Chuyện cảm động về 300 người Do Thái thoát khỏi “lưỡi hái” Phát xít Đức

Thứ Tư, 08/03/2017, 07:00
Lòng dũng cảm khó tin của một giám đốc sở thú và vợ ông đã cứu mạng sống của 300 người Do Thái ở Warsaw, Ba Lan khỏi tay phát xít Đức. Cặp vợ chồng này đã được khắc họa trong bộ phim bom tấn mới do nữ diễn viên giành giải Quả cầu vàng Jessica Chastain thủ vai.


Thân người, phận thú

Hai vợ chồng giám đốc sở thú là Jan và Antonina Zabinski. Họ quản lý sở thú Warsaw suốt Thế chiến hai và tạo ra một loạt nơi trú ẩn bí mật cho người Do Thái đang chạy trốn các “biệt đội tử thần” của phát xít.

Nhiều người từng sống sót nhờ vợ chồng người trông sở thú đã kể lại câu chuyện của họ với tờ Daily Mail. Một trong số đó là Moshe Tirosh, người tới sở thú Warsaw vào mùa đông giá lạnh năm 1934 và không biết mình còn sống được bao lâu nữa.

Bà Antonina cùng chồng là Jan Zabinski đã cứu được nhiều người Do Thái.

Thoát khỏi nỗi kinh hoàng của khu ổ chuột, ông Tirosh và gia đình đã tìm đường về thủ đô Warsaw. Trong lúc trốn các đội quân phát xít Đức, họ đã vào một sở thú và gặp hai vợ chồng Giám đốc Zabinski. Trong suốt 3 tuần tiếp đó, bố mẹ ông Tirosh trốn trong chuồng khỉ, còn ông và em gái sống trong tầng hầm căn nhà của ông bà Zabinski. Cả nhà họ đã sống sót. Đối với ông Tirosh và gia đình cũng như nhiều người khác, sở thú và nhà của ông bà Zabinski đã trở thành “con tàu Noah” thời hiện đại.

Đang ở quê nhà ở Israel, ông Tirosh 80 tuổi đã kể lại quãng thời gian ở Warsaw. Sau khi trốn khỏi khu ổ chuột bằng cách chui vào các bao tải, ông Tirosh và gia đình đã trèo qua tường và tới nhà ông bà Zabinski ở sở thú. Tại đây, ông không còn lo đói nữa vì được bà Zabinski chăm sóc như mẹ, cho cả gia đình ông cảm giác tin cậy và an toàn. Ông kể: “Tôi dành toàn bộ thời gian ở cạnh em gái. Mọi việc tôi cần đảm bảo là sao cho con bé không khóc hay hét lên”. Ông nói rằng khi đó ông 6 tuổi và phải dùng tay để bịt miệng cô em gái 4 tuổi suốt nhiều giờ liền. Đến nỗi, bây giờ mỗi khi ông lại gần em gái, bà lại tự động lùi lại như thể sắp bị anh trai bịt miệng. Thời đó, hai anh em họ không thể ra ngoài vì quá nguy hiểm nên suốt ngày phải ẩn nấp. Ông vẫn nhớ lời bố: “Để sống, con cần phải rất yên lặng”.

Trong thời gian ở hầm nhà ông bà Zabinski, ông Tirosh chứng kiến nhiều người ra vào liên tục, ở một đêm hay lâu hơn. Dù cả nhà trốn suốt 3 tuần ở sở thú, anh em ông Tirosh chỉ được gặp bố mẹ có một lần. Lần đó, bà Zabinski đưa bố mẹ lên gác gặp hai con vài phút rồi lại quay về chỗ trốn trong chuồng khỉ. Họ được con trai của ông bà Zabinski là Ryszard mang thức ăn 3 lần mỗi ngày. Ryszard cũng mang cả chất thải của khách ra ngoài và chăm sóc họ.

“Go to Crete” và “Mazurka”

Teresa Zabinska-Zawadzki, con gái của vợ chồng Zabinski nay đã 73 tuổi, kể lại: “Nếu quân Đức biết bố mẹ tôi đang làm gì, họ sẽ bị hành quyết và tất cả chúng tôi cũng vậy”. Bà Teresa cho biết bố đã đưa mọi người ra khỏi khu ổ chuột, còn mẹ cho họ chỗ trú thân trong nhà. Khi quân Đức tới, mẹ sẽ bật một vở nhạc kịch tên là Go to Crete để báo động cho mọi người biết nguy hiểm cận kề.

