Những câu chuyện khó tin về vị vua đầu tiên của vương triều Neo-Babylon

Thứ Sáu, 24/08/2018, 10:36
Trong lịch sử nhân loại có vô số những trường hợp, sự kiện và nhân vật, theo thời gian phủ một lớp huyền thoại lan tỏa khắp thế giới, nhiều khi không thể xác định được là hư hay thực. Một trong những điều bí ẩn gây tò mò nhất liên quan tới câu chuyện về những kẻ mạo nhận, hay đóng giả các vĩ nhân nổi tiếng…


Đức vua Nabopolassar là thật hay giả?

Nhà tiên tri Do Thái  bậc thầy Moses (1391-1271 Tr.CN), lúc sinh thời từng viết về sự diệt vong của Đế chế Assyria hùng cường một thuở với những lời sau: “Giới mục đồng của Ngài đang mê man, hỡi vị vua của Assyria; xác binh sĩ của Ngài đang quyện lẫn vào tro tàn, còn đồng bào Ngài bị truy đuổi tản mát khắp nơi mà chẳng có ai quy tụ họ lại…”.

Lịch sử chính thức ghi nhận vào năm 612 Tr.CN, các binh đội hùng mạnh của người Babylon và người Medes đã làm chủ thành lũy kiên cố cuối cùng của Đế chế Assyria - kinh đô Nineveh, vốn được mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm”. 

Kinh đô Nineveh lộng lẫy một thuở của Đế chế Assyria.

Nineveh là địa danh nổi tiếng khắp thế giới cổ đại về sự giàu có, với lượng bạc vàng và châu báu nhiều vô kể… Còn tư liệu từ một nhà chép sử cổ đại ghi: “Chiếc búa thần đã giáng thẳng xuống đầu ngươi, hỡi Nineveh đáng thương! Khiến phố xá và quảng trường tan hoang, các đám cháy hoành hành khắp nơi. Tường thành sụp đổ, cung điện điêu tàn. Hằng hà sa số các bình đựng vàng bạc cùng nhiều vật phẩm vô giá đã bị nẫng đi.

Kinh thành Nineveh tráng lệ dần hoang phế, sau những chiến dịch vơ vét “chiến lợi phẩm” và truy bức người Assyria triền miên. Một thành phố đáng thương ngập tràn trong máu lửa của cướp phá và chém giết, một địa danh vĩnh viễn bị chôn vùi dưới vó ngựa Babylon cùng gươm giáo Medes”.

Sự thật là những chứng tích về kinh đô Nineveh hào nhoáng một thời của nền văn minh Assyria cường thịnh, bỗng dưng mất hết dấu vết… Để mãi tận 25 thế kỷ sau -  tới năm 1849, mới được nhà thám hiểm lỗi lạc người Anh gốc Iraq Hormuzd Rassam (1826-1910) “moi” lên từ dưới lớp cát sâu giữa lòng hoang mạc. Nhưng chúng ta nên thử  cùng quay trở lại với quá khứ thời “hậu Assyria” để suy xét đôi điều…

Chính ngay trên vùng đất Nineveh điêu tàn đã mọc lên một vương quốc mới, nổi danh trong lịch sử như là triều đại Neo-Babylon (Tân Babyon) với hai vị Vua tiêu biểu: Nabopolassar (608-605 Tr.CN) - người sáng lập vương triều Tân Babylon rất cường thịnh và Nebuchadnezzar II (605-562 Tr.CN) - con trai và cũng là người thừa kế ngai vàng từ Vua cha Nabopolassar. Vị “sử gia của mọi thời” hay “cha đẻ” của ngành lịch sử học Herodotos (484-425 Tr.C) từng viết về Babylon: “Thật ra dân địa phương gọi đó là “Babili”, có nghĩa là “Cánh cửa thần linh”; còn từ Babylon phổ biến với các dân tộc khác dựa theo cách gọi của người Hy Lạp.

