Chiêu gạ tình của cảnh sát “chìm” Anh

Thứ Bảy, 23/04/2016, 14:00
Họ là những cảnh sát “chìm” thuộc Đội đặc nhiệm chống biểu tình (SDS) của Cảnh sát Đô thị London (MET). Nhiệm vụ của họ là tìm cách phá hỏng các cuộc biểu tình phản đối của các nhóm hoạt động xã hội bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật và các nhóm hoạt động chính trị ở Anh.

Phương thức hoạt động của họ có phần giống với điệp viên các cơ quan tình báo: sử dụng mật danh và giả dạng làm người này người kia để trà trộn vào nhóm người biểu tình. Cá biệt một số trường hợp dùng chiêu “mỹ nam kế” gạ tình phụ nữ để xâm nhập các nhóm.

Mối tình của Helen Steel

Helen Steel, năm nay 50 tuổi, là một nhà hoạt động thuộc một nhóm hoạt động vì môi trường xanh ở London. Còn người tình của cô, John Dines, là một cảnh sát mật thuộc Đội đặc nhiệm chống biểu tình (SDS) của Cảnh sát Đô thị London (MET). Khi hai người gặp gỡ và yêu nhau, Steel mới 25 tuổi. Họ quen nhau được 5 năm, và mối tình của họ kéo dài trong 2 năm.

Steel gặp gỡ Dines trong các dịp hội họp của một nhóm hoạt động vì môi trường xanh ở London vào năm 1987. Trong ba năm đầu, họ dành nhiều thời gian tìm hiểu nhau. Dines ngỏ lời mời Steel đi chơi vài lần.

Helen Steel.

Anh ta bảo cô rằng, mẹ anh ta vừa mới mất và hỏi mượn tiền cô để đi New Zealand dự đám tang. Steel biết bố Dines đã mất trước đó 2 năm, nên cô tin đó là sự thật. Dines cho Steel biết, anh ta là con duy nhất của cha mẹ mình.

Dines giả dạng làm một nhà hoạt động xã hội như Steel, với cái tên giả là John Barker. Anh ta giấu biệt Steel sự thật rằng bản thân anh ta là một cảnh sát chìm thuộc đơn vị SDS với nhiệm vụ do thám các nhóm hoạt động chính trị. Và anh ta đã có gia đình, một vợ, hai con.

Khi Barker từ New Zealand trở về, họ bắt đầu mối quan hệ yêu đương, và chỉ trong vòng 6 tháng đã quyết định dọn về sống chung với nhau. Họ bắt đầu tính chuyện cùng nhau xây dựng một gia đình đầm ấm. Barker thường nói với Steel rằng, khi bán được căn nhà do cha mẹ để lại, anh ta sẽ có tiền và muốn mua một căn nhà ở một vùng thôn quê.

Ban đầu, mối tình rất nồng ấm và Steel rất hạnh phúc. Rồi một hôm, Steel về nhà và không thấy Barker, chỉ thấy một mẩu tin nhắn viết rằng anh ta từng yêu một người và đã bị người đó bỏ đi, vì thế anh ta sẽ không thể chịu nổi nếu Steel cũng làm thế với anh ta. Thời đó chưa có điện thoại di động, cho nên Steel không thể liên lạc được với Barker.

Hai ngày sau, Dines điện thoại về nói chuyện. Steel đã khóc thật nhiều, yêu cầu Barker quay về. Nhưng anh ta ở cùng Steel được vài ngày rồi lại đi, khi thì anh ta bảo đi Pháp, lúc đi Ireland để cho đầu óc bớt căng thẳng.

Rồi hai người dọn đến Yorkshire ở nhà của những người bạn. Sau đó, Dines bảo Steel anh ta có việc làm mới ở khu vực đường hầm eo biển Anh và hẹn gặp nhau ở London. Thế nhưng một hôm Barker không gọi điện thoại về khi Steel ở nhà, mà lại gọi khi Steel ra ngoài tìm anh ta.

Helen Steel chạm trán John Dines tại sân bay Kingsford Smith ở Sydney.

