Biệt kích Israel và chiến dịch Entebbe: Tổn thất ngoài dự kiến (bài cuối)
- Biệt kích Israel và chiến dịch Entebbe: Kế hoạch giải cứu (bài 3)
- Biệt kích Israel và chiến dịch Entebbe: Sự trở mặt của “ông bạn cánh hẩu” (bài 2)
- Biệt kích Israel và chiến dịch Entebbe (bài 1)
Những cái chết oan uổng
Khi kế hoạch giải cứu con tin đã được nội các Israel thông qua, và cỗ máy chiến tranh cũng đã bắt đầu khởi động nhưng để giữ bí mật, Chính phủ Israel quyết định không thông báo cho các đồng minh thân cận nhất.
Tối ngày 2-7, Bezedinski, cố vấn ngoại giao của Jimmy Carter - ứng cử viên Tổng thống Mỹ đang ở thăm Israel được mời tham dự một buổi chiêu đãi do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Simon Peres chủ trì. Trong bữa tiệc, hai người trao đổi với nhau về vụ không tặc nhưng Bezedinski không hề phát hiện được dấu hiệu nào chứng tỏ người Israel sẽ dùng vũ lực. Mãi đến sáng ngày 4-7, khi chuẩn bị đi dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Mỹ tại Washington D.C, Bezedinski mới biết tin Israel tập kích sân bay Entebbe!
Chiếc Mercedes dùng để nghi binh trong cuộc tấn công vào sân bay Entebbe. |
Vào thời điểm này, Sứ quán Mỹ ở Tel Aviv cũng tổ chức tiệc mừng kỷ niệm Quốc khánh Mỹ. Trong buổi tiệc, có mặt ngoại trưởng Israel Yalon. Suốt bữa ăn, Ngoại trưởng Yalon rất thoải mái như không hề có chuyện không tặc. Ở các nước khác như Anh, Pháp, Tây Đức, Italia…, các nhà ngoại giao khi tham dự tiệc quốc khánh do Sứ quán Mỹ tổ chức, cũng chẳng ai hay biết gì…
11 giờ kém 20 phút khuya ngày 3-7, tổ bay của chiếc C130 mang theo hai “chuyên xa” cho Tổng thống Amin vào tần số liên lạc với Đài kiểm soát không lưu sân bay Entebbe để xin phép hạ cánh.
Đúng như dự đoán của bộ chỉ huy chiến dịch, sau khi biết máy bay chở “hàng” cho tổng thống để trưa ngày 4-7, đón ông ta từ hội nghị Tổ chức Thống nhất châu Phi ở Port Louis, Mauritius, trở về, nhân viên đài kiểm soát nhanh chóng thông báo cho phi công tốc độ gió, tầm nhìn và hướng hạ cánh. Họ cũng hỏi những chiếc máy bay cùng đi với chiếc C130 thuộc đơn vị nào thì nhận được câu trả lời: “Lữ đoàn danh dự Phủ Tổng thống”.
Biết Amin là người ưa sự xa hoa, hào nhoáng, thích được đón tiếp rình rang nên nhân viên kiểm soát không lưu chẳng dám hỏi thêm. Khi chiếc C130 lăn vào bãi đậu, cửa đuôi mở ra, 15 biệt kích Sayeret Matkal - trong đó có Trung tá Yonatan Netanyahu - tất cả đều mặc quần áo sĩ quan Uganda, tiểu liên UZI gắn ống hãm thanh kẹp nách, chia nhau ngồi trong hai xe rồi cho xe chạy xuống đất. Sau đó họ tăng tốc hướng về phía nhà ga, nơi giam giữ con tin.
