Vụ giải cứu cô bé 7 tuổi ở Papua New Guinea

Thứ Bảy, 10/08/2019, 09:38
Trong nhiều tháng, Justice bám lấy Kissam và co rút người trong nỗi kinh hoàng mỗi khi có người lạ đến gần. Nhờ nỗ lực của Kissam trấn an tinh thần Justice mỗi khi gặp người lạ cho nên dần dần cô bé bắt đầu cảm thấy an tâm. Ngày nay, Justice đã trở nên bình thường như mọi đứa trẻ khác.


Niềm tin mù quáng vào phù thủy

Cô bé Justice (không phải tên thật của cô bé) 7 tuổi bị mê hoặc bởi Công chúa Elsa trong bộ phim hoạt hình Frozen (Nữ hoàng Băng giá) của Hollywood và thuộc lòng ca từ trong bài hát nổi tiếng “Let it go” của bộ phim.

Mỗi buổi sáng, Justice nhặt những bông hoa sứ rơi trước sân của người giám hộ mình ở thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea (PNG) và cài lên mái tóc. Nụ cười của Justice thật rạng rỡ. Nhưng, thật khó tưởng tượng nổi làm thế nào mà có những kẻ coi cô gái nhỏ này là “phù thủy” hay “đại diện của cái ác”. Vào tháng 11-2017, dân làng của Justice cho rằng cô bé là hiện thân của… phù thủy.

Justice chơi đùa ở Port Moresby. Cô bé được giải cứu bởi Tổ chức bộ lạc Papua New Guinea sau khi bị buộc tội phù thủy và bị tra tấn bởi những người mà cô bé quen biết.

Đó là lý do tại sao Justice bị một đám đông cầm tù và tra tấn dã man trong suốt 5 ngày. Justice nói với phóng viên tờ Time của Mỹ: “Họ tìm đến nhà em và muốn giết chết em. Họ cầm con dao to, nướng nó trên ngọn lửa rồi áp vào hai bàn chân em”.

Justice cuối cùng đã được giải cứu bởi Tổ chức Quỹ Bộ tộc Papua New Guinea - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Port Moresby cung cấp giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ nhân đạo trong các cộng đồng xa xôi của Papa New Guinea. Justice được chăm sóc bởi Ruth J. Kissam - nữ Giám đốc điều hành các chiến dịch của Quỹ Bộ tộc Papua New Guinea và là giám hộ hợp pháp của cô bé. Không có đứa trẻ nào buộc phải lên tiếng mô tả sự tàn ác ghê tởm như Justice.

Nhà hoạt động cộng đồng Ruth J. Kissam đã dành cả cuộc đời mình để chiến đấu chống bạo lực liên quan đến phù thủy – niềm tin mù quáng đang ngày càng hủy hoại đất nước 8 triệu người ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương.

Kissam cho phép phóng viên tờ Time gặp cô bé Justice bởi vì chỉ có thể xoa dịu trải nghiệm đau đớn của đứa trẻ bằng cách nói về cái ác. Nhưng đó cũng là một lý do nghiệt ngã hơn nhiều. Bà Ruth Kissam phát biểu: “Bây giờ, chúng tôi đang nói chuyện để nâng cao nhận thức bởi vì chúng tôi đang thấy nhiều trẻ em giống như cô bé tham gia vào hệ thống của chúng tôi”.

Kissam giành được Giải thưởng Người phụ nữ xuất sắc của Westpac (WOW) năm 2018 nhằm tôn vinh tài năng nữ tận tụy nhất của Papua New Guinea. Niềm tin vào pháp thuật (được biết đến với tên địa phương là “sanguma”) tồn tại trên khắp Thái Bình Dương và đặc biệt ở PNG, một quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển phía bắc Australia kết hợp một nửa hòn đảo Guinea cùng với 600 hòn đảo khác.

Khoảng 80% dân số sống ở những ngôi làng xa xôi mà không được sử dụng điện, nước sinh hoạt hoặc chăm sóc sức khỏe.

Các bộ tộc sử dụng hơn 800 ngôn ngữ khác nhau. Nhiều khía cạnh của “sanguma” hoàn toàn vô hại và đây là bộ phận của một tôn giáo dân gian kéo dài hàng thiên niên kỷ. Ví dụ, các thợ săn thu thập một sợi gân từ một cơ thể người thân đã chết để chà lên cung trong khi đi săn vì tin rằng linh hồn giúp dẫn đường cho mũi tên về nhà.

