Trùm tài phiệt người Nga dính cáo buộc hối lộ và lừa đảo

Thứ Tư, 21/11/2018, 07:10
Cảnh sát Monaco hôm 6-11 đã bắt giữ ông trùm người Nga, đồng thời là chủ CLB bóng đá AS Monaco Dmitry Rybolovlev để thẩm vấn xung quanh cáo buộc tham nhũng, hối lộ và lừa đảo trong buôn bán tranh nghệ thuật. Từ đây, những bí mật về các hoạt động làm ăn phi pháp và mờ ám của Dmitry Rybolovlev dần được hé lộ.

Vụ tranh chấp suốt 3 năm

Tờ Le Monde đưa tin, cảnh sát Monaco đã đột kích dinh thự sang trọng La Belle Epoque của ông Dmitry Rybolovlev ở Monaco. Cuộc lục soát được tiến hành theo yêu cầu của một thẩm phán Monaco, người đã dành 1 năm  để điều tra việc liệu Dmitry Rybolovlev có tìm cách tác động đến giới chức thực thi pháp luật của Monaco trong vụ tranh chấp lâu dài giữa ông với đại lý nghệ thuật người Thụy Sĩ Yves Bouvier hay không.

Chuyện là vào năm ngoái, tờ Le Monde đã xuất bản một bài báo viết về những gì mà phóng viên điều tra của báo này có được trong quá trình thu thập tư liệu về ông Dmitry Rybolovlev trong đó có tin nhắn giữa luật sư của ông trùm này là Tetiana Bersheda với Bộ trưởng Tư pháp Monaco Philippe Narmino và các quan chức cấp cao khác của Công quốc này. Đáng chú ý là thời gian các tin nhắn được gửi lại chỉ trong tuần trước và tuần sau vụ bắt giữ đại lý Yves Bouvier.

Dmitry Rybolovlev và Yves Bouvier. Ảnh:  Widewall.

Yves Bouvier đã bị bắt ngày 25-2-2015, khi đang trên đường đến một cuộc họp với ông Dmitry Rybovlovlev và lý do được đưa ra là gian lận trong kinh doanh. Tờ Le Monde đưa tin, các tin nhắn này chỉ được phát hiện và cung cấp cho báo giới sau khi thẩm phán điều tra ở Monaco yêu cầu Tetiana Bersheda giao lại điện thoại của cô cho tòa vì luật sư của Tania Rappo - một công dân Bulgaria có liên quan đến vụ tranh chấp này - phàn nàn rằng Tetiana Bersheda đã ghi âm một cách bất hợp pháp cuộc trò chuyện giữa hai người. Sau khi vụ việc bị phát hiện, Bộ trưởng Tư pháp Philippe Narmino đã từ chức và một số người khác có liên quan bị thuyên chuyển công tác.

Trở lại với cuộc điều tra nhằm vào Dmitry Rybovlovlev, một công tố viên Monaco đã xác nhận với hãng tin Reuters rằng tỷ phú đã bị thẩm vấn dựa trên thông tin lấy từ điện thoại của luật sư Tetiana Bersheda. Đáng chú ý là trước khi bị bắt, Dmitry Rybolovlev vẫn đang kiên trì theo đuổi vụ kiện với Yves Bouvier.

Ông cáo buộc đại lý nghệ thuật này đã lừa ông 1 tỷ USD bằng cách tăng giá 38 tác phẩm nghệ thuật mà ông đã mua trong thời gian 10 năm qua. Đơn kiện được Dmitry Rybolovlev gửi tới tòa án ở Monaco, Singapore và Thuỵ Sĩ.

Hồi tháng 2, Yves Bouvier đã phải xuất hiện trước một công tố viên ở Geneva (Thụy Sĩ) để trả lời về cáo buộc gian lận liên quan đến các giao dịch nghệ thuật nhiều triệu USD mà ông môi giới cho tỷ phú người Nga. Tại đây, Yves Bouvier đã từ chối mọi cáo buộc.

