Thảm kịch kinh hoàng trên dãy núi Andes: Thoát khỏi tử thần (bài cuối)

Thứ Tư, 23/03/2016, 07:20
Họ lại tiếp tục trèo qua những ngọn núi. Các túi “thịt” mang theo cạn dần vì họ phải ăn nhiều hơn như đã dự tính để có thêm sức lực. Khi đêm xuống, cả ba lại túm tụm trong những chiếc túi ngủ để giữ ấm. Dù chẳng ai nói ra nhưng họ đều biết chuyến đi này vô vọng, và tất cả sẽ chết.


Hành trình nghiệt ngã

Lại mất thêm vài ngày chuẩn bị, một buổi sáng Canessa, Parrado và Vizintin tạm biệt bạn bè để lên đường. Do đã có kinh nghiệm từ chuyến thăm dò lần trước, họ mặc nhiều lớp quần áo vì cái túi ngủ làm băng vải pha sợi thủy tinh cách nhiệt không đủ để chống chọi với cái lạnh 30 độ âm.

Bên cạnh đó, họ còn mang theo 3 thanh kim loại dùng làm gậy chống và một cuộn dây điện dài 20m để nếu cần thì buộc và kéo lẫn nhau. Canessa viết: “Trong tâm trạng dằn vặt vì đau đớn, mỗi người chúng tôi lấy một chiếc vớ dùng cho các cầu thủ bóng bầu dục, nhồi vào đó những miếng “thịt” đã được cắt mỏng rồi buộc chéo qua vai. Trang bị xong, tôi thấy lòng tôi rất nặng nề”.

Canessa lúc được những người nông dân Chile nhìn thấy.

Ngày đầu tiên, họ đi tương đối dễ dàng trên con đường mà họ đã từng đi tìm phần đầu của chiếc máy bay. Đêm đó, cả ba nằm co quắp bên nhau trong buồng lái nhưng hôm sau, khi đến trước một vách núi dựng đứng, không khí loãng đến nỗi chỉ cần bước vài bước, họ đã phải há hốc miệng ra thở thì cả Canessa lẫn Parrado và Vizintin đều hiểu rằng họ đang phải đối mặt với những thử thách không thể vượt qua.

Canessa viết: “Ba chúng tôi không ai có kinh nghiệm leo núi. Suốt cả ngày, chúng tôi chỉ lên được khoảng 2km dựa vào những gờ đá hoặc những vết nứt. Khi ánh hoàng hôn đã tắt, chúng tôi ôm nhau trong một cái hốc nhỏ vì sợ rơi xuống vực sâu phía dưới. Bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi đóng băng nhanh chóng khi nhiệt độ giảm mạnh. Từng cơn gió giật với tiếng rít rợn người khiến tôi tự hỏi tôi đang làm gì ở đây?”

Đêm đen trôi qua trong tuyệt vọng. Đến sáng, người này lay gọi người kia để biết tất cả đều còn sống. Vizintin nói mình nằm mơ thấy một thung lũng xanh tươi với những nông dân chăn thả gia súc, những miếng phó mát béo ngậy và những ổ bánh mì giòn tan. Anh ta luôn xuýt xoa tiếc rẻ vì giấc mơ kết thúc quá sớm. Nhìn về các hướng đông tây nam bắc, chẳng có gì ngoài một màu trắng nhức mắt của băng tuyết và vách đá lởm chởm, Canessa nói đùa: “Vậy thì hãy dẫn chúng tôi đến đồng cỏ của cậu đi nào”.

Họ lại tiếp tục trèo qua những ngọn núi. Các túi “thịt” mang theo cạn dần vì họ phải ăn nhiều hơn như đã dự tính để có thêm sức lực. Khi đêm xuống, cả ba lại túm tụm trong những chiếc túi ngủ để giữ ấm. Dù chẳng ai nói ra nhưng họ đều biết chuyến đi này vô vọng, và tất cả sẽ chết.

