Bí ẩn đại dịch thời Trung cổ qua khai quật

Thứ Ba, 29/09/2020, 21:36
Phân tích các ngôi mộ cổ cho thấy số người bị chôn úp mặt tăng vọt khi dịch bệnh hoành hành châu Âu. Các nhà khoa học đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao người sống lại chôn người chết ở tư thế úp mặt?

Năm 2014, nhà khảo cổ học Thụy Sĩ Amelie Alterauge, nghiên cứu sinh tại Đại học Heidelberg, chỉ còn vài ngày nữa là nhận việc mới tại Viện Y khoa Pháp y thuộc Đại học Bern thì cô được triệu tập để điều tra tập tục mai táng kỳ lạ tại nghĩa trang cách đây nhiều thế kỷ. Khu nghĩa trang đang được khai quật trước khi thực hiện một dự án xây dựng ở đây.

Khai quật mộ một người bị chôn úp mặt ở sân nhà thờ tại Berlin.

Trong số khoảng 340 ngôi mộ trong nghĩa trang, có một ngôi mộ khác hẳn. Đó là mộ của một người đàn ông trung niên, mặt úp xuống. Ngôi mộ nằm ở góc không mấy ai để ý ở sân nhà thờ. Alterauge nói: "Tôi chưa thấy kiểu chôn cất nào trong đời thực như vậy trước đây".

Nhân viên khai quật đã tìm thấy một con dao sắt và một chiếc ví đựng đầy đồng xu đặt ở chỗ cánh tay gập lại. Vị trí các đồ vật trên được sắp xếp như thể chúng từng được giấu trong quần áo người đàn ông. Các đồng xu giúp các nhà khảo cổ xác định thời gian chôn thi thể là từ năm 1630 tới năm 1650. Quanh thời gian này, có một loạt dịch bệnh quét qua khu vực đó ở Thụy Sĩ.

Alterauge nhận định: "Giống như gia đình hoặc người chôn cất không muốn lục soát thi thể. Có thể anh ta đã bị phân hủy mạnh khi được chôn hoặc anh ta mắc bệnh truyền nhiễm và không ai muốn đến quá gần".

Phát hiện về ngôi mộ đã khiến Alterauge đi tìm kiếm thêm nhiều ngôi mộ mà người chết bị chôn trong tư thế úp mặt ở Thụy Sĩ, Đức và Áo. Mặc dù cực kỳ hiếm, nhưng kiểu chôn cất này đã được ghi lại, đặc biệt là ở khu vực Slavic của Đông Âu.

Bức vẽ có từ thế kỷ 14 mô tả quá trình mai táng nạn nhân dịch bệnh.

Kiểu chôn cất này thường được so sánh với các tập tục khác, như phanh thây hay đè thi thể bằng đá vì người ta cho rằng làm như vậy là để ngăn cản ma cà rồng và cương thi thoát khỏi mộ. Tuy nhiên, chưa ai xem xét một cách có hệ thống hiện tượng chôn úp mặt ở các khu vực nói tiếng Đức thời Trung cổ mà thời hiện đại là Thụy Sĩ, Đức và Áo.

Giờ đây, trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí PLOS One, nhóm nghiên cứu của Alterauge đã trình bày phân tích về gần 100 ngôi mộ có người chết bị chôn úp mặt trong khoảng thời gian 900 năm. Dữ liệu cho thấy có sự thay đổi lớn trong tập tục mai táng mà các nhà nghiên cứu cho rằng có liên quan tới những người chết vì bệnh dịch.

Trong sơ kỳ và hậu kỳ Trung Cổ (năm 950 đến 1300), một số ít ỏi thi thể chôn úp mặt thường được đặt tại trung tâm nghĩa trang nhà thờ hoặc bên trong các công trình linh thiêng. Một số được chôn cùng đồ trang sức, quần áo đắt tiền và dụng cụ dùng để viết. Điều đó cho thấy có thể người thuộc tầng lớp quý tộc hoặc tu sĩ muốn được chôn kiểu đó để thể hiện sự khiêm nhường trước Chúa.

Tuy nhiên, các nhà khảo cổ bắt đầu phát hiện ra có nhiều người bị chôn úp mặt ở châu Âu đầu những năm 1300, trong đó có một số được chôn trong các ngôi mộ nằm ở vùng ngoài nghĩa trang Thiên chúa giáo.

Sự thay đổi này trùng với thời điểm xảy ra dịch bệnh tàn khốc càn quét châu Âu từ năm 1347, giết chết hàng triệu người khắp châu lục. Alterauge cho rằng có điều gì đó đã thay đổi.

