Từ nhà toán học tài năng trở thành kẻ khủng bố bom thư

Thứ Ba, 25/12/2018, 14:50
Cựu sinh viên Harvard, tiến sĩ toán học, giáo sư của một trường đại học danh tiếng của nước Mỹ, Theodore Kaczynski (tên thân mật là Ted) đã có thể có tất cả. Nhưng mối hận thù với công nghệ và xã hội công nghiệp đã biến anh ta thành một trong những kẻ khủng bố đáng sợ nhất trong lịch sử.


Cuộc đời thứ nhất: Một đứa trẻ thần đồng - Một nhà toán học tài năng

Theodore Kaczynski sinh vào tháng 5-1942 trong một ngôi làng ở Illinois. Đó là một đứa trẻ ốm yếu. 9 tháng tuổi, cơ thể đứa trẻ nổi dày đặc các nốt mề đay. Để kiểm tra, các bác sĩ đã cách ly đứa trẻ với cha mẹ và thế giới bên ngoài trong vòng một tuần lễ.

Tuần lễ định mệnh ấy đã thay đổi hoàn toàn cậu bé: “Ted đã trở về nhà hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng nó trở nên chậm chạp và không có phản ứng gì với những sự thay đổi từ bên ngoài” – người mẹ đã ghi nhận xét này vào nhật ký năm 1943. Giai đoạn sau đó thường xuất hiện hiện tượng mà vợ chồng Kaczynski gọi là “chập điện”- Trong những tình huống stress, cậu bé Ted ngừng mọi đối thoại và yên lặng nhìn vào khoảng không bất định, cứ như thể là cậu ta không còn có mặt ở đó. Cách ứng xử đó đã dập tắt mọi cố gắng muốn hòa nhập cậu vào nhóm những đứa trẻ cùng trang lứa của khu phố Boy Scouts.

Kaczynski (bên phải) trước lúc lên đường nhập học ở Harvard.

Những năm đầu ở trường học đã rất nghiệt ngã đối với Kaczynski. Bạn bè giễu cợt về cơ thể gầy còm, tính nhút nhát và thói quen cô độc của cậu. Hiếm khi tham gia chơi đùa cùng nhóm bạn, Ted thích đọc sách và soạn những khúc nhạc để chơi trong dàn nhạc gia đình. Tính cách thiếu hòa đồng của Ted đã khiến các giáo viên chú ý. Một cuộc trắc nghiệm đã được tiến hành, chỉ số thông minh của cậu đạt xấp xỉ 170, nghĩa là hơn 30 điểm so với những trẻ em “năng khiếu” thông thường khác.

Nhà trường ngay lập tức cho cậu nhảy cóc một lớp rồi hai lớp, tuy thế Ted vẫn cảm thấy buồn chán trong các giờ học, tất cả là quá dễ so với cậu. Dư thừa năng lượng trí tuệ, cậu tham gia vào tất cả các loại câu lạc bộ: cờ vua, sinh học, tiếng Đức, toán. Ở đâu cậu cũng đạt thành tích xuất sắc. Tất cả các giáo viên đều tin rằng cậu sẽ trở thành một tài năng.

Vài tháng trước khi tròn 16 tuổi, Ted nhận được thông báo của Trường Harvard chấp nhận đơn xin học của cậu, niềm kiêu hãnh và khích lệ lớn lao đối với cậu và gia đình. Tháng 9-1958, Ted Kaczynski nhập Trường Harvard. Sự ủng hộ nhiệt thành của cha mẹ, sự thay đổi môi trường và sự độc lập trong cuộc sống đã giúp Ted không còn bị rơi vào tình trạng “mất điện” như trước nữa.

Cậu cũng rất hài lòng với các triết lý và với các môn học ở Harvard, điểm số của cậu luôn ở tốp đầu. Nhưng điều bất hạnh là cậu vẫn không có khả năng tương tác được với những người xung quanh. Ngoài giờ học cậu luôn khép mình trong căn phòng riêng ở ký túc xá.

