Vụ trộm cổ vật ở Bảo tàng Khai Phong

Thứ Bảy, 04/04/2020, 11:19
Ngày 18 tháng 9 năm 1992, tại Bảo tàng Khai Phong nằm ở cố đô của sáu triều đại phong kiến Trung Quốc đã xảy ra vụ trộm chấn động cả nước: 69 báu vật thời kỳ Minh – Thanh giá trị khoảng 600 triệu nhân dân tệ đã bị đánh cắp. Một phương tiện truyền thông nước ngoài đã gọi vụ trộm này là “Vụ án động trời”.

Vụ án này được tổ chức cảnh sát thế giới Interpol xếp hạng thuộc một trong “Mười vụ trộm di tích văn hóa hàng đầu thế giới trong năm”. Vụ án được cảnh sát thành phố Khai Phong phá trong bốn tháng. Trong vụ án này có 8 tên tội phạm đã bị bắt và tất cả các báu vật đều được thu hồi...

Ngày 18 tháng 9, Bảo tàng Khai Phong nằm bên bờ hồ Bao Công ở thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam bị chìm trong khói và mưa. Lúc 8g30 sáng, nhân viên bảo tàng Mã Hải Quyên và Thôi Xảo Linh như thường lệ mở cửa phòng trưng bày những đồ vật dùng trong cung đình Minh – Thanh để chuẩn bị đón khách. Điều làm họ giật mình khi thấy bên trong bảo tàng lộn xộn tứ tung, những đồ trưng bày trong tám cái tủ đã bị bọn trộm khoắng sạch! 

Mười phút sau, Trương Thiên Tăng, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Cục Công an Khai Phong dẫn một nhóm điều tra viên đến hiện trường. Ngay sau đó, Cục trưởng Cục công an thành phố Vũ Hòa Bình và Cục phó Hồ An Thái cũng có mặt tại bảo tàng.

Bảo tàng Khai Phong, tỉnh Hà Nam.

Qua điều tra tại hiện trường cho thấy có 69 văn vật quý đã bị đánh cắp gồm có 37 đồ bằng sứ, 32 đồ bằng ngọc, thuộc văn vật cấp 1 và cấp 2 cấp quốc gia. Bọn trộm để lại tại hiện trường những con dao cắt kính, vải nhung đỏ là sản vật của 4 địa phương khác nhau và được bán ở  hơn 10 thành phố nên rất khó xác định phạm vi để trinh sát.

Tại sao một bảo tàng thành phố lại có nhiều bảo vật quốc gia như vậy? Qua tìm hiểu mới biết Bảo tàng Khai Phong trước đây là bảo tàng của tỉnh Hà Nam. Các bộ sưu tập chủ yếu là từ các cuộc khai quật khảo cổ ở Lạc Dương, Tam Hiêp, huyện Huy, Tân Trịnh và An Dương... từ đầu thế kỷ 20. Các bộ sưu tập của bảo tàng rất phong phú và có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật cao, có uy tín đối với nước ngoài.

Năm 1961, sau khi Bảo tàng Hà Nam chuyển đến Trịnh Châu, Bảo tàng Khai Phong được thành lập. Khai Phong là một cố đô của sáu triều đại phong kiến cho nên các bộ sưu tập rất phong phú.

Bảo tàng Khai Phong là một bảo tàng lịch sử. Trong số 50.000 bộ sưu tập hiện có trong bảo tàng có 18 loại gồm đồ gốm, đồ sứ, đồ đồng, thư pháp, hội họa, chạm khắc đồng, chạm khắc đá, tiền tệ, ngọc bích, đồ sơn mài, quần áo... Ở đây còn có một số văn vật thuộc loại “Quốc bảo”, một số văn vật là duy nhất trên thế giới và một số là duy nhất ở Trung Quốc.

Đây là vụ trộm cắp các di tích văn hóa lớn nhất kể từ khi thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tổ chức Cảnh sát quốc tế Interpol đã xếp vụ án này là một trong mười vụ trộm di tích văn hóa hàng đầu thế giới trong năm.

"Không phá được vụ án này tôi sẽ tự động từ chức!"  -Cục trưởng Vũ Hòa Bình nói như vậy và lập tức hạ lệnh cho lực lượng công an Khai Phong khẩn trương điều tra vụ án.

Sau vụ án “kinh thiên động địa” xảy ra, Cục Công an thành phố Khai Phong đã thành lập chuyên án “18-9” do Cục trưởng Cục Công an Vũ Hòa Bình trực tiếp chỉ huy. Cục Công an đã điều động hơn 200 cảnh sát tinh nhuệ tham gia điều tra vụ án.

Công nhân đang sửa chữa chỗ bọn trộm phá để đột nhập vào bảo tàng.

