Chuyên gia tâm lý học tham gia cố vấn cho cơ quan tình báo

Thứ Tư, 16/09/2015, 14:50
Theo một tài liệu mật dài 42 trang đề ngày 10/3/2011 của nữ tiến sĩ tâm lý học Mandeep K. Dhami bị rò rỉ, chuyên gia này đã cung cấp cho JTRIG (Đội Tình báo nghiên cứu mối đe dọa chung) của Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) những lời khuyên huấn luyện tâm lý, những kết quả nghiên cứu cá nhân liên quan đến tâm lý với mục đích giúp cải thiện và tăng tính hiệu quả của đơn vị tình báo.

Các chiến dịch của JTRIG được đánh giá là “bẩn” và mục tiêu không chỉ là bọn khủng bố, chiến binh nước ngoài, tội phạm và hacker mà còn bao gồm cả dân thường. Sau khi tài liệu mật của Mandeep Dhami - được công bố vào tháng 6 vừa qua, bà đã bị một số đồng nghiệp chỉ trích dữ dội về vấn đề đạo đức.

Những quan điểm trái chiều

Tài liệu của Mandeep Dhami mang tựa đề "Hỗ trợ khoa học hành vi cho tính hiệu quả trong các chiến dịch HUMINT (tình báo con người) trực tuyến của JTRIG". Trước đây, Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) cũng từng đau đầu về cáo buộc các thành viên của mình dính líu sâu vào chương trình tra tấn tù nhân gây tranh cãi của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) dưới thời Tổng thống George W. Bush sau ngày 11/9/2001.

3 năm sau, sau khi một số hình ảnh của vụ bê bối tra tấn ở nhà tù Abu Ghraib gây chấn động thế giới, APA thừa nhận họ có tham gia vào những cuộc điều tra của chính quyền Mỹ. Một sự thay đổi trong quy tắc đạo đức của APA được thông qua lần đầu tiên vào tháng 8/2012 cho phép các nhà tâm lý học đáp ứng yêu cầu của luật pháp trong những vụ việc mà về nguyên tắc có thể không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức.

Nữ tiến sĩ Mandeep K. Dhami (Ảnh trái) và tiến sĩ Stephen Soldz.

Sau đó, Bộ Tư pháp của chính quyền Tổng thống George W. Bush cho lưu hành tài liệu về tra tấn (lúc đó còn nằm trong bí mật) nhấn mạnh: Các nhà điều tra có thể tránh bị truy tố về tội sử dụng hình thức tra tấn nếu họ tin tưởng vào "sự cố vấn của các chuyên gia" sẽ không dẫn đến "tác hại tâm thần kéo dài". Mandeep Dhami là thành viên Phân hội 9 (Hội Nghiên cứu tâm lý và các vấn đề xã hội) của APA trong khoảng thời gian biên soạn bản tài liệu cố vấn. Một đại diện của Phân hội 9 APA cho biết: Dhami ngưng đóng hội phí vào năm 2013 cho nên không còn được coi là thành viên của APA nữa.

Vai trò cố vấn cho JTRIG của Dhami mặc dù khác hẳn với APA, song việc hợp tác với Cơ quan tình báo Anh của bà cũng làm dậy lên làn sóng chỉ trích và bất bình trong giới đồng nghiệp. Một số chuyên gia tâm lý học, như tiến sĩ Stephen Soldz, thẳng thắn chỉ trích GCHQ và vai trò cố vấn của Mandeep Dhami là "cực kỳ vô đạo đức", "vi phạm nghiêm trọng" chuẩn mực đạo đức của ngành tâm lý học. Stephen Soldz là đồng sáng lập Liên minh Tâm lý học đạo đức và là đồng tác giả 2 báo cáo về vai trò của các chuyên gia y tế trong chương trình tra tấn của CIA.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến bảo vệ hoạt động hỗ trợ cho các chiến dịch tâm lý, cho rằng đó là trách nhiệm cần thiết để giúp ngăn ngừa chiến dịch mang tính bạo lực của các cơ quan tình báo. Trong khi đó, Công ty luật Schillings của Anh được thuê đại diện cho Dhami thì: "Công việc của thân chủ chúng tôi là tập trung giúp đỡ GCHQ hiểu một cách chính xác ngành khoa học tâm lý và áp dụng nó có trách nhiệm". Về phía mình, Đại học Middlesex cũng lên tiếng bênh vực cho Dhami, cho rằng bà luôn hành động tuân theo những tiêu chuẩn của Hội Tâm lý học Anh (BPS).

Các chuyên gia tâm lý học được Dhami nhắc đến không chỉ trích chuyên gia này mà chỉ khẳng định họ không kiểm soát được việc bà sử dụng nguồn tài liệu của họ. Chuyên gia tâm lý học Susan Fiske phát biểu: "Bất cứ ai cũng có thể mua sách của tôi. Khi viết một cuốn sách giáo khoa, thì nó đã thuộc về quần chúng và bất cứ ai cũng có thể sử dụng. Tôi không kiểm soát được những gì sẽ xảy ra sau khi cuốn sách được xuất bản". Joseph Forgas, giáo sư tâm lý học Đại học New South Wales ở Australia, cũng có tác phẩm được nêu trong tài liệu của Dhami. Ông phản ứng: "Bất cứ ai cũng có thể sử dụng nghiên cứu đã xuất bản. Nếu có vấn đề đạo đức ở đây, thì trách nhiệm thuộc về chính quyền bởi lẽ họ phải giám sát các hoạt động như thế".

