Vụ án tiền giả lớn nhất Trung Quốc

Chủ Nhật, 22/03/2020, 11:50
Tiền giả là mối đe dọa đối với nền kinh tế của một quốc gia, đe dọa đến sự an toàn tài sản của nhân dân và càng đe dọa đến uy tín đồng tiền của nhà nước. Chống tội phạm tiền giả luôn là nhiệm vụ trọng điểm của các cơ quan an ninh của mọi quốc gia.

Quảng Đông, Trung Quốc là tỉnh đông dân và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, do vậy số lượng người lưu thông và lượng tiền lưu thông đứng vào hàng đầu quốc gia này. Chính vì thế đây cũng là chiến trường đấu tranh chống bọn làm tiền giả ác liệt nhất.

Vào lúc 5 giờ sáng ngày 17 tháng 9 năm 2015, công an tỉnh Quảng Đông đã tấn công hai cơ sở làm tiền giả lớn ở khu Huệ Thành và Trọng Khai trong thành phố Huệ Châu, thu được 210 triệu nhân dân tệ mệnh giá 100 đồng, bắt 29 nghi phạm. Đây cũng là vụ án làm tiền giả lớn nhất kể từ khi thành lập nước Trung Quốc.

Vụ án làm tiền giả lớn nhất Trung Quốc

Đã 3 giờ sáng ngày 17 tháng 9 nhưng phòng họp của công an Huệ Châu vẫn sáng đèn và mọi người đang căng thẳng chờ đợi thời điểm phá vụ án “Săn báo 905” làm tiền giả đặc biệt lớn, đồng thời lúc này 500 cán bộ và cảnh sát đang chờ đợi xuất phát đi đánh án. 

Đúng 5 giờ, cảnh sát của 6 khu vực Huệ Châu, Sơn Vĩ, Thâm Quyến, Quảng Châu, Sán Đầu, Kiết Dương, thống nhất hành động cùng tấn công đột nhập vào hai cơ sơ làm tiền giả cực lớn ở khu Huệ Thành và Trọng Khải trong thành phố Huệ Châu. Trong số 29 tên tội phạm có những tên chủ chốt như Chu Bân, Lý Di, Tạ Lâm và thu giữ được 210 triệu nhân dân tệ mệnh giá 100 tệ, 4 máy in tiền cũng như một số lượng lớn phim in tiền giả và nguyên liệu in ấn.

Tiền giả thu được trong vụ án.

Cảnh sát Quảng Đông đã theo dõi vụ án này trong 9 tháng. Cục trưởng Cục điều tra kinh tế công an Quảng Đông nói: “Đó là vụ án làm tiền giả lớn nhất từ trước đến nay, địa điểm in tiền nhiều với nhiều máy móc thiết bị và bắt giữ được số tội phạm cũng nhiều”.  

Từ tháng 1 năm 2015, cảnh sát Quảng Đông đã có được những manh mối từ quần chúng về việc bọn tội phạm in tiền giả, chủ mưu là người họ Chu. Sau khi điều tra cảnh sát biết được Chu Bân có một thời gian dài sống ở Thâm Quyến và đã nhiều lần tham gia mua bán tiền giả. Cuối tháng 8 năm 2015, cảnh sát phát hiện Chu Bân không những liên hệ thuê nhà mà còn liên hệ với tên Đặng Nhân người Tứ Xuyên, tên này là kỹ thuật viên in ấn. Theo kinh nghiệm khi phá các vụ án, cảnh sát đoán rằng vừa liên hệ thuê địa điểm lại vừa liên hệ với người hiểu biết công việc in ấn cho thấy đối tượng đang chuẩn bị cho việc in tiền giả.

Ngày 3 tháng 9, Chu Bân, Đặng Nhân cùng hai người nữa gặp nhau ở Long Cương Thâm Quyến rồi bọn chúng vội vã đi ngay đến Huệ Châu. Cảnh sát đã theo sát và phát hiện cả nhóm đến xưởng ngũ kim Hâm Di ở thôn Thủy Vi nhưng không thấy đi ra.  

Ngày 5 tháng 9, cảnh sát Quảng Châu phối hợp với cảnh sát Huệ Châu thành lập ban chuyên án “Săn Báo 905” và tiến hành bố trí giám sát xưởng ngũ kim Hâm Di 24/24. Xung quang xưởng bố trí cảnh sát mặc thường phục theo dõi, hai đầu đường quốc lộ đi vào xưởng và trước cửa xưởng được lắp camera giấu kín”.