Canessa viết: “Tôi nghĩ đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Hồi chiều, Vizintin bảo anh ấy sẽ không vượt qua được, vì Vizintin rất ốm. Lúc này đã là ngày thứ 62 kể từ khi chiếc máy bay chở chúng tôi bị rơi. Tôi chẳng biết 13 người còn lại ở nơi trú ẩn đã có thêm ai chết nữa hay không nhưng chắc chắn là họ vẫn chưa được cứu vì nếu họ được cứu, họ sẽ cho đội cứu hộ biết chúng tôi đi về hướng nào”.

Ngày thứ 3 của chuyến đi tìm người cứu giúp, Vizintin bỏ cuộc vì không chịu đựng nổi, quay về nơi trú ẩn là thân máy bay. Canessa viết: “Cuộc chia tay buồn bã. Cả tôi và Parrado chẳng ai trách cậu ta. Chỉ mong cho cậu ta đừng ngã gục giữa đường”.

Xế trưa ngày thứ 5, Parrado là người đầu tiên đặt chân lên sườn phía đông của đỉnh núi Ojos del Salado cao 6.893m. Khi Canessa lên đến nơi, Parrado đưa tay chỉ về hướng Chile rồi hỏi: “Bạn có thể thấy gì?”. Nhìn theo ngón tay Parrado, Canessa nhận ra rằng những ngọn núi ở phía bên ấy không có tuyết nhưng khoảng cách thì xa vời vợi. Tuy vậy, nó vẫn dấy lên trong họ một niềm hy vọng, rằng chỉ cần đến được nơi đó là sẽ gặp lại loài người, những con người mà bình thường nếu gặp, có thể họ sẽ vô cảm nhưng lúc này, đó chính là những “đấng cứu thế”.

Sáng hôm sau, dò dẫm từng từng bước một, cả hai lần mò xuống núi. Ở những đoạn không có đá, họ thả người trượt dài trên mặt băng sau khi đã cẩn thận buộc dây vào với nhau nhưng những chỗ “thoải mái” như vậy lại chẳng có nhiều vì càng đi xuống, băng tuyết càng ít. Có những chỗ, để vượt qua được những vách đá, họ phải ném túi hành lý sang trước rồi đu người sang sau. Những mép đá sắc nhọn xé rách quần áo họ. Tay chân họ đầy những vết cắt.

Những người sống sót hò reo vui mừng khi trực thăng xuất hiện.

Canessa viết: “Đến tối, chúng tôi hoàn toàn kiệt sức. Chiếc quần jean mặc bên ngoài của tôi rách bươm. Khi tháo đôi giày ra, mấy đầu ngón chân tôi có màu xanh tím, dấu hiệu của sự thiếu máu nuôi vì lạnh. Tôi biết nếu không xoa bóp và giữ ấm để máu lưu thông kịp thời, hoại tử sẽ ăn dần lên trên và nếu may mắn sống sót, chân tôi cũng sẽ bị cắt cụt”.

Đường xuống núi càng lúc càng khó, vách đá xen lẫn vực sâu cái này nối tiếp cái kia. Kinh nghiệm của những ngày vừa qua đã cho Canessa và Parrado thấy chỉ nên thiết lập những mục tiêu ngắn hạn. Thay vì khó nhọc đi cả một quãng dài thì bây giờ, khi đã vượt qua một vách đá, họ lấy vách đá tiếp theo làm đích đến. Theo ý kiến của Parrado, họ chỉ ăn hai bữa một ngày: Một vào buổi sáng và một lúc chiều tối.

Parrado kể: “Cái đói luôn giày vò chúng tôi. Để động viên nhau, mỗi đêm trước khi ngủ, chúng tôi nói với nhau về những dự định trong tương lai như thể chúng tôi đang ở nhà nhưng khi câu chuyện kết thúc, tôi lại phải đối mặt với thực tế. Rất nhiều lần, tôi nghĩ đến cô bạn gái ở Montevideo. Cô ấy rồi sẽ có người yêu khác nhưng mẹ tôi chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ có lại được đứa con là tôi”.

