Vạch trần quái chiêu sản xuất ma túy tổng hợp

Thứ Ba, 13/06/2017, 09:18
Đường dây sản xuất ma túy tổng hợp của ông trùm Văn Kính Dương vừa bị triệt phá thực sự đã gây xôn xao dư luận. Phải chăng việc sản xuất ma túy đã trở nên quá dễ dàng? Chúng tôi dành thời gian tìm hiểu và phát hiện những sự thật khó tin. Nhiều năm qua một số loại tân dược, thậm chí là dược liệu lẽ ra là để chữa bệnh, tăng sức đề kháng của cơ thể trước bệnh tật... đã bị các đối tượng biến thành những loại ma túy tổng hợp có thể gây loạn thần, tử vong!

1. Theo Đại tá Nguyễn Đình Khu, Trưởng phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về tiền chất và ma túy tổng hợp (Phòng 5) Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an, khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2013 tại Hà Nội và một số tỉnh, thành như TP HCM, Thanh Hóa, Nghệ An từng “rộ” lên “phong trào” sản xuất ma túy tổng hợp.

Thời điểm đó các đối tượng thường bào chế ma túy “đá” (có tên khoa học là Methamphetamin) từ một số loại tân dược, thuốc trị bệnh cảm cúm. Tuy nhiên, sau khi các lực lượng chức năng mạnh tay triệt phá, đồng thời Bộ Y tế vào cuộc, quản lý chặt việc mua bán tân dược thì tình trạng này đã lắng xuống. Ngoài ra, các loại ma túy tổng hợp thẩm lậu từ nước ngoài nhiều cũng khiến cho việc sản xuất ma túy ở trong nước giảm đi đáng kể.

Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, nguồn cung ma túy tổng hợp từ nước ngoài giảm mạnh, giá cũng bị đẩy lên chót vót. Nếu như trước kia 1 kg ma túy đá được các đối tượng buôn bán với giá khoảng 200 triệu đồng, thì thời điểm hiện tại đã lên khoảng 900 triệu đến 1 tỷ đồng. Chính vì thế, tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp từ tân dược, thậm chí thảo dược đang manh nha xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, Cơ quan công an ngay lập tức đã có kế hoạch triệt phá.

“Đầu năm 2017, Phòng 5 C47 đã bắt được 1 mắt xích trong đường dây của Văn Kính Dương, và tiếp tục bắt nốt các đối tượng khác. Cùng lúc, Công an TP HCM cũng tấn công mạnh và khui ra đường dây này” - Đại tá Khu bật mí.

Còn theo Thiếu tá Nguyễn Minh Cương, Phó trưởng phòng 5, C47, hiện việc sản xuất ma túy tổng hợp từ các tiền chất là không quá khó. Các đối tượng chỉ cần có một chút kiến thức về hóa học, hoặc có thể học từ những đối tượng người Việt từng sản xuất ma túy tổng hợp ở nước ngoài là có thể “điều chế” thành công.

Trong vụ Văn Kính Dương, có thể nhận định sơ bộ loại ma túy tổng hợp của đường dây này có tên MDMA (thường gọi là ectasy - thuốc lắc). Và để sản xuất ra loại ma túy này khá là đơn giản. Nguyên liệu đầu vào là một loại tinh dầu rất dễ kiếm trong nước. Đặc biệt ở các nước láng giềng như Campuchia, Lào thì vô cùng nhiều. Loại tinh dầu này khi được chưng cất với một số hóa chất công nghiệp, axít... lập tức sẽ cho ra những viên ectasy với chất lượng tốt.

Hiện trường một vụ sản xuất ma túy tổng hợp.

“Nếu trình độ chiết xuất của các đối tượng thuộc loại trung bình, thì với từ 1 đến 2 lít tinh dầu là có thể chế ra 1 kg chất MDMA. Từ đó có thể dập ra 5.000 viên thuốc lắc. Những viên thuốc này khi đến tay người tiêu dùng lên đến 200 ngàn đồng/viên. Như vậy có thể thấy được việc sản xuất ma túy tổng hợp là... siêu lợi nhuận! 1 kg tinh dầu khi nhập vào chỉ có giá vài trăm ngàn đồng, nhưng ra thành phẩm thì dù chỉ bán buôn đã thu được không dưới 500 triệu đồng” - thiếu tá Cương cho biết thêm.