Năm 1962 sau khi tốt nghiệp Trường Harvard, Kaczynski chuyển đến Đại học Michigan để chuẩn bị bảo vệ bằng tiến sĩ toán. Anh ta làm việc rất miệt mài và tham gia giảng dạy một số chuyên đề trong khoảng thời gian rảnh rỗi. Các bài giảng rất cuốn hút và học sinh thích thú với những phương pháp của Kaczynski. Trí tuệ của Kaczynski khiến bạn bè và các đồng nghiệp kinh ngạc và thán phục.

Việc có được tấm bằng tiến sĩ đối với anh ta hoàn toàn không phải là vấn đề. Nhưng chàng thanh niên không cảm thấy thoải mái trong môi trường mới này. Tâm trí anh ta có nhiều xáo động. Ban ngày những cơn hoang tưởng cứ lãng đãng trong đầu, ban đêm là những cơn ác mộng khi anh ta cảm thấy có những kẻ khác đang điều khiển trí não của mình. Trong những cơn ác mộng đó Kaczynski chỉ cảm thấy được giải thoát sau khi đã giết hết tất cả bọn họ.

Kaczynski đã rời Đại học Michigan để đến nhận học hàm Phó giáo sư môn toán ở Đại học Californie vào mùa thu năm 1967. Đột ngột mất kiểm soát, anh ta thường bất thần nói rất to trong giờ giảng, những lúc khác lại nói thầm thì hay lắp bắp, và thường xuyên lờ đi những câu hỏi của sinh viên. Để trả đũa, các sinh viên đã cười rộ, chế giễu công khai Kaczynski.

Cái không khí lộn xộn, hỗn loạn thường xuyên xảy ra trong giờ lên lớp cuối cùng đã thúc đẩy Kaczynski đột ngột từ chức vào năm 1969 để trở về nhà của cha mẹ tại bang Illinois. Quyết định của Kaczynski đã gây ngạc nhiên cho tất cả các đồng nghiệp bởi quả thật nhà toán học trẻ tuổi này rất yếu về phương pháp sư phạm, nhưng bù lại anh ta đã liên tục công bố các bài nghiên cứu xuất sắc với một tốc độ đáng kinh ngạc và chắc chắn rằng, anh ta sẽ có một tương lai sáng chói trong lĩnh vực nghiên cứu toán học.

Cuộc đời thứ hai: Kẻ chạy trốn thế giới văn minh

Đây là điểm kết thúc cuộc đời thứ nhất của Ted Kaczynski. Sẽ không trở thành một nhà khoa học nữa, sẽ không làm toán nữa, đó là quyết định dứt khoát của Kaczynski. Bố mẹ anh ta cũng thất bại sau nhiều nỗ lực thuyết phục anh ta đi tìm kiếm một công việc.

Con trai của họ ngày càng trở nên cô độc. Giam mình trong phòng riêng, anh ta viết những lá thư dài gửi các chính trị gia và các tờ báo lớn để tố cáo ngành truyền thông và các thông điệp dối trá của nó, phản đối sự ô nhiễm không khí gây ra bởi số lượng tăng vọt các phương tiện giao thông, tình trạng triệt phá rừng và xây dựng ồ ạt các công trình.

Anh ta đã giải thích lập luận của mình trong một lá thư: “Phần lớn các vấn đề là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của những hoạt động của các tập đoàn, các tổ chức và các chính phủ”. Sự căm thù của Kaczynski với toàn bộ “hệ thống” ngày càng tăng lên và anh ta quyết định phải làm một cái gì đó.

Tháng 6-1971, Ted Kaczynski đã mua một mảnh đất hẻo lánh ở phía bắc Montana làm nơi ở mới. Anh ta xây một túp lều nhỏ, không điện và không nước. Cuộc trốn chạy này đã được lên kế hoạch một cách kỹ lưỡng.

Tham khảo những cuốn sách dậy cách sống sót ở nơi hoang dã, kết hợp với một phương pháp tư duy chặt chẽ và chính xác, Kaczynski đã học được cách nhận biết các loại cây ăn được, cách săn bắn hái lượm và chế tạo các công cụ thô sơ. Giấc mơ lớn nhất của anh ta là có thể sống một cuộc sống cổ sơ, lánh xa toàn bộ xã hội “đã bị” công nghiệp hóa và những chiếc bánh xe đang vận hành của nó. Anh ta tìm thấy hạnh phúc khi sống cô độc giữa một khu rừng hoang vắng. Nhưng điều đó không kéo dài được lâu.

