Vụ án mạng chấn động làn sóng chống người di cư

Thứ Ba, 19/03/2019, 06:16
Năm 2018, một thiếu niên người Đức bị sát hại và cái chết của cô gái nhanh chóng trở thành tâm điểm cho làn sóng chống người di cư. Tin đồn nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội rằng cô gái bị một người nhập cư Hồi giáo sát hại. Nhưng sự thật về những gì đã xảy ra rất khác với suy đoán mang tính hoang đường.


Ngôi sao trượt băng

Người mẹ đơn thân Karin Gross sống ở phía đông Berlin. Vào ngày 7-3-2018, Karin nhận được cuộc điện thoại tại nơi làm việc từ cô con gái 14 tuổi tên Keira bảo rằng: “Mẹ ơi, con đang ở nhà. Mẹ gọi điện cho con khi trở về nhé”. Sau khi hoàn thành công việc, Karin gọi điện cho con gái nhưng không thấy trả lời. Karin gọi thêm vài lần nữa vẫn không được. Karin quyết định gửi một tin nhắn WhatsApp nhưng vẫn không được. Karin cho rằng mạng Internet bị sập, hoặc con gái tắt điện thoại để ngủ trưa. Karin lái xe về nhà.

Keira Gross.

Khi bước vào phòng khách, Karin hốt hoảng phát hiện con gái duy nhất của mình ngồi trước chiếc ghế dài, miệng bị bịt kín bằng chiếc khăn nhuốm máu”. Keira bị đâm đến hơn 20 nhát dao! Keira là ngôi sao trượt băng tuổi thiếu niên nổi tiếng ở Berlin. Trong khi cuộc điều tra của cảnh sát đang diễn ra, một câu chuyện rất khác cũng đang xuất hiện trên mạng xã hội. Các nhà hoạt động thù địch với người di cư nhanh chóng phát tán tin đồn quanh cái chết của Keira. 

Oliver Saal, nhà nghiên cứu tại Amadeu Antonio Foundation, một tổ chức chống chủ nghĩa cực đoan, cho biết: “Chỉ vài giờ sau khi vụ án mạng được đưa tin, các thành phần cực hữu đã có nhiều bài đăng với hashtag Keira trên Twitter và trên Facebook. Những bài đăng cho rằng chính người nhập cư phạm tội ác giết người. Thủ phạm vẫn chưa được biết, và phe cực hữu biết điều đó. Nhưng vì Keira đã bị giết bằng dao cho nên họ cho rằng hung thủ chắc chắn không phải người Đức”. 

Suy đoán của những thành phần cực hữu phản ánh nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của nhiều người Đức phản đối quyết định của Thủ tướng Angela Merkel khi chấp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn vào nước này từ mùa hè năm 2015.

Những lo ngại về nhập cư hàng loạt đã tạo cơ hội cho đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và bài ngoại chen chân được vào quốc hội Đức với tư cách là đảng lớn thứ ba vào tháng 9-2017. Cái chết của Keira xảy ra sau 2 vụ giết người gây tranh cãi ở Đức: Maria Ladenburger, một sinh viên bị sát hại năm 2016 bởi một người tị nạn tự xưng là người Afghanistan; và một cô gái 15 tuổi được biết đến với cái tên Mia V, người đã bị bạn trai cũ Afghanistan của cô giết chết ở thị trấn Kandel năm 2017. Người ta nhận định đã có sự gia tăng tội ác của người di cư ở Đức kể từ năm 2015.

Làn sóng chống người nhập cư

Bốn ngày sau vụ sát hại Keira, cảnh sát tuyên bố đã bắt giữ một cậu bé 15 tuổi. Khi cảnh sát nói với Karin tên của nghi phạm, cô đã bị sốc: “Tôi không biết cá nhân hắn, nhưng tôi đã nghe nhiều điều về hắn. Keira có nhiều ảnh của hắn trong phòng riêng. Keira có một chút cảm tình yêu đương với hắn song cả hai không ở cùng nhau. Keira thường bảo hắn như là anh trai”.

Làn sóng biểu tình chống người di cư ở Berlin năm 2015.

Ban đầu, lai lịch về dân tộc hay tôn giáo của cậu bé đều không được tiết lộ cho công chúng. Mặc dù đây là thủ tục bình thường của cảnh sát, các bài đăng chỉ trích chính quyền vẫn nổ ra trên phương tiện truyền thông xã hội. Những chỉ trích cũng lan vào môi trường chính trị và giới truyền thông. Một đại diện AfD tại Berlin đặt câu hỏi tại sao “nguồn gốc” của thủ phạm không được công khai.

