Kỹ sư người Pháp đã giúp Liên Xô chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn?
- Nga chế tạo tên lửa siêu tốc
- “Chuyên gia cấp cao” chế tạo tên lửa và đạn pháo của IS bị tiêu diệt
- Nhà bác học Pháp giúp Liên Xô chế tạo tên lửa
Chưa kể vào năm 1962, Lầu Năm Góc cũng tiếp nhận vào trang bị của mình những tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn đầu tiên “Minuteman”. Về phần Liên Xô, cuộc khủng hoảng Caribe vào tháng 10-1962 đã khiến cho giới lãnh đạo nhận ra rằng, cần phải nhanh chóng xem xét lại công nghệ chế tạo tên lửa của mình.
Dù rất quan tâm đầu tư về công nghệ nhiên liệu rắn, nhưng các mẫu tên lửa mới sử dụng loại nhiên liệu này vẫn còn nặng nề và cồng kềnh hơn đáng kể so với các mẫu sử dụng nhiên liệu lỏng, chưa kể nhiều tham số kỹ thuật còn chưa được hoàn thiện.
Ngoài trọng trách chính được giao cho các nhà khoa học – các viện sĩ Vladimir Chelomey và Mikhail Yangel đứng đầu dự án nghiên cứu tên lửa nhiên liệu rắn – các cơ quan tình báo Xô Viết cũng được giao nhiệm vụ tìm kiếm thông tin để giúp thúc đẩy nhanh chóng dự án này…
Người Pháp mang tâm hồn Nga
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong giai đoạn 1962-1963 được giao cho Tổng cục Tình báo thuộc Bộ tổng tham mưu quân đội Xô Viết (GRU) chính là việc phải khai thác các mẫu cùng các công nghệ chế tạo nhiên liệu rắn của người Mỹ. Cũng chính trong thời gian này, GRU đã thành công trong việc tìm được một nguồn tin hết sức giá trị.
Tháng 2-1964, Thiếu tướng Ivan Cheredeev, lãnh đạo bộ phận tình báo GRU tại Pháp, gửi một báo cáo quan trọng lên chỉ huy trực tiếp của mình, trong có đoạn viết: “Sĩ quan tác chiến tại Paris là Trung tá hải quân Liubimov đã nghiên cứu rất kỹ đối tượng Bernar, dự kiến chuẩn bị cho nhân vật này trở thành nguồn tin khai thác các tài liệu và mẫu nhiên liệu rắn của người Mỹ.
Trong quá trình tiếp xúc làm quen ban đầu, Bernar đã nhiều lần cung cấp các tài liệu và mẫu nhiên liệu được đánh giá cao. Cụ thể trong những năm 1962-1963, chúng ta đã nhận được từ người này tổng cộng 24 tài liệu và 3 lô hàng mẫu rất có giá trị.
Hai vợ chồng điệp viên Liubimov trước khi sang Pháp công tác. |
Bernar là một kỹ sư hóa sinh năm 1909. Ông là Phó chủ tịch chi nhánh tại Pháp của một trong những công ty lớn nhất của Mỹ chuyên sản xuất nhựa polime, giám đốc kỹ thuật về sản xuất các sản phẩm hóa học và cao su. Do tính chất công việc của mình, Bernar có quan hệ đối tác chặt chẽ với nhiều hãng của Mỹ chuyên về nghiên cứu sản xuất nhiên liệu rắn”.
Trong hồ sơ lưu trữ của GRU vẫn còn một lá thư của Ủy ban Quân sự quốc phòng thuộc Hội đồng tối cao về kinh tế quốc dân, trong đó yêu cầu chỉ huy GRU phải đặc biệt quan tâm đến những tài liệu liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa của người Mỹ. Ủy ban này cũng đặc biệt cần tới các sản phẩm kỹ thuật liên quan tới loại tên lửa “Minuteman”.
Các tài liệu lưu trữ đều cho thấy, chi nhánh GRU tại Paris đã đóng vai trò hàng đầu trong việc hoàn thành nhiệm vụ trên. Hai nhân vật quan trọng nhất trong chiến công này là sĩ quan tình báo Victor Liubimov (mật danh Liutov) và nguồn tin Bernar của anh ta.
Bernar đã trải qua tuổi thơ của mình tại Nga. Ông sinh ra trong một gia đình người Pháp tới đây để giảng dạy ngôn ngữ. Khi cách mạng nổ ra, nhà ông chuyển tới Viễn Đông và sau đó trở về Pháp vào năm 1920. Bernar luôn coi nước Nga là tổ quốc thứ hai của mình, và đó là lý do ông kết bạn với Liubimov cho dù khoảng cách tới 15 năm tuổi tác.
Tháng 5-1964, lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội, tướng Ivatushin, chính thức báo cáo Tổng tham mưu trưởng về việc họ đã tuyển dụng được một nguồn tin có thể khai thác được những thông tin quí giá và các mẫu nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu rắn cho tên lửa. Kèm theo đó còn là thông tin, nhân vật này từ chối nhận tiền thù lao cho hoạt động của mình vì lý do không muốn phụ thuộc về mặt tài chính cũng như lý tưởng.
Bernar trên thực tế có mối quan hệ rộng với nhiều nhân viên các công ty hàng đầu của Mỹ và Pháp, bản thân nhà máy của ông có tới 70% số vốn của người Mỹ. Dù không trực tiếp làm việc trong lĩnh vực nhiên liệu rắn, nhưng những gì ông làm được đã khiến các tình báo viên Xôviết phải ngạc nhiên. Chỉ trong 2 tháng đầu tiên, ông đã cung cấp tới 26 tài liệu kỹ thuật liên quan được đánh giá là “rất giá trị”.
