Vụ ám sát hụt Đại sứ Israel tại Anh dẫn đến cuộc chiến Liban năm 1982

Thứ Tư, 14/10/2015, 20:45
Vụ ám sát hụt Đại sứ Israel tại Anh, xảy ra tại khách sạn Dorchester, London, năm 1982, được giới nghiên cứu lịch sử Israel đánh giá là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Israel đưa quân tấn công miền Nam Liban và gây ra cuộc thảm sát kinh hoàng tại 2 khu trại tị nạn của người Palestine trên đất Liban. Cuộc chiến đó đã trở thành vết nhơ không bao giờ phai trong lịch sử Nhà nước Do Thái.

Đại sứ Shlomo Argov, 52 tuổi, rời khách sạn Dorchester trên phố Park Lane, khu Mayfair, nằm ở rìa Công viên Hyde, Tây London, sau khi dự một tiệc chiêu đãi ngoại giao tại đây. Đó là đêm 3/6/1982. Theo hồ sơ lưu trữ, một nhóm 3 người (1 người Palestine, 1 người Iraq và 1 người Jordan) thuộc tổ chức khủng bố của Abu Nidal - tổ chức cực đoan chống Do Thái và chống lại cả Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của ông Yasser Arafat - đã đón sẵn ngài Đại sứ bên ngoài khách sạn khi ông chuẩn bị bước vào xe ôtô riêng.

Đại sứ Israel tại Anh Shlomo Argov.

Vụ tấn công được cho là do Cơ quan Tình báo Iraq (IIS) chỉ đạo. Một người tên là Hussein Ghassan Said đã bắn 2 phát súng, phát thứ nhất trượt, phát thứ hai trúng vào đầu Đại sứ Argov. Ngay sau đó, Said đã bị cận vệ của Đại sứ Argov truy đuổi sang phố South Street và bắn hạ, 2 tên còn lại là Marwan al-Banna và Nawaf al-Rosan tẩu thoát trên chiếc ôtô đậu sẵn, nhưng sau đó đã bị bắt ở Liban. Hai tên này đã bị xét xử và tuyên án vào tháng 3-1983.

Ngay sau khi bị bắn, Đại sứ Argov được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quốc gia Giải phẫu thần kinh ở London. Sau đó, ông được chuyển viện và trải qua cuộc phẫu thuật não do chấn thương não nặng. Kết quả, Argov bị liệt toàn thân. Năm 2003, ông đã qua đời sau 21 năm nằm liệt một chỗ.

3 ngày sau khi xảy ra vụ ám sát hụt, ngày 6/6/1982, Thủ tướng Israel Menachem Begin đã ra lệnh mở chiến dịch mang mật danh "Hòa bình cho Galilee", một cuộc tiến quân rầm rộ tấn công miền Nam Liban. Ở Israel, cuộc tấn công trên được gọi là "Cuộc chiến Liban lần thứ nhất". Thủ tướng Israel Begin đã đánh đồng hoạt động khủng bố của tổ chức do Abu Nidal cầm đầu với cuộc đấu tranh của PLO và nhân dân Palestine nhằm tạo cớ tấn công PLO và các trại tị nạn của người Palestine trên đất Liban.

Ông Ariel Sharon, Tổng Chỉ huy Quân đội Israel trong cuộc chiến Liban năm 1982.

Sự gây hấn của Israel đã cuốn thêm Syria và một số đồng minh khác của Liban vào cuộc, tạo nên một trong những cuộc chiến quy mô lớn nhất tại Trung Đông. Tương quan lực lượng và khí tài cho thấy Israel vượt trội so với người Palestine, Liban và Syria gộp lại. Israel huy động 78.000 binh sĩ, 80 xe tăng, 1.500 xe thiết giáp và 634 máy bay chiến đấu; trong khi người Palestine chỉ có khoảng 15.000 binh sĩ, 80 xe tăng, 150 xe thiết giáp, 350 khẩu pháo và hơn 250 súng phòng không. Lực lượng Syria hỗ trợ Palestine bao gồm 22.000 binh sĩ, 352 xe tăng, 300 xe thiết giáp, 450 máy bay, 300 khẩu pháo, 100 súng phòng không và 125 tên lửa SAM.

