Wikileaks tiết lộ hàng trăm ngàn hồ sơ mật về Arập Xêút
- Wikileaks tiếp tục tiết lộ nhiều thông tin 'động trời'
- Paris vẫn không cho ông chủ WikiLeaks tị nạn
- Cuộc sống trong Đại sứ quán Ecuador qua lời kể của ông chủ WikiLeaks
- Tiết lộ về nguôn tài chính của Wikileaks
- Sarah Harrison: Người phụ nữ bí ẩn của ông chủ Wikileaks
- Ông chủ WikiLeaks lập chính đảng tranh cử Quốc hội ở Australia
Theo các tài liệu rò rỉ, chính quyền Arập Xêút sử dụng tiền dầu mỏ để tài trợ cho một số chính khách tại các quốc gia khác - như là Samir Geagea người Liban thân Israel - và mua sự cam kết ủng hộ lợi ích Riyadh từ các cá nhân cũng như tổ chức.
Các tài liệu cũng tiết lộ chính quyền Riyadh gián điệp cộng đồng du học sinh Arập Xêút ở nước ngoài. Trong thế giới Arập, các tài liệu mật đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tờ Al-Akhbar của Liban cũng đồng hành với Wikileaks để công khai số tài liệu này. Tuy nhiên, toàn bộ số tài liệu trên vẫn chưa được xác minh một cách độc lập về tính chân thực của chúng.
Arập Xêút chi tiền cho các tổ chức truyền thông Trung Đông để mua thông tin
Tiết lộ từ Wikileaks cho thấy Arập Xêút đã sử dụng đồng tiền dầu mỏ của mình để gây ảnh hưởng đến các tổ chức truyền thông và nghiên cứu trong khắp thế giới Hồi giáo.
Ví dụ, vào năm 2012 Vua Abdullah phê chuẩn gói trợ giúp 2 triệu USD cho mạng truyền hình MTV của Liban với điều kiện cơ quan này phải chống lại những thông tin thù địch chống Arập Xêút và mời những nhân vật của nước này tham gia các chương trình phỏng vấn trên truyền hình. Ban đầu, Giám đốc MTV đề nghị viện trợ 20 triệu USD song Ngoại trưởng Arập Xêút Saud al-Faisal - người giữ chức vụ này trong gần 40 năm trước khi rời khỏi chiếc ghế hồi tháng 4/2015 - có ý kiến chỉ nên chấp nhận dưới 5 triệu USD và cung cấp làm 4 lần trong thời gian 2 năm.
Ngoại trưởng Arập Xêút Saud al-Faisal. |
Điều đó cho phép Riyadh đánh giá MTV vào mỗi 6 tháng để xem họ có tuân thủ giao ước hay không. Người phát ngôn cho MTV và tân Ngoại trưởng Ghayath Yazbeck từ chối bình luận về tiết lộ này.
Nhật báo Al-Akhbar chỉ trích Arập Xêút, mới đây mô tả hành động của Riyadh là "mua sự im lặng". Các tài liệu cho thấy giới chức Arập Xêút cung cấp những chuyến bay miễn phí đến quê hương của các đền thờ thiêng liêng nhất của đạo Hồi - cho những đồng minh trong giới truyền thông hoặc sẵn sàng trừng phạt bất cứ ai dám đi ngược lại lợi ích của họ. Ví dụ, Wael el-Obrashi - khách mời trong chương trình phỏng vấn của một đài truyền hình hàng đầu Ai Cập - bị loại khỏi danh sách những nhân vật hàng đầu trong giới truyền thông Ai Cập được bay miễn phí đến Arập Xêút do ông ta chống lại lợi ích của vương quốc dầu mỏ này.
Một vài nhân vật tiếng tăm trong giới truyền thông Arập nhận tiền tài trợ để chia sẻ thông tin về những âm mưu chống lại Arập Xêút . Đại sứ Arập Xêút ở Ai Cập phản đối Naguib Sawiris - người sở hữu mạng truyền hình ONTV - về sự xuất hiện của nhân vật đối lập Saad al-Faqih trong một chương trình phỏng vấn.
Năm 2010, chính quyền Riyadh "đóng góp" bộn tiền cho các phương tiện truyền thông chấp nhận làm đồng minh của họ - tổng cộng 13.000 USD cho Mauritania, Jordan nhận 24.500 USD, tạp chí không mấy nổi tiếng al-Khaleej của Liban nhận 10.000 USD và Kuwait được chi hơn 80.000 USD. Riyadh cũng dùng tiền dầu mỏ của mình để chi cho 2 tờ báo tiếng Arập ở Canada 36.000 USD cho mỗi tờ trong thời gian 5 năm, với điều kiện họ phải đối phó với những bài báo chống chính quyền Arập Xêút của một tuần báo đặt trụ sở tại Toronto được thành lập bởi một tổ chức quốc tế của người Hồi giáo dòng Shiite.
