Vì sao Luther King bị ám sát?

Thứ Tư, 08/07/2020, 13:16
Ngày 4/4/1968, mục sư đồng thời là nhà tranh đấu nhân quyền cho người Mỹ da đen Martin Luther King Jr. bị bắn chết khi đang đứng trước ban công phòng 306, khách sạn Lorraine Motel, thành phố Memphis, bang Tenessee, Mỹ.

Người bắn Luther King là James Earl Ray. Chỉ hơn 2 tháng sau đó, Ray bị bắt nhưng kéo theo hệ lụy là những cuộc biểu tình bạo loạn chống phân biệt chủng tộc của hàng chục triệu người…

Lý lịch bất hảo

Sinh ngày 10/3/1928 tại thành phố Alton, bang Illinois, Mỹ, James Earl Ray là con ông George Ellis Ray và bà Lucille Ray. Tháng 2/1935, đứng trước nguy cơ bị tù vì trộm cắp, cha của Ray dẫn gia đình trốn đến thành phố Ewing, bang Missouri rồi đổi tên thành Raynes để tránh bị truy nã. 15 tuổi, Ray bỏ học, lêu lổng trên đường phố cùng đám trẻ bụi đời. Đến cuối Thế chiến II, Ray gia nhập quân đội nhưng năm 1948, Ray bị sa thải vì thiếu khả năng thích nghi với cuộc sống tập thể.

Mục sư Luther King (thứ 2 từ phải qua) trên ban công khách sạn Lorraine, 1 ngày trước khi ông bị giết.

Năm 1949, Ray đi tù lần đầu tiên khi tham gia một vụ trộm ở bang California với mức án 18 tháng. Năm 1952, Ray lại bị 2 năm tù trong vụ cướp có vũ trang ở bang Illinois. Năm 1955, Ray lĩnh án 4 năm về tội lừa đảo khi đánh cắp các lệnh chuyển tiền ở Hannibal, bang Missouri. Năm 1959, Ray vào một cửa hàng bách hóa ở St. LouisKroger, bang Missouri, dùng súng uy hiếp nhân viên thu ngân để cướp 120USD. Bị bắt và do phạm tội nhiều lần, Ray bị kết án 20 năm tù giam.

Đầu năm 1967, khi đang thụ hình tại nhà tù Missouri, Ray trốn thoát bằng cách ẩn  mình trong chiếc xe tải chuyên vận chuyển bánh mì cho tù nhân. Bằng cái tên giả Eric Starvo Galt, Ray đi St. Louis, bang Illinois. Sau 1 tháng, Ray đến Chicago. Nhằm trốn tránh sự truy nã của Cảnh sát Liên bang FBI, không nơi nào Ray ở quá 2 tháng.

Tiếp tục lẩn trốn, Ray sang Canada, vòng vèo qua các thành phố Toronto, Montreal. Nghe ngóng tin tức trên báo chí và biết rằng việc trốn tù của mình đã lắng xuống, Ray quay về thành phố Birmingham, bang Alabama, Mỹ. Vẫn với cái tên giả, Ray mua chiếc xe hơi Ford Mustang đời 1966 rồi thi lấy bằng lái xe. Tiếp theo, Ray sang Mexico, ở thành phố Acapulco vài ngày trước khi đến thành phố Puerto Vallarta.

Ngày 16/11/1967, Ray rời Mexico về Mỹ. Tại thành phố Los Angeles, bang California, Ray theo học một lớp dạy pha chế rượu. Thời điểm này, chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên George Wallace đã tác động mạnh mẽ đến Ray, nhất là quan điểm kỳ thị chủng tộc, chống người Mỹ da đen. Để biểu lộ sự ủng hộ của mình, Ray tình nguyện tham gia chiến dịch vận động cho George Wallace tại khu vực phía bắc Holywood.

Ngày 5/3/1968, Ray phẫu thuật sửa mũi tại bệnh viện của Tiến sĩ Russell Hadley. Nửa tháng sau, khi vết mổ đã lành, Ray rời Los Angeles đến thành phố Atlanta, bang Georgia. Tại đây, hắn mua một tấm bản đồ thành phố. Khi vụ ám sát mục sư Luther King xảy ra, cảnh sát Liên bang Mỹ FBI tìm thấy tấm bản đồ này, trong đó nhà thờ - nơi mục sư King giảng đạo và nhà riêng của ông đã được Ray đánh dấu 

Diễn biến vụ ám sát

Ngày 24/3, Ray đến Birmingham, bang Alabama. Ngày 30/3, bằng cái tên giả Harvey Lowmeyer, Ray mua một khẩu súng trường Remem Model 760 Gamemaster và 20 viên đạn tại cửa hàng của Công ty Aeromarine. Bên cạnh đó, Ray còn mua một ống ngắm Redfield có độ phóng đại 7 lần. Giải thích với chủ cửa hàng, Ray nói anh ta chuẩn bị đi săn cùng anh trai.

Một cảnh sát bất lực đứng nhìn cả khu phố bị người biểu tình da đen đốt cháy.

