Tình báo Bỉ và cuộc chiến trong “vùng xám”

Thứ Tư, 13/04/2016, 11:25
Đằng sau tính chất nghiêm trọng của vụ đánh bom khủng bố hôm 22-3 ở Bỉ hiện hữu mối đe dọa thường trực từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đối với châu Âu và toàn thế giới. Qua thảm kịch này, giới tình báo đặc biệt quan tâm đến việc bọn khủng bố đã dễ dàng thực hiện hành động giết người mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ các cơ quan an ninh, tình báo của Bỉ cũng như cả châu Âu.

Vài hôm trước khi xảy ra vụ đánh bom ở sân bay Zaventum và ga tàu điện Maalbeek, nhân vụ việc nhà chức trách bắt giữ nghi phạm vụ tấn công Paris Salah Abdeslam tại Brussels, Kristof Clerix, nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra của Tạp chí Knack (Bỉ) đã có dịp phỏng vấn Tướng Eddy Testelmans, chỉ huy Cơ quan tình báo quân đội của Bỉ rằng “bài học nào được rút ra từ các vụ tấn công Paris”?

Lực lượng An ninh Bỉ canh gác hiện trường vụ tấn công ở nhà ga metro Maalbeek.

Tướng Eddy trả lời rất ngắn gọn, thẳng vào vấn đề: “Bài học chính là bộ máy an ninh Bỉ đã có quá nhiều lỗ hổng trong những năm qua”.

Lại hỏi về khả năng có những ổ khủng bố hoạt động ở Bỉ thì sao? Tướng Eddy đã không ngần ngại khẳng định nguy cơ khủng bố vẫn tồn tại và mức độ đe dọa luôn rất cao. Ông khẳng định mình biết ở Bỉ đang có những tên khủng bố sẵn sàng “chạm tay vào vũ khí, chất nổ và sử dụng chúng”. Thực tế đã diễn ra đúng như lời khẳng định của tướng Testelmans!

Tháng 12-2015, André Vandoren đã từ chức Giám đốc đơn vị điều phối, đánh giá mối đe dọa của Bỉ. Đây là đơn vị trung tâm trong cuộc chiến chống khủng bố của Bỉ. Trong một cuộc trò chuyện với báo chí ngay trước khi từ chức, khi được hỏi về việc nước Bỉ sẵn sàng tới mức độ nào để đối phó với một cuộc tấn công khủng bố, ông Vandoren khẳng định nước Bỉ đã chuẩn bị sẵn nhiều phương án để đối phó với những tình huống như thế. Nhưng người ta vẫn luôn bị bất ngờ khi đối mặt với các tình huống khủng bố!

Tất nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể sẵn sàng ứng phó một cách đầy đủ. Nhưng ở Bỉ, mối đe dọa được cảm nhận một cách rộng rãi. Vào tháng 8-2012, nước Bỉ đã ghi nhận những tay súng thánh chiến đầu tiên rời Bỉ đến Syria chiến đấu bên cạnh các nhóm Hồi giáo cực đoan chống Chính phủ Syria gồm Al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo (IS).

Các công tố viên đã mở 270 cuộc điều tra đối với các đối tượng thánh chiến này. Còn các cơ quan tình báo thì ghi nhận 120 trường hợp các tay súng quay trở về nước, không phải tất cả đều là “những quả bom hẹn giờ” nhưng những sự kiện xảy ra liên tục trong vòng hai năm qua cho thấy những tay súng trở về đã trở thành mối đe dọa cần phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Đầu tiên là vụ đánh bom tại Bảo tàng Do Thái ở Brussels vào tháng 5-2014. Tiếp đến là vụ đột nhập xả súng giết chết 12 người ở Tòa soạn Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của Pháp xảy ra vào ngày 7-1-2015. Ngay sau đó là một âm mưu khủng bố được phát hiện kịp thời tại thành phố Verviers ở miền Nam nước Bỉ.

Sau vụ đấu súng với bọn khủng bố, các cơ quan an ninh Bỉ đã được ngợi khen vì hoạt động hiệu quả. Nhưng niềm vui chưa được lâu, lại đến vụ khủng bố hàng loạt tại Paris vào ngày 13-11-2015, với 130 người chết, trong đó Bỉ được gọi tên là một trung tâm đầu mối của các nghi phạm. Bỉ lại bị thế giới chỉ trích, nhưng chính các  cơ quan tình báo mới phải chịu búa rìu vì quá lỏng lẻo trong việc canh phòng bọn khủng bố.

Vụ bắt giữ Salah Abdeslam – nghi phạm sống sót duy nhất trong vụ tấn công Paris tháng 11-2015 – vào ngày 18-3 tại Brussels giúp cho Brussels nhận được lời chúc mừng từ nhiều nơi, nhưng ngay cả khi đó, các quan chức Bỉ cũng tỏ ra thận trọng vì đã trở nên quen với trạng thái “ngày vui ngắn chẳng tày gang”.

