Israel và cuộc chiến truyền thông ở Gaza

Thứ Tư, 30/09/2015, 07:45
Tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Israel tiết lộ một video nhạo báng giới truyền thông nước ngoài là “ngây thơ và thiếu hiểu biết” khi xúi giục tổ chức Hiệp hội Báo chí Nước ngoài (FPA) ở Israel đả kích cơ quan cấp bộ này.

FPA, trụ sở tại Tel Aviv, cho biết họ rất “ngạc nhiên và lo ngại” trước quyết định của Bộ Ngoại giao Israel khi công bố video chế nhạo hoạt động đưa tin của truyền thông nước ngoài về cuộc chiến tranh ở Gaza năm 2014.

Đồng thời, FPA nhấn mạnh: việc công bố video lên trang YouTube như thế là vô nghĩa và phá hoại vì đây là hành động không tôn trọng báo chí nước ngoài cũng như sự tự do hoạt động báo chí ở Gaza.

Binh sĩ Israel đe dọa một nhà báo.

Thời gian tiết lộ đoạn video trùng hợp với một bức thư của Robert Mahoney, Phó giám đốc Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), được công bố trên nhật báo Israel Haaretz trong đó chỉ trích chính quyền Israel đối xử không công bằng với các nhà báo. Mahomey viết trong bức thư: “Trong năm diễn ra nhiều cuộc điều tra, chúng tôi vẫn còn chưa biết toàn bộ sự thật đằng sau số phóng viên và nhân viên truyền thông thiệt mạng trong suốt chiến dịch Protective Edge của Israel ở Gaza”.

Theo bức thư của Mahoney, Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể không thừa nhận báo cáo mới nhất của Ủy ban Điều tra Độc lập Liên Hiệp Quốc về Gaza khi cho rằng nó “thiếu sót và thiên vị”, song Israel không thể chối bỏ trách nhiệm về cái chết của những nhà báo này trong cuộc xung đột bạo lực kéo dài 50 ngày.

Trung tâm Truyền thông Quốc tế về Trung Đông (IMEMC) báo cáo có 17 nhà báo bị giết chết ở Gaza, trong khi Tổ chức Các nhà báo Không biên giới (RWB, hay RSF theo tiếng Pháp) cung cấp con số 15 người chết trong đó phần đông là người Palestine. Tuy nhiên, những con số này không bao gồm số lượng lớn các nhà báo Palestine bị thương khi họ thường xuyên là mục tiêu tấn công của lực lượng an ninh Israel. FPA vẫn thường than phiền về sự tấn công bừa bãi của lực lượng an ninh Israel nhằm vào các nhà báo Palestine và nước ngoài.

Nhà báo Nidal Shtayyeh bị hỏng mắt trái.

Trong một bài nói chuyện, FPA tuyên bố: “FPA mạnh mẽ lên án hành vi ngược đãi của lực lượng an ninh Israel đối với các phóng viên đưa tin hàng tuần về cuộc phản kháng ở Nebi Salah. Trong suốt cuộc xung đột này, binh lính Israel thường xô đẩy, lăng mạ và đánh đập các phóng viên ảnh ngay tại hiện trường tác nghiệp. Trong một vụ việc được quay video, một binh sĩ Israel đã ném đá vào một phóng viên của Hãng tin AFP, sau đó còn vật ngã anh ấy xuống đất trong khi không có bất cứ sự khiêu khích nào từ phía nhà báo này. Đây không phải là lần đầu tiên các thành viên của chúng tôi bị đối xử như thế”.

Jaffer Shtayyeh, phóng viên ảnh Palestine làm việc cho AFP cho biết: “Bọn họ dọa dẫm chúng tôi và cố tình ngăn cản không cho chúng tôi làm việc. Bọn họ đặc biệt có thái độ thù địch đối với nhà báo Palestine bởi vì chúng tôi đưa tin phần lớn những sự kiện ở Bờ Tây và Gaza, thường thì những lúc đó không có mặt giới truyền thông nước  ngoài”.

Shtayyeh, 47 tuổi, cha của 6 đứa con, cho biết ông bị binh sĩ Israel đánh bằng dùi cui đến gãy cánh tay trong ngôi làng Kafr Qaddoum ở phía bắc Bờ Tây cách đây vài năm. Kamal Qaddouni, phóng viên ảnh 25 tuổi ở địa phương, cho biết cũng tại cùng ngôi làng này khi cùng với nhóm thanh niên Palestine xảy ra va chạm với lực lượng an ninh Israel, anh đã bị đánh gãy ngón tay. Phóng viên ảnh Nidal Shtayyeh của Hãng tin Xinhua, Trung Quốc, nói anh bị mất đến 70% thị lực mắt trái sau khi bị binh sĩ Israel bắn đạn cao su vào mặt trong cuộc phản kháng nhỏ gần Nablus ở phía bắc Bờ Tây.

Nidal đã 2 lần xin phép – một lần thông qua Tổ chức Chữ thập đỏ và lần khác qua một luật sư – chính quyền Israel cho anh vào Jerusalem để điều trị tại Bệnh viện mắt St John ở Đông Jerusalem vì không có chuyên gia ở Bờ Tây. Tuy nhiên, yêu cầu của Nidal đã bị Israel từ chối mà không đưa ra bất cứ lý do nào. Quân đội Israel cũng quy định bắn đạn hơi cay theo vòng cung hướng lên trên từ khoảng cách an toàn để tránh những thương tổn nghiêm trọng.

Bất chấp những nguy cơ luôn rình rập, các nhà báo Palestine vẫn xông xáo trong công việc của họ. Shtayyeh thừa nhận: “Chúng tôi có nguy cơ bị tấn công thể xác gây tổn thương nghiêm trọng và thậm chí mất mạng. Chúng tôi cảm nhận được sự nguy hiểm mỗi khi cố gắng đưa tin về một sự kiện. Tuy nhiên, sứ mạng thu thập thông tin là quan trọng và tôi yêu công việc của tôi”.

Di An (tổng hợp)
.
.