Sau vài năm, bắt đầu xuất hiện những chiếc mô tô chạy trên tuyết trong các khu rừng lân cận ngôi lều của Kaczynski. Anh ta cũng nghe thấy ở xa xa có những tiếng máy bay trực thăng và máy cưa xẻ gỗ, những tiếng động cơ gây ra cảm giác rất ức chế đối với anh ta. Ai đó đã quyết định xây dựng một con đường chạy xuyên qua các khu rừng. Cơn giận dữ quen thuộc lại quay cuồng trong đầu óc Kaczynski.

Dù đã rất cố gắng trốn chạy,  Kaczynski vẫn cảm thấy mình không thể thoát khỏi cái xã hội công nghiệp và những hệ lụy của nó. Kaczynski quyết định khởi sự tấn công lại cái hệ thống này. Trong một đoạn nhật ký vào năm năm 1977, anh ta đã viết: “Tôi không cần bấu víu vào bất cứ một thứ biện minh về mặt đạo đức hay triết học (…), mục đích của tôi là hạ sát một nhà khoa học, một ông chủ tập đoàn hay một viên chức cấp cao, đây đơn giản chỉ là sự trả thù của cá nhân tôi...”.

Cuộc đời thứ ba: Sát thủ bom thư đáng sợ nhất

Sau vài vụ phá hoại những chiếc máy xẻ gỗ, vác súng ra bắn những chiếc máy bay trực thăng bay phía trên túp lều, chăng các sợi dây để bẫy và làm bị thương những người chạy mô tô trên tuyết, năm 1978, Ted Kaczynski bắt tay vào chế tạo quả “bom thư” đầu tiên, một thiết bị nổ rất thô sơ: một ống kim loại nhồi đầy thứ chất bột màu đen trộn lẫn với đầu những que diêm. Nhưng chiếc hộp đựng lại được làm rất cầu kỳ bằng gỗ, sơn vơ nia và các mảnh được lắp ghép tinh xảo. Mục tiêu đầu tiên là Buckley Crist - Giáo sư môn kỹ thuật vật liệu của Đại học Northwestern.

Túp lều của Kaczynski ở phía bắc Montana.

Khi nhận gói bưu kiện, ông này cảm thấy nghi ngờ và đã gọi cho cảnh sát tới kiểm tra. Thiết bị phát nổ ngay khi viên cảnh sát bất hạnh này mở gói bưu kiện. Anh ta bị bỏng nhẹ ở tay. Đó là vụ khủng bố đầu tiên của sát thủ bom thư Ted Kaczynski,  khởi đầu cho một chuỗi các vụ tấn công bằng bom thư kéo dài 17 năm từ 1978 đến 1995.

Theo như số liệu mà FBI đã công bố, trong quãng thời gian trên Kaczynski đã tiến hành 16 vụ tấn công bằng bom thư, làm bị thương 23 người và giết chết ba người. Đối tượng bị hắn nhắm đến đều là các giáo sư hay sinh viên đại học, các hãng hàng không hay các cửa hàng máy tính, những người hay những tổ chức, theo đánh giá của hắn, gắn bó chặt chẽ với cuộc cách mạng công nghệ mà hắn căm hận thấu xương.

Nếu như thời gian đầu, các quả bom mà hắn chế tạo còn tương đối thô sơ và khả năng sát thương không cao thì những giai đoạn về sau chúng đã được Kaczynski hoàn thiện để có thể gây ra những thương tật nặng nề và cái chết cho nhiều nạn nhân. Cuộc điều tra của FBI để săn lùng hung thủ của những vụ đánh bom thư này đã kéo dài hơn 17 năm (1978-1995) và tiêu tốn hơn 50 triệu đô la nhưng cho đến năm 1995 vẫn chưa có được chút manh mối nào.