Hàng xóm tụ tập gần nhà của bà mẹ hai con Rachel 55 tuổi ở Tsak Vally thuộc vùng Tây Nguyên của Papua New Guinea. Tháng 11-2018, bà bị buộc tội phù thủy và bị tra tấn bởi những người mà bà quen biết.

Trong khi đó, cảm lạnh và các bệnh khác được gán cho sự can thiệp của các linh hồn thất thường. Nhưng PNG đang trải qua một sự gia tăng đột biến kiểu hành hình những người bị nghi ngờ là phù thủy. Không có trưởng làng hoặc hệ thống tư pháp bộ tộc truyền thống để giải quyết các cáo buộc “sanguma”.

Gary Bustin, Giám đốc của Quỹ Bộ tộc cho biết: “Nếu bạn trả cho tôi 1.000 kina (300 USD), tôi sẽ nói cho bạn biết ai là một phù thủy”. Nạn nhân hầu như chỉ là những người phụ nữ dễ bị tổn thương: bà mẹ đơn thân, góa phụ, người ốm yếu hoặc bị bệnh tâm thần. Chính quyền Mỹ ước tính có khoảng 200 vụ giết “phù thủy” ở PNG hàng năm, trong khi các nhà hoạt động địa phương ước tính có đến 50.000 người bị đuổi khỏi nhà vì bị buộc tội là… phù thủy.

Geejay Milli, giảng viên khoa học chính trị Đại học Papua New Guinea và là cựu phóng viên tội phạm, phân tích: “Đây là vấn đền rất nghiêm trọng. Các phương tiện truyền thông không báo cáo đầy đủ về nó”. Ở PNG, các cáo buộc chống lại những người bị nghi ngờ là phù thủy lan truyền với tốc độ đáng báo động. Trong một trường hợp, một phụ nữ bị buộc tội là phù thủy nhưng may mắn được giải cứu và chuyển đến một cộng đồng xa xôi.

Giải cứu Justice

Thử thách của Justice bắt đầu từ lâu trước khi bản thân cô bé trở thành nạn nhân. Vào năm 2013, khi Justice mới chỉ là một đứa trẻ sơ sinh, mẹ cô bé đã bị buộc tội là phù thủy ở thành phố lớn thứ 2 của PNG là Mount Hagen sau cái chết không giải thích được của một đứa trẻ địa phương. Bà bị lột trần truồng, bị tấn công bằng dao rựa và cuối cùng bị thiêu sống trên một đống lốp xe.

Poster cảnh báo về ma thuật và bạo lực gia đình tại đồn cảnh sát ở thị trấn Wabag thuộc tỉnh cao nguyên Enga, Papua New Guinea, vào ngày 20-11-2018.

Hàng trăm người đã chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp diễn ra ngay đối diện nhà thờ nơi cha của Kissam từng là mục sư. Sau khi mẹ bị giết chết, Justice đặt dưới sự chăm sóc của một người chú sống cách làng Tukusanda chừng 160km. Nhưng những lời thì thầm về số phận mẹ của cô vẫn đeo bám theo sau và Justice luôn bị đối xử như đứa bé hạ đẳng.

Kissam nổi tiếng ở ngôi làng của Justice – nơi cô bé đang bị một nhóm người hung hăng giam giữ và tra tấn – do từng có nhiều hành động giúp đỡ các nạn nhân của niềm tin mù quáng vào phù thủy, vì vậy việc bà một mình đến nơi đó là điều quá nguy hiểm. Do đó, một đồng nghiệp là nhà truyền giáo Anton Lutz đã đích thân đến gặp nhóm người bắt giữ Justice.

Sau đó, Anton bảo với họ rằng nếu không thả Justice thì “chúng tôi sẽ mời quân đội và cảnh sát đến”. Sau khi đảm bảo sự tự do cho Justice, Lutz đưa cô bé đi gặp Kissam.

Họ lái xe trên những con đường đất xuyên màn đêm qua 3 tỉnh khác nhau để đảm bảo những kẻ bắt giữ trước đây của cô bé không theo dõi. Justice thậm chí không thể ngồi xuống được do vết thương gây đau đớn dữ dội. Cuối cùng, họ đến một đường băng máy bay địa phương và lên chuyến bay đến Port Moresby.

