Gian nan cuộc tìm kiếm danh tính cho bệnh nhân hôn mê:

Bài cuối: Những nỗ lực được đáp đền

Thứ Ba, 17/04/2018, 10:46
Nhận được công văn từ Bệnh viện Việt Đức, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, cán bộ chiến sỹ Phòng Truy tìm, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đã khẩn trương tổ chức lực lượng truy tìm danh tính của bệnh nhân. Song vì nhiều lý do khách quan mà cuộc truy tìm gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở.

Bằng tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì nhân dân, cán bộ, chiến sỹ Phòng 6 đã làm nên điều diệu kỳ, tìm được danh tính, gia đình cho bệnh nhân khi mà trong tay gần như... không có thông tin gì!

1. “Tháng 3-2018, chúng tôi nhận được công văn từ Bệnh viện Việt Đức đề nghị tìm lai lịch, nhân thân của một bệnh nhân bị hôn mê sâu, đã điều trị nhiều tháng tại Bệnh viện mà không có người nhận. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công an mà trực tiếp là Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng giao nhiệm vụ cho Cục chủ trì, phối hợp với công an các đơn vị, địa phương khẩn trương tiến hành việc này.

Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với tài liệu thì chúng tôi nhận định việc tìm kiếm quả thật khó hơn mò kim đáy bể. Bởi thông tin mà chúng tôi nắm được thời điểm đó gần như là không có gì! Bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân, không người thân, không người chăm sóc và cũng không người nào biết được thông tin về bệnh nhân.

Dù vậy, cán bộ chiến sỹ trong đơn vị đều quyết tâm phải tìm bằng được lai lịch, thân nhân cho bệnh nhân này. Bởi đó là nhiệm vụ, là danh dự của chúng tôi trước nhân dân” - Thiếu tá Phạm Trường Sơn, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm chia sẻ.

Lãnh đạo Phòng 6, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm bàn kế hoạch tìm lai lịch, nhân thân của người không danh tính.

Còn theo Thượng úy Lưu Thanh Tùng, Phó Đội trưởng Đội 1, đây không phải lần đầu tiên đơn vị được đề nghị truy tìm người mất tích hoặc không rõ danh tính, nên các công việc đã được tổ chức một cách khẩn trương, khoa học. Các tổ công tác được chia ra làm việc với Bệnh viện Việt Đức, rà soát ở nhiều bệnh viện lớn như Saint Paul, Bạch Mai, một số bệnh viện tâm thần ở Hà Nội và Trung ương...

Làm việc với tổ y tá tiếp nhận bệnh nhân thuộc Bệnh viện Việt Đức, cán bộ Phòng 6 được biết, bệnh nhân bị đột quỵ chiều ngày 30-12-2017 và được người dân đưa vào Khoa Cấp cứu. Tuy nhiên, không thể trích xuất hình ảnh từ camera của bệnh viện vì hệ thống cơ sở dữ liệu chỉ lưu trữ được hình ảnh trong vòng 1 tháng trở lại. Khi tiếp nhận bệnh nhân, tổ y, bác sĩ trực có hỏi tên nhưng bệnh nhân chỉ nói được là tên Nhã, quê Bắc Ninh rồi sau đó rơi vào hôn mê.

“Thời điểm bệnh nhân này được đưa vào cấp cứu rơi vào ngày cuối năm, khi ấy ở bệnh viên có ít bệnh nhân, người nhà và cũng chỉ có một phần bác sỹ, y tá trực. Do lo lắng đến sức khỏe của bệnh nhân nên không ai quan tâm đến việc tìm hiểu thông tin của người nhà, chỉ làm sao để người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch. Chính vì thế mà việc truy tìm tung tích của ông ta gặp nhiều khó khăn” - Thượng úy Tùng chia sẻ.

Bác sỹ hướng dẫn người thân chăm sóc cho ông Nguyễn Duy Hồng.

Trinh sát Phòng 6 cũng đã làm việc với bộ phận bảo vệ, nhân viên vệ sinh, các tổ chức, cá nhân thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện tại Bệnh viện Việt Đức, chủ quán hàng nước, người trông xe, lái xe ôm ở khu vực trong và ngoài bệnh viện... nhưng không ai có thể nhận ra bệnh nhân vì bệnh nhân bệnh nặng, thời gian nằm viện lâu nên có những khác biệt rất nhiều về nhân dạng.

Khi kiểm tra túi đồ đạc của bệnh nhân này, một tia hy vọng lóe lên khi các trinh sát tìm được thẻ bảo hiểm y tế mang tên Nguyễn Văn Nhã (SN 1958, quê Yên Phong, Bắc Ninh). Ngoài ra, trinh sát còn thu được nhiều giấy tờ như thẻ ATM, thẻ khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai, một số danh thiếp, giấy ghi nhiều số điện thoại khác nhau.