Ted Kaczynski đã hành động rất khôn khéo và cẩn trọng để tránh bị phát hiện. Các thành phần của những quả bom mà hắn chế tạo đều là những vật dụng thông thường mà bất cứ ai cũng có thể tìm mua trong một cửa hàng đồ gia dụng bất kỳ. Hắn cố tình lưu lại những dấu vết giả trên các bom thư: những dấu vân tay giả, một miếng kim loại có khắc hai chữ “FC”( viết tắt của Freedom Club - Câu lạc bộ Tự Do - một tổ chức do Kaczynski bịa ra để đánh lạc hướng FBI).

 Tháng 4-1995, sau khi đánh bom thư gây ra cái chết của Gilbert Murray, một người làm nghề vận động hành lang trong ngành khai thác gỗ, Kaczynski đã gửi một lá thư đến tờ New York Times, yêu cầu đăng bản tuyên ngôn của hắn trên New York Times và một số tờ báo khác như Newsweek và Washinton Post, “...đó là một bài viết dài, khoảng từ 29.000 đến 37.000 chữ”, nếu yêu cầu của hắn được chấp nhận thì “… tổ chức Freedom Club sẽ ngừng vĩnh viễn các vụ đánh bom thư khủng bố..”.

Sau một cuộc tranh luận gay gắt, Ban biên tập New York Times và Washington Post đã quyết định đăng bản tuyên ngôn “Xã hội công nghiệp và tương lai của nó”. Kaczynski - kẻ khủng bố sống cô độc trong rừng - tin rằng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp đã “hủy hoại tự do của chúng ta và đã nhấn chìm chúng ta trong một tình trạng gia tăng dân số quá mức, trong sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các tập đoàn lớn, vào công nghệ tuyên truyền quảng cáo và các kỹ thuật tâm lý khác, vào kỹ thuật sinh học” , để ngăn chặn được các nguy cơ này sẽ đòi hỏi phải tiến hành “một cuộc tranh đấu xã hội tầm cỡ, lâu dài và khó khăn” và “đó phải là một cuộc cách mạng chứ không chỉ là một cuộc cải cách”.

Khi gửi bom thư tới để sát hại những người bán máy vi tính và các sinh viên, Kaczynski mong muốn tạo ra “một sự căng thẳng và mất ổn định của xã hội công nghiệp”, đây là bước đầu trong kế hoạch của hắn. Bước thứ hai mà hắn nhắm đến đó là “xây dựng và truyền bá một hệ tư tưởng đối lập với công nghệ và xã hội công nghiệp”. Bài viết “Xã hội công nghiệp và tương lai của nó” quả thật đã tạo ra một tiếng vang rất lớn. Hàng triệu người đã tìm đọc bản tuyên ngôn này của Kaczynski, trong số đó có người em ruột David Kaczynski của hắn. Sau khi đọc, anh này đã nhớ lại với những điều Kaczynski đã viết trong những lá thư điên rồ mà hắn gửi về cho gia đình trước đây, cảm thấy nghi vấn, anh ta đã tìm cách liên hệ và cung cấp thông tin này cho FBI.

Ngay lập tức, ngày 3-4- 1996, cảnh sát liên bang đã vây chặt khu rừng hẻo lánh của Montana và Kaczynski bị bắt giữ tại chỗ. Trong căn lều nhỏ của hắn cảnh sát tìm thấy những trang bản gốc của bản tuyên ngôn hắn đã tung ra, các dụng cụ chế tạo bom thư và một quả bom đã sẵn sàng được gửi đi. Một nhà tâm lý học được triệu tập đến để giám định và đã kết luận Kaczynski thuộc dạng tâm thần phân liệt, kết luận đó giúp hắn thoát được một bản án tử hình nhưng không thể giúp hắn thoát khỏi bốn bản án tù chung thân.

Quá trình xét hỏi tại tòa cũng hé lộ một điều trớ trêu khác: Kaczynski lựa chọn một cách hoàn toàn ngẫu nhiên các nạn nhân để gửi bom thư sát hại họ. Percy Woods, cựu Chủ tịch Hãng hàng không United Airline,  một trong số các nạn nhân, đã nói: “Tôi không bao giờ hiểu tại sao Kaczynski lại chọn tôi và tôi nghĩ rằng các nạn nhân khác cũng vậy, chúng tôi không bao giờ có thể tìm được câu trả lời xác đáng”.

Đăng Hưng (tổng hợp)
.
.