Trùm phản gián Otto John và cuộc đào thoát thế kỷ

Thứ Ba, 06/08/2019, 08:52
Vụ đào thoát sang Đông Đức của Otto John, nhà lãnh đạo đầu tiên của Cơ quan bảo vệ hiến pháp liên bang Đức (Federal Office for the Protection of the Constitution– FOPC), tên chính thức của cơ quan phản gián Tây Đức, cho tới giờ vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi.

Cuối năm 1995, tuần báo Spiegel của Đức vẫn tổ chức một cuộc điều tra chi tiết về động cơ chạy trốn của Otto. Kết quả điều tra cùng với những tiết lộ từ các hồ sơ của Moscow đã cho thấy rõ sự thực đằng sau biến cố này…

Vào thời điểm điều tra của Spiegel, Otto John đang sống tại Berlin, đồng thời vẫn ra sức phủ nhận việc ông ta đã tình nguyện chạy sang Đông Đức (CHDC Đức cũ). Giả thuyết được Otto khẳng định trước tòa là các điệp viên KGB đã lừa cho ông ta uống phải một loại ma túy mạnh, sau đó bí mật chuyển sang Đông Đức.

Tuy nhiên, các tài liệu lưu trữ của Bộ An ninh quốc gia Đông Đức (MGB), theo điều tra của Spiegel, lại chứng minh thực tế ngược lại. Nội dung cho thấy lãnh đạo Cơ quan phản gián Tây Đức (CHLB Đức cũ) đã quyết định chạy sang Đông Đức vì rất thất vọng trước chính sách của Thủ tướng Tây Đức khi đó là Konrad Adenauer.

Ông Otto John.

Còn nhớ trong phiên tòa xét xử đầu tiên sau khi Otto quay trở về Tây Đức vào năm 1956, ông ta đã quả quyết không hề tiết lộ một chút bí mật nào của cơ quan mình cho KGB và STASI (Cơ quan tình báo Đông Đức trực thuộc MGB). Về phần Spiegel lại khẳng định, họ đang nắm giữ những tài liệu chứng minh, “Keller” (bí danh của Otto) đã tiết lộ không ít bí mật của FOPC.

Tạp chí này còn dẫn lời của cựu sĩ quan KGB Vitali Cherniavski, người có quan hệ trực tiếp tới vụ của Otto, trong đó cho biết quan chức này đã tình nguyện chạy sang Đông Đức.

Trong kho lưu trữ của STASI, phóng viên Spiegel cũng tìm ra những tài liệu có ghi lại những lời của Otto, theo đó ông ta đã chạy sang Đông Đức vì bất bình trước những biến động chính trị tại Tây Đức. Các điều tra của Viện kiểm sát liên bang Đức khi đó cũng kết luận: Otto không hề bị bắt cóc, nên đề nghị phục hồi danh dự của ông ta không được chấp thuận.

Các tài liệu mật được phóng viên Spiegel tìm thấy cũng có những bằng chứng cho thấy, trong quá trình thẩm vấn, Otto ngoài việc khai ra 7 điệp viên khác nhau, còn cung cấp nhiều thông tin về Tổ chức Gehlen (tiền thân của Cơ quan tình báo Tây Đức), cũng như về lãnh đạo các cơ quan mật vụ nhiều nước phương Tây.

Cuốn sách “Twice Through the Lines” của Otto John.   

Một tài liệu được Spiegel trích dẫn còn ghi rõ: “Otto John tuyên bố, ông ta có điệp viên đang nằm trong Ban thống kê của Cơ quan Đảng cộng sản Đức, thường xuyên gửi về bản sao các tài liệu quan trọng”.

Điều tra của Spiegel cho biết, “Keller” đã ở Liên Xô trong 4 tháng, trước khi sang Đông Đức giảng bài tại các trường đại học tại đây. Trong khi theo lời của Otto, ông ta đã may mắn nhờ sự giúp đỡ của một nhà báo Đan Mạch để có thể trở về Tây Đức.

Giả thuyết chính xác từ Moscow

Hai năm sau, xuất hiện bài báo với chú thích “Lần đầu được công bố” nhan đề “Ông là ai, tiến sĩ John?” trên tờ “Tin tức tình báo và phản gián” của Nga. Trong đó, tác giả Vitali Cherniavski tự giới thiệu, ông là chỉ huy bộ phận tình báo của KGB tại Đức trong giai đoạn 1953-1956.

Tổng công trình sư Hermann Henselmann (thứ hai từ trái qua) giới thiệu cho ông Otto John về các kế hoạch phát triển thành phố Berlin.

Theo tác giả, ngay sau vụ biến mất của Otto, chính quyền Tây Đức đã tung tin nhân vật này bị KGB bắt cóc. Thủ tướng Adenauer cũng hứu hẹn khoản tiền thưởng 500 ngàn mark cho ai cung cấp thông tin về chủ tịch của FOPC.