Sau đó, Dmitry Rybolovlev lại đệ đơn kiện mới nhằm vào Yves Bouvier tại tòa án ở New York (Mỹ) với lập luận rằng, sự xuất hiện của ông này ở tòa án Geneva đủ để buộc một thẩm phán Mỹ giải phóng các tài liệu mật cần thiết cho "tố tụng hình sự ở Thụy Sĩ".

Hãng tin Observer cho hay, trong 3 năm qua, thông qua 2 công ty của mình, Dmitry Rybolovlev đã sử dụng nhiều chiến lược pháp lý khác nhau đồng thời ở các thành phố trên khắp thế giới nhằm chống lại Yves Bouvier. "Ông Bouvier đã được thông báo rằng các Công ty Rybolovlev đã đệ đơn khiếu nại chống lại ông", Ron Soffer, một trong những luật sư của Yves Bouvier, nói với Hãng Artnet News và cho biết thêm rằng, không có cáo buộc hình sự nào được nộp, mặc dù đại lý nghệ thuật này hiện đang trải qua một cuộc kiểm toán thuế ở Thụy Sĩ.

Đồng thời, luật sư Ron Soffer còn phân tích rằng, ý định của Dmitry Rybolovlev là sử dụng hình thức tòa án như một con chip mặc cả để khôi phục các tài liệu liên quan đến giao dịch cao cấp nhất là mua bức tranh “Salvator Mundi” của danh họa Leonardo da Vinci.

Theo cáo buộc của tỷ phú người Nga, các tài liệu tiết lộ cả nhà đấu giá Sotheby và Yves Bouvier đều biết rằng đại lý nghệ thuật này đã bán cho ông bức tranh với mức giá 47 triệu USD vào năm 2017 tại nhà đấu giá Christie khiến nó trở thành bức tranh đắt nhất từng được bán ra. Dmitry Ryboloblev cũng đã kiện nhà đấu giá Sotheby vì đã giúp Yves Bouvier lừa gạt ông.

Tỷ phú người Nga Dmitry Rybolovlev và Hoàng tử Albert II của Monaco. Ảnh: Sipa USA.

Chân dung người giàu thứ 242 thế giới

Nhưng, Yves Bouvier không phải là người duy nhất bị giới chức Mỹ giám sát. Các nhà chức trách ở Washington D.C đang điều tra việc Dmitry Rybolovlev mua một căn nhà đắt tiền ở Palm Beach từ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump với giá 95 triệu USD năm 2008. Nguyên do là vì tên của tỷ phú này xuất hiện trong một danh sách các doanh nhân và quan chức Nga có thể bị trừng phạt theo đề xuất của Thượng nghị sĩ Ron Wyden thuộc đảng Dân chủ.

Thượng nghị sĩ đến từ bang Oregon này đã gửi thư cho Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin yêu cầu "điều tra kỹ lưỡng về bất kỳ hoạt động rửa tiền tiềm năng nào hoặc các giao dịch tài chính bất hợp pháp khác giữa Tổng thống Donald Trump và những người có trong danh sách trên".

Tờ NBC của Mỹ đưa tin, ông Donald Trump đã mua căn nhà này vào năm 2004 với giá 41 triệu USD và sau đó bán nó cho Dmitry Rybolovlev với số tiền thêm 54 triệu USD. Tỷ phú người Nga đã khai thác, chia nhỏ bất động sản bên bờ biển rộng 60.000m2 này thành 3 lô riêng biệt. 2 trong số 3 lô này bị cảnh sát Mỹ cáo buộc rằng được bán cho các công ty ma, không có chủ sở hữu rõ ràng với giá 71,34 triệu USD. Lô còn lại được bán với giá 42 triệu USD.

