Mặt trận phản gián qua cuốn sách của Trung tướng tình báo Nga

Thứ Bảy, 08/12/2018, 10:34
Vị tướng lão luyện của tình báo Nga Valentin Klimenko mới đây đã cho ra mắt cuốn sách có tên "Những ghi chép của nhân viên phản gián. Cái nhìn từ bên trong cuộc đối đầu giữa KGB với CIA, và không chỉ có vậy...". Cuốn sách đã mô tả nhiều lát cắt khá thú vị về cuộc đấu trí quyết liệt trên mặt trận phản gián của KGB từ những năm 1980…

Trung tướng Valentin Klimenko từ Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) từng có một thời gian dài phục vụ trong các cơ quan an ninh quốc gia từ năm 1973 đến 2005. Ông đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ một chuyên gia phản gián chuyên đấu trí với cơ quan tình báo Mỹ, cho tới chỉ huy Cục phụ trách các chiến dịch phản gián của Ủy ban an ninh quốc gia (KGB) và sau đó là Phó cục trưởng Cục phản gián của FSB, đại diện FSB tại Israel…

Vị tướng lão luyện của tình báo Nga mới đây đã cho ra mắt cuốn sách có tên "Những ghi chép của nhân viên phản gián. Cái nhìn từ bên trong cuộc đối đầu giữa KGB với CIA, và không chỉ có vậy...". Cuốn sách đã mô tả nhiều lát cắt khá thú vị về cuộc đấu trí quyết liệt trên mặt trận phản gián của KGB từ những năm 1980…

Mặt trận bên ngoài đại sứ quán Mỹ

Theo như tướng Klimenko, người Mỹ có tổng cộng 17 cơ quan mật vụ (đáng chú ý có Cơ quan tình báo quân sự - DIA, Cục điều tra liên bang - FBI, Cơ quan an ninh quốc gia - NSA v.v…), nhưng lực lượng xung kích chính hoạt động ở nước ngoài vẫn là Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Trung tướng Valentin Klimenko và cuốn sách "Những ghi chép của nhân viên phản gián. Cái nhìn từ bên trong cuộc đối đầu giữa KGB với CIA, và không chỉ có vậy...".

Tại Moskva, các điệp viên CIA chủ yếu hoạt dưới vỏ bọc của đại sứ quán. Nhóm các tình báo viên tại đại sứ quán không nhiều, chỉ chưa tới 20 người. Tuy nhiên, tổng số nhân viên của cả cơ quan đại diện ngoại giao này lên tới gần 1.500 người (hiện giờ tại Nga chỉ còn vài trăm). Nhiệm vụ khó khăn của cơ quan phản gián là phải xác định được những điệp viên thực sự trong cả một bộ máy khá lớn trên.

Nhiệm vụ chính của nhóm nhân viên tình báo trên là làm việc với các gián điệp đã được cài cắm hay tuyển mộ trong số các công dân Xôviết. Tất nhiên, người Mỹ đã áp dụng mọi thủ đoạn và biện pháp có thể để che giấu những cuộc tiếp xúc, liên lạc. Đầu tiên là việc sử dụng các hộp thư bí mật được ngụy trang tinh vi dưới dạng một cành cây, khúc gỗ, tấm biển hay cục than. Sau đó là những hộp thư bằng chất dẻo bề ngoài có hình thù như một tảng đá, trong có chứa thiết bị phục vụ hoạt động gián điệp, sổ mật mã, chỉ thị và tiền…

Trước khi có thể đặt được những hộp thư này, tất nhiên phải thoát khỏi con mắt giám sát chặt chẽ của các nhân viên phản gián Xôviết. Người Mỹ đã nghĩ ra rất nhiều chiêu trò khác nhau để có thể đạt được mục đích. Như vào năm 1983, chính tướng Klimenko đã phát hiện một người đàn ông giả dạng phụ nữ đi ra từ một khu nhà ở của đại sứ quán. Anh ta được hóa trang gần như giống hệt một nữ nhân viên Mỹ đang sống trong tòa nhà trên.