Cuộc chiến Liban của Israel đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Sau tuần lễ đầu tiên, con số thương vong đã là 9.583 người, theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế ngày 14/6/1982. Sau tuần thứ hai, con số tăng vọt lên 14.000 người chết và 20.000 người bị thương, chủ yếu là dân thường. Trong cuộc vây hãm Beirut cuối tháng 8-1982, con số thương vong được đánh giá vào khoảng 6.776 người; con số này bao gồm cả nạn nhân trong vụ ném bom thủ đô Beirut vào ngày 4/6, trước khi Israel chính thức đưa quân vào Liban.

Tổng cộng, theo thống kê của quân đội Mỹ tại Liban, số người chết ở phía Palestine, người Liban cánh tả và người Syria vào khoảng 19.000 người và 30.000 người bị thương, đa số là dân thường; 80% làng mạc ở Nam Liban bị phá hủy.

Người Palestine tại các khu trại tị nạn Sabra và Shatila trong cuộc chiến Liban năm 1982.

Phía Israel, trong giai đoạn tiến hành cuộc chiến xâm lược và chiếm đóng miền Nam Liban từ tháng 6/1982 đến tháng 6/1985, đã có 657 binh sĩ thiệt mạng và 3.887 người bị thương; đến khi rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Liban vào tháng 5/2000, Israel thiệt mạng thêm 256 binh sĩ, tổng cộng số binh sĩ Israel thiệt mạng ở Liban lên đến 913 người.

Giới nghiên cứu lịch sử Israel cho rằng, tuy thắng về lực lượng, nhưng Israel lại thất bại về mặt chiến lược, vì đã không giải quyết được tận gốc vấn đề người Palestine, không đạt được mục tiêu ban đầu khi đưa quân vào Liban, mà còn vô tình tạo lợi thế cho đối thủ lớn: Syria.

Thất bại ê chề nhất của Israel chính là việc Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra vào hành động thảm sát dân thường Palestine tại 2 khu trại tị nạn Sabra và Shatila, ngoại ô Beirut, từ ngày 16 đến 18/9/1982. Cuộc thảm sát do lực lượng dân quân Phalange tiến hành theo mệnh lệnh của chỉ huy quân đội Israel, lúc đó do ông Ariel Sharon làm tổng chỉ huy, giết chết khoảng 3.500 dân thường người Palestine và Liban theo dòng Hồi giáo Shiite.

Kết quả cuộc điều tra vào năm 1983 của Ủy ban Seán MacBride đã cáo buộc Chính phủ Israel của Thủ tướng Begin phải chịu trách nhiệm cho vụ thảm sát. Ở Israel, một ủy ban điều tra khác có tên là Ủy ban Kahan cũng đưa ra kết luận ông Sharon phải chịu trách nhiệm cá nhân. Vì thế, ông Sharon đã phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Người Palestine chịu nhiều tổn thất sau cuộc chiến Liban. Ban lãnh đạo PLO đã buộc phải rời Beirut đến nơi trú đóng mới theo một thỏa thuận quốc tế. Đây được xem là một thất bại nặng nề về mặt chính trị đối với người Palestine.

Từ năm 1976, PLO đã đến Beirut trú ngụ và sử dụng thủ đô Liban như một căn cứ cho cuộc đấu tranh giành độc lập với Israel. Sau cuộc chiến Liban, người Palestine đã phải di chuyển nhiều nơi, ban đầu dự kiến là Ai Cập, theo đề nghị của Mỹ, nhưng Cairo không chấp nhận, vì thế PLO đã phải phân tán lực lượng khắp nơi, phần lớn di dời sang đảo Síp, kế đó là Jordan, Syria, Iraq, Sudan, Yemen, Hy Lạp và tổng hành dinh mới của PLO đặt ở Tunisia. Chỉ có Syria là bên thắng lợi nhiều nhất, cả về chiến lược lẫn chính trị. Cuộc chiến Liban đã tạo cho Syria một lợi thế về quân sự lẫn chính trị, được Liban cho phép đóng quân trên đất Liban và tiếp tục duy trì kể cả sau khi Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Liban (UNIFIL) rút đi.

Ngày nay, mỗi khi nhắc đến khách sạn Dorchester, những người từng một thời tham gia cuộc chiến Liban năm 1982, đặc biệt là người Israel, đều bị ám ảnh bởi sự tàn khốc và những hậu quả, tổn thất về chính trị, quân sự do nó để lại.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.