Mọi việc được làm rõ chỉ 3 ngày sau. Otto xuất hiện tại Đông Berlin vào ngày 23-7, tuyên bố đã chạy sang Đông Đức và xin được tị nạn chính trị. Động cơ của quyết định trên, theo Otto đánh giá là chỉ có Đông Đức mới có các điều kiện để triển khai các hoạt động tích cực để thống nhất hai nước Đức thành một quốc gia trung lập và dân chủ.

Ba tuần sau, Otto tiếp tục làm dậy sóng dư luận với việc có mặt tại Trung tâm báo chí Berlin trước khoảng 200 nhà báo Đức và nước ngoài. Ông ta không chỉ giải thích rõ về động cơ của mình, mà còn tiết lộ một số kế hoạch bí mật của NATO liên quan tới Liên Xô và các nước trong phe XHCN.

Tác giả Cherniavski khẳng định, Otto sau đó còn hợp tác với Ủy ban vì sự thống nhất nước Đức, được bố trí một phòng làm việc rộng rãi tại trụ sở của cơ quan này. Tại đây, ông ta đã tham gia rất tích cực vào hoạt động tuyên truyền chống lại việc tái quân sự hóa Tây Đức và nguy cơ lôi kéo nước này vào quỹ đạo của NATO.

Mọi chuyện đã diễn ra bình thường cho tới tháng 12-1955, khi Otto bất ngờ quay trở lại Tây Đức và bị quản chế chỉ vài ngày sau đó. Một năm sau, tòa án liên bang đã phán quyết Otto tội hoạt động gián điệp phản bội tổ quốc với bản án 4 năm tù.

Những tiết lộ cụ thể của Vitali Cherniavski đã giúp có thể xác định rõ chân tướng sự việc. Theo đó, FOPC cùng các nhân viên và tất nhiên là lãnh đạo cơ quan này luôn nằm trong tầm ngắm của KGB. Tình báo Xôviết đã dựng lên chân dung chi tiết về chính trị và tâm lý của Otto.

Ông Otto John (người ngồi giữa) tại Berlin năm 1954.

Theo đó, Otto John là một người có quan điểm tự do, căm thù chủ nghĩa phát xít (từng tham gia vào âm mưu chống Hitler vào ngày 20-7-1944), người chống lại chủ nghĩa quân phiệt, một nhà yêu nước nhiệt thành, trung thành với ý tưởng nhanh chóng thống nhất nước Đức.

Bản chất là người có quan điểm dân chủ, trung lập, nên Otto luôn tránh xa tất cả những trò đấu đá chính trị trong giới cầm quyền tại Bonn khi đó. Nhưng bản thân ông ta cũng có những nhược điểm lớn, có thể nói là những tật xấu, điển hình nhất là thói nghiện rượu, dẫn tới thường đánh mất kiểm soát bản thân.

Vào thời điểm đó, phái đoàn Xôviết tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao tại Berlin đã đưa ra những đề xuất mang tính hòa giải, xích lại gần nhau giữa hai nước Đức. Nhưng các nước phương Tây khi đó lại đang thúc đẩy quân sự hóa Tây Đức, lôi kéo quốc gia này vào NATO nên tất nhiên đã phủ quyết mọi đề xuất của Moscow.

Trong khi Otto và phần lớn công luận tại Đức đều đánh giá cao những đề xuất trên. KGB biết được rằng, Adenauer rất tức giận với những quan điểm tự do của người đứng đầu FOPC, đang tìm cơ hội để gạt bỏ ông ta khỏi cương vị này.

Chống lại Otto còn có cả cấp trên trực tiếp là Bộ trưởng Nội vụ Gerhard Schroder, cũng như cánh tay phải của người đứng đầu chính phủ - quốc vụ khanh Hans Globke, người cũng tham gia trực tiếp vào việc giám sát, điều hành các cơ quan mật vụ. Nói tóm lại, Otto về cơ bản đang trong bối cảnh bị cô lập.

Sau khi phân tích tất cả những thông tin hiện có, KGB đi đến kết luận, đã đến lúc chín muồi để tiếp xúc với Otto. Cherniavski và đồng đội đã tìm được một người đóng vai trò trung gian là bác sĩ Wolfgangs Wohlgemuth, người dù không phải là điệp viên KGB nhưng có mối quan hệ tiếp xúc và thỉnh thoảng cũng tham gia vào một số chiến dịch của tình báo Xôviết. Tay bác sĩ này trước chiến tranh từng rất thân thiết với người anh trai đã chết của Otto, cũng như từng giúp quan chức đứng đầu FOPC chữa trị tật nghiện rượu.

Mùa xuân năm 1954, Wohlgemuth hai lần gặp gỡ với Otto và đạt được sự đồng ý của ông ta về việc sẽ bí mật gặp gỡ các nhân viên KGB tại Đông Berlin. Với điều kiện phải giữ bí mật tuyệt đối cuộc gặp này, Otto đồng ý sẽ tham dự cuộc gặp với KGB vào ngày 20-7-1954, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm kế hoạch ám sát Hitler.

