Bệnh Alzheimer lây truyền qua máu?

Thứ Tư, 21/10/2015, 22:30
Một nghiên cứu của Anh cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy chứng bệnh mất trí nhớ nơi tuổi già (Alzheimer) có thể bị lây truyền qua "những tai nạn y khoa" khi truyền máu, phẫu thuật hay chữa răng. Nhà nghiên cứu Anh John Collinge nhấn mạnh: Chúng ta "cần xem lại quan điểm về Alzheimer và đánh giá nguy cơ tình cờ lây truyền cho bệnh nhân". Tuy nhiên, những chuyên gia khác cho rằng, nghiên cứu này chưa thể chứng minh Alzheimer là bệnh lây nhiễm.
Cho đến nay, ít nhất 500.000 người Anh đang sống chung với bệnh Alzheimer không được chữa khỏi và có nguy cơ tử vong cũng như chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Giáo sư John Collinge Trưởng khoa Thoái hóa thần kinh thuộc Đại học London tình cờ phát hiện mối liên kết với Alzheimer khi kiểm tra não bộ của 8 bệnh nhân từ 36 đến 51 tuổi đã chết do CJD (Hội chứng giống bệnh bò điên nơi người).

Họ bị nhiễm CJD sau khi được tiêm hormone tăng trưởng khi còn nhỏ. Giáo sư Collinge tìm thấy một protein là dấu hiệu của Alzheimer ở 7 trong số 8 bệnh nhân này. Và 4 người trong số đó, một lượng "rất lớn" amyloid beta - protein tước đoạt trí nhớ - được tìm thấy trong não bộ của họ. Giáo sư Collinge viết trên Tạp chí Nature rằng, tổn thương não của 8 bệnh nhân Alzheimer này "không được nhìn thấy" nơi những người khác ở cùng độ tuổi. Giáo sư cho rằng, câu trả lời nằm ở mũi tiêm hormone tăng trưởng.

Giáo sư John Collinge.

Khoảng 1.850 trẻ em Anh có vấn đề về tăng trưởng được chữa trị bằng các hormone trích xuất từ mô não trước khi phương pháp này bị cấm vào năm 1985. Những mũi tiêm này, được bắt đầu từ năm 1959, chứa các hormone trích xuất từ 800.000 não người chết và được coi là cách điều trị hiệu quả nhất lúc đó cho những đứa trẻ có vấn đề về tăng trưởng. Khoảng 1.500 trẻ em trong số đó hiện vẫn còn sống và giáo sư Collinge cho rằng, một số có thể phát triển bệnh Alzheimer.

Giáo sư Collinge báo cáo về những những sự tương đồng giữa amyloid beta của bệnh Alzheimer và protein Prion của CJD cho thấy cần có cuộc nghiên cứu xem cả hai bệnh có cách lây truyền giống nhau hay không. Giáo sư nhận định amyloid beta bám dính rất chắc chắn trên bề mặt kim loại của các dụng cụ phẫu thuật trong khi các kỹ thuật vô trùng chưa hẳn hiệu quả. Do đó, sự lây truyền Alzheimer qua đường máu khi phẫu thuật thật sự là mối đe dọa rất lớn. Mặc dù vậy, giáo sư Collinge trấn an mọi người không nên quá lo lắng trước mối đe dọa lây từ người sang người bởi vì điều này hiện nay chưa được chứng minh.

Não bộ bình thường (trái) và não bị Alzhemer.

Giáo sư John Collinge phát biểu trong cuộc phỏng vấn của báo chí: "Điều quan trọng nên hiểu rõ là sự lây truyền xảy ra trong tình huống đặc biệt, ở đó bệnh nhân được tiêm các hormone trích xuất từ mô người. Không chắc Alzheimer là một bệnh truyền nhiễm. Do đó, chúng ta không thể bị lây nhiễm khi sống chung với bệnh nhân Alzheimer hay do chăm sóc bệnh nhân này".

Richard Kerr, Chủ tịch Hội các bác sĩ phẫu thuật thần kinh Anh (SBNS) và chuyên gia cố vấn khoa phẫu thuật não, lập luận: "Đây là thông tin hoàn toàn mới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cấp cao cần được đánh giá một cách thận trọng. Tuy nhiên với một nghiên cứu nhỏ như thế, chúng ta cần có cuộc nghiên cứu dài hơi hơn để có thể biết rõ về sự lây nhiễm cũng như kỹ thuật vô trùng có hiệu quả hay không". Tiến sĩ Doug Brown ở Hội Alzheimer nhận định: phát hiện của giáo sư John Collinge là "đáng quan tâm" song còn chứa "quá nhiều điều chưa biết": "Những mũi tiêm  hormone tăng trưởng trích xuất từ não người đã ngưng lại trong thập niên 80 thế kỷ trước. Trong khi đó hiện vẫn không có bằng  chứng nào cho thấy Alzheimer là bệnh lây nhiễm hay có thể bị lây từ người sang người qua bất cứ tiến trình xử lý y khoa hiện nay".

Alzheimer được đặt tên theo bác sĩ tâm thần, chuyên gia thần kinh học người Đức Alois Alzheimer, người phát hiện bệnh mất trí nhớ này lần đầu tiên vào năm 1906. Alzheimer thường tấn công người già trên 60 tuổi nhưng hiện nay những người nhỏ tuổi hơn cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Những triệu chứng của Alzheimer thường là mất trí nhớ dài hạn, mất khả năng phán xét sự việc, nhầm lẫn về không gian và thời gian, tính nết thất thường v.v… Alzheimer cùng với một số dạng bệnh mất trí nhớ khác thật sự là nỗi đau buồn của gia đình bệnh nhân và gánh nặng cho xã hội.

Nhưng cho đến nay khoa học vẫn loay hoay chưa tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả lâu dài. Trước đây, nhiều cuộc thử nghiệm thuốc mới cuối cùng vẫn thất bại và bị loại bỏ. Khi đó, các nhà khoa học bắt đầu chuyển sang tìm cách chữa trị cho bệnh nhân khi có dấu hiệu khởi phát căn bệnh, lúc mà não bộ còn chưa bị tổn hại. Nhưng để làm được điều đó họ phải cần đến phương pháp test hiệu quả để dự đoán được ai đang sắp sửa mắc bệnh Alzheimer.

Eric Karran, Giám đốc Khoa học Tổ chức từ thiện Alzheimer's Research UK, cho rằng phương pháp test máu đang được nghiên cứu cần được sử dụng một cách có trách nhiệm bởi vì "Alzheimer hiện nay được coi là sự chẩn đoán đáng sợ nhất" đặc biệt khi "chưa có cách điều trị hiệu quả".

Di An (tổng hợp)
.
.