Gần vào cổng nhà ga, hai lính Uganda ở một trạm gác bước đến, vẫy tay ra dấu cho họ ngừng lại. Có một điều mà cả bộ chỉ huy chiến dịch không ai ngờ tới là chỉ mới cách đó 2 tháng, Tổng thống Amin đã thay chiếc Mercedes màu đen bằng một chiếc màu trắng và đơn vị phòng vệ sân bay Entebbe ai cũng biết chuyện này vì mỗi lần ra sân bay, Amin vẫn thường dùng chiếc xe ấy. Thế nên, khi người lính gác hỏi xe của ai, đi đâu, rồi được nghe trả lời “xe tổng thống, đến đây để sáng mai đón ngài” thì tên lính gác lùi lại, tay đặt vào cò súng. Nhanh như chớp, một biệt kích chĩa khẩu tiểu liên UZI vào người gã, nói nhỏ: “Đứng yên”.
Lại một chuyện xảy ra: Một biệt kích ngồi ngay cửa chiếc Land Rover lúc nhìn thấy tên lính gác đặt tay vào cò súng đã nhanh nhẩu đoảng, bắn một phát vào vai tên này. Tên còn lại sau vài giây sững sờ, cắm đầu bỏ chạy. Mặc dù tiếng nổ qua ống hãm thanh tuy nhỏ nhưng yếu tố bất ngờ không còn nữa, và tên lính đã bỏ chạy chắc chắn sẽ báo động cho tiểu đoàn phòng vệ nên lập tức, Trung tá Yonathan Netanyahu nhảy ra khỏi xe, phát lệnh tấn công.
15 biệt kích Sayeret Matkal đồng loạt ào về phía nhà ga. 4 người với loa phóng thanh cầm tay hét lớn bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Hebrew: “Tất cả hãy nằm xuống. Chúng tôi là quân đội Israel, đến để giải cứu quý vị”.
Phá hủy những chiếc máy bay MIG. |
Jean Jacques Maimoni, một thanh niên Pháp 19 tuổi sống ở Israel chẳng hiểu vì sao lại đứng dậy. Tưởng đó là một tên không tặc, Thiếu tá Muki Betzer, chỉ huy phó nhóm biệt kích và một người lính khác lập tức nổ súng, giết chết Jean Jacques Maimoni và làm cho một con tin khác là Pasco Cohen, 52 tuổi, quản lý một quỹ bảo hiểm y tế của Israel bị thương. Ngoài ra, con tin thứ ba, 56 tuổi là Ida Borochovitch, một người Nga gốc Do Thái, di cư đến Israel sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng thiệt mạng trong loạt đạn này!
Bị bất ngờ, bọn không tặc lúng túng. Wilfried Bose, thành viên của tổ chức “Hạt nhân cách mạng” ở CHLB Đức - kẻ đã xông vào buồng lái chiếc Airbus 319 uy hiếp phi công, bắt bay đi Uganda - lúc ấy đang ngủ ở một căn phòng phía sau nhà ga. Nghe tiếng máy bay ì ầm, tiếng huyên nào, gã choàng dậy, cầm khẩu AK chạy ra ngoài. Dưới ánh sáng của những bóng đèn điện, Bose thấy lính Israel có mặt ở khắp nơi nên gã giương súng bắn hú họa. Một biệt kích đang ở gần đó xả nửa băng đạn vào người Bose khiến gã chết ngay lập tức.
Bên trong nhà ga, các biệt kích hỏi lớn bằng tiếng Hebrew: “Những tên khủng bố ở đâu?”. Vài con tin đưa tay chỉ vào một cánh cửa nằm ở gần cuối nhà ga. 2 biệt kích chạy đến, đạp tung cửa rồi ném vào đó 2 quả lựu đạn. Tiếng nổ vừa dứt, họ xông vào và nhìn thấy 3 tên không tặc đang quằn quại trong vũng máu. Một biệt kích chĩa súng vào đầu từng tên, bóp cò.
Ngoài sân, gần những chiếc xe thang, 3 tên không tặc - mỗi tên cầm một khẩu AK không biết từ đâu xuất hiện. Thấy lính dù Israel trong bộ quần áo rằn ri, chúng giương súng bắn xối xả nhưng vì mỗi khẩu súng chỉ có một băng đạn nên khi bắn hết, cả ba ném súng, chạy như bay về phía doanh trại của tiểu đoàn phòng vệ. Mới được nửa đường, chúng gặp nhóm biệt kích đang tiến vào khu sân bay quân sự.