Babylon thật xứng đáng tiếp nối quy mô bề thế của kinh thành Nineveh vang bóng thuở trước, tạo dựng trên một khối vuông vức với mỗi cạnh đúng 120 stadis (đơn vị đo lường Hy Lạp cổ, 1 stadi = 3 sải tay), nghĩa là đường chu vi bao quanh Babylon đúng 480 stadis. Đó là kích thước của thủ đô Neo-Babylon, thêm vào là lối kến trúc cùng sự tô điểm chưa từng thấy cho tới nay.

Vua Nabopolassar đi săn sư tử (tranh khắc trên tường tìm thấy trong di chỉ thuộc phế tích Nineveh).

Cả thành phố được bao quanh bởi một con hào sâu luôn đầy nước, kế đến là khu tường thành đồ sộ chạy dọc theo bờ hào với chân móng rộng cả 50 pekhis (hay còn gọi là “thước vua”, 1 pekhi = 3 gang tay) và cao tới 200 pekhis…”.

Nhưng đi liền với sự lên ngôi của vị vua đầu tiên Nabopolassar, khắp Babylon lại âm ỉ  lan truyền một tin đồn, rằng đó không phải là đức Vua Nabopolassar thật, mà kẻ giống nhà vua thì đúng hơn. “Đâu đâu người ta cũng không ngớt bàn tán, từ ngoài đường phố cho đến bên trong các ngôi chợ - sử gia Herodotos cho biết thêm - Rằng đó không phải là người đàn ông xứng danh được giới thần linh chỉ định giáng trần để cầm đầu Vương triều Neo-Babylon…”.

Quả thực câu chuyện về nhân vật vừa lên cầm quyền rất đáng để mọi người lưu tâm. Nabopolassar chính tông không phải người Babylon, mà là một thần dân thuộc Đế chế Assyria vừa bị chinh phục, hay đúng hơn là một vị tướng tài ba của triều đình Assyria “bách chiến bách thắng” dạo nào.

Ông được giao nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng binh đội Assyria chống lại liên quân Babylon - Medes, nhưng trước sức mạnh như vũ bão của đối phương, Nabopolassar đã phải chịu “quy hàng”… Rồi được nhất trí cử làm người sáng lập Vương triều Tân Babylon. Đó là toàn bộ sự thật về xuất xứ nhân thân của vị vua đầu tiên thuộc triều đại Neo-Babylon.

Còn câu chuyện về người giống hệt Nabopolassar, hay đúng hơn là kẻ đội lốt - mạo nhận đáng hổ thẹn, hiển nhiên xuất phát từ đám tàn quân của thể chế Assyria dưới tác động của một “cú sốc” khó tin, rằng viên tướng dũng mãnh nhất của họ đã biến thành kẻ phản bội. Theo họ thì Nabopolassar thật đã bị bắt cóc qua thủ đoạn lừa phỉnh của đối phương, còn ông chủ mới của kinh đô Babylon chỉ là một người rất giống vị tướng quân mà thôi, giống không chỉ từ vẻ ngoài, mà ngay cả ngữ điệu lẫn cử chỉ cũng vậy.

Nhằm “ăn theo” các tin đồn nói trên, khởi đầu tại Ai Cập bỗng nổi lên một kẻ tự xưng là “Tướng Nabopolassar thực thụ”, vừa kịp trốn chạy khỏi kinh thành Babylon nơi ông ta bị giam cầm như tù binh, sau khi bị thương nặng ngoài mặt trận và bị liên quân Babylon -Medes bắt… Nhưng rồi ra người ta cũng vạch trần được bộ mặt thật của kẻ dối trá trơ trẽn ham danh tiếng ấy.

Những giả thuyết

Chừng nửa năm sau ở vùng sa mạc Kharan - địa danh được coi là “hang ổ” của tàn quân Assyria thất trận, lại xuất hiện một “Nabopolassar chính hiệu” khác, cùng mưu đồ tập hợp lực lượng tiến về Babylon nhằm “trừng phạt tên vua mạo danh Nabopolassar đáng phỉ nhổ kia”. Vị vua “tự xưng” được sự ủng hộ cuồng nhiệt từ đám tàn binh…

Rồng Sirius - linh vật biểu tượng của Vương triều Neo-Babylon.