Những chiến thuật gây tranh cãi của JTRIG

Trong tập tài liệu này, Mandeep Dhami cố vấn cho JTRIG cách cải thiện phương pháp hoạt động để đạt được các kết quả mong muốn, như ứng dụng các lý thuyết cũng như nghiên cứu về bộ môn tâm lý học. Tài liệu của Dhami còn liệt kê các yêu cầu huấn luyện đặc biệt dành cho đội ngũ nhân viên JTRIG.

Tài liệu mật về chương trình "Royal Concierge".

Sự tồn tại của JTRIG lần đầu tiên được NBC News nêu ra vào tháng 2/2014 thông qua những hồ sơ mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị Edward Snowden tiết lộ. JTRIG của GCHQ chịu trách nhiệm về một số chiến thuật gián điệp gây tranh cãi nhất của chính quyền Anh. JTRIG cũng dính líu đến các nỗ lực chống các nhóm chính trị được coi là "cực đoan", hoạt động của người Hồi giáo trong các trường học, tội phạm buôn lậu ma túy, lừa đảo trực tuyến và gian lận tài chính. Các tài liệu rò rỉ từ Edward Snowden cho thấy JTRIG nhanh chóng phát triển những "mưu đồ bẩn thỉu" như sử dụng mỹ nhân kế để làm mất uy tín các đối tượng mục tiêu, tiến hành những cuộc tấn công từ chối dịch vụ DDOS để đánh sập các chatroom trên Internet, đẩy mạnh tuyên truyền trên các mạng xã hội.

JTRIG còn hợp tác với các cơ quan khác bao gồm: Sở Cảnh sát London, Cơ quan Phản gián MI-5, Cơ quan Chống tội phạm có tổ chức (SOCA), Cơ quan Biên giới, Thuế và Hải quan (HMRC), Cơ quan Tình báo và Trật tự công cộng Quốc gia (NPOIU). Theo tài liệu rò rỉ từ Edward Snowden, các nhiệm vụ chính của JTRIG bao gồm "cung cấp thông tin tình báo cho các vụ xét xử ở tòa án", giám sát "các nhóm cực đoan trong nước như là English Defence League bằng cách tiến hành chiến dịch tình báo con người", "kiềm chế, răn đe hay ngăn ngừa tội phạm và hacker", và "răn đe, phá vỡ hay làm suy yếu hoạt động tiêu thụ dữ liệu đánh cắp hoặc phim ảnh khiêu dâm trẻ em".

Các chiến dịch của JTRIG có lẽ bao trùm mọi khu vực trên toàn cầu, nhằm vào mọi quốc gia như Iran, Afghanistan và Argentina. Nhiều tài liệu của GCHQ tiết lộ sứ mạng của JTRIG còn vượt khỏi phạm vi an ninh quốc gia. Ví dụ, JTRIG trợ giúp  tình báo cho Ngân hàng Anh, Bộ Trẻ em, Học đường và Gia đình (DCSF) với báo cáo về tình trạng cực đoan hóa, các bộ về nông nghiệp và hoạt động liên quan đến cá voi, các tổ chức tài chính của chính quyền để có những quyết định đầu tư chính xác, các cơ quan cảnh sát để theo dõi tội phạm và các cơ quan chấp pháp... 

Một tài liệu PowerPoint năm 2010 của GCHQ còn tiết lộ JTRIG triển khai chương trình "Royal Concierge" (Người gác cổng Hoàng gia) thường xuyên giám sát những đăng ký giữ chỗ trước của hệ thống khách sạn để xác định nơi xuất phát của các nhà ngoại giao nước ngoài và gửi "cảnh báo hàng ngày đến bộ phận chuyên gia phân tích chịu trách nhiệm về các mục tiêu phức tạp của chính quyền".

Sự tồn tại của chương trình "Royal Concierge" được tạp chí Der Spiegel của Đức công bố lần đầu tiên vào năm 2013, cho thấy nhân viên JTRIG giám sát danh sách đăng ký đặt chỗ trước của ít nhất 350 khách sạn hạng sang trên khắp thế giới trong thời gian hơn 3 năm.

Theo tài liệu mật rò rỉ mà NBC News có được, JTRIG còn sử dụng kỹ thuật nghe lén những cuộc gọi điện thoại và bí mật giám sát mạng lưới máy tính trong các khách sạn. JTRIG còn sử dụng virus máy tính "Ambassadors Reception" để tấn công các mục tiêu. Ngoài ra, JTRIG chọn lọc các nhà báo để giúp lan truyền thông tin giả. Việc này cho thấy các cơ quan tình báo có thể bí mật giám sát những cuộc giao tiếp điện tử của các nhà báo và họ sẽ bị đặt vào vòng nguy hiểm nếu bị lợi dụng vào các chiến dịch tình báo.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.