Eli Cohen – điệp viên huyền thoại của tình báo Israel

Thứ Ba, 24/07/2018, 13:37
Một thông tin ngắn gọn đã được Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo hôm 5-7: một chiếc đồng hồ đeo tay thuộc sở hữu của điệp viên huyền thoại Eli Cohen đã được tìm thấy và mang về Israel trong một chiến dịch bí mật. Tuy nhiên, thi thể của ông hiện vẫn bặt vô âm tín.

Ngay sau thông báo, Thủ tướng Israel đã hết lời khen ngợi cơ quan tình báo Israel MOSSAD “đã có hành động đầy quyết tâm và quả cảm” trong việc tìm kiếm và mang về đất nước “một kỷ vật của một nhân vật anh hùng đã có đóng góp vĩ đại cho an ninh của nhà nước”.

Tuy nhiên, thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel không nêu chi tiết cuộc tìm kiếm diễn ra như thế nào khiến dư luận đặt câu hỏi liệu MOSSAD có tiến hành một chiến dịch để truy tìm chiếc đồng hồ đeo tay của ông Cohen hay không?

Điệp viên Israel huyền thoại Eli Cohen khi còn ở Damascus.

Cohen được xem là vị anh  hùng dân tộc của Israel vì có công lớn trong cuộc chiến bảo vệ nhà nước Do Thái. Ông có tên đầy đủ là Eliyahu Ben-Shaul Cohen, sinh năm 1924 trong một gia đình Do Thái ở Alexandria, Ai Cập. Tháng 1-1947, Cohen từng suýt gia nhập quân đội Ai Cập nhưng bị từ chối do ông là người Do Thái nên bị nghi ngờ lòng trung thành. Vì vấn đề kỳ thị người Do Thái nên Cohen đã sớm rời trường đại học và tự học tại nhà.

Trong thập niên 1950, Cohen bắt đầu tham gia vào phong trào phục quốc Israel (Zionist), tham gia Chiến dịch Cohen bí mật đưa người Do Thái ra khỏi đất nước Ai Cập về Israel sinh sống.

Sau biến cố Kênh đào Suez năm 1956, đến lượt Cohen bị nhà chức trách Ai Cập truy lùng gắt gao, buộc phải rời Ai Cập về định cư tại Israel. Ông gia nhập quân đội Israel (IDF) và được phân bổ vào đơn vị tình báo quân đội, trở thành chuyên viên phân tích phản gián. Công việc này quá nhàm chán đối với Cohen, nên ông tìm cách xin vào cơ quan tình báo MOSSAD nhưng bị từ chối.

Duyên may của Cohen với nghề tình báo vẫn còn, và chính MOSSAD đã chủ động tìm đến để tuyển mộ ông. Số là Giám đốc MOSSAD khi đó là Meir Amit đang cần tìm một người “đặc biệt” để giao nhiệm vụ nằm vùng tại Syria. Và trong lúc rà soát hồ sơ các cựu nhân viên tình báo Israel, ông tình cờ phát hiện cái tên Cohen. Cohen được chọn không phải vì ông vượt trội so với các ứng viên “đặc biệt” khác, mà bởi vì không còn ứng viên nào đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra.

Thế vẫn chưa xong. Cohen phải trải qua 2 tuần kiểm tra gắt gao bởi các chuyên gia tình báo MOSSAD, và sau khi được xác nhận đủ tiêu chuẩn, ông lại phải qua một khóa huấn luyện đặc biệt kéo dài 6 tháng dành cho điệp viên ngầm nằm vùng trong lòng địch.

Để nhiệm vụ được thực thi, MOSSAD đã lập kế hoạch kỹ lưỡng về các chiến thuật hiệu quả để Cohen tiếp cận và tạo quan hệ với các chính khách cấp cao, các quan chức quân đội, những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội và cộng đồng ngoại giao tại Damascus. Ông kết bạn với họ và mời họ đến dinh thự riêng, tổ chức các buổi dạ tiệc xa xỉ ngập tràn với rượu cao cấp và gái hạng sang.