Tổng biên tập tờ Bild phổ biến nhất ở Đức kêu gọi tiết lộ “thông tin thường xuyên” về thủ phạm. Người ta cho rằng chính quyền đang che đậy thông tin quan trọng cung cấp bằng chứng về làn sóng tội phạm người di cư. Oliver Saal nhận định một người đàn ông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thuyết âm mưu này.

Đó là Lutz Bachmann - người sáng lập Pegida (một tổ chức cực hữu chống Hồi giáo hay còn gọi là những người châu Âu yêu nước chống lại sự Hồi giáo hóa) và là nhân vật truyền thông xã hội có ảnh hưởng lớn đối với phe cực hữu ở Đức. Sau vụ giết hại Keira, Bachmann tuyên bố danh tính của nghi phạm đồng thời khẳng định thủ phạm là “người Hồi giáo Chechnya”.

Về mặt lịch sử, Chechnya là quê hương của những người Hồi giáo nhập cư vào nước Đức. Bachmann cũng đăng ảnh cậu bé lên mạng xã hội kèm theo tên họ đầy đủ và cả hồ sơ Facebook. Bài đăng được chia sẻ nhanh đến chóng mặt. Theo nhiều tín đồ của Bachmann, thủ phạm đã được xác định. Thế nhưng, cậu bé mà Bachmann đưa tin trên mạng không hề liên quan gì đến cái chết của Keira Gross mà chỉ tình cờ tên và họ có cùng chữ cái đầu giống như nghi phạm thực sự.

Trước hàng loạt bài đăng buộc tội giết người phổ biến trên mạng xã hội, cậu bé buộc phải khóa tài khoản truyền thông xã hội của mình. Bài đăng của Bachmann được chia sẻ mạnh mẽ đến mức cảnh sát buộc phải phản ứng với bài đăng ảnh chụp màn hình tweet của Bachmann và gọi đó là “tin giả”. Vài ngày sau vụ Keira bị sát hại thương tâm, Karin Gross liên lạc với Roland Weber, một luật sư hình sự nổi tiếng, để đại diện cho cô. Weber cho biết: “Đối với tôi, vụ án giống như một câu đố. Chúng tôi có nhiều mảnh nhỏ và sau đó, từng bước một, tôi bắt đầu nhìn thấy bức tranh lớn hơn hiện ra”.

Cậu bé bị bắt không phải là người tị nạn cũng không phải là người Hồi giáo, như Bachmann đã tuyên bố. Cậu bé chào đời ở Đức, thường xuyên đi nhà thờ và có biệt hiệu là “Hannes”. Luật sư Weber cho biết cậu bé khai với cảnh sát rằng vụ giết người xảy ra theo ý nguyện muốn tự sát của cô gái. Tuy nhiên, hành vi của Keira với bạn bè và gia đình trong những ngày trước khi bị giết chết không cho thấy rằng cô gái đã lên kế hoạch tự sát. Trong khi đó, lịch biểu của Keira chứa đầy những kế hoạch phải thực hiện trong những tháng tới.

Khi cuộc điều tra tiến hành, một bức tranh khác bắt đầu xuất hiện, trong đó cho thấy thực sự cậu bé đã có dự định trước. Hannes đeo balô khi đến nhà Keira và trong đó chứa sẵn quần áo để thay đồ cùng với găng tay và mặt nạ. Một số bạn học của Hannes khai báo với cảnh sát rằng trong những ngày trước khi phạm tội ác, cậu bé đã nói một cách chi tiết về những gì sẽ làm. Thậm chí chỉ vài phút sau khi giết chết Keira, Hannes đã gọi điện đến một trong số người bạn học để xác nhận rằng chính mình đã làm chuyện đó!

Phiên tòa

Mỗi ngày, Karin Gross đều tham dự phiên tòa. Hannes ngồi với mẹ ở phía đối diện căn phòng. Karin kể: “Tôi nghĩ đó là điều khó khăn nhất mà tôi từng trải qua. Tôi không nhận được bất kỳ sự hối tiếc hay bất kỳ lời xin lỗi nào - không hề từ phía gia đình cậu bé. Không có gì cả. Ngay cả khi mọi người đang nói về những gì Hannes đã làm, cậu bé cũng không lên tiếng xin lỗi. Cậu bé nói về vụ giết người như chuyện ăn cắp một chiếc ôtô”.

