Nạn trồng cần sa ở Anh: Vì sao ngựa quen đường cũ?

Thứ Hai, 14/11/2016, 17:25
Khi đặt chân được vào Anh, các nạn nhân bị những kẻ buôn người giam giữ như tù nhân và bị ép trồng cần sa để trả cho số nợ lên đến 46.000 USD (chi phí để được đưa sang Anh). Nơi trồng cần sa là những ngôi nhà có hệ thống làm nóng rất phức tạp, những chiếc bóng điện cao áp bỏng rát cháy sáng suốt ngày đêm. Dây điện giăng khắp mọi nơi, phần để phục vụ chuyên canh cần sa, phần để ngăn ngừa những "nô lệ mới" đào thoát...

Sau khi tiến hành giải tỏa khu trại tị nạn "Rừng rậm Calais" gây  nhiều vấn nạn nhức nhối về môi trường và an ninh trong đời sống cộng đồng, giới chức hai nước Pháp và Anh đã có những báo cáo điều tra về hoạt động của các đường dây buôn người đến khu trại này, trong đó Tổ chức quốc gia phòng chống nạn ngược đãi - bạo hành trẻ em (NSPCC) của Anh tạm kết luận: có hàng chục trẻ em Việt Nam bị đưa từ Pháp vào Anh để làm việc trong các khu vực trồng cần sa bất hợp Pháp ở Anh.

Từ khu tập kết "Rừng rậm Calais"

Gần 2 tháng trước khi "Rừng rậm Calais" được Bộ Nội vụ và giới chức an ninh Pháp giải tỏa, báo Daily Mail của Anh số ra ngày 1-9 đã dẫn lời các thành viên NSPCC khuyến cáo việc có hàng chục trẻ em Việt Nam di cư bất hợp pháp tụ tập ở Calais để chờ được đưa sang Anh.

Cảnh sát Anh trong cuộc đột kích một trang trại cần sa của người Việt. Ảnh: Coventry Telegraph.

Điểm dừng cuối cùng cho các em là các khu nhà ở những vùng hẻo lánh hoặc các khu nông trại xa xôi mà chủ của nó chuyên canh bất hợp pháp cây cần sa.

NSPCC nêu rõ: số trẻ em Việt Nam nằm trong số hàng trăm trẻ em từ hàng chục quốc gia khác nhau bị các đường dây buôn người đưa đến tụ tập tại khu trại vô cùng nhếch nhác và phức tạp Calais để từ đây tìm cách xuyên đường hầm qua eo biển Manche vào Anh.

Điều đáng nói là có những em mới 9 tuổi, là nạn nhân của những kẻ vô nhân tính bởi các em thường xuyên bị hành hạ thể xác và bị lạm dụng tình dục. Trung tâm tư vấn về buôn bán trẻ em (CCAT) trực thuộc NSPCC cho rằng, các trẻ em người Việt và số trẻ đồng trang lứa đến từ những vùng đất đang bị nội chiến hoành hành đặc biệt phổ biến trong "Rừng rậm Calais".

Nếu sang được Anh, các em lập tức bị đưa vào làm việc như nô lệ trong các trại trồng cần sa bất hợp pháp của các băng nhóm người Việt. Cũng theo Daily Mail, băng nhóm người Việt hiện đã thống trị thị trường cần sa của Anh từ phạm vi 15% thị phần trong năm 2005 nay đã chiếm khoảng 90% vào năm 2015.

Năm 2013, Bộ Nội vụ Anh ước tính có tới 13.000 nạn nhân đang sống trong tình cảnh bị áp bức ở Anh, hầu hết đến từ Việt Nam, Albania, Nigeria và Romania. Cũng trong năm này, Chính phủ Anh đã ban hành một dự luật để giải quyết tình trạng số vụ buôn người và sử dụng lao động như nô lệ tăng nhanh.