Phòng 6 đã phối hợp với công an cơ sở và gia đình ông Nguyễn Văn Nhã tiến hành xác minh làm rõ thì được biết, người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế trên đã... tử vong từ tháng 9-2017. Ông Nhã trong lần lên khám bệnh ở Bệnh viện Việt Đức vào cuối năm 2016 đã bị mất một số giấy tờ tùy thân trong đó có thẻ bảo hiểm y tế trên. Việc xác minh từ những giấy tờ khác có trong người bệnh nhân cũng không mang lại tin nào hữu ích do những giấy tờ này được xác định là không phải của bệnh nhân và gần như không có giá trị sử dụng đối với bệnh nhân.

Cán bộ Phòng 6 đã phối hợp với nhiều đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức lấy vân tay bệnh nhân đang nằm tại bệnh viện. Tuy nhiên, do người bệnh đã già yếu, các ngón tay bị phù nề nên vân tay bệnh nhân không rõ, không thể truy nguyên được nguồn gốc.

“Không nản chí, cán bộ chiến sỹ Phòng 6 mở rộng vòng rà soát, đến các khu vực có nhiều người lang thang như gầm cầu, một số khu vực công cộng, các trung tâm bảo trợ xã hội để tìm xem có ai biết hay có thông tin về nạn nhân. Khi các trinh sát mang ảnh bệnh nhân để rà soát, do lúc lúc chụp ông ta vẫn còn phải cắm ống thở, đường xông thức ăn nên rất khó nhận dạng. Anh em phải quay lại bệnh viện, mạo muội hỏi các bác sỹ xem có thể rút tất cả dây rợ để chụp lại chân dung người bệnh được không. May mắn các bác sỹ cho biết có thể rút ra vài chục giây mà không ảnh hưởng đến việc điều trị hay tính mạng của bệnh nhân. Dù vậy kết quả nhiều ngày rà soát vẫn là con số không tròn trĩnh” - Thượng úy Tùng nhớ lại.

Hình ảnh của người “không danh tính” thời điểm nhiều năm trước đây.

“Trong khi cuộc tìm kiếm gặp bế tắc, mấy chục cán bộ trinh sát vẫn miệt mài tỏa ra nhiều hướng để tìm kiếm, thì lãnh đạo Cục cũng phải tổ chức nhiều cuộc họp, bàn kế hoạch. Tôi nhớ rất rõ trong cuộc họp, Đại tá Trần Văn Toản - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, hiện phụ trách Cục Cảnh sát truy nã đã nhấn mạnh: “Phải xác định được nhân thân và lai lịch của bệnh nhân; đây không chỉ là danh dự mà còn là trách nhiệm của chúng ta!”. Những lời nói đó đã thấm vào từng cán bộ chiên sỹ, khiến họ như được lên dây cót tinh thần” - Thiếu tá Sơn cho chúng tôi biết thêm.

Và, cuối cùng bằng sự kiên trì, trách nhiệm, tinh thần hết lòng vì người dân của các chiến sỹ cảnh sát đã được đền đáp. Sau 7 ngày tìm kiếm thì thêm một tia hy vọng lóe lên...

2. Lần quay lại Bệnh viện Việt Đức thứ... sáu, cán bộ Phòng 6 tiếp tục mời nhiều người có thời gian “bám trụ” tại bệnh viện dài như người bệnh điều trị lâu năm, người nhà bệnh nhân... để dò hỏi thêm thông tin về bệnh nhân không danh tính.

Khi đó, một phụ nữ cao tuổi buột miệng một câu rất bâng quơ: “Hình như ông ấy đã ở đây khá lâu rồi, phải cả năm chứ không ít đâu”. Khi nghe câu nói này, một phán đoán chợt lóe lên trong đầu trinh sát. Anh đặt câu hỏi: “Nếu từng ở bệnh viện này lâu thì ông ta đã ở đâu?”.

Câu trả lời là có nhiều khả năng ông ta ban ngày lang thang ở các phố phường, đến đêm thì quay về bệnh viện nằm ngủ tại hành lang. Hỏi thêm một số bảo vệ của bệnh viện, họ xác nhận đúng là thời gian trước có một người đàn ông như vậy. Song trước tết ông ta đã biến đi đâu không ai rõ!

Trên cơ sở này, cán bộ Phòng 6 tiếp tục cùng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát lấy vân tay của người bệnh. Lần này việc lấy được tổ chức một cách kỹ lưỡng hơn, lên đến hàng chục bản ảnh. Từ đó sẽ được ghép thành một bản “chuẩn” nhất. Từ bản ảnh này, cùng tấm ảnh chân dung của bệnh nhân được mang đến một số phường xung quanh Bệnh viện Việt Đức để hỏi về những đối tượng lang thang trên địa bàn phường.

