Cựu điệp viên CIA bị bắt vì làm nội gián

Thứ Hai, 22/01/2018, 22:34
Báo chí Mỹ hôm 16-1-2018 đã đồng loạt đưa tin về việc cơ quan phản gián Mỹ đã bắt giữ một cựu điệp viên sau khi phát hiện bằng chứng cáo buộc người này đã chỉ điểm cho tình báo Trung Quốc cầm tù hoặc “vô hiệu hóa” hơn 20 điệp viên nội gián trong mạng lưới tình báo Mỹ tại Trung Quốc được báo chí đưa tin rộng rãi vào giữa năm 2017.

Cựu điệp viên CIA Jerry Chun Shing Lee bị bắt tại sân bay quốc tế J.F. Kennedy ở New York hôm 15-1. Tòa án liên bang ở Bắc Virginia đã cáo buộc Lee tội “lưu giữ trái pháp luật thông tin quốc phòng”. Ngay sau khi bị bắt, Lee đã xuất hiện trước Tòa án liên bang ở Brooklyn vào ngày 16-1 và bị tạm giam chờ chuyển đến Virginia, nơi sẽ chính thức mở phiên tòa xét xử ông ta vào ngày thứ bảy 20-1. Nếu bị buộc tội, Lee có thể bị tuyên mức án tù đến 10 năm.

Jerry Chun Shing Lee.

Việc bắt giữ Lee có liên quan đến một vụ việc nghiêm trọng trong ngành tình báo Mỹ xảy ra cách đây hơn 5 năm, được báo chí phanh phui vào tháng 5-2017. Cụ thể, tờ New York Times đưa tin: khoảng 20 điệp viên nội gián của Mỹ tại Trung Quốc đã bị “xử kín” hoặc cầm tù. 

Tờ New York Times mô tả: mạng lưới gián điệp Mỹ tại đây đã bị “bóc gỡ có hệ thống”, như thể tình báo Trung Quốc đã nắm rõ từng mắt xích của mạng lưới và lên kế hoạch thực hiện hết sức chặt chẽ. Vụ việc này được đánh giá là tổn thất nghiêm trọng nhất của ngành tình báo Mỹ trong vài thập niên trở lại đây, tương đương với tổn thất tại Liên Xô và Nga do điệp viên CIA Aldrich Ames và đặc vụ FBI Robert Hanssen gây ra.

Theo New York Times, từ năm 2010, CIA bắt đầu phát hiện có hiện tượng “thông tin tình báo cạn dần” và sau đó là mất hẳn do các “tài sản con người” ở Trung Quốc. Năm 2011, báo chí bắt đầu rộ lên thông tin “nhiều điệp viên Mỹ bị lật tẩy ở Trung Quốc”, nhưng chỉ mới vài vụ việc, chưa ai kết luận quy mô vụ việc như thế nào, chưa ai nghĩ rằng mạng lưới gián điệp của CIA đang bị “chiếu tướng”.

Lúc đó, các nhà điều tra của CIA đau đầu tìm cách lý giải một điều khó hiểu: Làm thế nào mà danh tính của nhiều điệp viên, chỉ điểm vốn là một trong những bí mật được bảo vệ cẩn thận nhất của CIA lại lọt vào tay giới tình báo Trung Quốc? Mặc dù CIA đã cố gắng hạn chế thiệt hại, báo động cho toàn mạng lưới cảnh giác, nhưng nhiều người vẫn không kịp thoát thân.

Một số quan chức tình báo Mỹ tin rằng, có một “con chuột” ẩn nấp bên trong CIA và chính nó đã tiết lộ mạng lưới tình báo CIA. Một số người khác cho rằng mạng thông tin bí mật CIA thường sử dụng để giao tiếp với các nguồn thông tin tình báo ở nước ngoài bị đột nhập.

Một số cựu quan chức tình báo còn quả quyết: mạng lưới tình báo của Mỹ bị phá vỡ do cả hai nguyên nhân trên, hoặc cũng có thể do những hành động cẩu thả của một số sĩ quan tình báo tại Trung Quốc. Trong tiến trình điều tra, FBI bắt đầu nghi ngờ có một kẻ nội gián bên trong các cơ quan tình báo Mỹ đã tiết lộ thông tin nhạy cảm cho phía bên kia. Qua sàng lọc, FBI và CIA nhất trí kẻ tình nghi số một là Jerry Chun Shing Lee, cựu điệp viên CIA. Thế là hồ sơ về Lee bắt đầu dày lên.