Ngày 2/4/1968, Ray lái xe đến Memphis, bang Tennessee. 7 giờ 10 phút tối 3/4, hắn vào khách sạn New Rebel ở Whitehaven, Tennessee, sử dụng tên giả Eric S. Galt để thuê phòng ngủ. Sáng hôm sau, Ray đọc trên tờ Memphis Commercial và được biết mục sư Luther King đang ở khách sạn Lorraine.

Khoảng 3 giờ chiều, Ray rời New Rebel Motel, thuê một phòng trọ gần bãi đậu xe của khách sạn Lorraine nhưng căn phòng này lại quay về hướng tây, nơi ánh mặt trời chiếu vào, không thuận tiện cho việc ngắm bắn. Sau vài lần lựa chọn, hắn quyết định thuê phòng ở phía sau tòa nhà, đối diện với bãi đậu xe của khách sạn Lorraine và trả tiền thuê cả tuần.

4 giờ chiều, Ray rời khách sạn, đi mua một chiếc ống nhòm. 5 giờ 55 phút, qua ống nhòm, Ray phát hiện mục sư Luther King đứng ngoài ban công khách sạn Lorraine, trước cửa phòng 306. Lập tức, Ray lấy khẩu súng trường đi vào nhà tắm, đập vỡ tấm kính cửa sổ. Tiếp theo, Ray chỉnh súng, đặt mục tiêu vào tầm ngắm.

6 giờ 1 phút, Luther King nhờ Solomon Jones, tài xế của mình lấy cho ông chiếc áo khoác. Ngay lúc đó có tiếng súng nổ. Viên đạn Ray bắn trúng cằm mục sư King, làm gãy xương hàm rồi trổ xuống dưới, phá nát xương sống lưng và nằm lại ở phần cơ lưng bên trái. Chủ nhà trọ cho biết vài giây sau khi nghe tiếng súng, ông thấy có người chạy ra khỏi nhà trọ. Khẩu súng trường và chiếc ống nhòm được cảnh sát tìm thấy trên khu đất gần Công ty giải trí Canipe, đường South Main, trên đó in đầy dấu vân tay của Ray.

Vụ ám sát mục sư Luther King - đã từng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 1964 lập tức tạo ra một cơn địa chấn trên toàn nước Mỹ bởi lẽ người Mỹ da đen xem ông là biểu tượng cho việc đòi quyền bình đẳng với người da trắng. Hơn 100 cuộc biểu tình bạo động nổ ra tại nhiều thành phố lớn, kéo dài suốt nhiều tuần lễ.

Nhà cửa, xe cộ bị đập phá, đốt cháy, hàng trăm người thương vong trong các cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình. Để làm dịu cơn phẫn nộ của người Mỹ da đen và nhất là để xóa tan tin đồn rằng những kẻ cực đoan trong Chính phủ Mỹ đứng sau vụ ám sát, FBI chỉ còn cách duy nhất là bắt được thủ phạm.  

Về phía Ray, bắn xong mục sư Luther King, anh ta lái chiếc Ford Mustang quay lại thành phố Atlanta, bang Georgia để lấy một số hành lý gửi ở khách sạn trong lúc cảnh sát dựa vào lời khai của các nhân chứng, đã ra thông báo truy tìm chiếc xe Ford Mustang màu trắng, lái xe là đàn ông da trắng.

Dexter King (bên trái), con trai của Luther King lúc vào tù gặp Ray.

Lấy xong hành lý, Ray bỏ chiếc Ford Mustang tại một bãi đậu xe rồi lên xe buýt đi thành phố Detroit, bang Mississippi. Sau đó, Ray thuê một chiếc taxi đến biên giới Mỹ, Canada. Vẫn bằng cái tên giả Eric Starvo Galt, Ray sang thành phố Toronto, Canada. 

Tại khách sạn, sau khi tra cứu cuốn Niên giám Thương mại, Ray chọn được một thương nhân tên là Ramon George Sneyd, chưa từng làm hộ chiếu. Tiếp theo, Ray chụp ảnh và nhờ nhân viên lễ tân khách sạn làm hộ chiếu cho mình với tất cả chi tiết về nhân thân đều là của Ramon George Sneyd, lấy từ cuốn Niên giám Thương mại.

Cuối tháng 5/1968, Ray sang Anh bằng máy bay rồi đi Lisbon, Bồ Đào Nha. Sau đó anh ta lại trở về London. Ngày 8/6/1968, hai tháng sau cái chết của mục sư Luther King, Ray bị bắt tại sân bay Heathrow, London khi rời Vương quốc Anh để đến Brussels, Bỉ, vì lúc mua vé máy bay, nhân viên bán vé thấy tên Ramon George Sneyd trên hộ chiếu, nằm trong danh sách theo dõi của Cảnh sát Canada nên đã báo cho cảnh sát.