Năm 2010, Riyadh cũng dùng tiền để gây áp lực buộc vệ tinh Arabsat ngưng hỗ trợ phát sóng cho mạng thông tin Al-Alam bằng tiếng Arập của Iran. Tuy nhiên, Al Alam tuyên bố đã hồi phục được hoạt động của mình từ Arabsat vào tháng 3/2013.
Arập Xêút tài trợ cho các ngôi trường Hồi giáo ở Canada
Theo các tài liệu mật rò rỉ từ Wikileaks, trong 2 năm 2012 và 2013 giới chức Riyadh đã tài trợ 211.000 USD cho một trường học Hồi giáo - Ottawa Islamic School (OIS) - ở thủ đô Ottawa của Canada và 134.000 USD cho Trường Olive Grove School ở thành phố Mississauga, bang Ontario, Canada. Mới đây, cả hai ngôi trường này đều khẳng định họ cần tài trợ để xây dựng, mua các thiết bị dạy học mới nhưng phủ nhận chính quyền Arập Xêút đã tài trợ cho họ! Họ cũng tuyên bố chỉ chấp nhận những khoản tiền quyên tặng không kèm theo điều kiện.
Wikileaks công bố tài liệu mật về Arập Xêút. |
Sharaf Sharafeldin, Giám đốc điều hành Hiệp hội Hồi giáo Canada (MAC), nhấn mạnh: "Đó không phải là cách chúng tôi hoạt động. Chúng tôi có cách riêng để làm mọi thứ". MAC quản lý một số nhà thờ Hồi giáo và các ngôi trường Hồi giáo tư nhân trong đó bao gồm Trường Olive Grove có khoảng 1.200 học sinh. Sharaf cũng cho biết, tổ chức của ông đề nghị sự hỗ trợ tài chính từ Arập Xêút sau khi nghe nói các nhóm Hồi giáo khác ở Canada đã có hành động tương tự.
Các khoản tiền quyên tặng cho mạng lưới trường học tư nhân ở Canada là hợp pháp, song giới chức Riyadh bị buộc tội cố gắng sử dụng đồng tiền có được từ dầu mỏ để truyền bá dòng Hồi giáo Sunni hà khắc Wahhabist đến Canada. Và cũng từ đó mở đường cho sự xâm nhập của học thuyết Arập Xêút.
Thật ra, các khoản tiền quyên tặng cho những ngôi trường thuộc các tôn giáo khác nhau - bao gồm Hồi giáo, Sikh, Hindu, Do Thái và Thiên Chúa giáo - ở Canada hiếm khi được đề cập công khai. Những ngôi trường tôn giáo này hoạt động bên ngoài hệ thống trường công cho nên không có ngân quỹ của người đóng thuế mà chỉ dựa vào học phí của học sinh - điều đó có nghĩa là việc gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính là sự việc khó thể tránh khỏi. Ví dụ, OIS cần tiền để mở rộng thêm không gian cho ngôi trường trị giá xấp xỉ 4 triệu USD.
Quỹ tài trợ Arập Xêút dành cho dự án của OIS được đề cập trong một tài liệu của Bộ Tài chính nước này với tựa đề "Hỗ trợ tài chính cho Ottawa Islamic School". Số tiền 211.000 USD tài trợ cho OIS cũng bao gồm khoản đóng góp từ Bộ Ngoại giao và tổ chức Từ thiện Hồi giáo và Truyền giáo của Arập Xêút.
Trong vòng 8 tháng qua, Ủy ban An ninh quốc gia Quốc hội Canada bàn cãi về ảnh hưởng của sự tài trợ từ Riyadh trong các cộng đồng Hồi giáo tại nước này. Thượng nghị sĩ phe bảo thủ Daniel Lang, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia, phát biểu: "Chúng ta nên lo ngại về mọi khoản tiền tài trợ đến từ nước ngoài". Theo một số nhà quan sát, chính quyền Ottawa nên đặc biệt lưu ý đến sự phát triển mạnh của mạng lưới trường học tôn giáo tư nhân. Bà Lois Sweet, tác giả cuốn sách xuất bản năm 1997 tựa đề "Thượng đế trong lớp học", cho rằng hệ thống trường học tôn giáo tư nhân tạo nên một loại "chủ nghĩa Apartheid tôn giáo".