Lúc 8 giờ tối ngày 20 tháng 9 năm 1992, ăn bữa tối của người dân Khai Phong bị gián đoạn bởi một bản tin nóng phát sóng trực tiếp từ Đài truyền hình Khai Phong.

Giám đốc công an thành phố Khai Phong Vũ Hòa Bình đã công khai trên tivi thông báo với toàn dân về tình hình vụ trộm ở Bảo tàng Khai Phong và kêu gọi nhân dân cung cấp những thông tin liên quan đến vụ trộm.

Cách sử dụng truyền hình để kêu gọi quần chúng tham gia phá án là hình thức rất hiếm tại thời điểm đó. Ông cục trưởng cũng nói rằng sẽ thưởng 50 ngàn nhân dân tệ cho người báo những tin tức có giá trị liên quan đến vụ án.  đây là món tiền thưởng rất cao.

Cuộc điều tra được tiến hành rất khẩn trương, các loại tin tức tới tấp được gửi đến ban chuyên án. Một công nhân ở trang trại câu cá hồ Bao Công phản ánh: Lúc 1 giờ 50 phút sáng ngày án phát, anh và đồng nghiệp phát hiện một chiếc xe Santana màu trắng mang biển số quân đội đậu bên cạnh bức tường phía bắc trạm xăng gần bảo tàng.

Một chiến sĩ cảnh sát vũ trang và nhân viên Bảo tàng Lý Quyên cung cấp một tin rất có giá trị: Đầu tháng 9 có hai người cư trú ở Khách sạn Đông Kinh đã hai lần đến thăm khu triển lãm “Các vật phẩm dùng trong cung đình Minh - Thanh” của bảo tàng, một người tự xưng là “Giáo sư đại học Vũ Hán” nói là đến Khai Phong tham gia “Hội thảo chuyên đề về hạ lưu sông Hoàng Hà”. 

Theo phía cảnh sát thì đầu tháng 9 ở Khai Phong không có một cuộc hội thảo nào cả. Cánh sát đã đến khách sạn Đông Kinh điều tra và biết được ngày 2 tháng 9 có 4 người Vũ Hán đã đến ở đây và đi vào ngày 7 tháng 9.

Danh sách đăng ký ở khách san là Lý Quân, nam 28 tuổi; Đường Quốc Cường, nam 32 tuổi; Trần Nạp Đức, nam 32 tuổi, ba người này làm việc ở Cục Đường sắt Vũ Hán, còn một người không đăng ký. Qua điều tra thì ở Cục Đường sắt Vũ Hán không có ba người này.

Bên trong bảo tàng Khai Phong.

Khoảng nửa đêm ngày 29 tháng 9, công an Trịnh Châu đã báo với Ban chuyên án “18-9”: Ngày 29 tháng 7 có ba người lái chiếc xe biển số quân sự “K43-1008” màu đỏ đến khách sạn Trịnh Châu thảo luận về việc mua xe với giám đốc công ty cơ điện, ba người này là Lâm Sa, Lý Quân và Trần Nạp Đức.

Buổi trưa ngày hôm sau ba người yêu cầu được lái thử xe, khi một người lái thử chiếc xe Santana màu trắng trong sân khách sạn thì bất ngờ phóng ra bên ngoài khoảng 40 phút sau mới trở về. Mấy ngày sau, tức là ngày 5 tháng 8 thì chiếc xe Santana màu trắng bị mất cắp.     

Vụ trộm chiếc xe là điểm đáng quan tâm của ban chuyên án. Chiếc xe Santana màu trắng có thể là đột phá khẩu của vụ án và cục công an quyết định phối hợp điều tra cả hai vụ án.

Sau khi phân tích kỹ lưỡng, Ban Chuyên án cử trinh sát đi ngay Vũ Hán. Cảnh sát điều tra phát hiện đối diện với Cục Đường sắt Vũ Hán là một cơ quan quân đội và cách đó không xa là Trường đại học Vũ Hán. Trần Nạp Đức và những người đến Trịnh Châu mua xe nói là ở khu quân sự tỉnh, khi đến Bảo tàng Khai Phong tham quan lại xưng là “Giáo sư đại học Vũ Hán” đây là sự trùng hợp hay là sự ngẫu nhiên?

Một số báu vật bị mất trong vụ án đã được thu hồi.

Sĩ quan cảnh sát Vương Vĩ là công an Cục Công an Khai Phong nhưng từ nhỏ đến lớn sống ở Vũ Hán sau này là Cục phó Cục Công an Khai Phong). Anh cùng vợ và cô con gái 5 tuổi về Vũ Hán với danh nghĩa thăm người thân nhưng thực chất là anh được cử đi trinh sát tình hình ở Vũ Hán. Ngày 30 tháng 11 khi hai vợ chồng anh đang đi trên đường Nam Kinh, bỗng anh nhìn thấy chiếc xe Santana màu trắng có biển số "K43-1008" và anh vội bảo vợ gọi taxi đuổi theo.

