Vì sao châu Âu trở thành điểm nóng của tấn công khủng bố?

Thứ Sáu, 29/04/2016, 23:30
Nếu thống kê các vụ khủng bố xảy ra trên thế giới trong hơn một thập kỷ qua, một điều dễ dàng nhận thấy là cho đến thời điểm 11/9/2001, Mỹ vẫn là mục tiêu số một của các vụ tấn công khủng bố trên thế giới, còn châu Âu, dẫu sao cũng "lành" hơn.

Tuy nhiên, tình hình này sau đó đã nhanh chóng bị đảo ngược với hành loạt vụ tấn công khủng bố với quy mô lớn ở châu Âu xảy ra dồn dập. Vậy nguyên nhân nào khiến khủng bố thay đổi mục tiêu tấn công?

Cách biệt về địa lý

Giới phân tích cho rằng trong thời gian ngắn đã có những thay đổi lớn như vậy, trước hết chính là do chính sách ngoại giao của châu Âu và Mỹ đã thay đổi. Trong quá khứ, Mỹ luôn ở tuyến đầu đối lập với xã hội Hồi giáo, can thiệp quân sự vào các vấn đề nội bộ của họ ở khắp mọi nơi, coi Israel là đồng minh trung thành nhất.

Châu Âu giờ đây đã không còn là mảnh đất yên bình.

Châu Âu hoàn toàn ngược lại, không những thường xuyên lên án Israel, không can thiệp bằng vũ lực vào công việc nội bộ của Trung Đông mà còn kiên quyết phản đối cuộc chiến Iraq do Mỹ phát động, đại diện là Pháp và Đức.

Tuy nhiên sau khi thất bại hoàn toàn trong việc dùng cách thức chiến tranh chính quy đối phó với chiến tranh "kiểu du kích", Mỹ bắt đầu thu hẹp lại. Lúc này châu Âu lại bắt đầu tích cực sử dụng vũ lực như cách Mỹ đã làm trước đây, chẳng hạn như trong Mùa Xuân Libya, nội chiến ở Syria, Mali, Trung Phi và Cote d'Ivoire. Đặc biệt khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chỉ chĩa mục tiêu vào Mỹ, Syria và Iran, Pháp lại chủ động không kích IS, làm thay đổi hoàn toàn chiến lược ngoại giao truyền thống của chính mình.

Thêm nữa là sự khác biệt lớn về yếu tố địa lý. Mỹ được bao quanh bởi hai đại dương, phía Bắc là một nước Canada phát triển có cùng một nền văn hoá, phía Nam là Mexico, cựu thuộc địa của Tây Ban Nha tín thờ Thiên Chúa giáo. Nói cách khác, Mexico là con đường duy nhất có thể tiến vào Mỹ. Mặc dù mỗi năm có một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp đến từ nước này, nhưng các phần tử cực đoan Hồi giáo gặp nhiều khó khăn hơn để thâm nhập nước Mỹ.

So với Mỹ, an ninh của châu Âu gặp bất lợi lớn về địa lý: Chỉ cách Bắc Phi qua Địa Trung Hải chật hẹp, toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) được quyền tự do đi lại, các quốc gia ký Hiệp ước Schengen còn miễn thị thực cho nhau. Chính sách thị thực của mỗi nước lại độc lập với nhau, không thống nhất về tiêu chuẩn xét duyệt. Xét về góc độ an ninh, toàn bộ châu Âu ở trong trạng thái mở cửa không có hàng rào phòng thủ. Đây cũng là lý do tại sao châu Âu trước đây hết sức thận trọng khi không can thiệp vào cục diện hỗn loạn ở Trung Đông.

Cung cách đối xử?

Yếu tố không thể không kể đến nữa là cách đối xử với nước láng giềng khác nhau. Mặc dù điều kiện an ninh địa lý của Mỹ ưu việt nhưng vẫn rất coi trọng sự ổn định của các nước láng giềng. Năm 1994, Mexico bùng phát khủng hoảng tài chính, Mỹ nhanh chóng cứu trợ với số tiền lên tới 50 tỷ USD với danh nghĩa Quỹ tiền tệ quốc tế là một ví dụ. Mục đích của Mỹ là tránh để sự sụp đổ của Mexico gây ra làn sóng người tị nạn. Năm 2010, Haiti xảy ra động đất, tàu chiến Mỹ đến trợ giúp một cách nhanh chóng - nhưng không phải nhằm cứu viện mà là để ngăn chặn dòng người tị nạn đổ vào Mỹ.

Nhưng châu Âu của thế kỷ 21 thì ngược lại. Trước hết là Anh và Tây Ban Nha theo đuôi Mỹ (sau khi bị tấn công khủng bố, Tây Ban Nha tuyên bố rút khỏi Iraq), tiếp đó liên minh quân sự do Pháp dẫn đầu đã lật đổ Chính quyền Gaddafi, chủ động đẩy nước láng giềng vào tình trạng vô chính phủ. Sau đó Pháp lại can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một láng giềng khác là Syria, và nó đã phát triển thành một cuộc nội chiến kéo dài, gây ra làn sóng người tị nạn có quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Pháp đã cùng mắc một sai lầm như Chiến tranh Iraq đó là tạo điều kiện để IS lớn mạnh.