Nhiều nạn nhân Việt Nam là trẻ em từng phải cuốc bộ để băng rừng vượt qua các chốt gác biên giới, bị nhồi nhét trong các khoang tàu thuyền và thùng xe tải hàng chạy hàng ngàn dặm qua nhiều nước trong cả tháng trời trước khi tới được bờ biển nước Anh.

Ông Peter Wanless, Giám đốc điều hành của NSPCC, nêu thực trạng: "Chúng ta đang phải đối mặt với tình huống rất phức tạp do trẻ em bị các băng nhóm tội phạm tìm mọi cách đưa đến Calais - chặng cuối cùng của một cuộc hành trình khủng khiếp. Các em bị giấu trong các lán trại chờ cơ hội sang Anh, và trên suốt hành trình này, các em không thể tránh khỏi bị lạm dụng, ngược đãi và bóc lột".

Theo ông Wanless, thậm chí còn xảy ra tình trạng các băng nhóm tội phạm lùng sục các lán trại ở Calais để tìm bắt những trẻ em vừa đến được đây, dù các em đi theo gia đình hoặc bạn bè. Tổ chức NSPCC hiện đang điều tra về 72 trường hợp trẻ em được cho là mất tích ở khu "rừng" Calais.

Luật sư Philippa Southwell cho biết, trong những năm gần đây, bà thường xuyên phải đại diện cho những thân chủ, chủ yếu là những nam thanh niên và bé trai người Việt Nam bị lừa sang Anh làm việc trong các nông trại trồng cần sa. Những người này chủ yếu xuất thân từ những gia đình nghèo khó và họ thường nghĩ rằng phương Tây là một cơ hội để thoát khỏi cảnh cơ cực.

Nhiều người Việt Nam, trong đó có nhiều trẻ em, phải trải qua quãng đường hàng nghìn dặm bằng cách đi bộ, đi thuyền và xe tải trong nhiều tháng trời, thậm chí cả năm trời để tới được bờ biển nước Anh.

Bà Southwell dẫn lời các nạn nhân mà bà tiếp xúc, kể lại: "Họ bị vận chuyển qua Nga, Đức, Pháp. Một số phải đi bộ qua rừng nhiều ngày trời. Họ phải ngủ trong các lán trại và trốn trong những thùng xe tải bẩn thỉu. Ở trong đó, họ phải im lặng, không được cử động vì không có không gian để cử động, ngột ngạt như bị đóng hộp đến mức nhiều người đã ngất đi, số còn lại chịu đựng được thì phải đi vệ sinh ngay tại chỗ".

Một cơ sở trồng cần sa của người Việt tại thành phố Coventry. Ảnh: Coventry Telegraph.

Khi đặt chân được vào Anh, họ bị những kẻ buôn người giam giữ như tù nhân và bị ép trồng cần sa để trả cho số nợ lên đến 46.000 USD (chi phí để được đưa sang Anh). Nơi trồng cần sa là những ngôi nhà có hệ thống làm nóng rất phức tạp, những chiếc bóng điện cao áp bỏng rát cháy sáng suốt ngày đêm. Dây điện giăng khắp mọi nơi, phần để phục vụ chuyên canh cần sa, phần để ngăn ngừa những "nô lệ mới" đào thoát. Mọi cánh cửa sổ luôn bị đóng kín để họ không thể trốn ra được. Các cánh cửa cũng có những màn chắn và ánh sáng mặt trời cả ngày không thể lọt vào.

Mặc dù cần sa bị coi là phạm pháp ở Anh từ năm 1928, nhưng đây vẫn là thứ ma túy thông dụng nhất ở nước này hiện nay. Có tới 2,7 triệu người tiêu thụ hơn 1.000 tấn cần sa với giá trị ước tính khoảng 9,2 triệu USD mỗi năm. Theo Hiệp hội Các Cảnh sát Trưởng Vương quốc Anh (Association of Chief Police Officers), hầu hết cần sa tiêu thụ ở Anh được trồng trong nước.

Những điểm trồng cần sa này nằm rải rác trên khắp nước Anh, cách xa các khu thị tứ hoặc thành phố lớn để không bị lọt vào tầm ngắm của giới chức quản lý địa phương và cảnh sát.

