Một chuyên gia "PR đen" là cựu điệp viên Nga

Thứ Sáu, 21/07/2017, 10:26
Rimat Akhmetshin hiện là một nhà vận động hành lang, nói chính xác hơn là một chuyên gia "PR đen" người Mỹ gốc Nga. Trong cuộc gặp tại tòa tháp Trump Tower giữa Donald Trump Jr với luật sư Nga Natalia Veselnitskaya hồi tháng 6-2016 có sự tham gia của ông, với vai trò là một chuyên gia vận động hành lang, cũng quan tâm vận động chống Luật Magnitsky.

Akhmetshin dự cuộc gặp giữa luật sư Veselnitskaya với Trump Jr với tư cách là một nhà vận động hành lang đi cùng luật sư Veselnitskaya. Bà Veselnitskaya yêu cầu gặp Trump Jr với đề nghị sẽ cung cấp những thông tin "xấu" về bà Hillary Clinton, khi đó đang là đối thủ của ông Trump tranh cử tổng thống Mỹ.

Nhưng rốt cuộc, Akhmetshin cũng như luật sư Veselnitskaya không cung cấp thông tin nào về bà Clinton, mà cuộc gặp chuyển sang đề tài vận động hành lang chống lại Luật Magnitsky, luật về nuôi con nuôi của Mỹ đang gây bất lợi cho hoạt động xin nhận con nuôi người Nga.

Rimat Akhmetshin.

Cho đến thời điểm báo chí làm ầm ĩ về cuộc gặp, trong dư luận đại chúng ở Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới chưa ai biết nhiều về Rimat Akhmetshin, mà chủ yếu là dựa theo hồ sơ tòa án, do ông ta và khách hàng của ông ta thường xuyên bị kiện. 

Theo hồ sơ tòa án Mỹ, Akhmetshin từng là một sĩ quan tình báo quân đội Liên Xô, tham gia cuộc chiến Afghanistan từ năm 1979, trong một đơn vị phụ trách phản gián. Akhmetshin khẳng định, khi tham gia tình báo quân đội, ông ta chưa hề được huấn luyện kỹ thuật "PR đen", hay "đánh bóng, bôi đen", mà kỹ thuật này ông ta có được từ sau khi Liên Xô tan rã, các tỉ phú "giàu xổi" xuất hiện ở Nga như nấm sau mưa.

Khi sang Mỹ cư trú, Akhmetshin chuyển sang làm nghề vận động hành lang và thành lập tổ chức International Eurasian Institute có trụ sở tại Washington, đã bị giải thể cách đây 2 năm do không nộp thuế. Bước vào nghề vận động hành lang, Akhmetshin tiếp tục vận dụng các ngón nghề tình báo để phát triển thêm kỹ thuật chuyên môn "đánh bóng, bôi đen" được ông mang theo từ Nga thời kỳ hậu Xô Viết. 

"Đánh bóng, bôi đen" ở đây có nghĩa là "đánh bóng tên tuổi của mình và bôi đen hình ảnh đối thủ" trong cuộc chiến tranh giành quyền lực cũng như thị trường làm ăn. Kỹ thuật "đánh bóng, bôi đen", ở Nga gọi là "PR đen", thường tập trung vào việc trích xuất thông tin cá nhân thông qua việc đột nhập vào thiết bị điện tử và đột nhập văn phòng làm việc, tủ hồ sơ. 

Để thực hiện thành công việc "bôi đen" đối thủ của khách hàng, Akhmetshin loại trừ việc sử dụng kỹ thuật tình báo để lấy trộm tài liệu hoặc tung thông tin giả, thêu dệt câu chuyện không có thật để đẩy đối tượng vào vòng rối rắm, chịu thua thiệt vì những câu chuyện tai tiếng, đến khi "minh oan" được thì mọi thua thiệt đã xảy ra rồi. 

