Kéo dài sự sống bằng phương pháp đông lạnh: Giấc mơ trường sinh

Thứ Sáu, 02/09/2016, 19:45
Không phải chỉ bây giờ mà từ hàng nghìn năm trước, con người - đặc biệt là các bậc vua chúa đều nuôi tham vọng chế ngự được các loại bệnh tật - nhất là bệnh nan y, nhằm "sống mãi không chết". Để thực hiện ước mơ này, đã có những "thần dược", những phương pháp kỳ bí được đưa ra áp dụng nhưng tiếc thay, chẳng có loại thuốc hay phương pháp nào mang lại hiệu quả.

Hiện tại, giấc mộng "trường sinh" vẫn không ngớt ám ảnh nhiều nhà khoa học. Với những hiểu biết về cơ chế sinh học của con người ngày càng tường tận hơn, chi tiết hơn, cộng với những máy móc tối tân, liệu đến một ngày nào đó, cái chết đối với chúng ta có thể sẽ là chuyện… xa vời?

Loài gấu ngủ đông được, con người tại sao không?

Tháng 9-1959, bác sĩ Ron Howard, chuyên gia về lĩnh vực mô phôi tại Đại học Y khoa Maryland, bang Maryland, Mỹ có buổi gặp gỡ với Tiến sĩ Tommy Hawking, chuyên ngành ung thư, đến từ Đại học Bristish Columbia.

Một thân chủ đã được Alcor xử lý và đang chờ được… ướp lạnh.

Số là bà Cynthia Kenwood, vợ của Ron Howard bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối và sự sống chỉ còn tính được từng ngày. Để cứu vợ, Ron Howard đã thử tiến hành một số thí nghiệm liên quan đến chuyện ngủ đông - như thường thấy ở loài gấu trắng Bắc cực.

Ông kể với Tiến sĩ Tommy trong buổi gặp gỡ: "Tôi tạo ra cái chết lâm sàng cho một con thỏ bằng cách đặt nó trong môi trường nitơ lỏng ở nhiệt độ -196ºC. Sau 21 ngày, tôi đưa nó trở lại trạng thái bình thường và nó vẫn sống. Vậy tôi có thể áp dụng phương pháp ấy với vợ tôi được không? Bà ấy sẽ "ngủ" cho đến khi nào y học tìm ra thuốc chữa ung thư buồng trứng…".

Với Tiến sĩ Tommy, câu hỏi mà Ron Howard đưa ra không có gì mới. Ông viết trong cuốn sách "Hibernate - Giấc đông miên": "Hơn 10 năm trước, các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy loài gấu suốt 3 tháng ngủ đông thì hiện tượng trao đổi chất trong cơ thể giảm đến 75% so với lúc chúng hoạt động, nhịp thở chỉ còn 2 lần/phút và tim cứ 20 giây mới đập một nhịp. Vậy mà trong điều kiện sống tối thiểu như thế, nếu con gấu ấy có thai thì bào thai vẫn được nuôi dưỡng bình thường…".

Cũng theo Tiến sĩ Tommy, giấc ngủ đông có liên quan đến một chất, gọi là "chất gây ngủ", được cơ thể gấu sản sinh ra khi đã có đủ những yếu tố cần thiết, chẳng hạn như lượng chất béo mà nó tích lũy được, nhiệt độ, thời tiết… Ông viết: "Tôi lấy máu của một con gấu Bắc cực đang trong giai đoạn ngủ đông và bảo quản nó với điều kiện tối ưu. Đến mùa xuân, khi tất cả loài gấu đã tỉnh giấc, tôi tiêm máu này cho một con gấu đang hoạt động. Tiếp theo, tôi đưa nó vào môi trường lạnh -20ºC. Vài giờ sau, nó ngủ".

Chưa dừng lại với thí nghiệm kể trên, Tiến sĩ Tommy tiếp tục lấy máu của con gấu đã được tiêm "chất gây ngủ" nhưng lần này, ông lọc bỏ hết hồng cầu, bạch cầu, chỉ giữ lại huyết thanh rồi tiêm cho một con gấu khác.

Giống như lần trước, sau gần 6 tiếng, con gấu tiếp tục… ngủ đông trong một căn phòng lạnh -200C dù bên ngoài đã là mùa hè - thời điểm mà "chất gây ngủ" vốn xuất hiện bình thường vào mùa đông ở cơ thể loài gấu Bắc cực đã hết tác dụng - khiến nó buộc phải tỉnh dậy để đi kiếm ăn. Ông kết luận: "Như vậy, có thể tạo ra "giấc ngủ đông" cho con người, nhất là những người mắc bệnh nan y. Họ sẽ "ngủ" cho tới khi nào khoa học tìm ra phương pháp chữa lành cho họ".

Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tế là cả một quãng đường dài đầy gian nan, trắc trở. Lúc này, nước Mỹ vẫn chưa cho phép bảo quản cơ thể những người bị bệnh hiểm nghèo bằng hình thức "ngủ đông" để chờ ngày hồi sinh. Bác sĩ Ron Howard kể: "Cả tôi lẫn Tiến sĩ Tommy đều không dám thực hiện kỹ thuật ngủ đông cho vợ tôi, một phần vì sợ rắc rối luật pháp. Phần nữa, Tommy mới chỉ thí nghiệm với  loài gấu còn tôi cũng chỉ thí nghiệm trên thỏ chứ chưa áp dụng trên người. Mặc dù biết rằng vợ tôi sẽ chết nhưng tôi vẫn ngần ngại…".

Trụ sở Công ty Alcor.

Cuối năm 1960, với sự trợ giúp của bác sĩ Ron Howard, Tiến sĩ Tommy quyết định mạo hiểm. Chọn một con tinh tinh 6 năm tuổi - là động vật có cấu trúc sinh học gần giống như người, ông tiến hành tạo ra một tổ chức ung thư trên lá  gan con vật. Khi khối u đã phát triển, ông lấy huyết thanh gấu có "chất gây ngủ" tiêm cho một con ngựa rồi lấy huyết thanh ngựa tiêm cho con tinh tinh để đề phòng trường hợp tinh tinh kháng lại huyết thanh gấu.

Sau đó, ông đặt con tinh tinh vào một chiếc thùng bằng thép không gỉ, có gắn các thiết bị theo dõi rồi bắt đầu hạ nhiệt độ xuống từ từ bằng cách bơm nitơ lỏng vào thùng. Ông viết trong cuốn "Giấc đông miên": "5 ngày sau, nhiệt độ trong thùng mới giảm xuống -196ºC vì nếu giảm đột ngột, con vật sẽ chết vì phù phổi cấp".

Một tuần, 10 ngày rồi 1 tháng trôi qua, tất cả các thiết bị theo dõi cho thấy con tinh tinh vẫn sống nhưng vợ bác sĩ Ron Howard thì qua đời vì bệnh ung thư. Tiến sĩ Tommy viết: "90 ngày sau, chúng tôi quyết định đưa con vật ra để xem xét". Cũng phải mất 5 ngày, Tommy và các cộng sự mới làm cho nhiệt độ trong thùng trở lại 31ºC.

Vẫn theo Tommy: "Đưa ra khỏi thùng hơn 3 tiếng, con tinh tinh mở mắt và bắt đầu đòi ăn. Sau khi kiểm tra các dấu hiệu sinh học và khi biết tất cả đều bình thường, tôi mổ con tinh tinh. Điều ngạc nhiên nhất là trải qua gần 100 ngày - kể từ lúc nó bắt đầu ngủ đông cho đến lúc nó thức dậy - khối u trong gan con vật teo nhỏ lại, có lẽ là do tế bào ung thư thiếu máu nuôi".

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thí nghiệm của Tiến sĩ Tommy chỉ dừng lại ở đó, nhưng nó đã là tiền đề cho nhiều nhà khoa học lao vào tìm kiếm giấc mộng trường sinh, trong đó đáng kể nhất là những công trình nghiên cứu và thực nghiệm của một nhóm chuyên gia thuộc Công ty Alcor, trụ sở tại bang Arizona, Mỹ, chuyên tạo ra giấc "ngủ đông" cho những người mắc bệnh nan y để chờ ngày được chữa trị, hoặc những người tự nhiên chán sống ở thời đại này, muốn "ngủ" một giấc 20, 30 và thậm chí là 50 năm rồi tỉnh dậy để… sống tiếp!

Từ lý thuyết đến hiện thực

Tháng 4-2014, một bé gái tên là Matheryn Naovaratpong, ở Bangkok, Thái Lan, lúc thức giấc vào buổi sáng thì không ngồi dậy được. Cha cô bé cho biết: "Cháu nó than đau đầu, tay chân như tê liệt, mắt không thể nhắm, cho uống sữa thì trào ra".

Được đưa đến bệnh viện, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ kết luận Naovaratpong bị một khối u kích thước 11cm ở não trái. Đây là dạng ung thư ependymoblastoma, rất hiếm gặp ở trẻ em, tỉ lệ tử vong sau 5 năm điều trị tích cực là 70% nhưng thông thường, 96% người bệnh chết ngay trong năm đầu tiên.

Vào bệnh viện vài ngày, Naovaratpong nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê. Hơn 1 tháng sau đó, cô bé phải chịu 12 lần mổ não, 20 phương pháp hóa trị và 20 buổi trị liệu bức xạ nhưng cuối cùng, các bác sĩ đành phải buông tay.

Ngày 8-1-2015, khi được thông báo rằng Naovaratpong sẽ chết nếu gia đình đồng ý rút máy trợ hô hấp thì liền lập tức, cha cô bé đã liên hệ với Công ty Alcor để nhờ bảo quản con gái mình bằng phương pháp "ngủ đông" với hy vọng một ngày nào đó, nếu y học tìm ra phương pháp chữa bệnh ung thư ependymoblastoma thì cô bé sẽ được làm cho "tỉnh dậy". Còn không, Naovaratpong sẽ là đề tài để các nhà khoa học tìm kiếm những liệu pháp mới.