Theo CNN, Dmitry Rybolovlev (sinh năm 1966), là một doanh nhân, nhà đầu tư nổi tiếng của Nga. Năm 1990, ông bước vào thế giới kinh doanh khi cùng cha mình là Evgeny thành lập công ty chuyên cung cấp hình thức điều trị y tế thay thế bằng cách sử dụng từ trường - một loại hình mà bố ông phát triển.

Do sự sụp đổ nền kinh tế kế hoạch tập trung của Liên Xô (cũ), các công ty làm ăn với Dmitry Rybolovlev bị thua lỗ và đã trả nợ cho ông bằng chính doanh nghiệp của họ. Kết quả là cha con Dmitry Rybolovlev có thêm một số doanh nghiệp phụ bán các sản phẩm của mình.

Năm 1992, ông chuyển gia đình tới sinh sống ở thủ đô Moscow và nhận được giấy phép môi giới từ Bộ Tài chính Nga, cho phép ông giao dịch và xử lý chứng khoán. Cùng năm đó, Dmitry Rybolovlev mở một công ty đầu tư; thành lập một ngân hàng vào năm 1994, mua lại cổ phần tại một số doanh nghiệp công nghiệp của Perm và gia nhập hội đồng quản trị của họ.

Năm 1995, ông bán hầu hết các cổ phần của mình và tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp kali, đặc biệt là Uralkali. Trong 15 năm tiếp theo, Dmitry Rybolovlev tập trung phát triển Uralkali bằng cách củng cố quyền lợi kiểm soát, thay đổi đội ngũ quản lý, ưu tiên tăng năng suất lao động, cải cách, phát triển và cuối cùng xây dựng nó thành một doanh nghiệp toàn cầu lớn.

Tháng 6-2010, Dmitry Rybolovlev bán 53% cổ phần tại Uralkali cho một nhóm các nhà đầu tư Nga gồm Kaliha Finance Limited (Suleiman Kerimov, 25%), Aerellia Investments Limited (Alexander Nesis, 15%) và Becounioco Holdings Limited (Filaret Galchev, 13.2%) ). Giá giao dịch không được tiết lộ nhưng đã được báo cáo là khoảng 5,3 tỷ USD.

Tháng 12 năm đó, Uralkali công bố kế hoạch mua lại 20% cổ phần của nhà sản xuất Silvinit với giá 1,4 tỷ USD và trở thành một trong những nhà sản xuất kali lớn nhất thế giới. Việc sáp nhập hai thương hiệu được hoàn thành vào tháng 7-2011, sau khi ông bán cổ phần còn lại của Uralkali.

Tháng 12-2011, Dmitry Rybolovlev quyết định đầu tư mạo hiểm một lần nữa khi mua 66% cổ phần trong CLB bóng đá AS Monaco của Monegasque với giá 1,3 tỷ USD, nhưng cam kết đầu tư ít nhất 130 triệu USD vào CLB trong 4 năm. 34% còn lại cổ phần trong CLB thuộc sở hữu của gia đình cầm quyền Monaco. Hoàng tử Albert II của Monaco phê chuẩn thương vụ này. Tính đến tháng 10-2018, Dmitry Rybolovlev được xếp hạng 242 trên danh sách tỷ phú của Forbes với giá trị ròng là 6,8 tỷ USD.

Yves Bouvier và bức tranh của Picasso. Ảnh: Widewall.

Và cuộc chiến pháp lý ở Nga

 Nhưng không ai biết được rằng, việc làm Chủ tịch CLB AS Monaco năm 2011 chỉ là bước đệm để Dmitry Rybolovlev thoát khỏi Nga, chuyển gia đình tới sinh sống ở Công quốc này, tránh những nguy cơ pháp lý có thể nảy sinh. Báo cáo của Tập đoàn xuyên quốc gia Uralkali được công bố sau này cho thấy, vào tháng 10-2006, một dòng suối nước ngọt bắt đầu chảy vào một trong những mỏ của Uralkali dưới thành phố Berezniki, dẫn đầu các bức tường và trụ cột hỗ trợ trần của các hang động ngầm lớn dễ bị hòa tan.