Những cuộc gặp tại Moskva
Phải nói là Bernar rất năng động trong việc thiết lập và khai thác thông tin. Những nỗ lực ban đầu của ông khi sang Mỹ lần đầu tiên đã không được như mong đợi – người Mỹ chỉ đồng ý bán công nghệ nhiên liệu rắn cho Pháp trong khuôn khổ các chương trình của NATO. Nhưng cố gắng lần thứ hai của Bernar đã thành công, ông lợi dụng danh nghĩa công ty mình liên hệ mua tài liệu kỹ thuật với Bishop, chủ một hãng chuyên nghiên cứu các vấn đề về tên lửa nhiên liệu rắn. Những tài liệu nhận được từ Bernar đã được Moskva đánh giá cao.
Tổ hợp tên lửa đạn đạo “Temp-C”. |
Đã đến lúc giới lãnh đạo tình báo Xôviết muốn trực tiếp gặp gỡ nguồn tin quí giá tại Pháp của mình. Cuối tháng 9-1962, Bernar bay tới Moskva, nơi ông được Liubimov trực tiếp đón và đưa về khách sạn. Như vậy là sau hơn 40 năm, ông mới có dịp quay trở lại quê hương thứ hai của mình.
Trong cuộc gặp các quan chức lãnh đạo GRU, Bernar khẳng định sẵn sàng giúp đỡ khai thác thông tin, nhưng chỉ trong khả năng của mình để tránh ảnh hưởng tới cương vị của mình tại công ty.
Vài ngày sau, Bernar còn gặp gỡ với một vài chuyên gia về nhiên liệu rắn hàng đầu của Xôviết, thỏa thuận về những tài liệu, các chi tiết tên lửa cũng như mẫu nhiên liệu rắn cần khai thác. Trên danh nghĩa, Bernar tới Moskva để thương thảo hợp đồng cung cấp các trang thiết bị sản xuất nhựa. Dưới sự sắp xếp của GRU, thương gia này cuối cùng cũng có được một đơn đặt hàng của Liên Xô về mua cao su tổng hợp.
Những thành quả ngoài mong đợi
Trở về Paris, Bernar đã rất sốt sắng tìm kiếm mọi thông tin có khả năng về nhiên liệu rắn. Ông trao cho Liubimov tổng cộng 41 tài liệu kỹ thuật, cũng như mẫu keo dán đặc biệt dùng để gắn các khối nhiên liệu rắn trong khoang tên lửa. Bernar cùng với Liubimov còn sao chép được cả một bộ tài liệu kỹ thuật lớn được Bishop soạn thảo theo đơn đặt hàng của một tập đoàn lớn tại Đức.
Tài liệu quí giá này đã được trao cho các chuyên gia Xôviết trước cả khi Bonn có thể nhận được. Có lần Bernar còn bạo gan dùng xe chở hai thùng mẫu nhiên liệu tên lửa tới thẳng Cơ quan đại diện thương mại Liên Xô trao cho Liubimov.
Có thể thấy vai trò quan trọng của Bernar qua một bức điện mật gửi về trung tâm từ Pháp: “Trong vài tháng gần đây, Bernar đã cung cấp một loạt mẫu phẩm và tài liệu liên quan đến sản xuất nhiên liệu rắn, cùng những giải đáp cho các chuyên gia của chúng ta về các đặc tính và quá trình sản xuất chúng. Đáng chú ý còn có mô tả chi tiết các thành phần của nhiên liệu rắn dùng trong loại tên lửa liên lục địa Minuteman, các mẫu nguyên liệu ban đầu dùng cho nhiên liệu rắn của các tên lửa Polaris và Minuteman”.
Với những mối quan hệ tốt của mình, Bernar còn được người Mỹ dự định bổ nhiệm làm đại diện một hãng công nghiệp quốc phòng của mình tại châu Âu. Tháng 5-1964, Bernar có dịp quay trở lại Moskva nơi ông đã tham gia 2 cuộc gặp gỡ trực tiếp với các chuyên gia về nhiên liệu rắn, ghi nhận tổng cộng 50 yêu cầu chi tiết của họ liên quan đến nhiên liệu và các chi tiết của loại tên lửa Minuteman.
Ngày 22-9-1965, Moskva nhận được một bức điện không hề mong đợi, trong đó thông báo điệp viên Bernar của họ đang lâm trọng bệnh. Ông phải nằm liệt giường vì căn bệnh ung thư gan. Khi liên lạc viên của GRU tới thăm, ông đã cảm ơn trước những đề nghị hỗ trợ thuốc thang và tiền bạc chữa bệnh, dù vẫn từ chối.
Đến tháng 10, điệp viên Nga lại tới thăm Bernar lần nữa, trao tiền để ông đưa cho Bishop, còn thêm 10 ngàn franc hỗ trợ chữa bệnh.
Ngày 24-10-1965, Bernar qua đời tại Paris. Chưa đầy hai tháng sau (tháng 12-1965), Liên Xô chính thức đưa vào trang bị tổ hợp cơ động tên lửa đạn đạo “Temp-C” (Phương Tây gọi là SS-12) có tầm bắn 900km.
Tên lửa có sử dụng loại nhiên liệu rắn “Temp-C” gắn liền với chiến công thầm lặng của điệp viên Bernar. Tổ hợp tên lửa này nằm trong trang bị của Lực lượng tên lửa chiến lược Xô Viết suốt gần ¼ thế kỷ, cho đến năm 1988.