Người ta nghiệm ra rằng “đánh thắng một trận chiến, nhưng cuộc chiến thì vẫn còn dài”. Quả đúng thế, chỉ 5 ngày sau vụ bắt giữ Abdeslam, bọn khủng bố đã thực hiện thành công vụ tấn công tại sân bay Zaventem và ga tàu điện Maalbeek, lấy đi sinh mạng của 35 người, 185 người bị thương. Ngay sau vụ tấn công, có thông tin cho rằng vài ngày trước khi vụ việc xảy ra, Brussels đã được chia sẻ tin tình báo từ Đại sứ quán Mỹ, tuy họ đã có bước chuẩn bị đối phó, nhưng...

Vì sao tình báo Bỉ lại không thể đề phòng được bọn khủng bố mặc dù đã được chia sẻ thông tin từ trước?

Có mấy cách lý giải cho thất bại của tình báo Bỉ, trong đó một số chuyên gia cho rằng kể từ khi phát hiện và ngăn chặn được vụ khủng bố ở thành phố Verviers, các công tố viên, cảnh sát và tình báo Bỉ hoạt động hết công suất nhằm tránh một thảm kịch có thể xảy ra. Vấn đề là, cuộc chiến chống khủng bố của Bỉ không phải “trắng ra trắng, đen ra đen” như những quốc gia khác, mà đó là một cuộc chiến trong “vùng xám” khó phân biệt.

Mặt khác, dù cho nắm được mối đe dọa đang ngày càng tăng, nhưng bộ máy an ninh quá nhỏ bé của Bỉ khó có thể chống chọi nổi. Brussels là thủ đô ngoại giao của thế giới, nhưng lực lượng an ninh của cả nước Bỉ chỉ có 600 nhân sự, quả thật không đủ để có thể chia nhau cùng lúc đối phó với nhiều mối đe dọa khác nhau. Quân số bên Cơ quan tình báo quân đội ADIV không khá gì hơn, cũng con số tương tự. Tổng cộng nhân sự cả hai cơ quan chỉ khoảng hơn 1.000 sĩ quan tình báo để bảo đảm an ninh cho một quốc gia chủ nhà của không chỉ NATO mà còn các định chế khác nhau của EU, cùng rất nhiều các tổ chức khác.

Nhân sự mỏng, tình báo Bỉ lại không được đầu tư đúng mức trong nhiều năm liền. Chỉ đến khi Thủ tướng Charles Michel lên nhậm chức vào năm 2014, ông đã nhận ra quy mô và mức độ của mối đe dọa.

Vì thế, ngay sau vụ khủng bố Paris năm 2015, Thủ tướng Michel đã duyệt bổ sung ngân sách 400 triệu euro (khoảng 500 triệu USD) cho cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan hóa. Cơ quan an ninh quốc gia và tình báo quân đội mỗi cơ quan cũng được bổ sung thêm 100 nhân sự. Ngoài ra, các cơ quan tình báo còn được tăng cường thêm quyền hạn, tạo thêm điều kiện pháp lý để thực hiện các biện pháp cần thiết phục vụ cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư tài chính và mở rộng quyền hạn, tình báo Bỉ được cho là cần phải tự mình cải thiện một số vấn đề nhằm đối phó hiệu quả với những mối đe dọa từ trong nước.

Có một tình trạng phổ biến hiện nay trong cộng đồng tình báo Bỉ là họ rất ít phối hợp với nhau, và cũng ít chịu chia sẻ thông tin với tình báo nước ngoài, trong đó có sự hỗ trợ hiệu quả của tình báo Mỹ và Câu lạc bộ Berne (câu lạc bộ chia sẻ thông tin tình báo của 28 quốc gia thuộc EU).

Kể từ sau vụ phát hiện và ngặn chặn kịp thời vụ khủng bố ở thành phố Verviers, các cơ quan tình báo Bỉ mới tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo trong và ngoài nước. Nhưng tình hình chung hiện nay vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Một nguyên nhân khác nhưng cũng không kém phần quan trọng là do nhân lực mỏng, tình báo Bỉ hầu như không tiếp cận được với cộng đồng người Hồi giáo được cho là rất đông – khoảng 660 người. Các sĩ quan an ninh và tình báo Bỉ từ lâu đã tự tạo cho mình thói quen “không động chạm vào bất cứ việc gì của cộng đồng Hồi giáo”.

Đây là thói quen hết sức nguy hại. Theo phân tích của các chuyên gia, vì không thâm nhập sâu vào cộng đồng Hồi giáo, nên tình báo Bỉ đã không thể xây dựng được các đầu mối cung cấp thông tin vốn được xem là tối quan trọng trong việc nắm bắt và ngăn chặn những mầm mống, nguy cơ từ bọn Hồi giáo cực đoan, thánh chiến, sống xen lẫn trong cộng đồng này.

Đó là lý do quan trọng nhất lý giải vì sao tình báo Bỉ không thể xác định được mối đe dọa tấn công khủng bố nhắm vào sân bay Zaventem và ga tàu điện Maalbeek.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.