Sự theo dõi bí mật và chặt chẽ như vậy để bọn tội phạm không thể ngờ và cảnh sát cũng không có hành động gì e đánh rắn động cỏ. Việc chọn địa điểm xưởng ngũ kim để in tiền giả cho thấy bọn tội phạm này rất thận trọng vì xưởng ngũ kim có địa hình phức tạp khó xâm nhập,  không tiện giám sát theo dõi mà dễ bảo vệ. Bên trái xưởng là một xí nghiệp, bên phải là một con sông với cây cối rậm rạp nên một khi phát hiện tình huống khẩn cấp, chúng rất dễ thoát ra. 

Đầu tháng 9, thông qua công tác trinh sát, cảnh sát biết được bọn chúng chuẩn bị chuyển máy in và thiết bị đến xưởng. Đúng ngày 6 tháng 9, Chu Bân đưa đến hai chiếc xe, một chiếc xe màu đỏ chở hai chiếc máy in. Trinh sát nhận định rằng bọn chúng đang chuẩn bị cho việc in tiền giả.

Trinh sát còn phát hiện rằng ngoài xưởng ngũ kim Hâm Di ra ông chủ Chu còn nhiều lần đi đến xưởng sản xuất gạch ở khu Trọng Khai cũng ở Huệ Châu họp mặt bí mật cùng với 4 người khác đều là kỹ thuật viên in ấn.

Khi mọi người đang nghi ngờ thì ngày 10 tháng 9, cảnh sát Huệ Châu lại có phát hiện kinh người: Ông chủ Chu lại dùng chiếc xe màu đỏ chở hai chiếc máy in đến xưởng gạch ở Trọng Khai. Đến thời điểm này cảnh sát đã chắc chắn rằng bọn chúng sẽ in tiền ở hai địa điểm là xưởng ngũ kim Hâm Di và ở lò gạch Trọng Khai.

Từ ngày 14 tháng 9, có người vào xưởng ngũ kim nhưng không thấy ra, có thể biết là bọn chúng đã bắt đầu tiến hành in tiền giả. Trinh sát còn biết được tin Chu Bân đã thỏa thuận xong với người mua, giá bán 10 tệ cho tờ 100 tệ tiền giả. Cảnh sát đánh giá tiến trình in tiền giả của bọn chúng có thể được xuất ra hai hoặc ba ngày nữa cho nên thời gian này có thể thống nhất đưa ra quyết định đánh án.

Khi đã thu thập đầy đủ chứng cứ, ban chuyên án quyết định đánh án vào ngày 17 tháng 9, vì địa bàn rộng nên ban chuyên án phải điều động 6 cơ sở với 500 cảnh sát chia thành 22 nhóm để tiến hành truy bắt bọn chúng.

Đúng 5 giờ sáng, Huệ Châu, Sán Vĩ, Thâm Quyến, Quảng Đông, Sán Đầu, Kiết Dương 22 nhóm cảnh sát thống nhất hành động. Vụ án tiền giả lớn nhất kể từ khi thành lập nước Trung Quốc đã được phá thành công. Vụ án này cũng là vụ án có sự phối hợp thống nhất giữa các bộ phận của một loạt các lực lượng chức năng thành công nhất. 

Lợi nhuận 20 lần, mộng tưởng phát tài bị phá sản

Đội phó đội trinh sát kinh tế công an Huệ Châu Lưu Quốc Bân nói: Khi ập vào xưởng ngũ kim thấy nhà cửa trống không, chúng tôi thấy một cái tủ lớn án ngữ trước bức tường, chúng tôi xê dịch cái tủ và phát hiện phía sau  tủ là một gian phòng bí mật, đây chính là nơi đặt máy in tiền giả. Khi cảnh sát tiến vào thì hai cái máy in vẫn đang hoạt động trong phòng xếp đầy nhân tiền giả đang trong quy trình in ấn. 

Trong  nhà có đủ thiết bị máy in, máy sấy, máy cắt giấy và các thiết bị hỗ trợ cho việc in tiền giả. Từ lớp cách âm rất dày của căn phòng cho thấy bọn tội phạm đã rất thận trọng. Các đồ ăn sáng mang đến chưa kịp ăn đang để trên chiếc máy cắt giấy. Trong phòng còn có một buồng vệ sinh nên các kỹ thuật viên in ấn có thể làm việc liên tục một thời gian dài không phải đi ra ngoài.