Cũng mới vào năm 2015, truyền hình Nga còn công khai phát lại một đoạn phim tác nghiệp của FSB, trong đó ghi lại cảnh hai phụ nữ, là vợ của các nhân viên CIA, rời khỏi khu vực đại sứ quán Mỹ. Sau khi ghé vào một quán cà phê, một người chui vào trong nhà vệ sinh. Một thời gian ngắn sau, bước từ trong đó ra lại là một người đàn ông đội mũ lưỡi trai. Đó chính là nhân viên tình báo Timothy Felligen. Cần nói thêm, vợ của các nhân viên CIA trước khi sang Moskva thường phải trải qua một khóa đào tạo đặc biệt, nhiều người trong số này thậm chí cũng là những nhân viên chính thức của tình báo Mỹ.

Nhờ những tiết lộ của Edward Lee Howard (cựu nhân viên CIA đào thoát sang Liên Xô), phản gián Xôviết mới biết thêm được chiêu "ve sầu thoát xác" được áp dụng khá hữu hiệu trước đó của các điệp viên Mỹ. Đó là một chiếc hộp chứa manơcanh có thể bơm lên rất nhanh chóng đặt trên ghế ngồi trước của chiếc xe hơi. Tất cả có tổng cộng 10 manơcanh được đặt làm với quần áo và nét mặt giống các nhân viên tình báo làm việc tại Moskva. Thông thường, hai vợ chồng tình báo viên Mỹ sẽ rời khỏi đại sứ quán trên xe với cô vợ ngồi sau tay lái.

Hành trình đã được tính toán kỹ từ trước sao cho tới đoạn đường mà khả năng giám sát của cơ quan phản gián bị gián đoạn trong một thời gian ngắn. Khi đó, tay điệp viên sẽ nhanh chóng chuồn khỏi xe, còn cô vợ chỉ bằng một cái nhấn nút khiến con manơcanh được bơm phồng như vẫn có người ngồi trên xe.

Chưa kể có bộ phận điều khiển khiến cho manơcanh có thể xoay đầu qua lại như thể đang nói chuyện. Người điều hành bộ phận ngụy trang của CIA hồi cuối những năm 1970 là Macintosh đã nghĩ ra trò này. Đích thân ông ta đi mua những con búp bê tình dục về cải biến và hóa trang lại để sử dụng cho các điệp viên tại Moskva.

Chiến dịch Phantom

Trong một thời gian khá dài, KGB biết được CIA có nhiều phương pháp khác nhau để giúp những điệp viên đặc biệt quan trọng của mình đào thoát khỏi Liên Xô - điển hình như các trường hợp của Popov, Penkovski, Tolkachev… - nhưng chưa thể làm rõ được. Năm 1985, đến lượt người Anh tổ chức thành công cho nhân viên tình báo Xôviết Gordievski chạy trốn. Năm 1988, Moskva mới biết được về chuyên gia mật mã tại KGB Sheimov (người trước đó đã mất tích cùng gia đình vào năm 1980 và được cho rằng đã chết) lại đang sinh sống yên ổn tại Mỹ. Chủ tịch KGB khi đó đã giao cho cơ quan phản gián bằng mọi cách phải làm rõ thủ đoạn của người Mỹ.

Nhân viên CIA Luis Thomas bị bắt giữ vào năm 1983.

Sau khi tính toán kỹ càng, nhiệm vụ quan trọng này được giao cho một nhân viên có mật danh Edwin. Anh này liên hệ với người Mỹ, khẳng định biết rõ một nhân viên CIA đã bị tình báo Xôviết tuyển mộ, hiện đang làm việc tại Washington và thường xuyên gửi thông tin về Moskva.

Nhân vật này còn úp mở về một số nhà ngoại giao Mỹ khác cũng đang làm việc cho KGB sau khi trở về từ Moskva. Edwin sẵn sàng tiết lộ tên tuổi của những người này, nhưng chỉ với điều kiện sau khi anh ta được bố trí trốn sang Mỹ thành công. Edwin được bố trí tiếp xúc với người đứng đầu bộ phận tình báo CIA khi đó tại Moskva là Jack Downing trên đoàn tàu theo lộ trình Moskva-Leningrad. Quan chức này khi đó đang theo định kỳ hàng tháng đi kiểm tra nhóm tình báo viên của mình trong lãnh sự quán ở Leningrad.