Cô bé Naovaratpong hiện đang được "ngủ đông" để đợi ngày tỉnh dậy chữa khối u trong não.

Ba ngày sau, một nhóm chuyên gia của Công ty Alcor từ Mỹ bay sang Thái Lan với những thiết bị lỉnh kỉnh. Đầu tiên, họ tiến hành hồi sức tích cực cho Naovaratpong để máu lưu thông đến tất cả các cơ quan lần cuối cùng.

Tiếp theo, họ bơm vào người Naovaratpong 16 loại hóa chất, hút hết máu ra, thay vào đó là dung dịch  bảo quản nội tạng. Cuối cùng, việc "ngủ đông" được xử lý bằng nitơ lỏng, cứ mỗi tiếng đồng hồ nhiệt độ cơ thể Naovaratpong lại hạ thấp 1ºC cho đến khi đạt được -196ºC. Trong thùng nitơ lỏng, cô bé Naovaratpong nằm với tư thế đầu dốc ngược xuống và cô sẽ phải nằm như thế cho đến lúc được "đánh thức". Toàn bộ công đoạn này, gia đình Naovaratpong phải trả cho Công ty Alcor 220.000USD.

Hiện tại, cơ thể của Naovaratpong được bảo quản ở một trong những nơi lưu giữ của Công ty Alcor, đặt tại bang Arizona, Mỹ, và cứ mỗi năm, gia đình cô bé còn phải trả thêm 770USD nữa, gọi là "phí duy trì". Đại diện Công ty Alcor cho biết Naovaratpong chỉ là một trong số gần 150 người trên thế giới đang được họ cho "ngủ đông", đợi ngày tỉnh dậy chữa bệnh hoặc đơn giản hơn: "Tỉnh dậy để biết sau 30 hoặc 50 năm, xã hội lúc ấy sẽ thế nào".

Thành lập năm 1972 tại bang California, Mỹ, bởi Fred Chamberlain cùng vợ là Linda, dưới hình thức một tổ chức phi lợi nhuận. Thoạt đầu Công ty Alcor có tên là "Hội hạ thân nhiệt liên bang", thu hút 30 thành viên với mục đích kế thừa những phát kiến của Tiến sĩ Tommy trong lĩnh vực "ngủ đông" để áp dụng vào thực tế.

Năm 1977, "Hội hạ thân nhiệt liên bang" đổi tên thành "Quỹ mở rộng cuộc sống Alcor - hay còn được gọi là Công ty Alcor" và được luật pháp Mỹ cho phép hoạt động trong lĩnh vực bảo quản cơ thể con người bằng hình thức đông lạnh, phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Trước đó, ngày 16-7-1976, lần đầu tiên các chuyên gia của Công ty Alcor đã thực hiện đông lạnh cho người cha ruột của Fred Chamberlain. Cũng trong năm này, các nghiên cứu về "ngủ đông" của Alcor được Tổng công ty Manrise tài trợ kinh phí. Khi ấy, tài sản của Alcor chỉ gồm một nhóm nhỏ bác sĩ, hoạt động trên một chiếc xe lớn vốn dùng để chở khách được cải tạo thành xe y tế.

Bên cạnh đó, Alcor còn được Trans Time, Inc., một tổ chức cũng đang nghiên cứu về "ngủ đông", trụ sở ở vịnh San Francisco, cho mượn cơ sở để làm nơi bảo quản cơ thể những người "ngủ đông". Mãi đến năm 1982, Alcor mới xây dựng được nhà xưởng của riêng mình tại thành phố Scottsdale, bang Arizona.

Thời điểm mới thành lập, tất cả mọi nghiên cứu về "ngủ đông" của Công ty Alcor đều phải nhờ vào phòng thí nghiệm của Công ty Cryovita, do bác sĩ phẫu thuật Jerry Leaf lãnh đạo. Cũng cần nói thêm rằng ngay từ năm 1967, Công ty Cryovita đã thực hiện việc "ngủ đông" cho Tiến sĩ James Bedford. Khi Alcor xây xong nhà xưởng, Công ty Cryovita chuyển cơ thể James Bedford về nơi bảo quản của Alcor ở bang California.

Năm 1980, bác sĩ Jerry Leaf chết. Trước khi lìa đời, ông cũng được Alcor đông lạnh để chờ hồi sinh! Tính đến ngày 31-5-2016 , Công ty Alcor đã có 1.448 thành viên, trong đó 227 thành viên đang chờ được đông lạnh và 146 thành viên đã được đông lạnh. Trong đó nhiều người chọn hình thức đông lạnh toàn thân nhưng cũng có người chỉ chọn đông lạnh bộ não

Không chỉ đông lạnh con người, Alcor còn đông lạnh cả "thú cưng". Hiện tại, có 33 con vật đang ngủ đông trong các phòng bảo quản của Alcor, phần lớn là chó, mèo, vài con chim và cả một con ngựa!

Vũ Cao
.
.