Cựu nhân viên gốc Hoa của FBI bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc

Thứ Ba, 09/08/2016, 17:35
Trong khoảng thời gian dài, nhân viên kỹ thuật điện tử người gốc Hoa tên là Kun Shan Chun của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) lợi dụng đặc quyền khai thác thông tin mật để lén lút chuyển giao nhiều thông tin nhạy cảm cho phía Trung Quốc.

Kun Shan Chun, làm việc cho FBI từ năm 1997,  bị đặc vụ FBI bắt giữ hồi tháng 3-2016 nhưng mới đây thông tin về vụ việc mới được các công tố viên Mỹ tiết lộ. Chun bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc và có thể đối mặt với án tù 10 năm. Chun sinh ra ở Trung Quốc và cũng được gọi là Joey Chun. Trong thời gian sau này FBI đã thực hiện nhiều chiến dịch chống tình báo Trung Quốc và phát hiện được không ít vụ gián điệp kinh tế có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nga.

Kun Shan Chun (trái) và luật sư Jonathan Mervinny đến tòa án liên bang ở Mahattan, ngày 1-8.

Kun Shan Chun sinh năm 1969 tại thành phố Quảng Đông (Trung Quốc), nhập cư vào Mỹ năm 1980 và trở thành công dân nước này năm 1985. Jonathan Marvinny, luật sư đại diện cho Kun Shan Chun, trình bày trong một email: "Hiện nay, Joey Chun đã nhận trách nhiệm về những sai trái đã phạm phải và vô cùng hối tiếc. Sự thật là Chun yêu nước Mỹ và không hề có ý định gây bất cứ tổn hại nào cho đất nước này".

Các công tố viên Mỹ buộc tội Kun Shan Chun trong một thời gian dài đã giấu giếm về việc ông ta tiếp xúc riêng với một người mang quốc tịch Trung Quốc trong một chuyến đi ra nước ngoài, cùng với một số vi phạm pháp luật khác. Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Carlin - người đứng đầu bộ phận an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp - tuyên bố: "Kun Shan Chun đã hủy hoại niềm tin của đất nước chúng ta khi lợi dụng quyền hạn của mình để cung cấp thông tin nhạy cảm và hạn chế của FBI cho chính quyền Trung Quốc". 

Theo điều tra kín của FBI, Chun không báo cáo với FBI về sự hợp tác đầu tư mạo hiểm cá nhân với Công ty công nghệ Zhuhai Kolion Technology Co. Ltd của Trung Quốc được chính phủ nước này hỗ trợ.

Nhân viên FBI thu giữ máy tính của Chun để điều tra.

Ít nhất từ năm 2006, Chun bí mật hợp tác nghiên cứu và tư vấn có lợi cho công ty Kolion để đổi một số ưu đãi khi ra nước ngoài - bao gồm lưu trú trong các phòng khách sạn sang trọng và được gái mại dâm phục vụ tận tình. Giới chức FBI cho biết Chun là kỹ thuật viên điện tử làm việc tại văn phòng FBI ở khu Manhattan, thành phố New York và có giấy phép sử dụng thông tin mật. Các công tố viên Mỹ thỏa thuận với luật sư Jonathan Marvinny rằng Chun sẽ không bị truy cứu về việc bí mật hợp tác với công ty Kolion mà không khai báo với FBI nếu ông nhận tội làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh.

Theo các công tố viên Mỹ, Chun đã lén lút tải xuống biểu đồ cơ cấu tổ chức của FBI từ máy tính tại nơi làm việc từ năm 2013 và chuyển giao tài liệu (nhưng xóa tên các nhân sự) cho phía Trung Quốc.

Tháng 1-2015, Chun chụp ảnh nhiều tài liệu nhạy cảm lưu giữ trong khu vực hạn chế tại văn phòng FBI ở Manhattan, trong đó bao gồm chi tiết tóm tắt về nhiều công nghệ gián điệp được FBI sử dụng. FBI bắt đầu nghi ngờ những hành vi mờ ám của Chun từ tháng 2-2015 và bắt đầu cắt cử một đặc vụ giả làm nhân viên làm việc cho một nhà thầu độc lập của Lầu Năm Góc để tiếp xúc riêng với Chun. Sau đó trong cuộc gặp mặt giữa hai người ở New York, Chun tiết lộ với đặc vụ rằng ông  ta được những "đồng minh" ở Trung Quốc trả tiền bao gái mại dâm, ở khách sạn sang trọng và gửi tiền mặt cho cha mẹ ông  ta đang sống ở nước này.

Một số vụ án gián điệp Trung Quốc được FBI phanh phui.

Cha mẹ của Chun cũng có cổ phần trong công ty Kolion và sở hữu bất động sản ở Trung Quốc. Chun cũng không giấu giếm đặc vụ FBI ngầm rằng công ty Kolion được chính quyền Trung Quốc bảo trợ.

Trong một chuyến đi đến châu Âu, Kun Shan Chun tiết lộ với đặc vụ ngầm FBI về những cuộc "tiếp xúc" của ông khi về Trung Quốc. Tháng 7-2015, đặc vụ ngầm FBI bay đến Hungaria và gặp Chun 2 lần ở nước này. Trong một cuộc gặp mặt, Chun nói với đặc vụ FBI rằng Trung Quốc hứa hẹn "cung cấp những lợi ích nhập cư (Mỹ) cũng như một số đặc quyền khác" cho những người chấp nhận làm việc cho chính quyền Bắc Kinh.

Trong một cuộc gặp mặt khác giữa hai người tại New York vào tháng 10-2015, Chun kể chuyện ông ta từng cố gắng bí mật tiếp xúc với một quan chức chính quyền Bắc Kinh để tạo  "thuận lợi chuyển giao thông tin nhạy cảm" như thế nào. Ngày 1-8 vừa qua, Chun trình diện trước tòa án liên bang ở Manhattan và dự kiến phiên tòa xét xử ông ta sẽ diễn ra vào đầu tháng 12-2016. Hiện thời, Chun được bảo lãnh tại ngoại.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.