Người di cư từ Áo vào Đức năm 2015.

Giáo viên trong trường học mô tả Hannes là cậu bé thân thiện, được lòng mọi người nhưng có tính cách rất khác biệt. Roland Weber nói: “Hannes không chắc bạn bè của mình có phải là bạn thật không. Một ngày nọ, Hannes quyết định nếu bản thân mình không thể có những người bạn thực sự thì có lẽ tốt hơn là trở thành kẻ xấu giống như Joker - nhân vật đối nghịch với Người Dơi – trong phim. Thậm chí trong một thời gian trước khi giết người, Hannes còn nhuộm tóc màu xanh lá cây và sơn mặt trắng để trông giống như Joker. Những hành động của Hannes sau khi giết người cũng được nêu trước tòa án. Hannes phá hủy điện thoại của Keira - vì cho rằng sẽ không có dấu vết của các tin nhắn WhatsApp mà cả hai đã trao đổi – và ném nó xuống một hồ nước gần đó.

Sau đó, Hannes về nhà và cắm con dao trở lại giá đựng trong nhà bếp của bố mẹ. Tiếp đến, Hannes bật máy tính và bắt đầu chơi game “Liên minh huyền thoại”. Một bác sĩ tâm thần do tòa án chỉ định kết luận không có dấu hiệu nào cho thấy Hannes bị rối loạn nhân cách hoặc mắc bệnh tâm thần. Hannes bị kết tội giết người và bị kết án 9 năm tù giam trong nhà tù dành cho tội phạm vị thành niên ở Đức. Câu chuyện rất khác với câu chuyện được các nhà hoạt động cực hữu lan truyền trên mạng xã hội.

Một phát ngôn viên của cảnh sát Berlin nói với báo chí rằng họ “chưa bao giờ trải qua một vụ án giết người được khai thác theo hướng chính trị như vậy”. Gần như mỗi ngày, Karin đều đi đến nghĩa trang nơi chôn cất Keira. Cô cắt tỉa lá của một bông hồng cam để nằm trên mộ. Karin mô tả trong một lần viếng thăm đã bất ngờ khám phá một điều đáng lo ngại. Ngôi mộ của Keira đã bị mạo phạm. Có ai đó đã viết tên của kẻ giết người trên bia mộ và mô tả hắn là “người Nga”. Huyền thoại về “người Hồi giáo Chechnya” vẫn tiếp tục tồn tại.

Karin nói: “Đó là một cú sốc đối với tôi. Bởi vì tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có người viết vẽ gì đó như thế trên bia mộ con gái tôi. Đối với tôi, nó không có gì khác biệt nếu đó là tiếng Nga hoặc tiếng Nhật hoặc bất cứ thứ gì tương tự. Dù sao thì con gái tôi cũng đã chết”. Karin cố gắng xóa bỏ hình vẽ graffiti bằng nước, nhưng không thành công. Karin về nhà lấy nước tẩy sơn móng tay. Ngay cả với chất liệu này, Karin cũng phải mất đến 2 giờ mới chà sạch được mặt đá cẩm thạch.

Karin vẫn sống trong căn hộ nơi con gái cô bị sát hại. Karin nói: “Mọi người tự hỏi làm thế nào tôi có thể chịu đựng được. Tôi không thay đổi bất cứ điều gì. Đúng là tôi có một chiếc ghế dài mới.  Tôi không thể tưởng tượng việc di chuyển chiếc ghế đi chỗ khác. Đó là một ngày tồi tệ. Nhưng có rất nhiều kỷ niệm với chiếc ghế”.

Gần đây, Karin thực hiện những bước đi ngập ngừng đầu tiên của mình trên nền băng tại hội trường mà cô con gái Keira từng luyện tập. Karin mặc quần áo trượt băng của con gái mình. Karin nói: “Bộ đồ vừa vặn với tôi, mặc dù hai mẹ con có vóc dáng khác nhau. Cả đôi giày cũng vậy. Có lẽ trong 10 năm nữa tôi cũng sẽ là một vận động viên trượt băng tốc độ. Tôi muốn làm điều đó bởi vì tôi muốn ở gần con gái. Tôi đến đó để vui chơi. Tôi không đơn độc. Rất nhiều người bạn của Keira cùng trượt băng với tôi. Chúng tôi trượt băng cùng nhau để luôn tưởng nhớ đến Keira”.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.