Công nghiệp dầu mỏ đã thao túng chính quyền Mỹ như thế nào?

Thứ Năm, 21/12/2017, 17:15
Từ hàng chục năm qua, công nghiệp dầu khí của nước Mỹ đã thao túng bộ máy hoạch định chính sách về môi trường của Mỹ thông qua một tổ chức đại diện cho lợi ích của mình là Viện Dầu khí Mỹ (API). API đã thực hiện thành công sứ mệnh can thiệp, định hình chính sách của Chính phủ Mỹ bằng cách thao túng các cơ cấu tổ chức bên trong Nhà Trắng và các Bộ Năng lượng và Thương mại.

Từ đầu năm nay, mức độ thao túng chính sách đó càng trở nên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, với sự trợ giúp cũng hết sức nhiệt tình của ngay chính các cơ quan của Chính phủ Mỹ.

Lịch sử trăm năm của Viện Dầu khí Mỹ

Đại diện cho lợi ích của ngành công nghiệp dầu khí Mỹ là một tổ chức hội nghề nghiệp có tên gọi là Viện Dầu khí Mỹ (API). Thành lập vào năm 1919, đến nay API có tuổi đời gần 100 năm. Suốt gần một thế kỷ tồn tại, API luôn được hưởng đặc quyền tiếp cận các cơ quan chính quyền Mỹ, nhờ đó có được thuận lợi trong việc tạo ảnh hưởng, định hình các chính sách từ bên trong bộ máy hoạch định chính sách.

Trên website của mình, API viết: “Chúng tôi thương lượng với các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện cho ngành trong các vụ việc pháp lý, tham gia các liên minh và hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội khác nhằm mục đích đạt cho được các mục tiêu chính sách công của các thành viên của chúng tôi”.

API còn tham gia vào việc hình thành các cơ cấu tổ chức bên trong bộ máy chính quyền nhằm đảm bảo tiếng nói của mình được các lãnh đạo chóp bu lắng nghe.

Dick Cheney và Rex Tillerson, hai trong số các chủ tịch của NPC.

Lịch sử thao túng các chính sách môi trường, khí hậu của API đã có từ rất lâu. Từ năm 1959, tổ chức này đã nhúng tay vào thao túng vấn đề nóng lên toàn cầu, đứng ra tổ chức một hội nghị lớn để bàn thảo về thảm họa khí hậu toàn cầu do con người tạo ra. Khi phong trào bảo vệ môi trường phát triển mạnh, API với sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ đã tìm cách phá hoại phong trào bằng việc bóp méo các dự báo về chi phí cho công tác bảo vệ môi trường.

Nhờ có mối quan hệ mật thiết với các cơ quan chính quyền, API đã tác động làm thay đổi, hủy bỏ hoặc xem xét lại 52 quy định của Chính phủ Mỹ về môi trường kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống, trong đó có hơn 20 quy định API công khai vai trò xúc tiến của mình. Tháng 5-2017, tổ chức này còn gửi cho Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) một bản danh sách dài 25 trang gồm những yêu sách ưu tiên đòi Chính phủ Mỹ dành ưu ái nhiều hơn cho công nghiệp dầu khí.

Trong danh sách ưu tiên đó có những quy định API yêu cầu Chính phủ Mỹ xem xét lại như: các tiêu chuẩn khí thải ozone khắt khe hơn và quy định về khí methane, một loại khí nhà kính có độc lực mạnh hơn nhiều so với khí CO2.

Văn phòng Các sự vụ về Thông tin và Chính sách

Một trong hai cơ quan được xem là “cánh tay nối dài” cho API là Văn phòng Các sự vụ về Thông tin và Chính sách (OIRA) - một bộ phận thuộc Văn phòng Quản trị và Ngân sách của Nhà Trắng. Giám đốc OIRA Neomi Rao cho biết, tuy chỉ là một bộ phận nhỏ và ít ai biết đến, nhưng OIRA có quyền lực rất mạnh. Nhưng quyền lực của OIRA không phải để phục vụ công chúng mà chủ yếu là làm lợi cho công nghiệp dầu mỏ thông qua sự giật dây của API.

Rao khẳng định, bất cứ ai tôn trọng các quy định nghiêm ngặt của nhà nước đều sẽ không chấp nhận những việc diễn ra ở OIRA. Đấy có thể được ví như một chướng ngại vật đối với các chính sách của Chính phủ Mỹ nếu được xem là “gây tổn hại cho nền kinh tế” - có nghĩa là gây bất lợi cho giới tư bản.

OIRA được hình thành vào năm 1980, xuất phát từ một chương trình tổng hợp mang tên Chất lượng Cuộc sống (Quality of Life), do Tổng thống Richard Nixon ra lệnh triển khai. Trước đó, Tổng thống Nixon đã cho thành lập EPA vào tháng 12-1970, với nhiệm vụ giúp Quốc hội Mỹ soạn thảo các điều luật, quy định liên quan đến môi trường, đồng thời giúp chính phủ và các cơ quan hành pháp Mỹ thực thi những điều luật, quy định đó.

