Trinh sát hình sự khuất phục “quái nhân” chuyên trộm cắp trên máy bay

Thứ Tư, 03/05/2017, 14:33
Có thể nói những kẻ dám hành nghề “hai ngón” trên máy bay thường không chỉ có những thủ đoạn tinh vi, quái chiêu mà còn rất lỳ lợm, liều lĩnh. Tại những nơi công cộng như chợ, nhà ga, bến xe... thậm chí trên các phương tiện giao thông như ô tô, tàu hỏa..., đối tượng có thể nhanh chân trốn thoát khi phát hiện.


Nhưng đạo chích trên phi cơ phải xác định một khi đã bị lộ thì không cách nào chuồn được, nên chúng thường tìm cách phi tang vật chứng. Và cũng chính vì thế, để “đấu”, khiến chúng nhận tội không phải là chuyện dễ.

Một đạo chích người Trung Quốc bị tạm giữ về hành vi trộm 400 triệu đồng trên chuyến bay.

1. Ngoài 40 tuổi, Ding Ying Jun (trú tại TP Hà Nam, Trung Quốc) có vẻ ngoài khiến cho người ta dễ liên tưởng tới ngôi sao điện ảnh hơn là một đạo chích có nghề. Khuôn mặt vuông vức, đường nét cân đối hài hòa, nhìn Ding trẻ hơn đến cả chục tuổi. Gã cũng thường xuyên diện những bộ cánh hợp mốt cùng điện thoại, máy tính đắt tiền, sành điệu như thể những doanh nhân thành đạt.

Với vỏ bọc này, Ding thường xuyên trà trộn tại những khoang hạng thương gia của các chuyến bay để giở trò trộm cắp. Song hành vi của Ding đã bị bại lộ trong chuyến bay TP HCM đi Hà Nội vào ngày 16-4-2017.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Ding Ying Jun có mặt tại số ghế 3D (hạng thương gia) trên chuyến bay mang số hiệu VN216 của hãng hàng không Vietnam Airline cất cánh vào 7 giờ 20 phút sáng ngày 16-4. Cùng khoang với Ding còn có 3 hành khách Việt và một tiếp viên của chuyến bay là chị Trần Thị Phương Minh. Ding để ba lô cá nhân của hắn vào chung khu vực để đồ với anh Lê Cao Minh (trú tại quận Phú Nhuận, TP HCM) và anh Cù Anh Tuấn (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Với âm mưu từ trước, khi máy bay chuẩn bị cất cánh, Ding chuyển từ số ghế 3D lên 2D tiếp cận khu vực để đồ cá nhân của hành khách trong khoang. Lợi dụng thời gian đèn trên máy bay tắt (khi cất cánh), Ding nhanh chóng lục lọi valy, túi xách của hành khách cùng khoang để trộm đồ. Thậm chí Ding còn ôm một chiếc túi xách từ trên hộc để đồ xuống nhằm trộm tài sản.

Đúng lúc đó chị Tạ Thị Thu Hường (tiếp viên trưởng của chuyến bay) đi qua và phát hiện hành vi mờ ám đó. Chị Hường đã hỏi Ding có cần giúp gì không. Ding “đánh trống lảng” bằng cách yêu cầu một cốc trà nóng rồi nhanh chóng lẩn về chỗ ngồi.

Với tinh thần cảnh giác, chị Hường đề nghị một hành khách kiểm tra lại hành lý xem có bị mất trộm tài sản hay không. Sau khi kiểm tra, anh Cù Anh Tuấn tá hỏa thông báo đã bị mất một phong bì đựng tiền trong chiếc túi xách da màu đen. Cùng lúc đó, tiếp viên Phương Minh phát hiện đối tượng Ding đang có hành vi vứt hai cọc tiền mệnh giá 500 ngàn đồng lên khoang hành lý nên đã báo với tiếp viên trưởng.

Một hành khách người Trung Quốc bị bắt quả tang trộm tiền trên máy bay.

Qua kiểm tra, anh Tuấn xác nhận 2 cọc tiền với tổng số 100 triệu đồng đúng là của anh vừa bị mất. Ngoài ra anh còn mất mấy trăm đô la Mỹ nữa. Tiếp viên trưởng đã hỏi Ding về hành vi đó nhưng hắn vờ không hiểu. Chị Hường đã gọi thêm một số tiếp viên khác lên khoang thương gia để hỗ trợ làm rõ sự việc.

