Vụ án hy hữu gây chấn động cộng đồng khoa học Italia và cả thế giới

Thứ Ba, 06/09/2016, 17:25
Sau trận động đất kinh hoàng xảy ra ở miền trung Italia vào ngày 24-8 vừa qua, truyền thông quốc tế lại được dịp khơi lại một bản án của 4 năm trước, từng là đề tài tranh cãi gay gắt khi các nhà khoa học Italia lâm vòng lao lý vì liên quan đến một thảm họa tương tự.

Sự kiện liên quan đến vụ án là trận động đất mạnh 6,3 độ Richter, xảy ra vào ngày 6-4-2009 tại thành phố L'Aquila trong vùng Abruzzo miền Trung Italia, khiến 309 người thiệt mạng và 1.600 người khác bị thương, còn hơn 70.000 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Vị quan chức cao cấp phải ra trước vành móng ngựa là ông Bernardo De Bernardinis, đương kim Cục phó Cục Bảo vệ dân sự (PC), một cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ Italia chuyên về dự báo và phòng ngừa rủi ro. Các bị can còn lại đều đang công tác tại Viện Vật lý địa cầu và Núi lửa quốc gia (INGV) có trụ sở tại thủ đô Rome, cũng là những nhà nghiên cứu địa chấn và địa vật lý đầy uy tín được thế giới biết tiếng, gồm cả Giáo sư Tiến sĩ Enzo Boschi nguyên Giám đốc INGV.

Chánh án M. Billi.

Cáo trạng của Viện Công tố L'Aquila kết tội nhóm bị cáo đã cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ về mối nguy hiểm cận kề. Thực tế minh chứng rằng, tại vùng Abruzzo ghi nhận tới 400 đợt rung chấn nhẹ trong cả tháng 3-2009 trước đó, khiến dân chúng vô cùng hoảng loạn.

Cộng thêm với kết quả nghiên cứu do kỹ sư Giampaolo Giuliani, công tác tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Gran Sasso (LNGS) công bố, phát hiện sự tập trung lượng khí radon cao bất thường giữa các vách đá thuộc rặng núi Abruzzo, cho phép nhận định sang tháng 4 kế tiếp sẽ xảy ra trận động đất lớn ở cả L'Aquila lẫn thành phố Sulmona kề cận. Cư dân L'Aquila bắt đầu không dám ngủ ở nhà, mà đánh xe ra các cánh đồng ngoài rìa thành phố, thậm chí có người chạy về vùng thôn quê có địa hình bằng phẳng hơn hòng tránh thảm họa…

Do có sự xáo trộn đời sống nghiêm trọng tại vùng Abruzzo nên chính quyền trung ương quyết định vào cuộc. Đích thân Cục trưởng PC Guido Bertolaso ra lệnh cho thuộc cấp phải tổ chức một cuộc tiếp xúc của giới khoa học hàng đầu, với địa điểm được chọn là thành phố L'Aquila thủ phủ của tỉnh cùng tên trong vùng Abruzzo. Bằng chứng chủ yếu được trưng ra trước tòa là cuốn băng ghi âm cuộc điện thoại từ Cục trưởng G. Bertolaso do tờ La Repubblica, nhật báo lớn hàng thứ 2 ở Italia ấn hành tại Rome cung cấp.

Cục phó PC De Bernardinis (thứ 3 từ phải sang) đứng bên nhà vật lý C. Eva khi nghe tòa tuyên án.

Qua đó cho thấy G. Bertolaso đã lệnh cho Cục phó De Bernardinis vào ngày 31-3 phải triệu tập một cuộc gặp gỡ tại L'Aquila liên quan đến mối đe dọa động đất, buộc "kẻ đê tiện" (ám chỉ kỹ sư G. Giuliani) phải câm miệng và chấm dứt nỗi sợ hãi: "Cá nhân tôi sẽ đem theo những nhà khoa học ưu tú nhất đến từ thủ đô. Họ sẽ nói mọi sự đều tốt đẹp và tình hình vẫn ở mức bình thường. Dịp tiếp xúc này cần được tổ chức giống như một cuộc họp báo thường lệ, do vậy phải mời tất cả các đại diện báo giới trong vùng Abruzzo".

Tháp tùng G. Bertolaso là Giám đốc INVG E. Boschi, nhà vật lý kỳ cựu Claudio Eva và 4 nhà khoa học sừng sỏ khác thuộc INVG. Nhưng do bận công việc chuẩn bị cho kỳ Hội nghị Thượng đỉnh của khối G8, dự kiến sẽ diễn ra trong mùa hè cùng năm trên đảo La Maddalena nên Cục trưởng G. Bertolaso vắng mặt.

Cuộc gặp kéo dài trong 45 phút, sau đó Cục phó De Bernardinis tuyên bố với báo giới: "Cộng đồng khoa học đã thông báo với tôi rằng, không tồn tại mối nguy hiểm nào hết, đơn giản chỉ là sự khuếch tán năng lượng dưới lòng đất. Tuy những cơn địa chấn nhẹ có xuất hiện nhưng không nhiều quá mức, cũng như không tiềm ẩn mối nguy gì lớn lao ảnh hưởng tới tình hình chung". "Tóm lại, mọi người có thể yên tâm về nhà mở rượu vang ăn mừng", Cục phó Cục Bảo vệ dân sự De Bernardinis khẳng định trong buổi họp báo. Vậy mà chỉ 6 ngày sau, thành phố L'Aquila đã bị trận động đất hủy hoại tan hoang.