Đồng thời, ông Nixon cũng cho thành lập một ủy ban cố vấn là Hội đồng Kiểm soát ô nhiễm công nghiệp quốc gia (NIP) đặt bên trong Bộ Thương mại, với thành viên bao gồm toàn lãnh đạo công nghiệp. NIP đã phối hợp với API và các tổ chức công nghiệp dầu mỏ thực hiện những chiến dịch truyền thông nhấn mạnh vào các chi phí tốn kém của ngành công nghiệp dầu mỏ trong việc bảo vệ môi trường.

Tháng 2-1971, NIP cố vấn cho các trợ lý của Tổng thống Nixon ưu tiên quan tâm đến những chi phí đó. Tháng 10-1971, Nhà Trắng hiện thực hóa yêu cầu đo bằng việc lập ra chương trình Quality of Life, với nội dung là thẩm định, đánh giá các quy định chính về môi trường, sức khỏe và an toàn. Việc điều phối chương trình này được giao cho một người có quan điểm chống quy định nhà nước tên là Jim Tozzi.

Hoạt động của Quality of Life thực chất chẳng qua là nhằm kiểm soát công tác soạn thảo thể chế của EPA. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Quality of Life lập tức giám sát chặt dự thảo hướng dẫn thi hành Luật Không khí sạch của EPA. Đến thời Tổng thống Jimmy Carter, Quality of Life được đổi tên thành OIRA vào năm 1980, với Tozzi làm Phó Giám đốc.

Công nhân thu dọn dầu tràn ở Santa Barbara năm 1969.

Năm 1983, Tozzi rời OIRA ra làm việc cho công ty luật của William Ruckelshaus - giám đốc đầu tiên của EPA do đích thân ông Nixon bổ nhiệm và là người chủ trương thực hiện các phân tích báo cáo có lợi về chi phí.

API thao túng OIRA thể hiện rõ qua việc tham dự các cuộc họp bàn thảo liên quan đến các quy định bảo vệ môi trường của EPA. Từ tháng 4-2014 đến nay, API đã cử đại diện tham dự 35 cuộc họp (trên tổng số 712 cuộc họp, hội nghị) của OIRA để bàn về các đề xuất quy định của EPA, trong đó có một cuộc hội nghị vào năm 2015 bàn về quy định về khí thải ozone có sự tham dự của Tổng Giám đốc API Jack Gerard.

API cùng với Hội đồng Hóa học Mỹ (ACC) và Tập đoàn Dầu khí ExxonMobil (nơi ông Rex Tillerson làm Chủ tịch trước khi làm Ngoại trưởng Mỹ) nằm trong tốp các tổ chức, doanh nghiệp tiếp xúc với OIRA nhiều nhất tính từ năm 2001 đến 2011. Sự thao túng của API đã có tác động rõ rệt: một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Wisconsin-Madison cho thấy dưới tác động của API, OIRA sẵn sàng chỉnh sửa lại các dự thảo quy định.

Hội đồng Dầu khí Mỹ (NPC)

Trong khi NIP và OIRA cùng phối hợp vận động vì lợi ích ngành công nghiệp, Hội đồng Dầu khí Quốc gia (NPC) âm thầm thực hiện phần việc của mình là tô vẽ các “ông lớn dầu khí” như là thành phần chủ chốt của kinh tế Mỹ. Thành lập từ năm 1946, NPC là một cơ quan liên bang phi đảng phái, chuyên thực hiện các báo cáo về môi trường ngành dầu khí.

Thoát thai từ Chiến tranh thế giới lần 2, NPC phục vụ cho các mục đích chiến tranh, về sau trở thành cơ quan cố vấn cho Bộ Nội vụ Mỹ. Ngày nay, NPC trực thuộc Bộ Năng lượng, mặc dù kinh phí hoạt động do tư nhân đóng góp. Các thành viên của NPC bị cấm vận động hành lang, nhưng trên thực tế 71 năm qua NPC luôn là một cánh tay đắc lực hỗ trợ cho ngành dầu khí làm giảm bớt những quan ngại của dư luận về tác động môi trường và hoạt động khoan sâu để khai thác dầu mỏ. Điều này không có gì khó hiểu, bởi trong số 192 thành viên của NPC có đến 144 người của ngành công nghiệp dầu khí.

Lãnh đạo của NPC có một số người trở thành quan chức chính phủ, như Tổng Giám đốc Công ty Halliburton Dick Cheney, Chủ tịch Hội đồng đã trở thành Phó Tổng thống Mỹ năm 2001, rồi Tổng Giám đốc ExxonMobil Rex Tillerson, Chủ tịch Hội đồng đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ từ tháng 2-2017. Họ đều là những tiếng nói “to” nhất cho lợi ích của ngành dầu khí Mỹ.

Trong 71 năm qua, gần một phần ba trong hơn 2.800 đề xuất của NPC đã được Chính phủ Mỹ chấp nhận và thực thi đầy đủ.