Tại sân bay Heathrow, viên chức Hải quan lúc kiểm tra hành lý của Ray đã tìm thấy một hộ chiếu khác dưới cái tên Harvey Lowmeyer - là tên mà Ray đã dùng để mua súng. Bị dẫn độ về bang Tennessee, Mỹ, với tội danh giết người, theo lời khuyên của luật sư Jack Kershaw, Ray thú nhận mình là thủ phạm để thoát án tử hình.

Có phải Ray là thủ phạm?

Ngày 10/3/1969, Ray bị tuyên phạt 99 năm tù giam. 3 ngày sau, Ray tuyên bố mình không giết Luther King bởi lẽ cũng theo sự cố vấn của luật sư Jack Kershaw, Ray tin rằng George Wallace, thống đốc bang Alabama sẽ đắc cử tổng thống. Với quan điểm phân biệt chủng tộc của George Wallace, Ray sẽ chỉ ở tù một thời gian ngắn khi phiên tòa xét xử vụ rút lại lời nhận tội diễn ra, Ray sẽ được tha. Tuy nhiên, người trở thành tổng thống Mỹ không phải là George Wallace, mà là Lyndon B. Johnson.

8 năm sau khi ở tù, ngày 10/6/1977, Ray cùng 6 tù nhân khác trốn thoát khỏi nhà tù Peny Mountain, hạt Petros, bang Tennesseenhưng chỉ 3 ngày sau, cả bọn bị bắt lại. Lần này, án phạt của Ray tăng lên 100 năm! Năm 1997, Dexter King, con trai của Martin Luther King vào nhà tù gặp Ray. Trong cuộc gặp gỡ, Dexter hỏi Ray: “Anh có giết cha tôi không?”. Đáp lại, Ray nói: “Không, không, tôi không làm việc đó”.

Khẩu súng Ray dùng để bắn Luther King.

Ngày 23/4/1998, Ray qua đời ở tuổi 70 tại bệnh viện Memorial Columbia Nashville, bang Tennessee vì chứng viêm gan siêu vi C. Theo Jerry, em trai Ray, Ray không muốn chôn cất trên đất Mỹ để phản đối “cái cách mà Chính phủ Mỹ đối xử với Ray”. Thi thể Ray được hỏa táng, tro cốt đưa về Ireland, quê hương của Ray.

Mặc dù kẻ sát nhân đã chết nhưng do yêu cầu của gia đình mục sư Luther King, ngày 26/8/1998, ông Janet Reno, Tổng Chưởng lý Mỹ đã ra lệnh mở một cuộc điều tra. Đến ngày 9/6/2000, Bộ Tư pháp Mỹ phát hành 150 trang báo cáo, bác bỏ việc có một âm mưu ám sát Luther King bởi lẽ theo những thông tin mà gia đình Luther King thu thập được, Edgar Hoover, giám đốc FBI đã ra lệnh đặt các thiết bị nghe lén trong nhà Luther King từ năm 1963!

Khi được hỏi về sự nghi ngờ của gia đình Luther King, một phát ngôn viên của FBI đã trả lời trong một tuyên bố chính thức, rằng Chính phủ Mỹ đã xem xét lại vụ ám sát 4  lần. Tất cả mọi tình tiết đều dẫn đến kết luận James Earl Ray hành động một mình, không ai hỗ trợ và giúp sức. Tuy nhiên câu hỏi sau khi trốn tù, tiền đâu để Ray làm phẫu thuật chỉnh hình, đi Canada, Mexico, rồi sau khi bắn mục sư Luther King, tiền đâu Ray đi Canada, Anh Quốc, Bồ Đào Nha, thuê khách sạn, ăn ở… thì không thấy nhắc đến. 

Theo James Lawson, mục sư ở thành phố Memphis thì ông bắt đầu vào nhà tù thăm Ray ngay sau khi Ray bị kết án 99 năm. Trong một lần gặp, Ray cho biết một người tên là Raul đã hướng dẫn cho Ray mua khẩu súng và chính Raul mới là kẻ bắn chết Luther King vì lúc King bị bắn, Ray đang ở một trạm xăng! Bernice King, con của Luther King  nói. “Tôi không tin Ray giết cha tôi. Thật khó để biết chính xác là ai. Tôi chắc chắn rằng đã có một âm mưu, từ chính phủ đến mafia. Phải có nhiều hơn một người tham gia vào chuyện này”.

Năm 1998, một người con của Luther King là Coretta King và gia đình đã thỉnh nguyện Tổng thống Bill Clinton mở lại cuộc điều tra. Vụ việc được Tổng chưởng lý Janet Reno giao cho Barry Kowalski, luật sư chuyên về dân quyền. Năm 2000, Kowalski kết luận Ray có tội và không có âm mưu nào từ chính phủ.

Ngày 4/4/2020, như thường lệ, gia đình Luther King lại tổ chức một lễ tưởng niệm tại Atlanta. Đúng 6 giờ 1 phút, là thời điểm Luther King bị ám sát, 52 hồi chuông rung lên để nhắc lại 52 năm King qua đời. Bernice King nói: “Tôi chắc chắn người giết cha tôi chưa bao giờ bị bắt…”.

Vũ Cao (theo Criminal History)
.
.