Thông thường, các nạn nhân bị đưa đi tản mát ở khắp nước Anh, tránh xa các thành phố lớn để tránh tầm ngắm của cảnh sát. Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, khi bị phát hiện, thường là trong các đợt truy quét của cảnh sát, những người lao động trong các khu trồng cần sa này lại bị coi như tội phạm chứ không phải nạn nhân.

Giám đốc tổ chức từ thiện giúp đỡ những trẻ em là nạn nhân của buôn người ECPAT UK, bà Chloe Setter nói: "Theo tôi được biết, chưa có băng nhóm buôn người Việt Nam nào bị truy tố vì đem trẻ em đến đây với mục đích như vậy. Nhưng các em đã bị nhốt lại, bị truy tố và bị kết tội trái pháp luật".

Không thể ngẩng mặt vì đã bị đầu độc nhân phẩm

Tháng 3-2016, Anh Hoang, 20 tuổi , trú tại phố Exeter, Birmingham, Dat Nguyen, 50 tuổi và Dat Nguyen, 47 tuổi bị Tòa Warwick Crown tuyên phạt 20 tháng tù  giam, hai người đồng phạm vì không có địa chỉ cố định, nhận án hai năm, cả 4 người này sẽ bị trục xuất sau khi mãn hạn. Họ  bị cảnh sát phát hiện làm việc trong một cơ sở trồng tới 2.000 cây cần sa ở khu chợ trong nhà bỏ hoang thuộc khu Riley Square, Bell Green.

Khi cảnh sát ập vào, Dat Nguyen chạy lên mái nhà và nhảy xuống từ độ cao 6m xuống khu đất trống phía sau hòng chạy trốn, anh ta bị thương và phải nhập viện. Ba người còn lại bị bắt bên trong nhà và được đưa tới đồn cảnh sát. 7 căn phòng trong khu nhà được dùng để trồng cần sa, có 300 bình rỗng và 18 bao cần sa đã được thu hoạch, có trọng lượng gần 30kg. Tổng cộng hơn 2.000 cây có thể cho thu hoạch khoảng 117 kg. Tổng giá trị của lượng hàng này có thể lên đến 1,5 triệu bảng Anh, tương đương hơn 2 triệu USD.

Dat Nguyen cho biết, anh ta vốn làm việc trong một nhà bếp, được yêu cầu đến khu nhà để thu hoạch cần sa với tiền công 400 bảng Anh (hơn 560 USD). Anh ta mới đến cơ sở này được 4 ngày và không liên quan đến việc trồng hay tưới nước cho cây.

Để tới được Anh, Dat Nguyen phải trả cho môi giới 3.000 USD với mong chờ có công việc để gửi tiền về cho vợ và con. Tuy nhiên anh ta không kiếm được việc làm và chưa từng gửi được đồng nào về nhà. Luật sư bào chữa cho Anh Hoang cho hay, anh ta đến cơ sở trồng cần sa này được 10 ngày và "được nhờ làm vì đầu bếp ở đó bị ốm". Hoang được đưa tới Anh 5 năm trước khi mới 15 tuổi. Anh ta từng làm việc ở các tiệm chăm sóc móng tại Birmingham.

Ngày 25-4-2016, cảnh sát phát hiện ra khu trại cần sa trong ngôi nhà ở thành phố Stoke do một nhóm người Việt lại từ một gia đình ở địa phương. Tại đây, Cảnh tìm thấy 333 cây cần sa được trồng trong 3 phòng, có giá trị gần 140.000 USD và 2 người làm công (từ lời khai ban đầu) tên là Dien Bui và Nghia Vu.

Công tố viên Kevin Jones cho biết, khi cảnh sát đột kích vào, họ ghi nhận "Có những hướng dẫn viết bằng tay, 111 chiếc đèn, 151 máy biến áp, 5 chiếc quạt và 4 bộ lọc". Cả hai người Việt đều không có địa chỉ cư trú cụ thể; Bui đến Anh vài năm trước để tìm vợ cũ và con.