Khi hay tin về một nhân vật “trùng tên cực kỳ giống Nabopolassar” tại Kharan, người đang giữ ngai vàng ở Babylon liền cử một cận thần đến gặp kẻ mạo danh, bí mật tiếp cận đương sự cùng lời đề nghị nghiêm túc: nên ngừng ngay ý định tiến chiếm ngông cuồng ấy đi, bởi quân đội Babylon thì đông vô kể, còn tàn quân Kharan chỉ là một “nhúm nhỏ”. Sau nhiều ngày do dự, “tướng quân Kharan” liền chấp thuận, lặng lẽ bỏ mặc đội ngũ của mình và chuồn về Babylon.

Sau khi được Nabopolassar tiếp đón trọng thị, bảo đảm một cuộc sống sung túc suốt đời chỉ với một điều kiện duy nhất: nhà vua sẽ sử dụng đương sự như là người đóng thế ông lúc cần thiết…. Tới đây tự dưng “nhân vật đóng thế” mất tích một cách bí ẩn và chẳng ai còn nhìn thấy hắn ta nữa… Song song có 3 giả thuyết cùng tồn tại lý giải sự kiện trên:

Giả thuyết thứ nhất cho rằng “tướng quân Kharan” đã được Vua Nabopolassar sử dụng cho tới tận cuối đời mình, sung vào biên chế đội phục vụ tinh nhuệ nhất dưới trướng ngai vàng, nhằm thay ông trong những chuyến đi kinh lý nguy hiểm. Còn khi vua băng hà, nhóm cận vệ vốn căm ghét kẻ đóng thế luôn được vua sủng ái đã ra tay trừ khử hắn.

Giả thuyết kế tiếp quả quyết là Nabopolassar chỉ tận dụng kẻ giống mình trong một thời gian ngắn, sau đó hắn bị xử trảm vì vi phạm một điều cấm kỵ “đáng tội chết” nào đó, thường được triều đình áp dụng nghiêm khắc với mọi thành viên phục dịch trong cung cấm.

Cổng Nữ thần Ishtar ở kinh thành Babylon, nơi “tướng quân Kharan” được bí mật đưa vào triều trong vai người đóng thế cho đức Vua Nabopolassar.

Giả thuyết cuối cùng đáng thuyết phục hơn cả, rằng người đóng giả đức Vua Nabopolasar đã từng bị đội vệ binh đặc biệt thuộc pharaoh Ai Cập Necho II (610-595 Tr.CN) - đối thủ nguy hiểm nhất của Vương triều Neo-Babylon khi ấy - bí mật bắt cóc vào một buổi đêm giá lạnh của năm 605 Tr.CN, biến thành tên “vua bù nhìn” cùng họ tham gia tiến công chinh phạt thể chế Nabopolassar… Nhưng quân của Necho bị đánh tan tác, nhân lúc giao tranh hỗn độn, “tướng quân Kharan” đã kịp trốn về lại Babylon, rồi chỉ mấy tháng sau lại bỗng dưng “mất tích không để lại dấu vết”…

Còn thông tin chính thức từ triều đình Neo-Babylon thì quả quyết, rằng “tướng quân Kharan” đã qua đời vì cái chết tự nhiên. Nhưng chỉ vài năm sau người ta lại râm ran kháo nhau, rằng thực ra kẻ đóng thế Nabopolassar đã bị chính Hoàng tử Nabuchodonosor, người sau này là đức Vua Nebuchadnezzar II hạ lệnh cho tay chân thân tín thủ tiêu.

Khi Vua cha Nabopolassar lâm bệnh nặng, Thái tử Nabuchodonosor chợt nhận ra mối hậu họa từ kẻ đóng thế - quá “rành rõi” với chốn vương quyền cũng như những điều tối mật trong cung đình, có thể lăm le cướp ngôi bất cứ lúc nào…

T.Q.Long (theo Historia)
.
.