Vụ trộm cổ vật Trung Quốc ở Bảo tàng Anh

Thứ Năm, 14/05/2020, 10:23
Ngày 2/11/2004, các phương tiện truyền thông Anh liên tiếp đưa tin về một vụ trộm văn vật Trung Quốc ở Bảo tàng Anh.

Bảo tàng Anh được thành lập vào năm 1753, là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới. Bộ bộ sưu tập của Bảo tàng Anh có khoảng 7 triệu văn vật đến từ năm châu bốn biển. Trong phòng trưng bày văn vật nghệ thuật phương Đông của bảo tàng, có hơn 23.000 văn vật văn hóa, nghệ thuật cổ đại và hiện đại của Trung Quốc như tranh vẽ và tranh thêu của các triều đại phong kiến, các văn vật bằng ngọc, bằng đồng, bằng gốm sứ, bằng đá khai quật qua các thời kỳ, các bức thư họa thời Tống, Đường...

Sau khi nghe tin này, người ta đã đặt câu hỏi: Các phòng trưng bày đều có hệ thống giám sát an ninh công nghệ cao và đội ngũ bảo vệ tuần tra thường xuyên nhưng vì sao lại bị mất trộm, và có bao nhiêu văn vật đã bị mất?

Hanna Bolton, phát ngôn viên của bảo tàng Anh đã đưa ra lời giải thích nhưng hình như việc giải thích của bà về vụ mất trộm chưa được thỏa đáng lắm.

Bọn trộm đã lấy đi những gì?

Không biết đó là lỗi của người cung cấp thông tin hay vì nguyên nhân nào khác nhưng mới đầu nói là 17 văn vật đã bị mất, sau đó lại là 15. Theo tin của một phương tiện truyền  thông Anh thì sau khi phát hiện văn vật bị mất ngay lúc đó bảo tàng cũng không thể biết được có bao nhiêu văn vật đang trưng bày bị mất cắp bởi vì các văn vật đó đều là các văn vật nhỏ, có một số văn vật được trưng bày theo cặp. Mấy tiếng sau, các phương tiện truyền thông nói chính xác rằng có “15 văn vật Trung Quốc” trong bảo tàng đã bị đánh cắp.

Nữ Hoàng Anh thăm phòng trưng bày cổ vật Trung Quốc tại bảo tàng Anh.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, bà Bolton cũng đã xác nhận con số này. Theo bà Bolton thì những văn vật bị đánh cắp là những văn vật nhỏ chủ yếu là đồ trang sức bằng ngọc, những văn vật này được chế tác vào thời kỳ từ năm 700 đến 1400 sau Công nguyên. Những văn vật mất cắp bao gồm một con sư tử bằng vàng, một cặp khóa thắt lưng bằng đồng, một mặt dây chuyền bằng ngọc bích và một đôi bông tai hình chữ S. Hiện tại suy đoán rằng các văn vật này có thể đã bị đánh cắp trong giờ mở cửa của bảo tàng vào tối 29 tháng 10. Vì tên trộm không chạm vào bất kỳ hệ thống báo động nào nên đến ngày hôm sau nhân viên bảo vệ mới phát hiện văn vật bị mất. 

Bà Bolton nói: "Mặc dù bảo tàng Anh chưa bao giờ ước giá các bộ sưu tập của bảo tàng, nhưng những văn vật bị mất rất có giá trị lịch sử và bảo tàng Anh rất buồn về sự cố này".

Sau khi phát hiện các văn vật bị mất cắp, ngay lúc đó bảo tàng không thể biết được có bao nhiêu văn vật trưng bày bị mất cắp. Điều này cho thấy sự quản lý rất lỏng lẻo. Đầu năm 2004 khi tham quan bảo tàng Anh, phóng viên phát hiện nhiều tủ trưng bày chỉ có phiếu thông tin mà không có đồ vật, nhất là có nhiều văn vật trưng bày thành cặp người ta đã nghi ngờ rằng các văn vật đó đã bị đánh cắp. Qua thời gian tìm hiểu người ta mới biết rằng các bảo tàng khác mượn văn vật để trưng bày nên đây cũng là nguyên nhân ngay lập tức bảo tàng Anh không thể cho biết được có bao nhiêu văn vật đã bị đánh cắp.  