Xưởng ngũ kim Hâm Di.

Ở Trọng Khai, hang ổ in tiền được đặt trong một khu lò gạch. Lúc 5 giờ sáng khi cảnh sát phá cổng xông vào thì bên trong không phải nơi nung gạch mà là “những tờ tiền 100 tệ” từ các máy in bay ra. Tại hai địa điểm, cảnh sát thu được 210 triệu tệ tiền giả, 4 máy in và rất nhiều vật liệu dùng để in tiền giả.   

Đội trưởng đội công an kinh tế Kiết Dương nói: “Những đồng tiền giả này đã là thành phẩm. Nếu chỉ chậm một đêm thôi là hàng triệu tệ tiền giả này sẽ được bọn chúng tung ra lưu hành trên thị trường”.  

Khi bị bắt, Đặng Nhân buồn bã nói: Nếu cứ thật thà chịu khó làm ăn vẫn có cuộc sống đầy đủ và dần dần cũng sẽ trả hết nợ. Bây giờ thì mọi thứ coi như đã chấm hết. Hắn còn nói với phóng viên: Trước đây hắn từng làm công nhân in ấn, vào cuối tháng 8 năm 2015 thì hắn bất ngờ nhận được cuộc điện thoại ông Chu nói cần hợp tác để cùng in tiền giả, vì thời điểm đó hắn đang rất cần tiền nên quyết định chơi một canh bạc.

Mới đầu Đặng Nhân thay Chu Bân tìm thêm kỹ thuật viên ngành in và bàn về giá cả với Chu. Nhận thấy rằng Chu đang nóng lòng muốn triển khai công việc nên Chu đã chấp nhận trả cho Đặng 30 vạn tệ cho mỗi một tấn tiền in ra. Chu Bân là tội phạm chính trong vụ án này.

Thông qua điều tra cảnh sát hiểu rằng trước đây Chu Bân từng làm người môi giới trung gian buôn bán tiền giả. Mấy năm gần đây cảnh sát Quảng Đông tăng cường lực lượng phá các vụ án làm tiền giả nên thị trường tiền giả khan hiếm và hắn không tìm được nguồn cung cấp tiền giả. Mỗi một tờ tiền giả 100 tệ năm 2009 giá chỉ 3 tệ nhưng hiện nay giá lên tới 10 tệ. Do sự thiếu nguồn cung cấp hắn mới nảy ra ý tưởng in tiền giả, giá thành in một tờ tiền giả chỉ mấy đồng nhưng có thể bán được 10 tệ.

Bên trong xưởng in tiền giả.

Với mộng tưởng phát tài nhanh, không chỉ một mình Chu Bân mà chủ xưởng ngũ kim Tạ Hoành lúc đầu cũng chỉ là chủ cho thuê nhà nhưng đã chuyển thành một “cổ đông”.

Tội phạm Tạ Hoành nói: “Do mở xưởng được hai năm mà tình hình vẫn không chuyển biến tốt, tôi nợ rất nhiều tiền cho nên tôi mới thỏa thuận dành cho họ một địa điểm để họ làm ăn và kết quả là như bây giờ”.

Tạ Hoành rất tích cực giúp đỡ công việc của Chu Bân, không những lo lắng chỗ ăn ở của kỹ thuật viên in ấn mà còn xây dựng gian phòng bí mật để đặt máy in và thiết bị. Trong vụ án tiền giả lớn này các nghi phạm đã đóng cổ phần bằng các hình thức như nhà xưởng, bản mẫu in tiền, thiết bị in, tiền đầu tư…

Có điều đáng cười là Chu Bân đã chọn xưởng ngũ kim ở Huệ Châu làm nơi in tiền có địa thế kín đáo còn dựa vào thầy bói phong thủy. Vì để nhanh in ra tiền, khi 210 triệu tệ tiền giả chưa in xong, Chu Bân đã tìm được mối tiêu thụ, nếu bán được 210 triệu tiền giả, bọn chúng đã có được 21 triệu tệ.  

Để có thể in ra được tiền giả, bọn chúng đã đầu tư  mua thiết bị vật liệu mất một triệu tệ nhưng khi tiền giả ra thị trường bọn chúng có thể bán được 20 triệu, lợi nhuận gấp 20 lần số tiền đầu tư. Lợi nhuận quá nhiều đã làm cho bọn chúng mất phương hướng. Giờ đây bọn chúng phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.  

Nguyễn Đình Thiêm (theo “Xinhuanet.com”)
.
.