Cuộc chạy trốn bất khả kháng

Chiều tối ngày 20-7, chỉ huy bộ phận tình báo KGB tại Tây Đức Vadim Kuchin và một nhân viên đã đón chiếc xe do Wohlgemuth cầm lái trên có Otto tại khu vực Invalidenstrabe. Sau đó, cả hai được đưa tới một biệt thự của KGB tại khu Weissensee, là nơi Otto trực tiếp trò chuyện với Kuchin và Cherniavski. Người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch trên và cả quá trình đàm phán là trung tướng Evgenvy Pitovranov, đại diện toàn quyền của KGB tại khu vực nước Đức.

Theo Cherniavski, vị khách đặc biệt trên đã đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ trao đổi thông tin về những tên phát xít tội phạm chiến tranh, cũng như về hoạt động của các tổ chức phát xít mới. Người đứng đầu FOPC bàn luận khá lâu về khả năng hợp tác chính trị nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thống nhất nước Đức theo đề xuất của Moscow, bày tỏ ý nguyện sẽ nỗ lực làm hết sức để kế hoạch trên nhanh chóng được thực thi. Tuy nhiên, Otto đã khước từ bất cứ đề xuất hợp tác nào về việc cung cấp thông tin tình báo.

Ông Otto John qua ống kính một nhà báo Đức.

Với kịch bản gây sức ép tâm lý đã chuẩn bị trước, các chuyên gia KGB đã vạch rõ cho Otto tương lai mờ mịt đang chờ đợi ông ta tại Tây Đức. Đồng thời, Otto được hứa hẹn sẽ có một vị trí lãnh đạo trong chính phủ thống nhất của nước Đức sau này. Tỏ vẻ xiêu lòng, Otto theo tật cũ đang uống rất nhiều rượu và ngủ cho đến hôm sau.

Trong buổi nói chuyện hôm sau, Otto đã được thuyết phục hoàn toàn rằng, giải pháp tốt nhất để thoát khỏi tình cảnh hiện nay là sẵn sàng hợp tác về chính trị. Tuy nhiên, do thời gian bất ngờ vắng mặt đã quá lâu, việc quay trở lại của Otto là hết sức mạo hiểm – ông ta có thể bị điều tra, cách chức hay thậm chí bắt giữ.

Kết quả là Otto buộc phải ở lại Đông Berlin. Ngày 23-7, ông ta đồng ý ghi âm một thông báo ngắn, trong đó khẳng định đã chạy sang Đông Đức xin tị nạn chính trị, đồng thời giải thích cho hành động của mình. Bản thông báo ngay lập tức được cho phát sóng.

Cuộc trở về bất ngờ

Liên quan đến câu hỏi vì sao Otto lại quyết định quay trở lại Tây Đức thì câu trả lời cũng rất đơn giản: một năm sau cuộc gặp tại Weissensee, ông ta hiểu rằng kế hoạch thống nhất nước Đức trên thực tế không thể thành công nên đã trở nên thất vọng. “Nỗi thất vọng của Otto còn bắt nguồn từ việc ông ta cho rằng, Moscow đã phần nào đã tận dụng mong muốn thống nhất nước Đức của mình để đánh vào uy tín của phương Tây – Cherniavski giải thích – Tiến trình quân sự hóa tại Tây Đức cũng được đẩy nhanh.

Chưa kể điện Kremlin cũng đã lạnh nhạt dần với ý tưởng thống nhất nước Đức: Nikita Khrutsev khi đó đang tập trung vào chính sách xây dựng CNXH tại Đông Đức và sự tồn tại hòa bình giữa hai nước Đức. Otto không còn là mối quan tâm đặc biệt của Liên Xô nữa. Những người bạn Moscow đã giới thiệu để Otto hợp tác với những người anh em Đông Đức nhưng ông ta lại không muốn”.

Chính vì những nguyên nhân trên, khi được thông báo về nguyện vọng của Otto muốn quay trở lại Tây Đức, chủ tịch KGB khi đó là tướng Ivan Serov đã chỉ thị không giữ ông ta lại. Người đứng đầu cơ quan phản gián Tây Đức sau phiên tòa xét xử đã không thể gỡ bỏ cái mác kẻ phản bội trong mắt chính quyền nước này.

Phải đến năm 1986, Tổng thống liên bang Đức khi đó là Richard von Weizsacker bằng một chỉ thị riêng mới cho phép Otto được nhận một khoản lương hưu nhỏ để đổi lấy việc khước từ khôi phục danh dự hoàn toàn cho ông ta. Ông Otto John qua đời ở tuổi 88 vào ngày 26-3-1997 tại thành phố Innsbruck (Áo).

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.