API tác động đến NPC bằng nhiều cách. Ngoài việc cử người tham gia thành viên NPC, API còn cung cấp nguồn thông tin cho các báo cáo môi trường của NPC. Điển hình như vụ tràn dầu nghiêm trọng ngoài khơi Santa Barbara, bang California, vào năm 1972.

Dựa vào nghiên cứu của API, NPC đưa ra báo cáo hạ thấp mức độ nguy hại, đồng thời hối thúc Chính phủ Mỹ tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành dầu khí. Cũng dựa vào nghiên cứu của API, NPC còn đánh giá thấp biến đổi khí hậu, cho rằng nồng độ khí thải CO2 trong không khí “có tăng lên bởi các lý do khó hiểu”, và rằng các nhà khoa học phải đợi đến năm 2000 mới có thể xác định được “vấn đề có nghiêm trọng hay không”.

Carroll Muffett, Chủ tịch Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế ở Washington cho rằng các báo cáo nghiên cứu về môi trường công bố vào các năm 1968 và 1969 cho thấy API đã biết rõ tình trạng ô nhiễm không khí, mức khí thải CO2 trong không khí và nguy cơ tan chảy băng ở Bắc Cực do tác động từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch (dầu khí). Nhưng các lãnh đạo cấp cao của API đã tìm cách che giấu bớt những nguy cơ đó nhằm mục đích có lợi cho ngành dầu khí.

API và chính sách của Tổng thống Trump

Chính sách của API có vẻ gặp nhiều thuận lợi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Truyền thông Mỹ cho rằng, chính sách “rút lui”, nói cách khác là thu hồi lại những chính sách đang áp dụng của Tổng thống Trump là một cơ hội tốt cho API thúc đẩy các mục tiêu lợi ích ngành dầu khí.

Tháng 5-2017, API đã gửi cho EPA một “danh sách yêu cầu” dài 25 trang giấy, chứa đựng những nhận xét, đánh giá, đề nghị của API đối với những chính sách môi trường đang áp dụng tại Mỹ mà API cho rằng, đang làm phương hại đến lợi ích ngành dầu khí. Trong văn bản đặc biệt này, API nhấn mạnh 8 thay đổi then chốt mà tổ chức này muốn Chính phủ Mỹ phải thực hiện đối với các quy định về ô nhiễm không khí và nước.

Người dân biểu tình ở California phản đối chỉ thị xây dựng các đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access.

Phân tích của giới chuyên gia cho biết EPA đã và đang thực thi một phần hoặc toàn bộ 6 trên 8 yêu cầu thay đổi chính sách của API.

Các yêu cầu của API đã được EPA tiếp thu bằng cách nào? Đầu năm nay, Howard Feldman, một quản lý cao cấp các vấn đề về quy định, chính sách của API, đã viết một bức thư gửi cho lãnh đạo EPA. Bức thư giới thiệu đó được gửi kèm theo bản danh sách yêu cầu. Nội dung thư viết rằng các công ty dầu khí đang làm ăn phát đạt “bất chấp các hành động thể chế nhiều chưa từng có của chính phủ nhắm vào ngành chúng tôi”.

Feldman kêu gọi Chính phủ Mỹ sửa đổi các quy định theo hướng “xúc tiến tiếp cận khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí nội địa, chỉnh sửa lại các quy định về cấp phép”.

Bức thư được gửi đích danh cho bà Samantha Davis, một trợ lý lãnh đạo EPA. Nhưng API không cần phải vận động nhiều. Lãnh đạo EPA, ông Scott Pruitt từng là một người phê phán EPA gay gắt vì hoạt động quá nghiêm túc của cơ quan này làm ảnh hưởng đến lợi ích của giới công nghiệp Mỹ. Pruitt đã tuyên bố khi lên nắm lãnh đạo EPA rằng ông sẽ “ghìm cương” cơ quan này, và trên thực tế đã làm đúng như thế.

Tháng 3-2017, Pruitt gặp gỡ các lãnh đạo API tại khách sạn Trump International ở Washington DC. Chưa đầy một tháng sau, Pruitt viết thư cho Feldman cùng 3 đại diện khác của ngành dầu khí, thông báo với họ rằng ông đang tạm dừng áp dụng các quy định kiểm soát vấn đề rò rỉ dầu mỏ ra môi trường trong quá trình khoan khai thác. Đây là những quy định được Tổng thống Obama ban hành vào năm 2016.

Tháng 6-2017, EPA đề xuất Chính phủ Mỹ tạm dừng thực thi các quy định này trong 2 năm. Tuy nhiên, tháng 7-2017, các nỗ lực nhằm dừng thực thi các quy định đó đã bị tòa án ngăn chặn.

Nhưng EPA chưa dừng lại đó. Một loạt quyết định sửa đổi, dừng thực thi các quy định nghiêm ngặt về môi trường đối với ngành dầu khí, hóa dầu đã được Pruitt đề xuất ban hành làm lợi rất nhiều cho các “ông lớn dầu khí” Mỹ.

An Châu (tổng hợp)
.
.