Mỗi khi nghe thấy vở nhạc kịch, các vị khách Do Thái trong nhà ông bà Zabinski sẽ vào nơi trốn. Người trốn trên gác mái, người trong tủ quần áo. Có người lại bò qua đường hầm bé xíu ở tầng hầm để ra vườn, rồi trốn trong các bụi cây, chuồng thú.

Mật vụ và lính Đức thường xuyên tới nhà của ông bà Zabinski. Chỉ khi nào bóng dáng chúng đã mất dạng, bà Zabinski mới bật bản nhạc Mazurka của Chopin để báo hiệu đã an toàn và họ có thể rời chỗ trốn. Thời điểm nào cũng vậy, luôn có khoảng 15 người trốn trong các chuồng thú và trong tầng hầm căn nhà.

Vào thời đỉnh cao, sở thú Warsaw là một trong những sở thú lớn nhất châu Âu và tự hào vì là nơi có voi con duy nhất được sinh ra trong môi trường nuôi nhốt ở Ba Lan. Tuy nhiên, khi trùm phát xít Đức Adolf Hitler tấn công thủ đô Warsaw đầu Thế chiến hai, phần lớn động vật trong sở thú đã chết vì trúng bom. Số khác bị phát xít Đức bắn chết trong các cuộc săn thú ngẫu hứng. Chúng cầm súng máy nã vào bất kỳ động vật nào mà chúng cho là không có giá trị. Những con vật hiếm nhất và đẹp nhất bị gom lại và đưa tới khu bảo tồn Schorfheide gần thủ đô Berlin của Đức và ở gần biên giới với Ba Lan.

Người du kích Ba Lan

Tại thời điểm gia đình ông Tirosh tới sở thú, nơi đây không còn giống sở thú nữa vì phần lớn động vật đã bị giết. Sở thú chỉ còn các chuồng trống không và người Do Thái trải rơm, đệm cũ để nằm tạm.

Tuy nhiên, ông Jan Zabinski quyết tâm vận hành sở thú vì giá trị của nó với phong trào kháng chiến. Bản thân ông là một trung úy của tổ chức kháng chiến ngầm Polish Underground. Ông đã biến sở thú thành một trang trại lợn và bắt đầu tuồn trộm thịt lợn vào khu ổ chuột của người Do Thái - nơi hơn 83.000 người chết vì đói và bệnh tật từ năm 1940 đến 1942.

Được bổ nhiệm làm người trông nom các công viên công cộng ở Warsaw, ông Zabinski đã thuyết phục người Đức cho ông vào khu ổ chuột Do Thái để chăm sóc khuôn viên cây xanh. Ngoài việc tuồn thức ăn cho người Do Thái, ông bắt đầu tổ chức cho họ trốn và giấu họ trong nhà mình ở sở thú. Họ được đặt cho biệt danh tên các động vật để tránh bị người ngoài nghi ngờ.

Gia đình ông Tirosh có biệt danh là “sóc”. Một người đàn ông Do Thái tị nạn trong sở thú là Maurycy Pawel Fraenkel thì có biệt danh “chuột đồng” vì người này có một con chuột đồng cảnh.

Theo bà Teresa, bố mẹ bà chỉ là những người bình thường nhưng làm được việc phi thường. Sau chiến tranh, ông Zabinski thường nói khiêm tốn rằng vợ chồng ông chỉ làm những gì cần làm.

Trong tháng 3, bộ phim về vợ chồng Zabinski dựa theo cuốn sách “The Zookeppers Wife (Vợ người trông sở thú) của tác giả Diane Ackerman xuất bản năm 2007 sẽ ra mắt tại Warsaw. Ông Jonny Daniels thuộc quỹ từ thiện From the Depths nói: “Gia đình Zabinski đã cứu hơn 300 người. Lòng dũng cảm tuyệt đối của họ khi đối mặt với cái chết nếu bị bắt là điều không thể đong đếm được”.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.