Mùa hè năm 1991, Barker bắt đầu giở trò, giả bộ bệnh suy sụp tinh thần, và bảo Steel rằng anh ta phải chạy trốn “những con quỷ” bên trong người mình. Tháng 3-1992, Barker biến mất thật. Anh ta gửi cho Steel một lá thư bảo rằng anh ta đi Nam Phi để giải quyết một số việc. Tiếp theo là hai lá thư được gửi đến Steel có đóng dấu bưu điện Nam Phi.

Trên thực tế, Dines có đi Nam Phi, nhưng sau đó anh ta quay lại Anh, vì anh ta còn làm việc tại trụ sở MET cho đến năm 1994 mới nghỉ việc.

Cuộc truy tìm 25 năm

Sau khi Barker biến mất, Steel vẫn còn yêu anh ta tha thiết, đinh ninh rằng anh ta đi Nam Phi thật và sẽ trở về sau khi giải quyết xong công việc ở đó. Nhưng trong lòng Steel lại nổi lên những suy tư lộn xộn, khi thì lo sợ Barker bỏ rơi mình, lúc thì lo sợ anh ta làm điều dại dột, tự sát hay đại loại thế.

Thế rồi Steel bắt đầu đi tìm Barker. Cô đến tận New Zealand, nơi anh ta từng bảo là đi dự đám tang mẹ mình, lục tìm cả trong các kho lưu trữ báo chí với hy vọng tìm được người nào có mối quan hệ với anh ta, nhưng vô vọng. Dần dần, Steel nhận ra Barker đã nói dối cô.

Trong khi đó, ở Anh, Steel bắt đầu gặp rắc rối. Cô là một trong hai người bị cửa hàng McDonalds kiện vì phỉ báng, bôi xấu hình ảnh. Cô phải nhiều lần hầu tòa. Trong một lần sau khi hầu tòa, Steel đi ngang qua Văn phòng đăng ký hộ tịch của thành phố London, và trong đầu cô lóe lên ý nghĩ rằng Dines có thể sử dụng tên giả để lừa cô, thậm chí có thể là tên của một người chết.

Thế là Steel bước vào Văn phòng đăng ký hộ tịch, xin trích lục tên họ của một người tên là John Barker. Quả đúng như suy nghĩ của Steel, John Barker là một đứa trẻ 8 tuổi đã chết vì bệnh ung thư máu. Vậy còn John Barker mà cô đang yêu là ai?

John Dines.

Phát hiện đó khiến Steel cảm thấy đất dưới chân mịnh sụp đổ, hụt hẫng và khiếp sợ. Người mà cô dự định ăn ở cả đời hóa ra là không có thật, cô thậm chí còn không biết tên thật của anh ta. Thêm những phát hiện mới nữa: Steel không thể tìm dược các giấy tờ chứng minh cha mẹ anh ta đã chết.

Steel nhớ lại một lần Barker có đề cập tên một người dì ở New Zealand, và cô suy đoán người này chắc hẳn là mẹ vợ của anh ta. Rồi năm 2002, Steel tiếp tục tìm được giấy chứng nhận hôn nhân của Barker và phát hiện ra tên thật của anh ta là John Dines, còn người phụ nữ anh ta đã cưới tên là Debbie. Hai người đã cưới nhau từ năm 1977.

Cơn giận bùng lên, Steel gọi điện cho những người bạn đến để tâm sự với họ. Tuy nhiên, vì vẫn còn yêu Dines nên Steel không muốn tiếp xúc làm quen với ai khác, và hy vọng một ngày nào đó anh ta sẽ quay về. Nhưng sự chờ đợi đó ngày càng trở nên vô vọng. Dần dần Steel bắt đầu nhận ra rằng, chia sẻ nỗi niềm của mình với nhiều người phụ nữ khác cũng là cách hay và có ích. Mỗi người sẽ góp một ý, thậm chí có người còn có thể cung cấp thông tin bổ ích cho mình. Thế là cô bắt đầu kể câu chuyện của mình cho nhiều người phụ nữ khác.

Và một trong những người phụ nữ đó đã xác nhận với cô rằng Dines chính là một cảnh sát “chìm”, và mục đích anh ta tạo mối quan hệ tình cảm với cô là nhằm lợi dụng cô cho công việc theo dõi nhóm hoạt động của cô.