Chiến dịch có mật danh "Phantom" đã được kiên trì triển khai trong suốt 2 năm - trong quá trình đó, CIA đã liên lạc với Edwin bằng rất nhiều cách: gặp gỡ trực tiếp trên tàu, trong thành phố, liên lạc qua hộp thư bí mật, qua bưu điện và cả vô tuyến điện. Để lấy lòng tin của người Mỹ, Edwin thỉnh thoảng còn "giới thiệu" thêm một vài nhân viên KGB muốn được hợp tác với CIA. Mỗi lần như vậy, CIA huy động nhân lực tổ chức những kế hoạch chi tiết nhằm tiếp xúc, kiểm tra; qua đó giúp cơ quan phản gián nắm được toàn bộ lực lượng tình báo Mỹ trong đại sứ quán.

Tất nhiên, Edwin cũng phải trải qua những thủ tục kiểm tra khá kỹ càng. Đến khi tin chắc anh ta thực sự muốn chạy trốn, Edwin được yêu cầu đưa ảnh để làm hộ chiếu. Một thời gian sau, một nhân viên CIA có ngoại hình rất giống Edwin đã nhập cảnh vào Liên Xô bằng tấm hộ chiếu ngoại giao có ảnh của chính anh ta. Sau khi trao cuốn hộ chiếu trên cho Edwin, nhân viên trên đã xuất cảnh về Mỹ bằng giấy tờ thật của mình. Kế hoạch chạy trốn đã được cơ quan phản gián làm rõ: Edwin với giấy tờ của một nhà ngoại giao nước ngoài sẽ đi phà từ Tallin tới Helsinki. Phía Liên Xô sau đó đã cảnh báo với CIA về việc một nhân viên của họ đã dùng giấy tờ giả đi lại khắp nơi, lấy cớ đó để tạm thời từ chối việc xuất cảnh của nhân vật có hộ chiếu trên. Dù rất bất bình, nhưng người Mỹ vẫn tiếp tục cộng tác với Edwin.

Sau khi chiến dịch "Phantom" đạt được mục tiêu đã định, Edwin biến mất không tiếp xúc với CIA. Người Mỹ khi đó còn cho rằng, chính Aldrich Ames (nhân viên tình báo nổi tiếng của Mỹ hợp tác với KGB) đã khai ra Edwin, nhiều khả năng nhân vật này đã chết trong nhà tù của mật vụ Xôviết. Một vài năm sau, phía Mỹ đã sốc thực sự khi thấy Edwin đi cùng Klimenko trong một cuộc gặp chính thức với CIA tại Moskva. Nhiều chi tiết cụ thể về chiến dịch rất thành công trên đã được mô tả trong bộ phim 2 tập được xây dựng trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày truyền thống cơ quan an ninh.

Những chiến công đáng ghi nhận

CIA trước các biện pháp giám sát chặt chẽ của cơ quan phản gián nên về cơ bản không tiếp xúc trực tiếp với các công dân Xôviết. Đội ngũ điệp viên của họ chủ yếu vẫn là những thành phần tự nguyện hợp tác vì vấn đề tiền bạc. Đó là lý do người Mỹ thường để cửa sổ xe hé mở mỗi khi đậu gần đại sứ quán, để bất cứ ai cũng có thể nhét vào đó những mẩu giấy đề nghị được gặp gỡ.

Sau khi đã tìm hiểu và dự định hợp tác, CIA chủ yếu liên lạc qua các hộp thư bí mật. Còn một phương pháp nữa là tuyển mộ từ các mối quan hệ ở nước ngoài. Mỗi khi có một công dân Xôviết nộp đơn xin định cư dài hạn tại Israel hay Mỹ, họ chắc chắn sẽ được các nhân viên từ Cục Điều tra liên bang (FBI) gặp gỡ tìm hiểu. Nếu như người này cho biết có bạn bè đang làm việc tại cơ quan có khả năng tiếp cận các bí mật và không hài lòng với cuộc sống hiện tại, anh ta chắc chắn sẽ được yêu cầu viết thư về nhà, đề xuất khả năng hợp tác, kèm theo đó là hứa hẹn sẽ được tạo điều kiện sang Mỹ.