Chúng tôi còn sống!

Trong suốt quãng đường vượt dãy Andes, Canessa để ý thời gian trên núi diễn tiến theo một quy luật rất kỳ lạ. Cứ đến 4 giờ chiều là mặt trời biến mất sau những đỉnh núi phía tây và cuộc hành trình của Canessa, Parrado cũng buộc phải dừng lại để tìm chỗ ngủ vì nhiệt độ hạ xuống rất nhanh.

Nhưng vào ngày thứ 8 kể từ khi họ lên đường tìm người cứu giúp, lúc vừa đặt những cái túi đựng quần áo, thức ăn vào một hốc đá, Canessa cảm thấy có một cái gì đó khác thường. Nhìn vào đồng hồ đeo tay, ông thấy nó chỉ 4 giờ 15 phút chiều mà mặt trời chưa khuất bóng. Quay sang Parrado, Canessa cũng thấy đồng hồ của anh ta chỉ 4 giờ 15 phút.

30 phút sau, mặt trời vẫn nằm cách đường chân trời chừng một gang tay. Canessa hỏi Parrado: “Như thế là sao?”. Nhìn ngang ngó dọc một hồi, Parrado đáp: “Nếu mặt trời không bị những ngọn núi ở phía tây che chắn thì nghĩa là chúng ta đã vượt qua khỏi dãy Andes”.

Trong hồi ký, Canessa viết: “Mãi đến 7 giờ 12 phút, bóng tối mới ập xuống. Tôi hét lên, hét như điên dại. Chúng tôi đã làm được một việc phi thường chỉ bằng những bộ quần áo rách, những chiếc túi ngủ và đôi giày tự chế”. Sau này, căn cứ vào địa điểm máy bay rơi và chỗ mà Canessa, Parrado vẫn còn nhìn thấy ánh mặt trời sau 4 giờ chiều, các nhà khoa học thuộc Hội Địa lý quốc gia (National Geographic) xác định cả hai đã vượt qua 3 ngọn núi Maipo cao 5.264m, Marmolejo cao 6.110m, Ojos del Salado cao 6.893m.

Từ trái sang: Zerbino, Hilario và Canessa, 30 năm sau khi được cứu thoát.

Thức dậy sớm nhất sau giấc ngủ chập chờn và mặc dù cơ thể rất mệt mỏi và đau đớn, cộng thêm cái đói hành hạ nhưng Canessa nhận ra ông có thể thở một cách dễ dàng hơn ngày hôm qua. Lay gọi Parrado dậy, Canessa cho Parrado biết về phát hiện của mình rồi cả hai cùng kết luận là không khí nơi này giàu oxy, và điều đó càng khẳng định rằng họ đã thoát khỏi dãy Andes.

Ngày hôm đó, họ đi rất nhanh. Cách tảng đá lớn dần dần nhường chỗ cho các bãi sỏi cùng những hòn đá nhỏ và cuối cùng là đất cát khô cằn, mọc lơ thơ vài bụi cỏ dại. Cái màu trắng của băng tuyết lúc này đã nằm lại phía sau lưng. Canessa viết: “Khoảng 1 tiếng sau, điều kỳ diệu nhất xuất hiện trước mắt tôi. Đó là một con thằn lằn nhỏ 4 chân. Nó chứng tỏ cho chúng tôi biết là chúng tôi đã đến gần sự sống”.

Đêm hôm ấy, lần đầu tiên họ đốt lửa bằng những cành cây khô và cũng là lần đầu tiên chiếc túi ngủ của họ được đặt trên mặt đất chứ không phải là lớp băng tuyết lạnh buốt. Hôm sau, các dấu hiệu của nền văn minh bắt đầu xuất hiện nhiều hơn: Một chiếc móng ngựa đã mòn, một cái vỏ lon đồ hộp rỉ sét. Bên một dòng suối, cả ba nhìn thấy hai con bò đang thong dong gặm cỏ cạnh mấy lùm cây.

