Trung Quốc tiếp tục chống tham nhũng không khoan nhượng

Thứ Năm, 13/10/2016, 15:00
Bạch Ân Bồi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) ngày 9/10 đã bị kết án tử hình, hoãn hai năm thi hành án vì nhận rất nhiều hối lộ và có thu nhập lớn từ những nguồn không xác định. Ông này là cựu quan chức mới nhất chịu hình phạt trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc.

Nối dài danh sách

Được triển khai từ mùa xuân năm 2013 tới nay, trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" diệt trừ tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã điều tra hàng chục nghìn "ruồi" và cơ quan tư pháp đã kết án hơn 120.000 người. Tổng số quan tham và tội phạm kinh tế bị Viện Kiểm sát truy tố tăng 9% năm 2013, tăng 10% năm 2014 và giảm nhẹ 2% năm 2015. Từ năm 2012 đến 2015, các tòa án đã kết án 100.200 cá nhân bị cáo buộc liên quan tới tham nhũng.

Tính đến tháng 9-2016, 127 "hổ dân sự" (tức quan chức nhà nước, cán bộ đảng và giám đốc doanh nghiệp nhà nước cấp bậc ngang với cấp từ thứ trưởng trở lên) và 86 "hổ quân sự" (tức quan chức có cấp hàm từ trung tướng trở lên) đã bị "sờ gáy". Trong đó, có một cựu thành viên Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị (Chu Vĩnh Khang), ba cựu thành viên Bộ Chính trị (Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng) và chánh văn phòng trung ương (Lệnh Kế Hoạch).

Ngày 9-10-2016, ông Chu Bản Thuận, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc và ông Dương Đống Lượng, nguyên lãnh đạo Tổng cục An toàn Lao động đã bị cáo buộc tham nhũng.

Bạch Ân Bồi trước vành móng ngựa.

Hồi tháng 7-2016, ông Lệnh Kế Hoạch, cựu cố vấn cấp cao của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đã bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ, thu thập trái phép bí mật nhà nước và lạm dụng quyền lực.

Cũng trong tháng 7, ông Quách Bá Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bị kết án chung thân vì tội nhận hối lộ.

Tháng 6-2015, Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, đã bị kết án chung thân vì nhận hối lộ, lạm quyền và cố tình tiết lộ bí mật nhà nước.

Ngày 25-7-2013, nguyên ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Bạc Hy Lai đã bị buộc tội tham nhũng, nhận hối lộ, lạm quyền.

Những tên tuổi lớn bị cáo buộc và kết án vì tội tham nhũng chắc chắn sẽ còn nữa khi mà chiến dịch của Chủ tịch Tập Cận Bình chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ năm 2015, Interpol đã phát lệnh bắt giữ toàn cầu đối với 100 quan chức tham nhũng Trung Quốc bị truy nã và đã trốn ra nước ngoài. Trong số đó, 60% bị cáo buộc nhận hối lộ và tham nhũng. Đây được coi là chiến dịch trấn áp toàn cầu mạnh mẽ nhất nhằm vào những người lưu vong trong lịch sử Trung Quốc.

Dựa trên cảnh báo đỏ do Văn phòng Interpol Trung Quốc phát, toàn bộ 190 quốc gia thành viên Interpol thực hiện việc bắt giữ trong mạng lưới, phát thông tin các nghi can tới các cơ quan thực thi pháp luật và di trú. Các nghi phạm bị truy nã gồm những cái tên đầu bảng như Dương Tú Châu, cựu Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang - người đã chạy tới Mỹ và bị nghi biển thủ hơn 40 triệu USD; Lý Hoắc Bá - cựu quan chức cấp cao Phòng Tài chính huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây, từng trốn tới Singapore và bị nước này trục xuất…

Từ "Lưới trời" đến "Săn cáo"

Đa số quan tham Trung Quốc thời gian gần đây trốn ra nước ngoài để tránh bị truy tố và đã chuyển hàng trăm triệu nhân dân tệ vào các ngân hàng ngầm hoặc mang đi rửa tiền. Truy bắt 100 quan tham này là một phần quan trọng trong chiến dịch "Lưới trời" phát động từ đầu tháng 4-2015. Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, từ năm 1990 đến 2011, có 18.000 quan tham trốn khỏi Trung Quốc, mang theo 128 tỷ USD.

Ngoài chiến dịch "Lưới trời", Trung Quốc còn phát động chiến dịch "Săn cáo" xuyên quốc gia từ tháng 7-2015 để đưa nghi can tham nhũng từ nước ngoài về nước. Gần 700 nghi can tội phạm kinh tế đã bị đưa về Trung Quốc trong chiến dịch này. Các nghi can trốn ở 69 quốc gia và khu vực.

Hơn 115 người bị đưa về Trung Quốc đã sống tự do ở nước ngoài hơn chục năm. Khi chiến dịch "Săn cáo" bắt đầu, công an Trung Quốc đã phát một danh sách ưu tiên và đề nghị giới chức thực thi pháp luật 90 quốc gia và khu vực giúp đỡ. Hơn 70 nhóm công an Trung Quốc đã được cử ra nước ngoài để hỗ trợ chiến dịch.

Kể từ đó, đa số các quốc gia đã tích cực hợp tác trong điều tra và cho hồi hương người tị nạn Trung Quốc bị nghi là quan tham. Tuy nhiên, Trung Quốc không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, Canada và Australia. Đây là lý do mà ba quốc gia này là điểm đến phổ biến của quan tham Trung Quốc. Ông Meng Qingfeng, trợ lý Bộ trưởng Công an Trung Quốc khẳng định: "Chừng nào họ còn tự do, chiến dịch săn lùng sẽ tiếp tục", đồng thời nhấn mạnh không có nơi nào trú ẩn an toàn cho các nghi can.

Quãng thời gian chiến dịch săn "hổ lớn" nhiều nhất là từ tháng 12-2014 tới tháng 3-2015. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tham nhũng tràn lan trong các quan chức, Đảng viên và giám đốc doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Tập Cận Bình đối mặt với bốn nhiệm vụ khó khăn.

Thứ nhất, ông cần tiếp tục thắt chặt quy trình hành chính, giảm quyền tự quyết của người ra quyết định để hạn chế cơ hội tham nhũng.

Thứ hai, ông cần giảm khoảng cách thu nhập của quan chức, Đảng viên và giám đốc doanh nghiệp nhà nước với thu nhập của các nhân tố khu vực tư nhân.

Thứ ba, ông phải giải quyết thực tế là từ những năm 1990, kinh tế phát triển nhanh đã sinh ra tầng lớp thượng lưu mới về kinh tế gắn với giới tinh hoa chính trị thông qua quan hệ ruột thịt và hôn nhân.

Thứ tư, ông phải rà soát lại một số hình thức "ân xá" mà theo đó cho phép quan tham, Đảng viên và giám đốc doanh nghiệp nhà nước "rửa sạch tay" và bớt tham nhũng hơn.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.