Tình báo Đức vi phạm quyền tự do báo chí

Thứ Sáu, 10/03/2017, 09:35
Theo các tài liệu rò rỉ, Cơ quan tình báo đối ngoại Đức (BND) âm thầm theo dõi một số lớn nhà báo nước ngoài - bao gồm nhân viên hãng tin lớn như BBC, Reuters và New York Times - trong nhiều năm dài.

Nhà báo Bỉ Arnaud Zajtman, 44 tuổi, làm phóng viên tại châu Phi suốt 20 năm trong đó gồm một thập niên hoạt động ở thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo - ban đầu cộng tác với hãng tin Anh BBC và sau đó là đài truyền hình Pháp France 24. Những câu chuyện của Zajtman tập trung vào những đứa trẻ nạn nhân chiến tranh ở Congo và những cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở nước này từ năm 1965.

Nhà báo Bỉ Arnaud Zajtman.

Tháng 9-2006, BND bắt đầu quan tâm đến công việc của Arnaud Zajtman mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy nhà báo này là phần tử khủng bố, buôn lậu vũ khí hay buôn ma túy. BND đưa 2 số điện thoại ở Congo của Zajtman vào bản danh sách theo dõi gọi là "những phần tử chọn lọc" của họ. Trong khi đó, Zajtman hoàn toàn không biết gì về việc điện thoại của ông bị nhân viên BND nghe lén.

Arnaud Zajtman không là nhà báo duy nhất trở thành đối tượng theo dõi của BND. Theo một số tài liệu rò rỉ mà tờ báo Đức Spiegel có được, BND giám sát ít nhất 50 số điện thoại, số fax và địa chỉ email của các phóng viên hay phòng biên tập tin tức trên khắp thế giới từ năm 1999. Ví dụ, BND giám sát hàng chục kết nối liên lạc của BBC, nhất là bộ phận World Service.

Trụ sở BND ở Berlin.

Theo tài liệu rò rỉ, BND không chỉ nghe lén điện thoại các đội ngũ phóng viên BBC hoạt động lấy tin ở Afghanistan mà còn nhắm mục tiêu vào trụ sở hãng tin ở thủ đô London nước Anh. Một số điện thoại của phóng viên tờ New York Times ở Afghanistan cũng nằm trong bản danh sách "những phần tử chọn lọc" của BND - cũng như vài số điện thoại di động và điện thoại kết nối vệ tinh của hãng tin Reuters ở Afghanistan, Pakistan và Nigeria.

Tình báo Đức cũng theo dõi tờ báo độc lập Daily News của Zimbabwe trước khi nó bị nhà độc tài Robert Mugabe nước này cấm từ năm 2003. Các số điện thoại khác nằm trong danh sách của BND thuộc về nhiều hãng tin từ Kuwait, Liban và Ấn Độ đến một loạt hiệp hội báo chí ở Nepal và Indonesia.

Susanne Koelbl.

Tại nước Đức, giới nhà báo được luật pháp bảo vệ chặt chẽ chống lại sự rình mò can thiệp của chính quyền đồng thời họ có quyền từ chối ra làm chứng trước tòa án nhằm bảo mật nguồn thông tin. Luật pháp Đức cũng ngăn cấm cơ quan tình báo nội địa BfV gián điệp môi trường báo chí.

Trước thông tin về hoạt động theo dõi nhà báo một cách có hệ thống của BND, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) chỉ trích cơ quan tình báo đã "tấn công mạnh vào quyền tự do báo chí" và đó là "sự vi phạm hiến pháp với quy mô mới". Christian Mihr, lãnh đạo chi nhánh RSF ở Đức, tuyên bố quyền tự do báo chí "không phải là quyền được chính quyền Đức hào phóng ban phát cho mà là quyền con người không thể vi phạm và cũng áp dụng đối với cả các nhà báo nước ngoài".

Hiện nay, Ủy ban điều tra Nghị viện Đức cũng bắt đầu làm việc về thông tin nhà báo nước ngoài bị BND theo dõi. Ví dụ, các thành viên ủy ban này điều tra vụ BND đọc lén email của nhà báo nữ Spiegel Susanne Koelbl trong thời gian 7 tháng của năm 2006. Tờ Spiegel cho biết Koelbl bị BND theo dõi khi bà tiếp xúc với Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Afghanistan.

Tuy nhiên, lãnh đạo BND khẳng định cơ quan này chỉ tình cờ thu thập email của Koelbl và sau đó họ đã có lời xin lỗi nữ nhà báo! Trong khi đó, người ta cho rằng hoạt động gián điệp báo chí của BND được tờ Spiegel tiết lộ hoàn toàn không phải sự tình cờ bởi vì cơ quan tình báo có trong tay bản danh sách mục tiêu rõ ràng.

Về phần mình, giới chức RSF vẫn đang lo ngại BND sẽ tiếp tục bí mật giám sát các nhà báo nước ngoài. Thậm chí, RSF còn cho rằng một luật mới kiềm chế hoạt động BND có hiệu lực từ tháng 1-2017 sẽ không làm thay đổi được cơ quan tình báo. Christian Mihr nhấn mạnh RSF đã chuẩn bị kế hoạch hợp tác với các hiệp hội nhà báo khác - dưới sự lãnh đạo của Hội Nhân quyền Đức - để chiến đấu chống lại BND.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.