Trở về từ IS

Thứ Sáu, 28/04/2017, 14:15
Với đôi mắt xanh, tóc nâu và nụ cười tươi tắn, nhìn bề ngoài Michael Delefortrie hoàn toàn chẳng khác gì mọi thanh niên phương Tây khác. Khi sinh ra, Delefortrie từng được rửa tội trong nhà thờ như một con chiên ngoan đạo.

Và câu chuyện của Delefortrie bắt đầu từ khi tự đổi tên mình thành Younnes Delefortrie, cải từ niềm tin Thiên chúa giáo sang Hồi giáo, để rồi từ bỏ vùng ngoại ô nước Bỉ, nơi mình từng được nuôi dưỡng và lớn lên, ra nhập hàng ngũ IS, tham chiến tại Syria, mang theo một niềm tin khác.

Đức tin

Giờ đây, khi đã quay về Bỉ, Delefortrie tỏ ra vẫn giữ một niềm tin và sự ủng hộ đối với niềm tin Hồi giáo bất chấp những quan điểm và học thuyết lệch lạc của các tổ chức Hồi giáo cực đoan và thậm chí còn không giấu mong muốn có thể trở lại đứng trong hàng ngũ của "những chiến binh Hồi giáo".

"Tôi cảm thấy tiếc vì đã trở về", Delefortrie nói. "Tôi muốn sống ở thế giới Hồi giáo".

Ngay khi trở về năm 2014, Delefortrie bị nhà chức trách Bỉ bắt giữ và kết án 3 năm tù.

Bất chấp những lời lẽ gây sốc đó, thì sự mâu thuẫn nhất bên trong người thanh niên 28 tuổi chính là những gì anh ta bộc lộ ra. Trong lần đầu tiên gặp gỡ, tại một quán  cà phê ở thành phố cảng Antwerp, Delefortrie đã mặc một chiếc áo nỉ trùm đầu, một đôi giày đế mềm và quần Jean (những chi tiết không dễ bắt gặp đối với một thanh niên Hồi giáo thực thụ mà không phải ai cũng nhận thấy được).

Và khi Delefortrie gạt bỏ quê hương bản quán của mình: "Tôi không phải người Bỉ. Tôi là người Hồi giáo" và thậm chí là bày tỏ quan điểm cá nhân muốn được nhìn thấy sự thay thế nền dân chủ phương Tây bằng sự cai trị của luật Hồi giáo hà khắc, thì người thanh niên "trở về từ IS" lại tỏ ra khá hạnh phúc khi nhận được trợ cấp thất nghiệp của chính phủ Bỉ.

Liệu đây có phải là một hình ảnh mới của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang len lỏi ở Phương Tây? Câu trả lời là có, và không!

Lớn lên Thiên Chúa giáo, hoán cải đạo Hồi

Được nuôi dưỡng như bao đứa trẻ da trắng bình thường khác trong một gia đình Thiên Chúa giáo hạng trung ở Bỉ, Michael Delefortrie trước đó vẫn là một con chiên ngoan đạo, vẫn đi cầu nguyện vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần.

Michael Delefortrie hồi nhỏ.

Nhưng sau những va vấp từ khi còn quá nhỏ, đặc biệt là với cú sốc lớn khi mẹ cậu trở nên nghiện rượu, cha mẹ ly dị nhau và lời chẩn đoán khi cậu mắc một căn bệnh khó nói, Delefortrie bắt đầu tập hút thuốc, dùng thử ma túy và học hành trở nên sa sút.

"Sống làm con người, ai chẳng muốn tìm cách khẳng định mình", Delefortrie nhớ lại những ký ức của một thời niên thiếu sóng gió.

Năm 16 tuổi, Delefortrie tình cờ đọc một cuốn sách mà cậu ta cho rằng đã thay đổi cuộc đời mình. Đó là cuốn sách "Con đường Hồi giáo".

Delefortrie cho biết đạo Hồi đối với anh ta lúc ấy là một chỗ dựa, với những mục đích và hành xử phải tuân theo, những đạo luật hà khắc và lòng thiện nguyện được tôn vinh đã vẽ lên cho anh ta một thế giới khác với thế giới mà anh ta đang sinh sống, đầy rẫy khó khăn hiện tại.

Và thế là Michael trở thành Younnes, trong tiếng Arập nghĩa là Chim bồ câu.

Và Delefortrie cho rằng việc cải đạo sang Hồi giáo tựa như việc người ta update (nâng cấp) một phiên bản phần mềm cho máy tính vậy. "Nếu bạn biết rằng sẽ có Windows 10, bạn sẽ không dùng Window XP nữa… Đó là một sự nâng cấp".