Với mô hình quốc gia khác nhau. Mỹ là một quốc gia chủ quyền theo chế độ liên bang, có hệ thống quản lý biên giới, sắc lệnh chính phủ, tình báo thống nhất, có thể phối hợp đối phó với các thách thức. EU là một liên minh các quốc gia có chủ quyền theo tính chất liên bang, có nước nằm trong khu vực Schengen, có nước thuộc Khu vực đồng euro, có nước là thành viên NATO, về cơ bản mỗi nước có một chính sách riêng.

Vì vậy, khi những kẻ tấn công khủng bố ở Paris chạy trốn bằng ôtô, mặc dù cảnh sát Pháp đã chặn lại, nhưng do không nắm được bất kỳ thông tin nào đành phải thả chúng. Những kẻ tấn công khủng bố ở Paris đến từ Bỉ, cũng ẩn náu ở Bỉ, thậm chí ngay cả chất nổ, vũ khí, xe ôtô cũng đến từ Bỉ. Pháp vừa không có biện pháp đề phòng hiệu quả, vừa bối rối hoang mang khi bị tấn công.

Lợi anh lợi ả

Tỷ lệ người Hồi giáo khác nhau cũng là yếu tố quan trọng không thể loại trừ. Hồi giáo đương nhiên không đồng nghĩa với phần tử khủng bố, nhưng vì nhiều lý do, người Hồi giáo ở châu Âu về cơ bản bị gạt sang bên lề, tiêu chuẩn, mức sống, trình độ giáo dục, chăm sóc sức khỏe thấp, tỷ lệ thất nghiệp rất cao.

Sự bất bình đẳng này cùng với những sai lầm trong chính sách đối ngoại của châu Âu khiến cộng đồng Hồi giáo thù địch với xã hội truyền thống châu Âu, cung cấp mảnh đất cho những kẻ Hồi giáo cực đoan ở bên trong và bên ngoài lãnh thổ. Ở châu Âu còn có một số lượng đáng kể những người đồng tình, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, khiến các phần tử khủng bố càng dễ dàng ẩn nấp, chạy trốn.

Hơn nữa, rất nhiều người Hồi giáo nhập cư rất có thể đã có sự thù địch đối với châu Âu và Mỹ ngay khi còn ở đất nước họ. Trong bối cảnh này, các cuộc thảo luận về tỷ lệ người Hồi giáo trong thế giới phương Tây có một ý nghĩa đặc biệt. Mỹ là quốc gia của những người nhập cư, nhưng tỷ lệ người Hồi giáo chỉ chiếm khoảng 1% dân số do Mỹ chỉ chú trọng tiếp nhận hai loại người di cư - người giàu có (nhập cư để đầu tư) và giới tinh hoa được hưởng nền giáo dục cao.

Hơn thế nữa, trong lịch sử Mỹ không thành lập thuộc địa ở các quốc gia Hồi giáo, người Hồi giáo không có cách nào thông qua mối quan hệ đặc biệt với mẫu quốc để tiến vào Mỹ. Nguyên nhân cuối cùng là do sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel nên quan hệ với các quốc gia Hồi giáo luôn căng thẳng, biết rằng mình là đối tượng mà họ thù hận, vì vậy khi tiếp nhận người nhập cư, Mỹ hết sức hạn chế đối với những người nhập cư đến từ các nước Hồi giáo.

Tuy nhiên châu Âu lại khác. Vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như thuộc địa của châu Âu trước đây phần lớn là các quốc gia Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất nên có một số lượng lớn người dân chuyển đến Đức sinh sống. Hiện châu Âu đã có hơn 50 triệu người Hồi giáo, chiếm hơn 10% dân số. Anh, Hà Lan khoảng 5%, Pháp hơn 10%. Ngoài ra còn có các nước Bosnia & Herzegovina (51%), Kosovo (91%), Albania (70%), Macedonia (30%), Thổ Nhĩ Kỳ (gần 100%) dân số là tín đồ Hồi giáo.

Với tất cả những lý do trên, rõ ràng không khó để nhận ra nguyên nhân nào khiến châu Âu "vượt Mỹ" trở thành mục tiêu tấn công số một của các phần tử khủng bố. Càng có thể nói vụ tấn công 11/9 là do sơ suất của Mỹ, khi nước này vẫn có khả năng chống lại các cuộc tấn công khủng bố trong lòng nước mình.

Nhưng châu Âu, một mặt cơ sở không vững chắc, mặt khác mắc sai lầm trong các quyết sách sau đó, căn bản không đủ khả năng đối phó. Ngay cả khi đã đưa toàn bộ lực lượng cảnh sát chống khủng bố, trong 15 tháng vẫn để xảy ra 3 vụ  tấn công tgây thương vong nặng nề ở các khu vực then chốt. Khủng bố đã trở thành trạng thái bình thường mới trong cuộc sống mà khó có thể thay đổi ở châu Âu.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.