Những sai lầm vụng về của tình báo Australia

Thứ Tư, 13/01/2016, 07:20
Năm 2015, các cơ quan tình báo bí mật của Australia đã mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn khiến cho một số người vô tình bị theo dõi oan, trong khi tội phạm, khủng bố thật thì ung dung trốn thoát.


Theo một báo cáo tổng kết năm 2015 của cơ quan Tổng thanh tra Tình báo và An ninh (IGIS) – cơ quan phụ trách việc giám sát hoạt động tình báo của Australia, các sai lầm của tình báo Australia chủ yếu tập trung vào việc theo dõi qua điện thoại và chia sẻ thông tin tình báo với nước ngoài. Có những trường hợp, Cơ quan tình báo đối ngåoại ASIS gửi nhầm thông tin cá nhân của công dân Australia cho các cơ quan tình báo nước ngoài; rồi do thám người Australia không xin phép cơ quan chức năng theo quy định.

Tổng thanh tra IGIS Margaret Stone (ảnh trái), người thực hiện báo cáo về những sai lầm của các cơ quan tình báo Australia. Tổng Giám đốc ASIO David Irvine biện minh cho việc do thám, nghe lén công dân Australia vì mục đích chống khủng bố.

Khi kiểm điểm lại những vấn đề nổi cộm của năm 2015, IGIS đã thiết kế và áp dụng các chương trình giám sát mới phù hợp với các quy định luật pháp mới của Australia trong đó trao cho các cơ quan tình báo nhiều quyền hạn hơn. Theo tiến sĩ Vivienne Thom, cựu Tổng thanh tra tại IGIS, sự thay đổi trong cơ chế giám sát là cần thiết nhằm tăng cường tính minh bạch và tạo niềm tin trong dân chúng. Báo cáo năm 2015 cho biết, các cơ quan tình báo đã triển khai nhiều chiến lược truyền thông mới và nghiên cứu những giải pháp thông tin công khai trước công chúng về hoạt động của mình sao cho hợp lý nhất.

Theo báo cáo, năm 2015 có tổng cộng 496 đơn thư khiếu nại gửi về các cơ quan tình báo và an ninh, trong đó có 473 đơn khiếu nại về việc chậm trễ trong thủ tục thẩm định visa của Tổ chức tình báo Australia (ASIO). Tuy con số có giảm nhẹ so với năm 2014, nhưng đây vẫn là vấn đề gây phiền toái cho người dân Australia.

Báo cáo cho biết, một người là mục tiêu theo dõi của ASIO đã than phiền chuyện được cơ quan này gửi nhầm số điện thoại cho mình, và sau khi điều tra ASIO khẳng định một số điện thoại không đúng đã được cung cấp cho nhiều hộ dân ở Sydney nơi ASIO tiến hành khám xét. Sau đó, ASIO đã sửa lại số điện thoại. Ngoài ra, ASIO còn cài bộ nghe lén nhầm số điện thoại trong một cuộc diễn tập, nhưng ngay sau đó đã kịp thời sửa sai.

Một cuộc điều tra đối với ASIS cũng phát hiện những sai lầm tương tự. Chẳng hạn, IGIS phát hiện ASIS từng 7 lần chia sẻ thông tin tình báo cho nước ngoài mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền và không đảm bảo quyền riêng tư của công dân Australia. ASIS cũng bí mật do thám công dân Australia mà không xin phép cơ quan thẩm quyền theo quy định. Sau khi IGIS gửi khuyến cáo đến ASIS, cơ quan này đã cam kết sẽ cải tổ mạnh mẽ nhằm tránh những sai lầm tương tự.

Ngoài ra, ASIS và ASIO còn bị phát hiện đã áp dụng cơ chế “mượn danh” cho phép các sĩ quan tình báo che giấu thân phận thật của mình khi thực hiện nhiệm vụ. Một cuộc điều tra của IGIS đã phát hiện việc áp dụng cơ chế này gây ra những nguy cơ đối với các điệp viên, như án phạt vì giả mạo danh tính một quan chức thuộc khối Commonwealth; khi xuất hiện trước tòa; khi làm việc với cảnh sát; và khi ký hợp đồng bảo hiểm,…

Vấn đề nghiêm trọng hơn được dư luận Australia quan tâm chính là việc ASIO cùng với Cơ quan cảnh sát liên bang (AFP) và Cơ quan chống tham nhũng bang Victoria (IBAC) đặt hàng mua phần mềm gián điệp theo dõi điện thoại di động để giám sát hoạt động của công dân nước này.

Thông tin do WikiLeaks tiết lộ cho biết, Cơ quan cảnh sát Australia đã giao dịch và mua một phần mềm gián điệp là Hệ thống kiểm soát từ xa (RCS) mang tên Galileo của Công ty chuyên sản xuất phần mềm gián điệp Hacking Team của Italia với giá 300.000USD. Hacking Team đã từng bị Liên Hiệp Quốc điều tra vì đã tấn công mạng vào cơ quan này trong một thời gian dài. Tuy nhiên, phần mềm mà AFP đã mua nhưng chưa kịp nhận hàng đã bị một nhóm hacker khác đột nhập sao chép trộm, và vì thế phần mềm đó có thể sẽ trở thành công cụ của kẻ gian và có thể do thám bất cứ ai. Trước đó, Cơ quan cảnh sát Australia đã trả tiền cho Hacking Team. Đến năm 2015, AFP kết thúc sử dụng phần mềm của Hacking Team vì lý do nêu trên.

Trong khi đó, ASIO và IBAC thì tiếp tục trở thành khách hàng sử dụng phần mềm của Hacking Team. Các giao dịch diễn ra vào tháng 5-2015, và một hợp đồng mua phần mềm gián điệp kiểu Galileo đã được ký kết trị giá gần 1 triệu USD.

Các chuyên gia công nghệ cho biết, phần mềm gián điệp Galileo có tính năng gián điệp rất nguy hiểm. Nó có thể “tấn công, gây nhiễm virút và giám sát mọi hoạt động của máy tính để bàn và điện thoại thông minh” một cách âm thầm, bí mật mà chủ nhân các thiết bị này không thể biết được. Các loại điện thoại thông minh chạy Windows hay các nhãn hiệu như iPhone, Nokia, Google Phone, BlackBerry hay các thiết bị khác của Apple đều có thể bị nhiễm Galileo. Chính vì tính năng nguy hiểm này của Galileo mà khi các cơ quan như AFP, ASIO và IBAC mua và sử dụng nó đã bị người dân phản đối quyết liệt, thậm chí có người còn dọa sẽ kiện các cơ quan này ra tòa nếu tiếp tục sử dụng nó để do thám, tấn công thiết bị di động và máy tính của họ.

Theo điều tra của Liên Hiệp Quốc, ngoài Australia, Hacking Team còn bán loại phần mềm nguy hại Galileo cho một số nước khác ở châu Phi như Ai Cập, Nigeria, Sudan, Ethiopia, và Trung Đông như Syria, Bahrain, và cả Mỹ. 

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.