Một biệt kích hét lớn cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Hebrew: “Hostage? - Con tin hả”. Không nghe trả lời, anh ta hỏi lại một lần nữa. Thấy cả ba vẫn cắm đầu chạy, người lính biệt kích đưa khẩu UZI lên, quét luôn một băng. Ba tên không tặc đổ nhào xuống như thân chuối bị đốn ngã.
Giải thoát
Lúc này, các binh sĩ thuộc Lữ đoàn Golani cũng đã vào đến nhà ga rồi nhanh chóng hướng dẫn con tin chạy ra 2 chiếc C130 trong lúc nhóm lính dù đã chiếm được các kho chứa nhiên liệu. Sau những phút hoảng hốt vì bất ngờ, lính Uganda từ một tháp canh bắn xối xả về phía họ.
Các con tin khi về đến Israel. |
Một toán khác vác theo một khẩu đại liên 12,7mm nhanh chóng leo lên Đài kiểm soát không lưu rồi từ vị trí “đắc địa” này, khẩu đại liên khạc ra từng luồng lửa dài, nhắm vào những người đang chạy dưới mặt đất khiến 5 lính Lữ đoàn Golani bị thương. Moufflet, phi công lái chiếc C130 chở con tin kể: “Chẳng hiểu sao họ lại không bắn vào máy bay của tôi mặc dù nó nằm lù lù ngay trước mắt họ. Nếu họ bắn vào nó, tổn thất sẽ còn hơn rất nhiều”.
Mặc cho những viên đạn cày xới tung tóe, các con tin dưới sự hướng dẫn của Lữ đoàn Golani vẫn chạy vào máy bay. Con tin Glostien kể: “Có tiếng ai đó kêu lớn “Yoni trúng đạn. (Yoni là tên gọi thân mật của Trung tá Yonatan Netanyahu). Quay lại, tôi thấy ông ấy nằm sấp, máu chảy loang trên nền bê tông. Hai biệt kích ào đến, xốc ông lên vai rồi đưa vào trong khoang máy bay. Một biệt kích hét lớn: “Chỉ huy chết rồi”.
Sôi máu trước cái chết của Trung tá Yonatan Netanyahu, 8 biệt kích Sayeret Matkal chia thành hai nhóm, sử dụng cối cá nhân M79 bắn hàng chục quả lên tháp canh và Đài kiểm soát không lưu rồi tiếp theo, một lính dù cầm khẩu đại liên M60 xả nguyên dây đạn 200 viên. Chưa đầy 1 phút, hai khẩu súng này im tiếng.
Ở phía sân bay quân sự, nhóm biệt kích có nhiệm vụ phá hủy những chiếc máy bay MIG không gặp phải sự chống cự nào. Từng người một, họ ném lựu đạn vào cửa hút gió của máy bay. Những ánh sáng chói mắt chớp giật rồi tiếp theo là những tiếng nổ, khói đen mù mịt. Sau đó, họ rút về phía đường băng, nơi chiếc C130 chở họ đang nổ máy chờ sẵn.
Trên trời, hai chiếc Boeing 707 - một chiếc làm nhiệm vụ cứu thương và một chiếc chở bộ chỉ huy chiến dịch vẫn bay vòng vòng. Chẳng thấy một phát súng phòng không nào bắn lên mà sau này, mới biết là đạn đã bị cất hết ở trong kho!
Qua máy bộ đàm, Thiếu tá Muki Betzer, chỉ huy phó nhóm biệt kích báo cáo cho Chuẩn tướng Dan Shomron về con số thương vong: Phía tấn công có 1 người chết là Trung tá Yonatan Netanyahu, 5 bị thương.