Thẩm phán Paul Glenn cho rằng khu trại trồng cần sa này hoạt động chuyên nghiệp và có bằng chứng cho thấy chủ nhân từng thu hoạch sản phẩm. Sản lượng tiềm năng của khu trại là khoảng 15kg. Đến tháng 7, Bui, 48 tuổi, bị kết án 12 tháng tù, còn Vu, 45 tuổi, người từng có tiền án về trồng cần sa, lĩnh 15 tháng tù. Cả hai sẽ bị trục xuất về Việt Nam sau thời gian thụ án.

Ngày 5-5-2016, tờ Lancashire Telegraph đưa tin: một nam thiếu niên trên đã bị bắt và buộc tội trồng cần sa tại thành phố Blackburn. Tuy nhiên, luật sư biện hộ Gareth Price tường trình với tòa rằng, thân chủ của mình được chuyển đến Anh bằng xe tải và trong suốt 4 tháng qua, cậu phải trông nom vườn cần sa bên trong một ngôi nhà.

Chính nghi phạm này cũng không biết mình đang ở đâu. "Cậu ta bị bỏ lại tại ngôi nhà ở Blackburn với những lời hướng dẫn tưới cây và dọa sẽ bị đánh nếu có ý định bỏ trốn", ông Price nói. "Cậu ta còn nhỏ tuổi, không biết nói tiếng Anh ở một đất nước xa lạ, không gia đình hay bạn bè".

Trong trường hợp bị phát hiện, thường là trong các cuộc truy quét của cảnh sát, những người bị ép trồng cần sa thường bị coi là tội phạm chứ không phải là nạn nhân. Bà Chloe Setter thuộc tổ chức thiện nguyện ECPAT UK chuyên bảo vệ cho các trẻ em là nạn nhân của nạn buôn người cho hay: "Tôi được biết, chưa có băng nhóm buôn người Việt Nam nào bị truy tố vì đưa trẻ em đến đây làm nô lệ trồng cần sa. Nhưng chúng ta đã nhốt, truy tố và kết tội nhiều nạn nhân hơn là truy tố những kẻ đã bóc lột các em ấy".

Theo bà Setter, cảnh sát thường bắt giữ các thiếu niên trồng cần sa nhưng lại không tìm được manh mối dẫn đến những kẻ buôn người. Luật sư Southwell cho biết, khi bị bắt, các em thường nhận được lời khuyên hãy nhận tội chứ bản thân các em cũng không nhận ra rằng, các em là nạn nhân của nạn buôn người và bóc lột.

Bà nhận định: "Điều vô cùng quan trọng là họ phải nhận thức được rằng họ là nạn nhân chứ không phải là tội phạm. Tôi nghĩ đó là cách cho họ niềm tin". Sau khi thụ án xong, các nạn nhân thường bị trục xuất về nước, nhưng với tiền án và thiếu sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội tại địa phương, vì nhu cầu mưu sinh, chẳng bao lâu sau họ phải quay lại đường dây buôn người cũ.

Một khi đã phải chịu án liên quan đến cần sa, nhiều người Việt Nam ở Anh bất hợp pháp đã bị trục xuất về nước. Bà Mimi Vũ từ Tổ chức Vòng tay thái bình (Pacific Links Foundation) của Mỹ cho hay, khi có tiền án, họ thường có xu hướng quay trở lại làm việc cho mạng lưới mà họ đã tham gia trước đó. Khoảng 50-60% những kẻ buôn người bị bắt lại chính là nạn nhân buôn người trước đó.

Mimi Vũ nói: "Thế giới của họ đóng khung trong vòng cương tỏa của tội phạm. Họ đã bị đánh đập, bị lạm dụng và bị hãm hiếp... Vì đã bị đầu độc nhân phẩm nên họ sẽ rất khó để vượt qua ranh giới đó để quay lại cuộc sống bình thường".

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.