Bệnh tâm thần và mối liên hệ với những vụ thảm án

Thứ Tư, 29/04/2020, 07:00
Trong tiểu thuyết "The Shining" của Stephen King, nhân vật Jack Torrance tượng trưng cho thể loại văn học ẩn dụ kinh dị nổi tiếng và là một kẻ giết người điên cuồng không còn có thể phân biệt được giữa thực tế và ảo giác.

Trong khi Jack từ từ rơi vào điên loạn, hắn ta đã kết bạn với một số hồn ma sát nhân, là những thế lực cuối cùng đã thuyết phục được hắn giết vợ và con trai mình. Độc giả có thể kết luận rằng Jack trở thành nạn nhân của quỷ dữ, thế lực siêu nhiên đã chiếm giữ cái khách sạn nổi tiếng được mô tả trong tác phẩm này.

Hoặc họ có thể diễn giải vòng xoáy suy sụp của hắn ta một cách rất khác: rằng Jack là một người bị bệnh tâm thần - có thể là chứng tâm thần phân liệt - bị mắc vào một giai đoạn loạn trí dữ dội.

Nỗi sợ bệnh tâm thần

"The Shining" (tạm dịch: Ngôi nhà Ma) rõ ràng là câu chuyện hư cấu. Nhưng khi nói đến bệnh tâm thần và bạo lực thì công chúng, truyền thông và các nhà hoạch định chính sách thường gặp khó khăn trong việc nhận rõ đâu là hiện thực và đâu là ảo giác. 

Các cuộc thăm dò ý kiến luôn cho thấy rằng đa số người trưởng thành ở Mỹ tin rằng những người mắc bệnh tâm thần nhiều khả năng sẽ trở nên bạo lực hơn những người bình thường. Sự mặc định này càng được củng cố thêm mỗi khi xảy ra một vụ bắn giết người hàng loạt, mà sau đó tất yếu sẽ dẫn đến những lời kêu gọi cải cách lĩnh vực y tế tâm thần.

Poster phim "The Shining".

Thế nhưng các bằng chứng cho thấy những gì về mối liên hệ giữa những tay súng giết người hàng loạt và bệnh tâm thần? Những hành động bạo lực như thế này có thật sự là vấn đề tâm thần hay không? Nếu như mạng xã hội và các dòng tít giật gân có thể là đầu mối thì chúng ta có thể thấy nỗi sợ bạo lực cực đoan từ những người tâm thần là rất phổ biến. 

Paul Appelbaum, nhà tâm lý học Trường Y và Phẫu thuật Đại học Columbia (Mỹ), nói: "Ý tưởng cho rằng việc bị mất năng lực kiểm soát suy nghĩ hay hành vi là điều đáng sợ và lạ lẫm và điều này đã trở thành nỗi sợ bệnh tâm thần, nhất là hình thức cực đoan của nó. Là con người, chúng ta cũng có sự quan tâm đặc biệt đến những sự kiện bất thường trong môi trường sống của chúng ta, do đó khi xảy ra những hành động bạo lực của những người bệnh tâm thần thì những hành động sẽ đặc biệt ám ảnh tâm trí chúng ta".

Những thảm họa phi lý như bắn người hàng loạt cũng làm nảy sinh hay đòi hỏi những câu trả lời - mà thường được trông đợi là câu trả lời sẽ đi kèm với những giải pháp dễ dàng. Jeffrey Swanson, giáo sư tâm thần và khoa học hành vi Khoa Y Đại học Duke, bình luận: "Chúng ta muốn cuộc sống được an toàn, có thể đoán biết trước và hợp lý. Phản ứng thông thường là muốn có một cách giải thích tổng thể đơn giản hóa quá mức để chúng ta có thể nói rằng: "À, đó là do bệnh tâm thần'".

Khuyến khích kỳ thị

Kết luận tự động như thế là sai lầm, bởi vì nó khuyến khích hơn nữa sự kỳ thị đối với những người bị bệnh tâm thần mà nhiều người trong số họ đã phải chịu cuộc sống cực kỳ khó khăn, đã phải đối diện với sự phân biệt đối xử trong một số lĩnh vực như nhà cửa, công ăn việc làm và quan hệ xã hội. 