Chuyển biến này tạo động lực mới thúc đẩy Steel tiếp tục đi tìm anh ta, dù cho có đi đến chân trời góc bể nào cũng phải đi tìm cho bằng được. Cô trở lại New Zealand và Nam Phi vài lần với hy vọng bắt gặp anh ta ở đó, nhưng không thành công, vì trên thực tế anh ta đã di chuyển sang Australia và ở cố định tại đó. Cuối cùng, Steel cũng tìm ra được Dines.

John Dines và Helen Steel thời yêu đương mặn nồng.

Trong quá trình truy tìm Dines, Steel đồng thời cũng tìm hiểu và nghiên cứu những trường hợp khác bị cảnh sát “chìm” gạ gẫm tình cảm rồi để lại nỗi đau buồn vì thất tình và cảm giác bị lừa. Việc nghiên cứu này vô tình giúp Steel nhìn ra phương thức hành động của MET khi điều chuyển các “điệp viên” của mình để trốn tránh sự truy tìm của những cô nhân tình cũ.

Ráp nối các manh mối lại, Steel suy đoán ra nơi Dines đang thật sự lẩn trốn: Australia. Thì ra, sau khi rời MET, Dines đến New Zealand sinh sống. Năm 2002, khi Steel phát hiện ra giấy chứng nhận hôn nhân và biết được Dines là cảnh sát, MET bắt đầu lo ngại rằng Steel có thể lần tìm ra anh ta, vì thế MET lại bỏ tiền ra để chuyển anh ta sang sống ở Australia.

Tại đây, Dines được nhận vào làm Trợ lý Hiệu trưởng trường Đại học Charles Sturt gần Sydney. Đến năm 2010, Dines được trường Charles Sturt thuê làm giảng viên cao học chuyên ngành cảnh sát và an ninh.

Ngày 2-3-2016, nhận được thông tin từ một đầu mối ở Australia về nơi ở và làm việc cụ thể của Dines, Steel từ Anh bay sang Australia để giáp mặt với người tình cũ sau gần 25 năm xa vắng và mòn mỏi kiếm tìm. Ngày 6-3, Steel và Dines đối mặt nhau tại sân bay Kingsford Smith, Sydney khi anh ta đang đón tiếp một phái đoàn cảnh sát Ấn Độ sang thăm trường nơi anh ta dạy.

Cuộc tái ngộ giữa họ được báo chí chụp ảnh và quay phim. Dines nói lời xin lỗi Steel “tha thiết và chân tình” vì cách anh ta đã lừa dối cô cho mục đích công việc của mình. Nhưng Steel cho rằng lời xin lỗi của Dines là chưa đủ. Cô đang cần làm sáng tỏ thêm những điều mà cô thắc mắc, suy nghĩ từ gần 25 năm qua nhưng vẫn chưa hiểu được hết.

Đồng thời sau đó, Steel cũng đòi hỏi MET phải có sự bồi thường thỏa đáng cho những mất mát, thiệt thòi mà cô phải gánh chịu khi bị Dines phụ tình và trong suốt quá trình cô đi tìm kiếm anh ta suốt mấy chục năm qua. Hiện Steel đang cùng với 8 người phụ nữ Anh khác đang nộp đơn kiện lên tòa án để yêu cầu MET giải quyết bồi thường.

Về phần mình, Dines đang bị chính quyền bang New South Wales xem xét lại tư cách trong công việc hiện tại đang làm. Các nghị sĩ ở bang này cho rằng, đối với một người đã có vợ con nhưng lại gạ gẫm tình cảm của phụ nữ và đang lẩn trốn người phụ nữ đó thì không đủ tư cách làm giáo sư tại một trường đại học danh tiếng của bang. Họ đặt câu hỏi liệu trường Đại học Charles Sturt có biết về quá khứ bê bối của Dines hay không khi nhận anh ta vào làm việc?

Rất có thể trường Charles Sturt biết rõ Dines là ai, nhưng có lẽ giữa họ và MET đã có một sự thỏa thuận ngầm để trường tạo cho Dines một nơi ẩn náu an toàn trước khi bị Steel phát hiện. Bây giờ thì mọi chuyện đã đổ bể, và cách duy nhất còn lại là MET phải rút Dines trở về Anh để xử lý những phần việc còn lại trong câu chuyện tình 25 năm trước của anh ta.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.