Khi các dịch bệnh giết người nhanh chóng, khiến các cộng đồng không đối phó kịp, cảnh thi thể người phân hủy trở nên quen thuộc. Xác chết trương lên. Ruột người chết đầy khí, tạo ra những âm thanh bất thình lình. Thịt thối rữa và sau đó khô quắt lại một cách khó hiểu, làm cho móng tay và tóc của thi thể dường như mọc dài ra, còn thịt thì quắt lại. Alterauge nói: "Thi thể thối rữa chuyển động, gây ra tiếng ồn. Trông như thể thi thể đang ăn chính bản thân và vải liệm".

Khi người dân châu Âu thời Trung cổ tìm cách giải thích những điều họ trông thấy và nghe thấy, họ có thể bám lấy suy nghĩ về cương thi vốn phổ biến ở các cộng đồng Slavic thuộc Đông Âu. Alterauge giải thích: "Chúng ta không có khái niệm ma cà rồng ở Đức, nhưng người Tây Âu có suy nghĩ rằng xác chết có thể di chuyển là do bị ảnh hưởng từ quan niệm ở các khu vực Đông Âu sau khi xảy ra các bệnh dịch đầu tiên vào giữa những năm 1300".

Trước những năm 1300, có nhiều chuyện thời Trung cổ ở khu vực châu Âu nói tiếng Đức kể về các hồn ma tốt bụng trở lại để cảnh báo hoặc giúp người thân. Tuy nhiên, trong thời dịch bệnh, những hồn ma này bị coi là ma quỷ hay xác sống. Theo Matthias Toplak, nhà khảo cổ học tại Đại học Tubingen (Đức), quan điểm thay đổi về hồn ma này diễn ra trong khoảng năm 1300 hoặc 1400.

Khi nghiên cứu truyền thuyết Trung cổ để tìm manh mối, Alterauge và các tác giả cùng nghiên cứu đã phát hiện ra chuyện về nachzehrer, dịch nôm na là xác chết phàm ăn, tức là các xác chết đói khát, chưa siêu thoát tự ăn chính mình và vải khâm liệm, rút kiệt sinh lực của họ hàng còn sống. Sử sách nói rằng người nào biến thành nachzehrer là do chết bất thường, đột ngột. Còn có giả thiết cho rằng nachzehrer là người đầu tiên trong cộng đồng chết trong một dịch bệnh nào đó.

Ở châu Âu thời dịch bệnh, truyền thuyết này có tính hợp lý thuyết phục. Khi họ hàng thân thiết của nạn nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh và chết chỉ trong vài ngày sau đám tang nạn nhân, người ta cho rằng họ hẳn là đang bị nạn nhân nằm dưới mộ nguyền rủa. Niềm tin mê tín này là do có người chết bất thình lình và người còn sống bắt đầu tìm mọi cách để ngăn người chết trở lại.

Thời đó, người dân cũng rất sợ wiederganger, tức là những xác chết biết đi, bật dậy từ nấm mồ để ám ảnh cộng đồng họ từng sống. Người xưa tin rằng khi ai đó đột tử mà đã làm điều sai trái, còn việc dở dang khi còn sống, hoặc phải trả thù hay chuộc tội thì người đó có thể trở thành wiederganger.

Khi thấy nhiều thi thể chôn úp mặt ở rìa nghĩa trang Thiên chúa giáo giữa thế kỷ 14 và 17, các nhà nghiên cứu cho rằng ở khu vực này tại châu Âu, chôn người chết sấp mặt là cách để ngăn xác chết có dã tâm trở lại để làm điều xấu.

Các nhà khảo cổ khác cũng có cách giải thích riêng. Trong thế giới đầy rẫy bệnh chết người, chôn nạn nhân đầu tiên trong tư thế úp mặt có thể mang tính biểu tượng, là nỗ lực để xua đuổi dịch bệnh.

Bước tiếp theo mà nhóm nghiên cứu muốn thực hiện là tìm hiểu các thi thể úp mặt để xem có mối liên hệ nào với dịch bệnh không. Khi phân tích ADN của những người bị chôn úp mặt, có thể phát hiện ra các vi khuẩn dịch bệnh nào đó. Phân tích xương có thể biết được họ ăn gì hoặc sống ở đâu, có gì khác so với những người còn lại không. Từ đó, các nhà nghiên cứu có thể giải thích về hình thức mai táng bất thường này.

Đức Huy
.
.