Do bệnh trọng, ông Nguyễn Duy Hồng có nhiều khác biệt về nhân dạng gây khó khăn cho công tác truy tìm danh tính.

“Thật may mắn là tại Công an phường Hàng Bông, chúng tôi có được thông tin công an phường đã từng tiến hành đưa một cụ ông lang thang, có nhiều đặc điểm giống với người cần tìm lên Trung tâm bảo trợ xã hội số 1. Và do khi khai hồ sơ, ông cụ này có biểu hiện gian dối nên công an phường đã lập một danh chỉ bản. Khi đối chiếu với người bệnh thì gần như trùng khớp hoàn toàn”.

Hồ sơ lưu tại Công an phường Hàng Bông và Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 cho thấy, người này có tên là Nguyễn Hồng, sinh năm 1941, đăng ký nhân khẩu thường trú tại Lào Cai cùng một số thông tin có liên quan khác.

Từ những thông tin đã thu thập được, Cục Cảnh sát truy nã có công văn gửi Viện Khoa học kỹ thuật hình sự - Bộ Công an đề nghị xác định dấu vân tay của bệnh nhân đang nằm điều trị tại BV Việt Đức với dấu vân tay của người tên Nguyễn Hồng có phải là một hay không. Kết quả truy nguyên là đồng nhất.

Cán bộ Phòng 6 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát truy nã và các cơ quan chức năng của Công an tỉnh Lào Cai để tổ chức xác minh, kết quả ông Hồng có quê gốc ở Hải Phòng. Ông ta từng tạm trú tại tổ 2, phường Lào Cai, thị xã Lào Cai (nay là thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) từ năm 1995. Quá trình sinh sống, ông Hồng làm nghề cửu vạn. Đến năm 1999, ông rời đi cho đến nay không trở lại. Hiện giờ ông Hồng cũng không có người thân ở tại Lào Cai.

Tiếp tục phối hợp với một số phòng nghiệp vụ thuộc Công an TP Hải Phòng, Công an quận Lê Chân, cán bộ Phòng 6 có gần như đầy đủ thông tin về bệnh nhân không danh tính. Ông ta là Nguyễn Hồng, tên khác là Nguyễn Duy Hồng, sinh năm 1941, quê gốc ở xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông Hồng có vợ và 7 người con; hiện nay vợ và 4 người con của họ đang sinh sống tại phường Bắc Sơn (TP Uông Bí, Quảng Ninh).

Ngày 31-3-2018, sau 10 ngày nỗ lực không ngừng nghỉ, Phòng 6 Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đã phối hợp các đơn vị địa phương xác định được nơi thường trú của thân nhân ông Hồng. Tại trụ sở Công an phường Bắc Sơn (TP Uông Bí), sau khi được nhận diện ảnh của bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, ảnh của ông Nguyễn Hồng trong hồ sơ quản lý của cơ quan chức năng và được xem các tài liệu do Phòng 6 cung cấp, gia đình đều công nhận hai người này là một và là chồng, là cha của họ.

Gia đình ông Hồng cho biết, trước kia ông vốn là công nhân ngành than. Sau đó về làm tại UBND xã. Năm 1981 ông có việc làm thiếu chuẩn mực tại địa phương nên đã bỏ đi. Sau đó ông Hồng còn gây ra một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị TAND TP Hải Phòng phạt tù. Năm 2010, ông Hồng mãn hạn tù, có tạt qua nhà vài giờ rồi lại đi tiếp. Từ đó đến nay, gia đình, vợ con không biết ông Hồng đi đâu, làm gì.

Ngay trong đêm 31-3, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Cục, anh Nguyễn Duy Đức (con trai cả ông Hồng) đã được tổ công tác Phòng 6 đưa lên Bệnh viện Việt Đức để nhận dạng trực tiếp.

“Mặc dù khi đó ông Hồng vẫn trong tình trạng mê man bất tỉnh, song khi anh Đức ngồi xuống bên cạnh, đặt tay lên tay ông và nói nhỏ: “Bố ơi con đây”. Bất ngờ bàn tay ông Hồng liền động đậy, rồi nắm rất chặt bàn tay anh Đức. Anh lập tức òa khóc và quay ra nói với các cán bộ Công an: “Đây đúng là bố tôi, cảm ơn các anh”.

Phải đến khi đó, cán bộ chiến sỹ Phòng 6 mới thở phào nhẹ nhõm.

Minh Tiến
.
.