Các tiếp viên đã yêu cầu hành khách tiếp tục kiểm tra hành lý. Lúc này anh Lê Cao Minh cũng thông báo bị mất khá nhiều tiền USD để trong cặp da. Thấy sự việc có vẻ “căng”, Ding thò tay vào trong túi áo vest rút ra một phong bì màu trắng và ném lên hộc đựng hành lý. Chiếc phong bì này đựng hơn 13 ngàn USD, và được xác định là của anh Lê Cao Minh.

Để hợp lý hóa hành động này, tiện tay Ding lấy trong balo của hắn một chai nước uống. Hành vi này cũng không qua được mắt các tiếp viên. Tổ bay đã lập biên bản sự việc và bàn giao đối tượng cho Cơ quan công an xử lý.

Những ngày đầu tại Cơ quan công an, Ding một mực không khai nhận hành vi phạm tội. Thậm chí hắn còn tỏ ra tự tin cho rằng hắn không làm gì nên tội (do đã kịp phi tang vật chứng). Sang đến ngày thứ ba, Ding được đưa về trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội. Cũng như những hôm trước, Ding luôn chối bai bải hành vi trộm cắp của mình.

Ding nói rằng hắn chỉ đơn giản bị “nhầm” giữa các túi xách với nhau mà thôi, vì “những tiếc túi đều cùng màu đen”. Hắn còn ba hoa rằng mình là doanh nhân “oách xà lách”, việc gì phải đi trộm cắp vài ngàn USD tiền lẻ.

Tuy nhiên, bằng chiến thuật đấu tranh vừa kiên quyết vừa khéo léo, các điều tra viên đã dần dần khuất phục được đối tượng. Ding tỏ ra cực kỳ lúng túng khi bị điều tra viên hỏi xoáy vào sự khác biệt giữa chiếc balo của Ding và chiếc túi của anh Minh. Bên cạnh đó, đã có ít nhất hai người nhìn thấy hành vi phi tang cọc tiền của Ding; chỉ một mình Ding di chuyển đến khu vực để hành lý lúc máy bay cất cánh... Cuối cùng, tên trộm gian manh cũng phải cúi đầu thú nhận hành vi phạm tội.

Hiện Ding đã bị Cơ quan công an khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản.

2. Cuối năm 2016, Phòng PC45 Công an TP Hà Nội cũng đã tóm được một “siêu trộm” trên máy bay. Hắn là Gui Xing Liang (SN 1970 trú tại La Sơn, Hà Nam, Trung Quốc). Tuy bị cụt mất 1 bàn tay trái, song thủ đoạn của Liang là cực kỳ chuyên nghiệp. Hắn cũng thừa kinh nghiệm để đối phó với Cơ quan công an. Chính vì thế nên cuộc “đấu” với hắn còn khó khăn hơn với đối tượng Ding Ying Jun nhiều lần.

Tài liệu điều tra của cơ quan Công an cho thấy, trên chuyến bay VN170 từ Đà Nẵng ra Hà Nội, Liang đã lợi dụng khi mọi người ngủ say đã lấy trộm 4.000 USD và 50 triệu đồng để trong cặp cá nhân của anh Phạm Văn Thiềng. Hành vi trộm cắp của Liang đã bị một hành khách và một nữ tiếp viên phát hiện bắt quả tang. Khi hắn thò bàn tay phải vào túi quần định phi tang vật chứng thì đã bị giữ lại.

Dù bị bắt quả tang song tại cơ quan Công an, Liang vẫn một mực phủ nhận hành vi phạm pháp của mình. Cũng phải thôi, hắn là một tên trộm “dày dạn” kinh nghiệm và nhiều mánh lới. Theo tài liệu điều tra của cơ quan Công an, Liang đã từng hành nghề tại rất nhiều quốc gia ở châu Á chứ không riêng gì ở Việt Nam.

Tại Trung Quốc, Liang đã 2 lần phải ngồi tù về tội trộm cắp tài sản. Thậm chí khi giở trò tại một quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương, Liang còn bị người dân ở đây phát hiện, chặt cụt bàn tay trái. Còn trong vụ trộm tiền trên chuyến bay Đà Nẵng - Hà Nội, Liang đã kịp phi tang vài trăm USD và 6 triệu đồng.

Để trị được đối tượng này, một chuyên gia dịch thuật tiếng Trung Quốc đã được đưa đến Phòng CSHS, tổ chức đấu tranh với hắn. Chiến thuật hỏi cung bài bản, sắc bén được sử dụng triệt để. Đồng thời, cuốn sổ lưu lại những tên trộm ngoại quốc cộm cán nhất đã phải trả giá ở Việt Nam, trong đó có cả đồng hương của Liang đã được chỉ huy Đội 10 PC45 đưa cho hắn xem. Từ lúc xem xong cuốn sổ, Liang không thể nói thêm điều gì nữa.