Các kỹ sư Uralkali đã cố gắng tăng độ mặn của nước lũ đến điểm bão hòa nhưng điều này tỏ ra không hiệu quả và các hang động bị sụp đổ. Mỏ này cuối cùng đã bị bỏ hoang. Nhưng chưa hết, các hố lớn xuất hiện quanh mỏ và ở thành phố Berezniki, buộc 12.000 dân phải di tản khẩn cấp. Những năm tiếp theo, các hố này vẫn tiếp tục xuất hiện thường xuyên quanh khu vực Perm mặc dù không rõ liệu tất cả chúng có phải do hoạt động khai thác của Uralkali gây ra hay không.

Năm 2006, Chính phủ Nga đưa ra một cuộc điều tra về vụ tai nạn và kết luận rằng "có sự dị thường nên sự bất thường về cấu trúc địa chất". Tính trung lập của báo cáo đã bị một số nhà quan sát nghi ngờ và họ lập luận rằng, báo cáo không được viết trung thực bởi đơn vị thực hiện là OAO Galurgia, một công ty trực thuộc Uralkali. Một số người khác cáo buộc rằng Uralkali đã không thực hiện tất cả các công việc cần thiết để lấp đầy các lỗ trong các mỏ, mà có thể trực tiếp gây ra sự xuất hiện của các hố khác.

Theo tờ báo địa phương Inaya Gazeta, Dmitry Rybolovlev đã cắt bớt phần ngân sách được phân bổ cho các lỗ trống, dẫn đến việc lấp đầy các khoang mỏ không đủ... Tháng 10-2008, Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin yêu cầu mở lại cuộc điều tra và cho rằng mức độ trách nhiệm tài chính của Uralkali cần được xác định. Yuri Trutnev, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường và bạn thân của Dimitry Rybolovlev lên tiếng ủng hộ Uralkali nhưng vì ông không trực tiếp tham gia vào cuộc điều tra nên không giúp được gì nhièu.

2 tháng sau, Uralkali cam kết trả 218 triệu USD cho Chính phủ Nga. Tháng 2-2009, Tập đoàn này tiếp tục đạt được thỏa thuận với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thanh toán 71,8 triệu USD cho khu vực Perm...

Chưa hết, tháng 6-2012, Green Patrol, một tổ chức phi chính phủ về môi trường của Nga, dựa trên thông tin thu thập được từ những năm trước, đã liệt kê Uralkali là một trong 100 tác nhân gây ô nhiễm hàng đầu ở Nga. Báo cáo của một chuyến thám hiểm được tổ chức vào Perm Krai bởi cùng một tổ chức phi chính phủ khác vào năm 2010, khi Dmitry Rybolovlev vẫn là chủ của Tập đoàn đã tiết lộ rằng bồn của Uralkali chứa ít nhất 16 nguyên tố độc hại (bao gồm kẽm và amoni), vượt quá mức tối đa cho phép 1.850 lần.

Theo Chủ tịch Green Patrol Roman Pukalov, Uralkali đã không tiết lộ đầy đủ một danh sách các yếu tố có hại mà nhà máy thường xuyên thải xuống sông Kama ở địa phương. Ông Roman Pukalov đã mô tả nước Kama là "rất ô nhiễm", tuyên bố rằng các con sông nhỏ xung quanh Berezniki đã thực sự biến thành nước muối. Hơn nữa, chi tiêu cho việc bảo vệ môi trường của Uralkali dưới thời ông Dmitry Rybolovlev cũng bị Green Patrol chỉ ra rằng rất, rất thấp.

Green Patrol đã kiến nghị Chính phủ Nga phải có biện pháp giám sát hoạt động của Urakali và yêu cầu Tập đoàn này bồi thường cho các hoạt động phá hoại môi trường cũng như truy cứu trách nhiệm người đứng đầu của ông Dimitry Rybolovlev. Hiện vụ việc này vẫn đang tiếp tục được điều tra.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.