Nhờ các buổi dạ tiệc kiểu này, Cohen đã tạo được rất nhiều mối quan hệ cao cấp và dễ dàng thu thập được nhiều thông tin nhạy cảm gửi về cho MOSSAD. Trong giai đoạn từ năm 1962 đến 1965, Cohen đã giúp MOSSAD nắm được nhiều thông tin về thế trận của Syria, vị trí của các pháo đài, các mối quan hệ giữa Syria với Liên Xô, và cả đấu đá quyền lực trong nội bộ nhà nước Syria. Các thông tin quý giá này đã góp phần rất lớn giúp Israel vạch ra chiến lược phù hợp để giành chiến thắng trong cuộc chiến Trung Đông 6 ngày vào năm 1967 (tức 2 năm sau khi Cohen bị hành quyết).

Nhưng sự tự tin quá mức của chính Cohen vào vỏ bọc hoàn hảo của mình đã dẫn đến cái kết bi thảm cho Cohen. Ông bắt đầu chuyển thông tin dưới dạng mã Morse thông qua máy điện tín vô tuyến với tần suất gần như hàng ngày và thực hiện ngay tại nơi ở. Vấn đề phát sinh ở chỗ thiết bị truyền tín hiệu của ông đã gây nhiễu sóng vô tuyến của Tham mưu trưởng quân đội Syria ở tòa nhà đối diện.

Và chẳng mấy khó khăn để quân đội Syria tìm ra Cohen. Ông bị bắt, bị khảo cung, tra tấn dã man và cuối cùng bị tuyên án tử hình vì tội làm gián điệp. Israel đã làm mọi cách có thể để ngăn việc hành quyết Cohen, nhưng đều vô vọng. Cohen bị treo cổ công khai vào ngày 19-5-1965. Đây là một tổn thất vô cùng lớn cho MOSSAD.

Ngay sau vụ hành quyết, vợ của Cohen đã viết thư gửi Tổng thống Hafez al-Assad cầu xin ông tha thứ cho hành động của Cohen và xin được mang xác ông về quê an táng nhưng bị từ chối.

Năm 2007, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng nhận làm trung gian hòa giải giúp Israel đưa xác Cohen về, nhưng cũng không được. Mọi nỗ lực của Israel đều vô vọng. Năm 2004, MOSSAD đề xuất mở chiến dịch “cướp” xác Cohen mang về nước, nhưng chiến dịch không thực hiện được do cơ quan này phát hiện xác Cohen đã bị dời đi khỏi nơi chôn cất ban đầu.

Thế rồi vào tháng 9-2016, một người Syria vô danh đã tung lên mạng xã hội Facebook một video ngắn ghi hình thi thể Cohen sau khi bị hành quyết làm sống lại hy vọng tìm kiếm xác Cohen của Israel. Giám đốc MOSSAD Yossi Cohen ra lệnh mở chiến dịch truy tìm mới. Các điệp viên MOSSAD đã tìm cách tiếp cận những người Syria từng tham gia bắt giữ, điều tra, xét xử và hành quyết Cohen để tìm manh mối. Họ tình cờ biết được một trong những người từng tham gia điều tra Cohen hiện đang giữ chiếc đồng hồ đeo tay quý giá của ông.

Thế là MOSSAD lại tiến hành một chiến dịch bí mật phức tạp trong lòng Damascus để tiếp cận và thu hồi chiếc đồng hồ. Khi chiếc đồng hồ  được mang về, MOSSAD lại phải tiến hành một chiếc dịch bí mật khác để xác minh lai lịch chiếc đồng hồ. Trong các chuyến về Israel để chuyển giao tài liệu, Cohen thường đi qua châu Âu rồi từ đó vòng về Israel. Ông thường trở lại Syria trong vai một doanh nhân giàu có mang theo những món hàng đắt giá, trong đó có chiếc đồng hồ hiệu Eterna-Matic Centenaire 61 do Thụy Sĩ sản xuất, rất đắt tiền.

MOSSAD đã mời các chuyên gia pháp y, chuyên gia hình ảnh để phân tích và nghiên cứu hồ sơ mua bán của các hãng đồng hồ ở Thụy Sĩ và xác định đó đúng là chiếc đồng hồ của Cohen.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.