Gia nhập IS tại Syria

Sự "nâng cấp" ấy đã mở ra cánh cửa cho Michael gia nhập cộng đồng Hồi giáo khá đông đảo ở Bỉ, nơi mà những người theo chủ nghĩa Hồi giáo chính thống tuy nhỏ nhưng lại nắm vai trò lãnh đạo toàn diện. Delefortrie trở thành một trong số những phần tử cấp tiến quá khích lúc nào không hay.

Delefortrie năm 2017.

Delefortrie thậm chí còn đặt tên cho con trai mình, đứa con với người vợ thứ 3 trong phạm vi đạo Hồi cho phép, theo tên Osama bin Laden bởi vì theo anh ta "đó là một người anh hùng!", bất chấp những gì đã xảy ra liên quan đến cáo buộc vụ tấn công 11/9 làm 2.977 người thiệt mạng. "Nếu chúng ta phải kết tội tất cả những kẻ giết người, địa ngục sẽ kín chỗ mất". Delefortrie đã biện bạch như vậy.

Khi còn là một nhân viên tập sự ở một hiệu bánh hồi mới 20 tuổi, Delefortrie tình cờ gặp Svengali - một người buôn bán xe hơi cũ, chuyên thuyết giảng đường phố.

Fouad Belkacem, tên thật của Svengali, thực ra là lãnh đạo của nhóm Hồi giáo Sharia4Belgium - một nhóm ban đầu không được sự công nhận của nhà chức trách Bỉ bởi phát dương những luật lệ không phù hợp như quy định phụ nữ phải mặc áo trùm đầu còn đàn ông thì để râu dài và mặc áo chùng trắng.

Nhưng Sharia4Belgium vẫn phát triển nhanh và mạnh. Nó trở thành một đường dây đưa những thanh thiếu niên Bỉ đi du lịch các nước Trung Đông (chủ yếu là Syria) và sau đó gia nhập các nhóm Hồi giáo vũ trang như IS. Và Delefortrie là một trong số đó.

"Cậu có thể giữ bí mật cho riêng mình và cầu nguyện để được thỏa mãn, hoặc có thể đi xa hơn và thử thực hành những gì được dạy bảo", Belkacem nói như vậy, kèm theo lời giải thích rằng đến Syria là câu trả lời cho những lời răn giảng đó: "Cuối cùng, cũng có một nơi trên trái đất này để cậu được trở thành một “người Hồi giáo đúng nghĩa” 100%".

Và Delefortrie chọn tham gia IS, một tổ chức Hồi giáo tàn nhẫn và bạo lực nhất trên thế giới, bởi vì "đó là những gì hiện thực hóa của luật Hồi giáo Sharia. Rõ ràng là họ đang cố gắng làm tròn chức phận của mình: Chiến đấu vì lợi ích của thánh Allah!", bất chấp những hành động khủng bố tàn bạo mà nhóm chiến binh Hồi giáo này đã gây ra trên toàn thế giới.

Mâu thuẫn

Khi được hỏi đã giết ai chưa, Delefortrie đáp: "Đó là điều mà chiến binh Hồi giáo phải làm. Tin tôi đi, giết người không phải là một niềm vui đâu - thậm chí đó còn là một điều rất kinh khủng nữa - nhưng cuộc chiến là thế".

Delefortrie cho biết đã tham gia bắt cóc và gác ngục nhưng tỏ ý không vui khi những thành viên khác của Sharia4Belgium đăng tải lên mạng internet những hình ảnh hành hình man rợ. "Đó không phải là điều đúng đắn, đương nhiên. Nếu bạn hành quyết một ai đó, hoặc đang giết người trên một trận tuyến, hãy giữ điều đó cho riêng mình và cho Thánh Allah. Bởi vì bạn đang làm điều đó vì Allah, không phải làm để khoe khoang khoác lác".

Năm 2013, Delefortrie di chuyển tới Syria, gia nhập IS.

Delefortie chỉ là 1 trong số hơn 5000 người đã rời thế giới Tây Âu để gia nhập IS ở Syria và Iraq, theo như công bố của Soufan Group, một tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ tình báo an ninh chiến lược cho các chính phủ và tổ chức đa quốc gia.

Trong ký ức của nhiều "chiến binh Hồi giáo" trở về, khi cuộc nội chiến tại Syria ngày càng trở nên nóng bỏng vào thời điểm 2012, cứ mỗi ngày, những cảnh tượng đổ nát bởi bom đạn đã tác động nhất định tới tâm lý của người Hồi giáo ở khắp nơi. Hình ảnh những người phụ nữ Hồi giáo bế trên tay những đứa trẻ gầy gò thoi thóp sau những loạt bom bật lên câu hỏi ai oán: "Tại sao không có ai giúp đỡ chúng tôi?".