“Chúng ta sẽ làm gì?” Parrado hỏi trong nước mắt vì vui sướng rồi lập tức tự trả lời: “Lấy đá ném vào đầu nó” nhưng Canessa phản đối: “Cắt gân nó để nó không thể chạy được như những chàng cao bồi vẫn hay làm”. Ông viết trong nhật ký: “Trong đầu tôi, tôi đã hình dung ra miếng thịt bò nướng trên bếp lửa thay vì phải nhai sống như chúng tôi đã nhai trong suốt 7 ngày qua”.

Trong khi Parrado vẫn lẩm bẩm về cách giết con bò thì Canessa lẳng lặng ném chiếc vớ đựng thịt người xuống dòng suối chảy xiết: “Lẽ ra lúc ấy tôi nên chôn họ theo đúng nghi thức để tỏ lòng biết ơn vì một phần thân thể họ đã cứu sống chúng tôi…” - Canessa viết: “Lúc ngước lên, tôi thấy xa xa bên kia suối, một bóng người đàn ông đầu đội mũ, cưỡi ngựa. Tôi vừa nhảy vừa đưa cả hai tay ra vẫy, la hét điên cuồng: “Rơi máy bay, chúng tôi bị rơi máy bay”.

Con ngựa đi thêm vài bước nữa. Người cưỡi ngựa đưa mắt nhìn quanh rồi sau đó ông ta vòng lại. Đứng trước dòng suối chảy xiết và có lẽ là không thể lội qua được, ông ta la lớn: “Ngày mai”. 

Ngay trước khi mặt trời mọc vào sáng hôm sau, Canessa và Parrado nhìn thấy những ánh lửa nhấp nháy. Vài phút sau đó, mấy người đàn ông đến sát bờ suối. Một người buộc tờ giấy và cây bút chì vào một cục đá, ném qua: “Cho tôi biết các anh cần gì?”. Parrado viết trả lời: “Máy bay của chúng tôi bị rơi. Tôi đã đi bộ 10 ngày để đến đây. Còn 14 người nữa vẫn ở trên núi. Chúng tôi đói và rất yếu”.

Hai tiếng sau, Canessa và Parrado được đưa qua suối. Ăn uống xong, Sergio Catalan - là người đàn ông cưỡi ngựa mà họ nhìn thấy đầu tiên - dẫn họ đến đồn cảnh sát. Viên trung sĩ đồn trưởng lúc nghe Canessa kể lại cuộc hành trình đã lắc đầu hoài nghi: “Không thể nào. Không ai có thể vượt qua dãy Andes vào mùa này” nhưng khi nghe Parrado cho biết 14 người đang nằm chờ chết thì ông ta điện thoại báo cấp trên.

Xế trưa, một chiếc máy bay trực thăng hạ cánh xuống khoảng sân trước đồn cảnh sát. Phi công cho biết bay lên đỉnh Andes lúc này là một nhiệm vụ nguy hiểm nhưng ông sẽ cố gắng thử. Theo hướng dẫn của Canessa và Parrado, chỉ mất 40 phút trực thăng  đã đến được địa điểm máy bay rơi. 14 người ở lại tất cả đều còn sống. Họ lao ra khỏi thân chiếc Fairchild rách nát, nhảy nhót, la hét điên cuồng vì vui mừng..

Vì gió thổi rất mạnh, trực thăng chỉ có thể chở 6 người nên 8 người còn lại phải nằm trên núi thêm một đêm nhưng họ có đủ thức ăn, đèn pin và quần áo ấm. Canessa viết: “Hôm sau, tất cả chúng tôi gặp lại nhau trong nước mắt. Trước lúc lên máy bay đến bệnh viện, tôi xiết chặt tay Sergio Catalan, người cưỡi ngựa. Khi tôi ngỏ lời cảm ơn, ông nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên và bất ngờ như thể những việc ông vừa làm, chẳng có gì để phải cảm ơn cả…”.

Cao Trí (theo hồi ký “Câu chuyện của những người sống sót trên dãy Andes”)
.
.