2. Theo số liệu của C47 tính đến tháng 6-2017, lực lượng công an toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ 26 vụ sản xuất trái phép chất ma túy (đa phần là ma túy tổng hợp). Các “ông trùm” trong đường dây đều có những thủ đoạn cực kỳ tinh vi để che mắt cơ quan chức năng.

Còn nhớ năm 2012, Công an quận Thanh Xuân đã phá một ổ nhóm chuyên sản xuất ma túy đá từ thuốc trị cảm cúm. Cầm đầu ổ nhóm này là đối tượng Vũ Đình Hải (SN 1973, trú tại phòng 305, nhà 17T8, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội). Đồng phạm của Hải là La Thanh Hiền (SN 1969, trú tại Ngô Quyền, Hải Phòng) và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (SN 1992, trú tại xã Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận Hải và Hiền quen nhau trong quá trình làm ăn tại Cộng hòa Séc. Thời gian ở nước ngoài Hải và Hiền đã học được cách điều chế ma túy tổng hợp từ tân dược và rủ nhau về Việt Nam hành nghề.

Các đối tượng cũng đã làm thử một số lần tại Hải Phòng rồi mới “vác” công thức lên Hà Nội sản xuất đại trà. Hải và Hiền cho rằng Hà Nội là nơi “đất chật người đông”, cuộc sống ở chung cư nhà nào biết nhà nấy nên vững tâm hơn. Bên cạnh đó, việc phi tang nguyên liệu thừa của việc sản xuất ma túy “đá” cũng khá “dễ”. Tuy nhiên, sự cảnh giác của các trinh sát ma túy Công an quận Thanh Xuân đã chặt đứt đường dây tội phạm nguy hiểm này.

Đối tượng Lê Thanh Hải.

Tháng 3-2012, Phòng 5, C47 phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức đánh sập một đường dây cũng chuyên sản xuất ma túy tổng hợp từ tân dược. “Ông trùm” của đường dây là Lê Thanh Hải (SN 1971, trú tại Vinh, Nghệ An).

Được biết Lê Thanh Hải (còn gọi là Hải “thọt”) từng là một tay chơi bóng bàn có tiếng ở Nghệ An vào những năm 1980. Đến năm 1991, Hải đi xuất khẩu lao động tại Đức. Không lâu sau Hải trở thành một tay anh chị chuyên bảo kê cho cộng đồng người Việt sinh sống và làm ăn tại Đức. Bẵng đi một thời gian, Hải “thọt” phải ngồi tù 6 năm do liên quan đến một vụ đánh chết người.

Ra tù, bị trục xuất khỏi nước Đức, Hải sống lưu vong ở một số nước Đông Âu rồi vượt biên sang Anh. Tại đây, Lê Thanh Hải đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu và thực hành việc sản xuất ma túy.

Khoảng chục năm sau, Hải về Việt Nam với hai bàn tay trắng và quyết tâm làm giàu từ con đường bất chính: sản xuất ma túy đá. Những trợ thủ đắc lực cho Hải “thọt” là bố và mẹ. Ngoài ra, còn có sự phối hợp đắc lực của cô bạn gái là Tăng Thị Lam Phương (SN 1974, trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh). Hải “thọt” đã thực hiện nhiều vụ đưa ma túy ra khỏi địa bàn Nghệ An tiêu thụ trên phạm vi toàn quốc.

Để tránh bị lộ, Hải đã chọn 3 địa điểm chính để sản xuất ma túy tổng hợp. Mỗi địa điểm tiến hành một công đoạn khác nhau. Tại địa điểm ở khu đô thị mới Vinh Tân (phường Vinh Tân), Hải chỉ chiết xuất phần thô. Tại ngôi nhà ở đường Nguyễn Cảnh Chân (phường Quang Trung, nơi bố mẹ Hải ở) dùng chứa các hóa chất và tiền chất để tách và chiết xuất ma túy.

Còn ngôi nhà ở đường Văn Đức Giai (phường Hưng Bình), Hải dùng làm nơi sấy khô ma túy trước khi “xuất xưởng”. Cơ quan chức năng xác định, trung bình 2 đến 3 tuần, Hải lại cho ra lò một mẻ ma túy tổng hợp.

Khi khám xét nhà bố mẹ Hải, lực lượng điều tra đã thu được 1.200 gam ma túy dạng đá vừa điều chế xong, 8 can nhựa loại 20 lít chứa đựng các nguyên liệu ma túy bán thành phẩm, 23 can nhựa và hàng chục lọ thủy tinh đựng các loại dung dịch điều chế ma túy, cùng nhiều dụng cụ dùng để chế biến ma túy như bầu lọc, bếp điện...