Con tin 3 chết, 10 bị thương. Về phía bọn khủng bố, 7 tên bị tiêu diệt cùng hơn hơn 40 lính Uganda. 30 máy bay vừa MIG 17 lẫn MIG 21 bị phá hủy. Toàn bộ cuộc đột kích tính từ lúc chiếc C130 đầu tiên tiếp đất kéo dài 53 phút, trong đó việc tấn công giải cứu con tin là 30 phút. Chuẩn tướng Dan Shomron hỏi có cần cho chiếc Boeing cứu thương hạ cánh không? Thiếu tá Muki Betzer trả lời: “Thưa không. Chúng ta rút là vừa”.
4 chiếc C130 lần lượt cất cánh trên hai đường băng. Trên máy bay, sau khi kiểm tra, các con tin phát hiện còn thiếu một người là bà Dora Bloch, 75 tuổi. Qua hệ thống liên lạc, Trung tá Mor, chỉ huy nhóm Lữ đoàn Golani hỏi Chuẩn tướng Dan Shomron có nên quay lại tìm kiếm không? Ý thức được sự nguy hiểm nếu phải hạ cánh một lần nữa vì từ phía xa, tướng Shomron nhìn thấy nhiều ánh đèn xe đang lao về hướng sân bay, ông trả lời: “Thôi, có lẽ bà ấy đã chết”.
Bà Dora Bloch không chết, bà chỉ bị thương ở đùi và vì do hoảng sợ, bà chui xuống dưới những dãy ghế nên trong lúc mạnh ai nấy thoát, chẳng con tin nào nhìn thấy bà. Khi toàn bộ lực lượng đột kích đã rút đi, lính Uganda phát hiện bà còn sống, chúng đưa bà đến Bệnh viện Mulago ở thủ đô Kampala.
Tại đây, 2 sĩ quan an ninh Uganda đã lôi bà ra khỏi giường rồi bắn chết bà. Mãi đến năm 1979, khi Tổng thống Amin bị lật đổ, Hội chữ thập đỏ Israel mới tìm thấy xác bà chôn trong một đồn điền cách Kampala 30km. Bên cạnh đó, theo lệnh Amin, hơn 300 người Kenya sống ở Kampala cũng bị an ninh Uganda hành quyết để trả đũa cho việc Kenya hỗ trợ Israel trong cuộc tấn công.
Ngày 9-7-1976, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc triệu tập phiên họp để xem xét đơn khiếu nại của Chủ tịch của Tổ chức Thống nhất châu Phi, tố Israel xâm lược. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim nói rằng cuộc tấn công là ”sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của một nước thành viên của Liên Hiệp Quốc” nhưng “nó là cần thiết để đối phó với chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.
Nhiều quốc gia phương Tây ủng hộ cuộc đột kích. Đại sứ CHLB Đức tại Liên Hiệp Quốc gọi đó là “hành động tự vệ”. Thụy Sĩ và Pháp ca ngợi những người lính Israel vì phần lớn con tin đã được giải cứu an toàn, đồng thời Chính phủ Pháp trao tặng cơ trưởng chiếc Airbus 319 là Michel Bacos huân chương bắc đẩu bội tinh, 11 thành viên phi hành đoàn còn lại được nhận bằng khen của tổng thống. Anh và Mỹ gọi cuộc tấn công vào Entebbe là “một hành động không thể không xảy ra”. Kenya cho biết họ giúp đỡ Israel bởi đó là “hành động vì công lý và lẽ phải”.
Tháng 8- 2012, Uganda và Israel kỷ niệm cuộc tấn công bằng một buổi lễ tổ chức ngay dưới tháp điều khiển không lưu sân bay Entebbe, nơi Trung tá Yonatan Netanyahu bị giết chết. Để tưởng nhớ người trực tiếp chỉ huy cuộc đột kích, tại Bộ chỉ huy Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) Israel, hồ sơ “Chiến dịch Entebbe” được ghi thêm dòng chữ “Chiến dịch Yonatan”.