Trong tất cả các chi nhánh lớn của CIA ở nước ngoài, đều có những nhóm tuyển mộ viên chuyên tìm kiếm khả năng tiếp xúc với các công dân Nga. Biện pháp đầu tiên vẫn là "đánh trực diện" - đề xuất một số tiền lớn để đổi lấy khả năng hợp tác. Cách thứ hai là gây dựng dần mối quan hệ thân quen, trong đó có hỗ trợ về mọi chuyện - tiền bạc, giúp tránh khỏi rắc rối tại nước sở tại (như tai nạn giao thông)… - sau đó mới đề nghị hợp tác. Còn cách cuối cùng vẫn được đánh giá khá hiệu quả là dựng lên những chiếc "bẫy mỹ nhân kế".

Tính ra, phản gián Xôviết đã bắt tận tay 11 nhân viên tình báo CIA bên ngoài đại sứ quán Mỹ. Điển hình như trường hợp của Luis Thomas, làm việc tại đại sứ quán dưới vỏ bọc một sĩ quan an ninh. Để tóm được nhân vật này, phía Liên Xô đã sử dụng một cựu điệp viên của tình báo Mỹ, người đã tìm cách liên hệ với đại sứ quán đòi phải bồi thường về vật chất cho anh ta sau 15 năm bị tù. Thomas bị bắt giữ ngay trong chuyến đi tiếp xúc với nhân vật này.

Cũng cần nói thêm, Thomas là một trong những điệp viên Mỹ đã đóng giả phụ nữ rất thành công trong một số nỗ lực tiếp xúc với các nguồn tin của mình. Một điệp viên khác là Michael Sellars bị bắt giữ khi giả mạo một tùy viên quân sự da đen, đi ra ngoài bằng chính chiếc xe của anh ta. Với lý do gặp gỡ trái phép một nhân viên phản bội của KGB, Sellars đã bị trục xuất ngay sau đó.

Cũng nhờ việc theo dõi sát sao, cơ quan phản gián đã phát hiện và bắt giữ được Leonid Poleshuk, một nhân viên KGB từng hoạt động tại Nepal. Vốn là một kẻ nghiện rượu và mê cờ bạc, Poleshuk không còn cách nào khác đã tìm tới đại sứ quán Mỹ. Tuy nhiên, sau khi trở lại Liên Xô, hắn đã không liên lạc với CIA trong suốt 10 năm vì lo ngại vẫn đang bị giám sát. Tận dụng chuyến công tác tiếp theo tới Nigeria, Poleshuk lại tới đại sứ quán Mỹ tại đây. Hắn yêu cầu người Mỹ đưa cho mình 20 ngàn rúp để mua nhà.

CIA đồng ý nhưng không trực tiếp đưa tiền cho Poleshuk, lo ngại hắn sẽ bị bắt giữ khi mang số tiền lớn nhập cảnh. Dù không biết gì về Poleshuk, nhưng cơ quan phản gián đã lần theo hắn qua việc theo dõi nhân viên CIA Paul Zallaghi, kẻ đã bí mật đặt một hòm thư bí mật, trong có rất nhiều tiền tại khu vực ngoại ô Moskva. Sau hai tuần bí mật theo dõi hòm thư trên, các chiến sĩ an ninh đã tóm được Poleshuk khi hắn tới định lấy tiền.

Theo Trung tướng Klimenko, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của cơ quan phản gián là tướng Krasilnikov, người được mệnh danh là "thợ săn gián điệp". Trong suốt 10 năm lãnh đạo bộ phận phản gián chuyên về tình báo Mỹ, ông đã có công trong việc phát hiện 20 điệp viên CIA, chưa kể 15 kẻ phản bội đang tìm cách liên hệ với người Mỹ. Cơ quan phản gián còn vạch trần được hai chiến dịch hết sức tinh vi do CIA phối hợp cùng với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) triển khai trên lãnh thổ Liên Xô.

Trong chiến dịch đầu tiên, họ đã phát hiện ra một chiếc container chuyển từ Nhật, được vận chuyển dọc theo đường sắt, trong có các thiết bị tinh vi ghi nhận bức xạ có thể phát hiện ra khu vực có chứa vũ khí hạt nhân. Trong chiến dịch thứ hai, phản gián đã phát hiện người Mỹ lắp đặt được thiết bị thu trộm thông tin lắp đặt trên tuyến cáp kết nối giữa Bộ Quốc phòng và một căn cứ nghiên cứu sản xuất vũ khí laser tại Troisk.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.