Kissam kể: “Justice đã hỏi tôi rằng “Chúng ta có thể rời khỏi nơi này và không bao giờ quay lại không?”. Tôi chỉ đơn giản trả lời là “Chắc chắn”. Chấn thương của Justice bao gồm một vết thương bằng dao xuyên qua gần như hoàn toàn qua chân trái của cô bé ở nơi đầu gối và bỏng độ 1 trên phần lớn cơ thể.

Do điều kiện chăm sóc y tế quá tồi tệ của PNG, Kissam buộc phải sử dụng những bài thuốc đơn giản nhất tại nhà – đó là dầu và mật ong để chữa những vết rách nghiêm trọng. Ngày nay, Justice vẫn còn các vết sẹo ở chân. Và, những vết sẹo tinh thần vẫn tồn tại.

Quỹ Bộ tộc Papua New Guinea, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Port Moresby.

Trong nhiều tháng, Justice bám lấy Kissam và co rút người trong nỗi kinh hoàng mỗi khi có người lạ đến gần. Nhờ nỗ lực của Kissam trấn an tinh thần Justice mỗi khi gặp người lạ cho nên dần dần cô bé bắt đầu cảm thấy an tâm. Ngày nay, Justice đã trở nên bình thường như mọi đứa trẻ khác. 

Một năm sau, Justice nói và viết tiếng Anh thành thạo và thường xuyên đứng đầu lớp. Tuy nhiên, tương lai vẫn còn nhiều thách thức. Justice vẫn không hiểu hoàn toàn những gì đã xảy ra với mẹ của mình. PNG không có chuyên gia tư vấn thanh thiếu niên vì vậy Quỹ Bộ tộc Papua New Guinea chuẩn bị cho Justice trị liệu tinh thần ở Australia.

Thách thức còn ở phía trước

Hiện nay, nhiệm vụ của Kissam là ngăn ngừa có thêm nhiều nạn nhân giống như Justice. Vụ giết mẹ Justice năm 2013 đã khiến Quốc hội PNG phải thực hiện các bước để trấn áp bạo lực liên quan đến niềm tin vào phù thủy.

Peter ONeill, Thủ tướng PNG từ năm 2011 cho đến khi từ chức vào tháng 5-2019, đã mô tả sanguma là “rác rưởi tuyệt đối” mà những người tin là những kẻ hèn nhát, những kẻ tìm kiếm ai đó để đổ lỗi vì thất bại của chính họ. Nhưng các vụ truy tố hình sự vẫn còn khan hiếm.

Ruth Kissam nói: “Tùy thuộc vào cách bạn nhìn vào, PNG có thể là một thiên đường nhân chủng học hoặc địa ngục”.

Cho đến nay, không ai phải chịu trách nhiệm cho vụ giết mẹ Justice cũng như sự tra tấn cô bé mặc dù cô bé xác định được những kẻ tấn công mình từ những bức ảnh. Các nhà hoạt động khẳng định rằng hỗ trợ nước ngoài phải gắn liền với việc giải quyết các căn bệnh xã hội như bạo lực trên cơ sở giới tính và cải thiện việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe.

Giải cứu và hồi hương không phải là một giải pháp bền vững và Kissam thấy rằng niềm tin mù quáng vào điều huyền bí thường bắt nguồn từ nền văn hóa lâu đời.

Hãy thử nói với người mẹ mù chữ của một đứa trẻ chết vì hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh rằng nguyên nhân thực sự của cái chết là một hiện tượng y học hơn là - như những người lớn tuổi trong làng nói – do một con quạ mà bà nhìn thấy vào tối hôm trước đó. Ưu tiên giáo dục hàng đầu là tôn trọng luật pháp và nhân quyền.

Các nghiên cứu di truyền cho thấy cư dân của đảo New Guinea phát triển độc lập với phần còn lại của thế giới trong phần lớn 50.000 năm qua và do đó chương trình bảo tồn sự đa dạng của các nền văn hóa và truyền thống là rất quan trọng. Ruth Kissam nói: “Tùy thuộc vào cách bạn nhìn vào, PNG có thể là một thiên đường nhân chủng học hoặc địa ngục”.

Duy Minh (Tổng hợp)
.
.