Sau khi đi lòng vòng, chiếc xe Santana màu trắng dừng lại ở cổng phía bắc Hải quan Vũ Hán, có hai người ra khỏi xe đi vào trong sân hải quan. Xe taxi của Vương Vĩ cũng dừng ở gần đấy, Vương Vĩ một mặt chụp ảnh người lái xe, một mặt bảo vợ gọi điện báo cáo tình hình với Ban chuyên án.

Nhận được tin báo, nhóm trưởng cảnh sát Trương Thiên Tăng cùng các trinh sát đến nơi thì chiếc xe Santana "K43-1008" đã rời Cục Hải quan. Qua nhận dạng từ ảnh chụp của Vương Vĩ thì người lái chiếc xe Santana chính là Đường Quốc Cường. Ngay tối hôm đó công an Vũ Hán đã điều động 3.000 cảnh sát để kiểm soát các ngã tư chủ chốt và các đường phố chính.

Khoảng 3 giờ chiều, cảnh sát giao thông Vũ Hán đã bắt giữ được chiếc xe Santana màu trắng và người lái xe tên là Dương Trường Minh. Mặc dù biển số xe đã được đăng ký ở Vũ Hán nhưng qua kiểm tra số khung, số máy thì chiếc xe này đúng là chiếc xe Santana của công ty cơ điện Trịnh Châu bị mất cắp.

Chiếc xe Santana "K43-1008" - tang vật của vụ án.

Tối 6 tháng 12, công an đã tiến hành khám nhà Dương Trường Minh và phát hiện 5 văn vật đều là tang vật của vụ án “18-9” ở Bảo tàng Khai Phong. Dương Trường Minh đã khai về vụ trộm ở Bảo tàng Khai Phong ngày 18 tháng 9 gồm có 4 người là Lưu Nông Quân, Lưu Tiến, Văn Tây Sơn và Lý Quân, hắn còn khai rằng Lưu Nông Quân, Lưu Tiến cùng các văn vật lấy trộm đang ở Quảng Châu.

Ngày 9 tháng 1 năm 1993, cảnh sát đã bắt được cặp vợ chồng Lưu Nông Quân ở Thanh Đảo khi đang chuẩn bị trốn sang Venezuela. Bảy ngày sau Văn Tây Sơn bị bắt ở một khách sạn Cát Lâm, tiếp theo là Lưu Tiến bị bắt ở Quảng Châu, đến ngày 20 tháng 1 thì Lý Quân bị bắt ở Cát Lâm.

Cũng trong thời gian này cảnh sát đã thu hồi được 55 văn vật trong vụ án và 9 văn vật còn lại cũng được cảnh sát Ma Cao thu hồi. Cho đến thời điểm này thì vụ án Khai Phong “18-9” đã được phá thành công.   

Bọn tội phạm khai rằng để thực hiện vụ trộm, bọn chúng đã đến Bảo tàng Khai Phong nhiều lần và để đảm bảo có thể rút nhanh khỏi hiện trường, tháng 7 năm 1992  bọn chúng đã đánh cắp chiếc xe Santana màu trắng của công ty cơ điện.

Khoảng 1 giờ sáng ngày 18 tháng 9, bọn chúng đỗ xe bên ngoài bức tường phía bắc của trạm xăng gần hồ Bao Công. Lưu Nông Quân và Lưu Tiến ngồi trong xe dùng bộ đàm điều khiển từ xa. Văn Tây Sơn và Lý Quân trèo tường vào trong bảo tàng rồi dỡ mái ngói vào bên trong phòng trưng bày thực hiện vụ trộm. Khoảng 5 giờ sáng, Lưu Tiến lái xe đến cạnh bờ tường của bảo tàng nhận các đồ vật lấy cắp được cho vào cốp xe và bọn chúng lập tức rời khỏi hiện trường.

Ngày 15 tháng 9 năm 1993, tòa án Tối cao của tỉnh Hà Nam đã kết án tử hình bốn tên tội phạm chính là Lưu Nông Quân, Lưu Tiến, Văn Tây Sơn và Lý Quân vì tội phá hoại di sản văn hóa, trộm cắp tài sản và buôn bán trái phép văn vật văn hóa, các tên tội phạm liên quan khác bị phạt từ 3 đến 8 năm tù. 

Nguyễn Đình Thiêm (Theo “Xinhuanet.com”)
.
.