Năm nay 53 tuổi, Jerry Chun Shing Lee (tên theo phiên âm là Zhen Cheng Li) sinh ra và lớn lên tại Mỹ, là con của một gia đình người Hoa di cư sang Mỹ cách đây hàng chục năm. Trước khi trở thành điệp viên CIA, Lee từng phục vụ trong quân đội Mỹ giai đoạn 1982-1986. Lee gia nhập tổ chức CIA vào năm 1994, làm việc với vai trò là sĩ quan phân tích tình huống.

Sự nghiệp tình báo của Lee kéo dài không lâu, đến năm 2007 thì ông ta rời khỏi CIA. Các cựu quan chức CIA cho biết, trong thời gian làm việc cho CIA, Lee cũng từng có lúc được phái sang cắm chốt ở Trung Quốc. Các cựu quan chức này cũng tiết lộ rằng, Lee rời khỏi CIA trong tâm trạng bực tức vì sự nghiệp cứ “bình bình”, không được thăng tiến. Đây có lẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy Lee phản bội tổ chức.

Từ sau khi rời khỏi CIA, Lee không cư trú ở Mỹ nữa mà chuyển đến ở Hong Kong và làm việc cho nhà đấu giá Christies tại đó. Đến năm 2012, Lee lại quay về Mỹ để sinh sống cùng gia đình vợ con. Đó cũng là thời gian FBI mở cuộc điều tra nhắm vào ông ta vì những nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Quốc.

Người ta không rõ vì lý do gì mà Lee đã bất chấp nguy cơ bị tình nghi để quay trở về Mỹ. Hồ sơ điều tra cho thấy, lúc quay trở về Mỹ, thời điểm trước khi bị FBI thẩm vấn, Lee đã tiếp xúc, gặp gỡ một số đồng nghiệp cũ ở CIA và một số quan chức chính phủ, không rõ vì mục đích gì, nội dung các cuộc trao đổi là gì.

Thì ra, FBI đã lập một chiến dịch bí mật dụ Lee quay về Mỹ với lời hứa “có hợp đồng làm việc với CIA”. Tuy nhiên, khi quay trở về Mỹ và chưa kịp “ký hợp đồng” nào với CIA, Lee đã bị đặc vụ FBI bí mật lục soát hành lý khi ông ta lưu trú tại khách sạn ở Hawaii và Virginia. Kết quả là FBI phát hiện hai quyển sổ tay trong đó có chứa nhiều thông tin mật. Đồng thời, đặc vụ FBI cũng 5 lần thẩm vấn Lee vào tháng 5 và 6-2013.

Trong các cuộc thẩm vấn, Lee không hề khai báo về hai quyển sổ tay trong hành lý của mình. Thật ra, trong lúc lục soát hành lý của Lee, các đặc vụ FBI đã xem xét kỹ nội dung hai quyển sổ tay, phát hiện chúng chứa nhiều thông tin nhạy cảm như tên thật và số điện thoại của các điệp viên nội gián và nhân viên của CIA, ghi chú về các cuộc gặp mặt của các “tài sản”, địa điểm của các cuộc gặp mặt và địa bàn hoạt động của các điệp viên ngầm.

Các công tố viên khẳng định, những thông tin nhạy cảm chứa trong hai quyển sổ tay của Lee hoàn toàn trùng khớp với những thông tin mật Lee đã gửi điện về trung tâm CIA khi còn làm điệp viên nằm vùng cho CIA.

Người ta không hiểu vì lý do gì mà sau khi phát hiện chứng cứ hai quyển sổ tay chứa thông tin mật và sau các cuộc thẩm vấn đó, FBI đã không bắt giữ Lee ngay mà lại để cho ông ta rời nước Mỹ quay trở về Hong Kong. Và cũng thật ngạc nhiên, tại sao Lee lại quay lại quay trở về Mỹ lần nữa sau khi đã bị thẩm vấn, và lần này thì bị bắt?

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.