa đảo đã hình thành và tung hoành khắp nơi.

Các đối tượng thường đánh vào tâm lý muốn giàu, đổi đời nhanh của người dân. Ban đầu, để tạo niềm tin, các ứng dụng này sẽ trả một mức lãi suất rất cao cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể tự thao tác, rút tiền bất cứ lúc nào.

Khi thử với số tiền nhỏ thấy thành công, các nhà đầu tư tăng dần số tiền lên cho đến khi toàn bộ vốn liếng của họ đã nằm trọn trong cái bẫy đa cấp khi nào không hay. Bên cạnh đó là tâm lý đám đông, thấy người khác đầu tư có lời nên cũng muốn thử vận may. Ví dụ như các sàn Thodex, Coolcat... trả lãi cho các nhà đầu tư hằng tháng, tuần thậm chí hằng ngày với lợi nhuận lên đến 100%/tháng.

Đoàn Mạnh Tuấn thường xuyên mời những người nổi tiếng đến các buổi hội thảo để tăng uy tín.

Theo Thượng úy Trịnh Công Anh, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố Hà Nội, các sàn tiền ảo chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép. Mọi hình thức kinh doanh tiền ảo ở Việt Nam đều là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Công an Hà Nội cảnh báo tới người dân về hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch tiền ảo theo như quảng cáo, mời chào theo phương thức đa cấp với lời hứa đạt lợi nhuận cao nhưng lại an toàn không mất vốn, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian đều có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những cá nhân tham gia đầu tư vào sàn giao dịch tiền ảo là đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý.

Đồng  quan điểm với Thượng úy Trịnh Công Anh, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla cho biết: “Hiện nay tất cả các loại tiền ảo tại Việt Nam chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công nhận. Do vậy, mọi vấn đề phát hành hay lưu hành tiền kỹ thuật số tại Việt Nam đều không phù hợp pháp luật Việt Nam. Vì vậy, những người bỏ tiền ra mua các đồng tiền ảo sẽ không được Nhà nước bảo hộ nên trong trường hợp có rủi ro thì nguy cơ mất trắng rất cao.

Về phần người bán thì đang vi phạm pháp luật, bởi Ngân hàng Nhà nước chưa cho lưu hành. Nếu như trong trường hợp người bán sử dụng đồng tiền này vào mục đích khác như: chuyển tiền ra nước ngoài thì không có sự can thiệp của Nhà nước. Nhưng, trong trường hợp mà không trả lại được nhà đầu tư thì rõ ràng là có dấu hiệu gian dối. Ngoài ra, nếu người bán mà sử dụng tiền của nhà đầu tư vào mục đích cá nhân thì đó là hành vi chiếm đoạt. Bởi người mua bỏ tiền ra nhưng đồng tiền lại không đảm bảo được theo pháp luật Việt Nam”.

Được biết các nhà đầu tư tiền ảo Robomine, sau khi thấy dự án này có nhiều điểm bất thường và nguy cơ mất trắng số tiền đầu tư là rất cao đã làm đơn tố giác gửi lên Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an TP Hà Nội. Hiện, Cục Cảnh sát hình sự đã bàn giao cho Công an Hà Nội để xử lý theo thẩm quyền.

Trâm Anh
.
.