Tại địa điểm khu đô thị mới Vinh Tân, Cơ quan công an thu tiếp 3 can nhựa và 5 lọ thủy tinh đựng hóa chất, 1 bao tải đựng 25kg chất rắn trắng dùng để sản xuất ma túy đá. Tại nhà 98 đường Văn Đức Giai (nơi Hải và người tình thuê ở) thu được một số dụng cụ như quạt sấy, máy sấy dùng sấy khô ma túy...

Có thể thấy tất cả những hoạt động sản xuất ma túy đã được Hải thọt thực hiện một cách tinh vi. Cũng do hoạt động trong phạm vi gia đình ruột thịt, nên mọi thông tin về đường dây này đều rất khó tiếp cận. Các trinh sát đã phải dành nhiều tháng trời, sử dụng biện pháp nghiệp vụ liên hoàn mới có thể phát hiện được hành vi mờ ám của ông trùm và những địa điểm bí mật của hắn.

Nhóm đối tượng trong đường dây sản xuất ma túy của Vũ Đình Hải.

3. Cũng theo Thiếu tá Cương việc sử dụng các tiền chất ma túy (tân dược, các hóa chất) để sản xuất ma túy là một thực trạng vô cùng đáng lo ngại. Và công tác triệt phá những đường dây ổ nhóm này luôn gặp rất nhiều khó khăn. Vì chỉ cần các đối tượng tẩu tán thành phẩm thì cho dù có bắt được tang vật là tiền chất, các loại máy móc để sản xuất... thì cũng chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự các đối tượng.

Đặc biệt việc quản lý các tiền chất ma túy hiện vẫn còn khá nhiều bất cập. Thời gian vừa qua trên cơ sở Công ước Quốc tế, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quản lý tiền chất, trong đó Bộ Y tế quản lý 9 tiền chất, Bộ Công thương quản lý 31 tiền chất. Tuy nhiên, công tác quản lý tiền chất, tân dược gây nghiện hoặc tân dược có chứa chất gây nghiện chưa thống nhất, còn lỏng lẻo, chồng chéo, chủ yếu quản lý đầu vào (nhập khẩu) nhưng đầu ra (tiêu thụ) không quản lý được, để tiền chất, tân dược gây nghiện trôi nổi nhiều trên thị trường, các đối tượng phạm tội lợi dụng, mua bán để sản xuất ma túy tổng hợp nói chung, ma túy “đá” nói riêng.

Còn theo Đại tá Nguyễn Đình Khu, kiểm soát tiền chất không phải là cấm sử dụng các chất đó mà đòi hỏi phải có cơ chế thích hợp, biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm chống thất thoát tiền chất từ các nguồn hợp pháp để sản xuất trái phép các chất ma túy.

Để có thể xử lý triệt để việc sản xuất ma túy trong nước thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước được Chính phủ phân công về kiểm soát tiền chất và các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, sử dụng, xuất nhập khẩu hóa chất cần có sự trao đổi thông tin về những thủ đoạn mà bọn tội phạm áp dụng, tình hình buôn lậu hóa chất để sản xuất ma túy; phối hợp chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, kiểm soát các loại thuốc tân dược chứa tiền chất tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống ma túy. Cụ thể với những loại thuốc này cần thiết phải bán theo đơn, khống chế số lượng.

Đối với các đơn vị sản xuất, xuất nhập khẩu, mua bán và sử dụng tiền chất cần tích cực kiểm tra, giám sát các loại thuốc này để tránh việc bán ra thị trường với số lượng lớn để tội phạm lợi dụng mua về điều chế, sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ về chuyên môn quản lý tiền chất, thông tin kịp thời các nghi vấn về thất thoát tiền chất giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam với các cơ quan kiểm soát ma túy của các nước.

Ông Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định việc lợi dụng và sử dụng các tiền chất để sản xuất ma túy đã xuất hiện không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác. Tuy vậy, đại diện Bộ Y tế cho rằng nếu không có các tiền chất thì không thể triển khai công tác khám chữa bệnh được; công tác kiểm soát tiền chất cần phải siết chặt không chỉ ở khâu cấp phép nhập khẩu mà quan trọng nhất là khâu quản lý. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công thương để điều tra và phát hiện những tổ chức sản xuất chất ma túy sử dụng các tiền chất.

Minh Tiến
.
.