Những người bị mắc bệnh tâm thần có khả năng nhiều hơn gấp ba lần người bình thường trong nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực bởi vì họ dễ bị tổn thương hơn. Đúng là một số vụ bắn giết hàng loạt và những hành vi bạo lực tàn bạo khác có thủ phạm là những người bị tâm thần nghiêm trọng.

Đa số tin rằng những người mắc bệnh tâm thần nhiều khả năng sẽ trở nên bạo lực hơn những người bình thường.

Chẳng hạn như hồi năm 1995, Wendell Williamson, một sinh viên Luật mà sau đó bị chẩn đoán là mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng, đã bắn chết 2 người trên đường phố ở Chapel Hill thuộc bang North Carolina (Mỹ). Williamson nói rằng anh ta hành động với niềm tin rằng anh ta đang đi cứu thế giới, và bồi thẩm đoàn cuối cùng cũng phán quyết anh ta vô tội do bị tâm thần. 

Tuy nhiên, những trường hợp như thế, Swanson nói, chỉ là thiểu số. Thật ra, có ít tay súng giết người hàng loạt thật sự bị một chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng có thể chẩn đoán được như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực hay rối loạn bao quát.

Chẳng hạn như một phân tích đối với hơn 60 kẻ sát nhân hàng loạt ở Bắc Mỹ đã nhận thấy rằng chỉ có 6% trong số đó bị tâm thần vào lúc họ phạm tội. Và đối với các vụ bắn giết hàng loạt, những thủ phạm bị bệnh tâm thần chỉ chiếm "chưa tới 1% trong tổng số tất cả các vụ giết người bằng súng hàng năm", một nghiên cứu cho biết. 

Những nghiên cứu khác chỉ ra rằng những người tâm thần chỉ gây ra khoảng 3-5% tổng số các vụ bạo lực trên đất Mỹ (thấp hơn nhiều so với sự phổ biến của bệnh tâm thần trong toàn bộ dân số - chiếm tới gần 18%). Điều này có nghĩa là "sẽ còn lại 96% các vụ bạo lực nếu chúng ta có thể triệt tiêu hết những người mắc bệnh tâm thần," Paul Appelbaum chỉ ra.

Không thể quy cho bệnh tâm thần

Hơn nữa, phần lớn những vụ bạo lực mà những người mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng gây ra đều là những vụ nhỏ, chẳng hạn chửi mắng hay đánh đập chứ không phải sát nhân (tuy nhiên tự sát lại là một vấn đề lớn), và những hành động bạo lực đó có xu hướng nhằm vào những người mà họ sống chung chứ không phải người không quen biết và cũng không phải ở mức độ hàng loạt. 

Nhiều người cho rằng cần hạn chế quyền sử dụng súng.

Các vụ tấn công quy mô lớn cũng đòi hỏi mức độ lên kế hoạch và tổ chức mà thường những ai mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng không thể làm nổi. Chẳng hạn như một nghiên cứu nhận thấy chỉ có 2% trong tổng số 951 bệnh nhân được xuất viện từ một bệnh viện tâm thần gây ra hành động bạo lực có dùng súng và chỉ có 6% có hành động bạo lực liên quan đến người lạ.

Tương tự, một phân tích thực hiện đối với trên 700 vụ giết người do những người bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần gây ra cho thấy chỉ có khoảng từ 3% cho đến 14% các nạn nhân là người lạ - những nạn nhân còn lại đều là người quen biết. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp mà người tâm thần nghiêm trọng thật sự hành xử bạo lực, khó mà gắn kết tội ác của họ chỉ dựa hoàn toàn vào bệnh tật của họ, Swanson nói. Các biến số phức tạp hóa bao gồm tiền sử bị bạo hành khi còn nhỏ hay sử dụng chất kích thích và bia rượu có thể tăng khả năng hành động bạo lực. 

Paul Appelbaum, nhà tâm lý học Trường Y và Phẫu thuật Đại học Columbia, Mỹ (Ảnh trái). Jeffrey Swanson, giáo sư tâm thần và khoa học hành vi tại Khoa Y, Đại học Duke.