Ngày 25-4 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Gui Xing Liang, tuyên phạt bị cáo 2 năm tù giam.

Ding Ying Jun thường xuyên hóa trang, trà trộn lên khoang thương gia để hành nghề trộm cắp (ảnh trái) vả Gui Xing Liang trước vành móng ngựa.

3. Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, chỉ trong tháng 11-2016, riêng Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã xử lý tới 14 vụ trộm cắp tài sản trên máy bay. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có tới 6 vụ bắt quả tang, đối tượng gây án chủ yếu là người Trung Quốc.

Tình trạng trộm cắp tài sản thường xảy ra trên một số chặng bay khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đối với đường bay đi - đến Thái Lan, Indonesia, Singapore, Lào, Campuchia. Ngoài ra còn có một số đường bay nội địa như Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Nẵng, TP HCM và Hà Nội.

Theo một đại diện của Vietnam Airlines, thủ đoạn của các đối tượng chuyên trộm cắp trên máy bay là thường đến quầy làm thủ tục của hành khách hạng thương gia, để xem ghế ngồi của những người ăn mặc sang trọng, xách ca táp... Sau đó chúng sẽ lên máy bay trước và bỏ đồ của mình vào ngăn hành lý của vị khách mà chúng theo dõi.

Vị khách “VIP” khi lên máy bay, thấy có người đã để hành lý chung khoang với mình sẽ không nghi ngờ khi có người lạ đến lấy đồ. Sau khi lấy được tài sản, kẻ xấu thường giấu trong toilet và “nháy” cho đồng bọn tẩu tán.

Còn theo chia sẻ của một tiếp viên hàng không lâu năm, không ít hành khách hiện rất lơ là trong việc quản lý tiền, tài sản cá nhân của mình. Không ít lần chị chứng kiến nhiều khách quăng điện thoại tại ghế, thậm chí túi mở khóa tơ hơ rồi đi vào nhà vệ sinh. Có người lại ngủ gần như suốt chuyến đi, túi xách vứt hờ hững dưới chân, tiếp viên để giùm lên ghế cho cũng không hề biết. Sự chủ quan này nhiều khi đã phải trả giá đắt.

Cũng theo tiếp viên này, thời điểm "vàng" dễ dẫn đến tình trạng trộm cắp nhất là khi kẻ gian lợi dụng hành khách đang ngủ, mở từng khoang giả vờ tìm hành lý của mình nhưng thực chất là lục lọi, trộm đồ. Ngoài ra, khi máy bay cất hay hạ cánh cũng là thời điểm tốt để kẻ trộm ra tay. Lúc này, lợi dụng tình trạng không chú ý hoặc tâm lý mệt mỏi của các hành khách, kẻ gian sẽ di chuyển chỗ trên máy bay, ngồi không đúng vị trí đã được quy định để lục lọi, xách túi đồ của bạn ra khỏi chỗ.

Đối với các chuyến bay di chuyển vào ban đêm thì việc trộm cắp sẽ diễn ra dễ dàng hơn do hệ thống đèn chiếu sáng của máy bay sẽ được tắt bớt, tạo điều kiện cho khách hàng có thời gian nghỉ ngơi, thư dãn.

Để hạn chế tối đa các rủi ro không đáng có trên chuyến bay của mình, cơ quan chức năng khuyến cáo hành khách không gửi túi, đồ đạc của mình cho người khác không quen biết trông hộ khi ngủ hoặc đi vệ sinh. Vali hay túi xách du lịch cần có khóa để bảo vệ tài sản, đồ dùng cá nhân. Luôn chú ý tới khoang hành lý của mình. Tốt nhất nên để hành lý của mình ở khoang hành lý đối diện với chỗ ngồi để tiện theo dõi. Đối với những đồ quý giá hay túi xách, nên giữ bên mình hoặc đặt ngay dưới chân.

Ngoài ra, khi lên máy bay cần để ý các hành khách có biểu hiện khác thường và báo ngay cho tiếp viên hàng không khi có nghi ngờ. Trước khi xuống máy bay, hãy kiểm tra kỹ lại đồ đạc, quan sát xung quanh chỗ ngồi xem bạn có đánh rơi hay bỏ quên món đồ nào không.

Khi phát hiện bị mất đồ, hành khách phải báo ngay cho tiếp viên để phối hợp với an ninh mặt đất xử lý, không đợi khi máy bay hạ cánh vì lúc này sẽ gây khó cho việc bắt giữ nghi phạm.


Minh Tiến
.
.