Các nhà nghiên cứu địa chấn bị quy tội không phải cho tất cả 309 nạn nhân thiệt mạng, mà chỉ riêng cho số 29 người trong đó đã trở về nhà mình, sau khi nghe được qua radio kết luận đánh giá từ nhóm chuyên gia. Cáo trạng do công tố viên Fabio Picuti giữ quyền công tố đọc đề nghị mức án tổng cộng 4 năm tù cho 7 can phạm, đồng thời nhấn mạnh rằng không ai đòi hỏi giới khoa học phải dự báo chính xác được thời điểm xảy ra thảm họa, nhưng điều tối cần thiết là phải cung cấp thông tin đầy đủ về mức độ nguy hiểm. Còn theo nguyên văn kết luận từ cuộc họp ngày 31-3, thì mặc nhiên đã dẫn đến sự thay đổi cách phòng chống động đất và gây ra những cái chết oan uổng.

Sau quá trình xét xử kéo dài hơn 300 ngày, tới cuối tháng 10-2012, Tòa án thành phố L'Aquila đã ra phán quyết, tuyên phạt Cục phó Cục Bảo vệ dân sự De Bernardinis và 6 nhà khoa học nổi tiếng về tội ngộ sát, với mức án tổng cộng là 6 năm tù cùng 9 triệu euro tiền bồi thường cho các nạn nhân, cũng như không được đảm nhiệm các chức vụ trong bộ máy công quyền sau khi mãn hạn.

Nguyên Giám đốc INGV E. Boschi tại phiên xử cuối cùng.

Chánh án Marco Billi chủ tọa phiên tòa đã thẳng thắn trao đổi với báo giới sau phán quyết gây tranh cãi: "Nếu như các nhà địa chấn học thực thi theo chỉ thị từ G. Bertolaso, lẽ đương nhiên là họ đã phạm lỗi. Đúng ra đánh giá của họ phải mang tính khoa học thuần túy căn cứ vào những hoạt động địa chấn thực tế, chứ không phải dưới áp lực hành chính nào đó. Dù muốn hay không, tòa đã nghị án trong bối cảnh hết sức căng thẳng. Nếu quy tội các bị cáo sẽ làm tổn thương đến các nhà khoa học chân chính; nếu tha bổng họ thì không khác gì hành động nhẫn tâm bỏ qua thân phận của 29 nạn nhân oan khiên. Nôm nà là nếu như không thể kết án những người làm khoa học, thì cũng giống như không nên mạo hiểm cuộc sống của mình cho mục đích khoa học vậy".

Phán quyết cuối cùng vấp phải sự phẫn nộ không chỉ trong giới khoa học Italia, mà cả toàn thế giới. Ngay từ đầu năm 2012, hơn 5.000 nhà khoa học quốc tế đã ký tên vào một bức thư ngỏ gửi đến Tổng thống Italia Giorgio Napolitano, bày tỏ sự ủng hộ đối với các bị can trong một phiên tòa "cực kỳ phi lý", mà giới tư pháp nước này chuẩn bị đưa ra xét xử.

"Động đất là hệ quả từ một quá trình diễn biến phức tạp với hàng nghìn yếu tố tương tác, khiến trong thực tế không thể đưa ra dự báo tuyệt đối đúng - Phát ngôn viên Richard Walker của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) quả quyết - Duy nhất một trường hợp dự báo chính xác là trận động đất mạnh 7,3 độ Richter ở phía Bắc Trung Quốc vào năm 1975". 

Còn Giáo sư Jean-Paul Montagnier, nhà địa chấn học lừng danh người Pháp cho rằng những cơn địa chấn liên tục với cường độ yếu chưa chắc đã là chỉ số tiềm ẩn một trận động đất lớn, trong hầu hết các trường hợp lại diễn ra theo chiều ngược lại. "Ngành địa chấn học hiện đại vẫn chưa cho phép đưa ra kết quả dự báo chính xác. Chúng ta luôn trong trạng thái không thể khẳng định rằng động đất có xảy ra hay không?

Người dân L'Aquila xuống đường tuần hành mang di ảnh 29 nạn nhân thiệt mạng vì nghe theo nhận định từ giới khoa học.

Sự việc của giới nghiên cứu địa chấn Italia vô tình vướng vào vòng lao lý chẳng khác gì thời Trung cổ, y như trường hợp Galileo Galilei - "cha đẻ của khoa học hiện đại" - bị đưa lên giàn hỏa vậy", Giáo sư Aleksei Zavialov công tác tại Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (FIAN) giãi bày.

Ngoài ra ngay từ đầu năm 2009, tức là 3 tháng trước khi có thảm họa động đất ở Italia, Hiệp hội Địa chấn học và Vật lý địa cầu quốc tế (IASPEI) trực thuộc Liên Hiệp Quốc đã chính thức thừa nhận: hiện thời khoa học chưa thể đưa ra các dự đoán về những chuyển động ngầm cực lớn dưới lòng đất.

Kim Dung (tổng hợp)
.
.