Swanson đánh giá: "Nếu anh loại trừ tất cả các nhân tố hiểm họa khác mà chỉ nhìn vào sự mất trí thì gần như nó không có liên quan gì đến hành vi bạo lực cả. Có một sự đồng thuận trong số những nhà nghiên cứu lĩnh vực này rằng sự góp phần của bệnh tâm thần đối với việc gây ra bạo lực trong người dân là rất nhỏ". Tuy nhiên, khi xảy ra một thảm họa không thể nào hiểu được, đối với nhiều người sẽ khó mà tiêu hóa được ý nghĩa của kết luận trên.

Renee Binder, Giáo sư và giám đốc Chương trình tâm thần và luật pháp Trường Y Đại học California ở San Francisco (Mỹ), phát biểu: "Khi xảy ra một vụ bắn giết bừa bãi ghê rợn, mọi người sẽ nói: “Ai mà làm những chuyện như vậy ắt hẳn là bị tâm thần'". 

Tuy nhiên, chúng ta cần phải cẩn thận với định nghĩa của mình bởi vì mặc dù họ có điều gì đó rất không ổn, thường họ không phải là mắc chứng tâm thần nghiêm trọng". Đưa ra mối liên hệ không chính xác cũng có thể làm chệch hướng trọng tâm của cuộc tranh luận về chính sách ở Mỹ. Trong những cuộc bàn cãi về việc giới hạn sử dụng súng, một số người bắt đầu nói về việc thay đổi hệ thống y tế tâm thần thay vì nhìn vào vấn đề súng đạn. 

Swanson giải thích: "Đột nhiên các tổ chức vận động cho quyền sở hữu súng - vốn rất có thế lực ở quốc gia này và có lợi ích trong việc không để cho quyền sử dụng súng bị quản lý - trở nên cổ suý cho việc cải thiện hệ thống y tế tâm thần ở Mỹ. Đó là sự xao lãng để chúng ta không nói về súng đạn nữa".

Khó dự liệu

Khó mà vẽ ra bức chân dung tâm lý của những kẻ giết người hàng loạt, bởi vì thông thường chúng sẽ tự sát hay bị bắn chết trong vụ tấn công. Nhưng những gì mà các bác sĩ và nhà khoa học thật sự biết là hung thủ trong những vụ thảm sát như thế thường là nam thanh niên, giận dữ vì cảm thấy họ bị xã hội chà đạp và do đó tìm cách trả thù. 

Tuy nhiên, vấn đề là có hàng chục ngàn người nằm trong diện đó mà đại đa số họ không giết người hàng loạt. Swanson giải thích: "Nếu chúng ta có thể làm điều gì đó về tính hung hăng ở nam giới, chúng ta có thể thật sự giảm được bạo lực và tội ác. Nhưng chúng ta không thể gom tất cả đàn ông lại".

Trên thực tế, chúng ta không thể nào đoán trước được ai sẽ trở thành sát thủ hàng loạt, Swanson nói. Một số kẻ bắn giết hàng loạt thậm chí còn đến gặp bác sĩ tâm thần để chữa các rối loạn hành vi trước khi họ thực hiện vụ tấn công nhưng chẩn đoán lại không cho thấy họ mắc chứng tâm thần nào cả. Binder chỉ ra: "Đa số những người bắn giết hàng loạt không muốn được điều trị và cũng không đáp ứng các tiêu chí để được điều trị. Chúng ta cũng không thể nào bắt ai đó vào viện tâm thần chỉ vì họ giận dữ".

Swanson nhận định điều này có nghĩa là củng cố việc điều trị cho các bệnh nhân tâm thần thật sự sẽ không giải quyết được tình trạng bạo lực súng đạn ở Mỹ. Đa số các thủ phạm vẫn có thể lọt qua được. 

Do đó, trong các cuộc bàn cãi về việc làm thế nào để giảm các vụ bắn giết hàng loạt, các bằng chứng cho thấy việc đóng khung các vụ thảm sát trong nguyên nhân tâm thần không thể giúp ngăn chặn các vụ tấn công sau này - và chỉ có tác dụng lan truyền vĩnh viễn một nỗi sợ không có căn cứ về những người tâm thần không ổn mà nỗi sợ bắt nguồn từ sự tưởng tượng nhiều hơn là thực tế.

An An (tổng hợp)
.
.