Văn vật bị đánh cắp như thế nào?

Theo báo cáo, các văn vật bị đánh cắp ở phòng số 33 của bảo tàng nghệ thuật phương Đông thuộc bảo tàng Anh, thời gian bị đánh cắp ước tính là từ 10 giờ sáng thứ sáu đến 10 giờ sáng thứ bảy. Phía cảnh sát cho biết không có phát hiện nào về kính bảo vệ bị đập vỡ và không có dấu hiệu bọn trộm sử dụng hành động cưỡng bức để vào bảo tàng. Cảnh sát cho rằng bọn trộm đã vào bảo tàng như những vị khách đến tham quan trong thời gian bảo tàng đón khách.

Những văn vật bị mất cắp.

Khi các báo liên tiếp đưa tin về vụ trộm này, người ta nói về bọn trộm rất ly kỳ: “Bọn chúng ngụy trang thành khách đến tham quan đánh lừa hệ thống giám sát an ninh lấy các văn vật trước mũi các nhân viên bảo vệ”- “Bọn trộm đã hành động một cách khéo léo giống như tên trộm huyền thoại Jones của Ấn Độ”- “ Đánh cắp văn vật của bảo tàng thực sự phải có dũng khí!”

Người ta tưởng rằng vấn đề an ninh trong các bảo tàng Anh vững như “thành đồng vách sắt” nhưng các lỗ hổng về bảo mật thường xuyên gióng lên hồi chuông cảnh báo. Đã có nhiều chuyến “viếng thăm” của bọn trộm đến bảo tàng Anh: Năm 1990 một bức tượng điêu khắc Nhật Bản trị giá 100 ngàn đôla bị mất; năm 1993 một lô tiền xu châu báu thời kỳ La Mã đã bị đánh cắp; năm 1997 một cuốn sách cổ Ba Tư vô cùng quý hiếm cũng đã bị đánh cắp. 

Khi trả lời phóng viên bà Bolton đã phủ nhận sự tồn tại về vấn để an ninh đã tạo thành vụ đánh cắp này. Bà nói rằng hiện nay tình hình tài chính đang rất tốt, các bảo tàng Anh luôn coi trọng vấn đề công tác an ninh bảo vệ, các phòng trưng bày đều có hệ thống giám sát an ninh công nghệ cao và đội ngũ bảo vệ tuần tra thường xuyên.

Như vậy vì sao vẫn có chỗ trống để bọn trộm vẫn chui vào? Điều này hiểu rằng toàn bộ các phòng trưng bày của bảo tàng Anh đi một vòng tròn ước độ 4 km nên nhiều chỗ không được nhân viên bảo vệ chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, mỗi một phòng trưng bày còn có hai nhân viên công tác nhưng họ chủ yếu phụ trách công việc trả lời các câu hỏi của khách tham quan như những hướng dẫn viên du lịch nên bọn trộm đã tính toán được.

Một vấn đề nữa là nhiều phòng trưng bày rất ít khách tham quan nên bọn trộm dễ có thời cơ hành động. Ngoài ra các tủ trưng bày bị mất trộm không có thiết bị cảnh báo riêng, các vật phẩm trưng bày chỉ dùng kim ghim hoặc đặt trên giá đỡ. Nghe nói các phòng trưng bày còn có thiết bị cảnh báo cực nhạy khi bọn trộm cạy hoặc mở khóa nó sẽ báo động cho cảnh sát nhưng không hiểu vì sao hệ thống cảnh báo không hề báo động.

Bà Bolton nói: “Những văn vật bị trộm rất nhỏ, rất dễ giấu để mang đi. Bảo tàng không thể gắn thiết bị cánh báo cho từng vật phẩm. Những văn vật khi bị mang ra khỏi tủ trưng bày không kích hoạt hệ thống báo động”. Đây là một trong những nguyên nhân tại sao bọn trộm có thể mang văn vật ra khỏi bảo tàng. 