Thỏa thuận hợp tác tình báo bí mật giữa Arập Xêút và Australia
Các chi tiết về hợp tác chống khủng bố giữa Australia và Arập Xêút - ký kết vào năm 2011 giữa 2 quốc gia - được giữ bí mật tuyệt đối từ lâu. Tuy nhiên, mới đây có lẽ do sự rò rỉ tài liệu mật từ Wikileaks mà một người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao Australia hơi bất thường khi tuyên bố sự hợp tác song phương giữa Riyadh và Canberra nhằm "mở rộng bàn luận và trao đổi huấn luyện giữa các giới chức có liên quan" nhất là trong bối cảnh hiện nay về mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Một công dân Arập Xêút đang đọc báo Asharq al-Awsat tại thủ đô Riyadh. |
Nằm trong chương trình hợp tác tình báo này là Đơn vị Tình báo Tài chính Arập Xêút (FIU) - Cơ quan chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài trong đó bao gồm Cơ quan chống rửa tiền của Australia (AUSTRAC). Cơ quan Tình báo mật Australia (ASIS) cũng có trạm liên lạc ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) để hợp tác với Cơ quan Tình báo đối ngoại Arập Xêút (GID hay GIP). Theo các tài liệu mật ngoại giao của Mỹ được Wikileaks công bố trước đây, GID hợp tác chặt chẽ với Mabahith hay GDSSI - Cơ quan mật vụ của Bộ Nội vụ Arập Xêút.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) khẳng định chương trình hợp tác tình báo chống khủng bố của nước này với bất cứ đối tác nước ngoài nào khác đều "trước sau như một tuân thủ những chuẩn mực nhân quyền và chính sách của Australia". Tuy nhiên, theo tài liệu mật Arập Xêút được Wikileaks tiết lộ, các vấn đề nhân quyền trong mối quan hệ hợp tác song phương giữa Riyadh và Canberra chỉ được tuân thủ một cách tương đối. Cũng theo Wikileaks, Arập Xêút ủng hộ giáo sư khoa luật James Crawford của Australia vào chiếc ghế thẩm phán Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở thành phố The Hague của Hà Lan.
Đổi lại, chính quyền Australia ủng hộ Arập Xêút được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC). Giáo sư Crawford đắc cử vào ICJ tháng 11/2014, còn Arập Xêút cũng được bầu vào UNHRC và hiện đang vận động hành lang để giành chiếc ghế chủ tịch tổ chức này vào năm 2016 - một động thái mà Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) mô tả là "cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài" đe dọa niềm tin vào tổ chức nhân quyền cao nhất của Liên Hiệp Quốc.
Bằng chứng từ Wikileaks cho thấy Đại sứ quán Arập Xêút tại Australia dính líu sâu vào đời sống tôn giáo và chính trị trong các cộng đồng Hồi giáo ở đất nước chuột túi, với mục đích đặc biệt là phổ biến và củng cố nhánh Wahhabist hà khắc của dòng Hồi giáo Sunni. Giới chức Riyadh cũng có những nỗ lực dùng tiền dầu mỏ lên đến 40.000 USD gây ảnh hưởng đến báo chí tiếng Arập ở Australia.
Đại sứ quán Arập Xêút cũng chú ý đến các hoạt động của cộng đồng du học sinh nước này ở Australia và lập báo cáo gửi về cho Mabahith - cơ quan mật vụ này cũng cố vấn cho giới chức Riyadh về những khoản tiền tài trợ để xây dựng các nhà thờ Hồi giáo và ủng hộ mọi hoạt động của cộng đồng Hồi giáo ở Australia. Ngoài ra, chính quyền Arập Xêút cũng mở rộng hoạt động gây ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục cao của Australia - Đại học Melbourne, Đại học Griffith và Đại học Tây Sydney. Hơn 10.000 sinh viên Arập Xêút đang học tập tại các trường đại học cũng như các viện giáo dục khác ở Australia. Và, hàng ngàn người Hồi giáo Australia mỗi năm đều hành hương đến thành phố thánh địa Mecca trên lãnh thổ Arập Xêút.
Những tiết lộ về hoạt động của đại sứ quán nước ngoài tại Australia được coi là cực kỳ hiếm và điều đó chỉ xảy ra 2 lần. Thứ nhất là trường hợp Đại sứ quán Liên Xô theo dõi Vladmir Petrov, kẻ phản bội KGB xin tị nạn chính trị tại Australia năm 1954. Trường hợp thứ hai là hậu quả của việc Wikileaks công bố các tài liệu ngoại giao Mỹ vào năm 2010. Cả hai trường hợp đếu cho thấy các chính quyền nước ngoài quan tâm một cách sâu sắc vào mọi vấn đề nội bộ của Australia, đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin tình báo đồng thời gây ảnh hưởng đến nước này.