Sau tất cả những điều đó, người ta chỉ thấy phương Tây đứng sang một bên, nắm hai tay vào nhau và tỏ ra băn khoăn làm gì để giúp đỡ họ? Trong khi các tổ chức Hồi giáo thì lại nhanh chóng có mặt tại hiện trường.

Pieter Van Ostaeyen, một nhà nghiên cứu tâm lý xã hội, nhiều năm theo dõi hoạt động tuyển mộ của các nhóm Hồi giáo cực đoan từ Bỉ đến Syria cho rằng có một thực tế là tình cảm anh em và tính cộng đồng của người Hồi giáo đã được khai thác một cách tối đa.

Còn nhà hoạt động xã hội kiêm nhà văn Dyab Abou Jahjah cho rằng đối với nhiều thanh niên Hồi giáo Bỉ cũng như các nước châu Âu, có một sự thật khác nữa: Họ bị dẫn dắt bởi chủ nghĩa cực đoan và sự xa lánh ngay trên quê hương mình. Cấp độ xa lánh càng trở nên cách biệt sau mỗi hành động khủng bố của các tổ chức Hồi giáo vũ trang.

Từ bên trong

Delefortrie đã có 2 tháng tham gia IS tại Syria, và có vẻ như cuộc sống nơi vùng chiến sự ấy không hẳn hoàn toàn "ngon lành cành đào" như anh ta đã từng nghĩ. Delefortie đã sớm quay trở về Bỉ để gặp vợ con. Khi trở lại Bỉ, Delefortrie đã bị bắt giữ cùng với các thành viên Sharia4Belgium khác, và bị buộc tội tham gia tổ chức khủng bố. Delefortrie bị kết án 3 năm tù giam. Còn Belkacem, người tuyển mộ Delefortrie và cũng là đầu sỏ thành lập Sharia4Belgium bị kết án 12 năm tù giam.

Sau khi ra tù, Delefortrie được nhận trợ cấp thất nghiệp 500 USD một tháng. Khoản trợ cấp này chỉ mới ngưng lại khi Delefortrie tìm được một công việc tại một cửa hàng sửa chữa xe đạp.

"Tôi nhận tiền từ chính phủ", Delefortrie tỏ thái độ đùa cợt bất cần khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, "nếu họ muốn giữ tôi ở đây (ở Bỉ, không gia nhập IS), thì họ phải trả thôi".

Câu trả lời xấc xược của Delefortrie ấy có vẻ như đã làm cho nhiều người cảm thấy bị xúc phạm, tuy nhiên nó lại dẫn dắt người ta tới một khía cạnh sâu hơn của vấn đề: Liệu có bao nhiêu quốc gia đối xử với những người trở về từ IS như thế? Cho dù có bị công kích dữ dội, thì đó vẫn là một việc làm không sai luật. Những cũng chính vì thế, Delefortrie và những người trở về đã vén bức mù mờ xưa nay rằng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là một mối đe dọa từ bên ngoài, từ những quốc gia bên ngoài, của những người đàn ông mặc áo choàng đen với bộ râu dài. Mối đe dọa đó nằm ở ngay trong lòng nước Bỉ.

Chính sự phức tạp của xã hội, kinh tế và ý thức hệ cơ bản đã lôi cuốn Delefortrie và những người giống như anh ta tham gia vào các hoạt động tàn bạo của tổ chức Hồi giáo cực đoan nhất thế giới, bất chấp sự thật rằng ban đầu họ là những sản phẩm của xã hội phương Tây. Như lời nhận xét của một lãnh đạo cơ quan mật vụ Pháp phát biểu sau vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo: "Đó là vấn đề của chúng ta".

Khi được hỏi mục đích của chuyến trở về này là gì, Delefortrie đã trả lời rằng anh ta trở về để sống chứ không phải về để thực hiện bất cứ hành vi khủng bố nào. "Nhưng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để truyền bá đạo Hồi. Đó sẽ là mục đích của tôi. Không phải cứ người Hồi giáo nào cũng mang tư tưởng khủng bố hoặc bom hẹn giờ. Tôi về đây để sống".

Tuy nhiên, khi nghe thông tin về những vụ khủng bố do IS thực hiện tại Paris và Brussels sau đó, Delefortrie lại tỏ ra khá bình thản, không một mảy may xúc động. Với Delefortrie, các quốc gia phương Tây đơn giản là đang phải hứng chịu hậu quả bởi chính những hành động ném bom người Hồi giáo tại Syria và Iraq. "Khi anh đang tấn công một ai đó, thì một lúc nào đó, một người nào đó sẽ tấn công lại anh. Nếu anh nhổ nước bọt lên trời, nước bọt sẽ rơi vào mặt anh. Đó là điều tất yếu".

Mai Khuê (tổng hợp từ CNN)
.
.