Trong nhiều năm thực hành nghề "đánh bóng, bôi đen", Akhmetshin đã nổi danh là một chuyên gia thu thập dữ liệu, thông tin từ email cá nhân bằng cách sử dụng các phần mềm gián điệp và các công cụ khác được cung cấp bởi các tin tặc chuyên nghiệp của Nga. Khách hàng của Akhmetshin thường là các doanh nhân tranh chấp trong làm ăn, nhưng cũng có khi là những đối thủ chính trị, như trường hợp một lãnh đạo đối lập ở Kazakhstan thuê ông ta thực hiện chiến dịch truyền thông chống nhà lãnh đạo Nursultan Nazarbayev.

Tiêu biểu cho phong cách hành nghề của Akhmetshin là vụ tranh chấp giữa hai chính khách Nga vào năm 2011. Andrey Vavilov, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga và là ông chủ của một công ty dầu mỏ biết được đối thủ lâu năm của mình thời còn ở Nga là cựu nghị sĩ Ashot Egianzaryan đang muốn xin tị nạn chính trị tại Mỹ, nhưng ông không muốn cho đối thủ đạt được ý định nên đã thuê Akhmetshin để làm cho Egianzaryan mất uy tín, mất cơ hội tị nạn. Vavilov mời Akhmetshin đến nhà riêng ở Moskva để bàn cách phá hỏng kế hoạch tị nạn của đối thủ. 

Vavilov đã đưa cho Akhmetshin 80.000 USD tiền mặt để bắt tay vào thực hiện chiến dịch truyền thông "tô vẽ" Egianzaryan như một người chống Do Thái kịch liệt. Kết quả là các tổ chức Do Thái ở Mỹ đều phản đối việc cấp quy chế tị nạn cho Egianzaryan. Và mặc dù vẫn được lưu lại Mỹ, nhưng Egianzaryan không nhận được quy chế tị nạn như mong muốn.

Không ai tìm được bằng chứng nào để kết luận các hành động của Akhmetshin là vi phạm pháp luật Mỹ, cũng chẳng ai chứng minh được hoạt động của ông có dính líu gì đến Điện Kremlin hay không, mặc dù trong hoạt động của mình, Akhmetshin cũng tham gia phong trào chống Luật Magnitsky - tức là gián tiếp ủng hộ quan điểm chống Luật Magnitsky của Moskva. Đồng thời, Akhmetshin cũng từng có nhiều hoạt động gián điệp mang tính chất cá nhân khi thực hiện các yêu cầu của khách hàng. Một vụ việc đưa ra tòa án ở New York năm 2015 là một minh chứng.

Một công ty khai khoáng quốc tế có tên là International Mineral Resources (IMR) do bộ ba người Kazakhstan đã đâm đơn kiện Akhmetshin với cáo buộc ông đã dàn dựng một chiến dịch tin tặc tấn công vào công ty của họ để làm lợi cho đối thủ của họ là tỉ phú Nga Andrey Melnichenko. 

Cả bộ ba Kazakhstan và ông Melnichenko đều nổi tiếng là những doanh nhân có máu mặt, cạnh tranh quyết liệt và ăn chơi xả láng. Thời điểm đó, Công ty EuroChem VolgaKaliy chuyên khai thác quặng Kali do Melnichenko làm chủ đang có cuộc tranh giành mối làm ăn với IMR trị giá đến 1 tỉ USD. 

Theo hồ sơ tòa án, Công ty EuroChem VolgaKaliy đã thuê Akhmetshin thực hiện chiến dịch "PR đen". Akhmetshin đã đột nhập vào máy tính của công ty IMR và lấy trộm 28.000 file tài liệu, tương đương 50 gigabyte dữ liệu, trong đó có nhiều thông tin nhạy cảm của công ty, như thông tin passport, email và danh sách các mối quan hệ cá nhân của các lãnh đạo công ty IMR, cũng như thông tin tài khoản ngân hàng, các thỏa thuận vay tiền, tài liệu về chiến lược kinh doanh, biên bản họp HĐQT, dự báo tài chính,…

Các thông tin lấy trộm được sau đó được phân phát cho báo chí và các cơ quan truyền thông khác để đăng tải, tạo nên một chiến dịch thông tin rầm rộ, gây tổn hại cho uy tín của công ty IMR. Các bị đơn đều bác bỏ cáo buộc, và vụ kiện đã được rút lại vào năm 2016.

Nguyên Khang (TH)
.
.