Bảo tàng Anh - bảo tàng lớn nhất thế giới.

Ngoài ra phòng trưng bày số 33 dài 110 m, đây là phòng trưng bày dài nhất nước Anh nên có nhiều điểm mù với các thiết bị giám sát. Chiếc tủ trưng bày các văn vật bị mất cao bằng nửa người xung quanh là gỗ, mặt trên là kính và bọn trộm đã tìm cách mở khóa để lấy trộm văn vật. Buổi tối hôm thứ Sáu đóng cửa lúc 8:30 vì là cuối tuần nên người tham quan rất ít có thể bọn trộm sau khi ra tay đi ra lối cửa sau vì cửa này gần hơn, đương nhiên cũng không loại trừ bọn trộm đi ra từ cửa chính.

Bà Bolton cho biết sau vụ trộm cảnh sát đang tiến hành điều tra và các biện pháp an ninh được tăng cường thêm. Vì bảo tàng có bộ sưu tập quá lớn, riêng bộ sưu tập văn vật Trung Quốc đã có đến 23 ngàn văn vật nên tuyệt đối không để sai sót là điều không thể làm được.

Ai là những người mua bí mật?

Cảnh sát cho rằng vụ trộm này có thể liên quan đến vụ trộm tại Bảo tàng Victoria và Albert trước đó.

Ngày 4 tháng 10, bọn  trộm đã sử dụng các công cụ để phá tủ trưng bày văn vật Trung Quốc tại Bảo tàng Victoria và Albert và lấy trộm 9 văn vật trị giá khoảng 108 ngàn đô la. Những văn vật bị mất có ba chén bằng ngọc, một bát bằng ngọc, hai đĩa ngọc nhỏ, một chậu nhỏ để cúng tế và hai con vật chạm khắc ngọc bích.

Đồ sứ Trung Quốc trong bảo tàng Anh.

Hầu hết các văn vật này có niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Đồ vật quý nhất trong số này là chiếc bình nhỏ dùng để tế lễ, một di vật văn hóa từ thế kỷ thứ 10 trước công nguyên. Cảnh sát tin rằng đây là một vụ trộm có tổ chức và không thể loại trừ rằng có một người mua ở hậu trường cổ vũ bọn trộm.

Sau khi phát hiện văn vật bị mất trộm, phát ngôn viên của bảo tàng Victoria và Albert cho biết hai vụ trộm có điểm tương đồng và đã nhắc nhở phía cảnh sát chú ý. Tờ báo “Độc lập” viết rằng mấy năm gần đây các nhà sưu tập cổ vật lại hướng sự hứng thú vào văn vật phương Đông nên giá của nó tăng lên không ngừng và không thể loại trừ những nhà thích sưu tập văn vật phương Đông liên quan đến những vụ trộm này. 

Theo hồ sơ của cảnh sát thì từ trước đến nay trên khắp thế giới có ít nhất 150 ngàn tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp. Ngày nay càng có nhiều những tên trộm chuyên nghiệp chúng hành động có tổ chức và những đồ ăn trộm được sẽ được chuyển ra nước ngoài để bán với giá rất cao.     

Từ các cuộc đấu giá văn vật gần đây được tổ chức tại New York và Hong Kong có thể thấy rằng nhu cầu về văn vật Trung Quốc đang tăng lên. Trong hoàn cảnh bình thường, doanh số tiêu thụ lạc quan chắc chắn sẽ trở thành động lực rất lớn cho những tên trộm chấp nhận mạo hiểm.

Cảnh sát đang điều tra vụ trộm thần bí này nói rằng vẫn chưa có manh mối nào liên quan đến vụ trộm, nhưng họ hy vọng rằng tư liệu video giám sát nội bộ của bảo tàng và các tài liệu khác có thể mang lại bước đột phá trong việc phá vụ án này nhưng cho đến nay hình như hồ sơ vụ trộm vẫn ở trong tủ của cảnh sát.

Nguyễn Đình Thiêm (Theo “Xinhuanet.com”)
.
.