Cam go cuộc chiến chống tin giả trên mạng xã hội

Thứ Ba, 20/03/2018, 20:32
Đầu tháng 3 vừa qua, Indonesia đã bắt giữ hàng loạt kẻ quá khích và bôi xấu lãnh đạo nước này trên mạng xã hội. Vụ bắt giữ được tiến hành sau khi tờ The Guardian điều tra về các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội Twitter, tuyên truyền về bạo lực.

Tài khoản giả mạo và lừa dối

Tờ Telegraph của Anh dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Jakarta cho biết, từ vụ bắt giữ nói trên, cảnh sát Indonesia còn phát hiện một mạng lưới hoạt động, sản xuất các tin tức giả mạo nhằm bôi xấu lãnh đạo, gây bất ổn chính trị và thậm chí là làm nhũng nhiễu thông tin về cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.

Đáng chú ý là mạng lưới này còn dùng các tin tức giả mạo và  ngôn từ thù hận để kích động sự phân chia tôn giáo, sắc tộc; kích động sự hoang tưởng của người hâm mộ xung quanh các nhân vật nổi tiếng bị đồng tính nam hoặc đồng tính nữ và lan truyền nội dung phỉ báng cả tổng thống cùng các thành viên trong nội các chính phủ. Mạng lưới này được điều khiển thông qua một nhóm Whatsapp trung tâm gọi là Gia đình mạng quân đội Hồi giáo (MCA).

Thành viên trong mạng lưới này được chia làm nhiều nhóm trong đó cảnh sát Indonesia đã phát hiện ra một nhóm chuyên lưu giữ các nội dung xấu để phổ biến, một nhóm có nhiệm vụ tấn công các tài khoản và lây lan virus trên các thiết bị điện tử hoặc hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước. Cho đến nay, cảnh sát đã bắt giữ được 14 tên và đang tiếp tục truy lùng những tên khác.

Các thống kê cho thấy, nhiều người dùng Facebook và Twitter trên thế giới hiện nay đều bày tỏ nỗi lo về sự gia tăng tôn giáo và phân biệt chủng tộc. Chính trong môi trường mạng, nơi có thể phát biểu ý kiến cá nhân một cách trực tiếp, nguy cơ này càng có cơ hội phát triển và tạo nên những tranh luận, thậm chí là mâu thuẫn lớn. Cũng từ đây là MCA được hình thành và lan rộng trong cái gọi là “hệ sinh thái kỹ thuật số tràn ngập các tài khoản giả mạo, lừa đảo và các chương trình tự động”.

Cuộc điều tra của nhóm phóng viên The Guardian cách đây vài tháng đã giúp phát hiện hoạt động của MCA trên Twitter. Cuộc điều tra này cũng đã xác định được: một hệ thống với hơn 100 bot hoặc tài khoản bán tự động; sự liên kết giữa MCA với các đảng đối lập và một số nhân vật trong quân đội Indonesia; chi tiết về 103 trường hợp "săn tiền thưởng" tàn bạo do "những kẻ theo chủ nghĩa vô cực trên mạng" kích động.

Lãnh đạo lực lượng cảnh sát Indonesia thông tin về hoạt động của MCA trong cuộc họp báo ngày 5-3. Ảnh: Getty.

Theo The Guardian, mạng lưới này được tạo ra với mục đích duy nhất là đăng tải các nội dung phản động và các thông điệp được thiết kế nhằm lan tỏa sự phân chia xã hội và tôn giáo, tạo ra một một đường dây chống Hồi giáo và chống Chính phủ Indonesia. Tờ The Guardian còn phân tích cụ thể rằng, “bot” là một ứng dụng mới và đang được các đại gia làng công nghệ như Google, Facebook, Apple, Microsoft xây dựng và cải tiến.

Bản thân thuật ngữ “bot” là tương đối mới, nhưng công nghệ tạo nên bot thì đã phát triển được một thời gian. Bot là một đoạn mã code nhỏ hoặc một ứng dụng thực hiện một tác vụ chuyên biệt. Bot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý dữ liệu phi cấu trúc và các tác vụ phức tạp.

Chatbots, một loại bot cụ thể phù hợp với sự tương tác của con người, sử dụng AI để xử lý ngôn ngữ và người dùng có thể giao tiếp với máy thông qua các ứng dụng nhắn tin...

Lợi dụng công nghệ này, MCA đã thiết kế khéo léo một chương trình nhằm thu hút được sự chú ý và cảm thông của cộng đồng Hồi giáo. Đầu tiên đó là các bài viết về những cuộc bức hại người Hồi giáo ở Myanmar và Palestine, tiếp đó là những bài viết lên án chính phủ Indonesia và các cuộc biểu tình đã xảy ra một số nơi...

Cảnh sát Indonesia cho biết, mạng lưới MCA đã hoạt động từ tháng 7 năm ngoái và có tất cả các dấu hiệu cho thấy đây là một mạng lưới các chương trình và tài khoản bán tự động. Các bài viết thường có cùng tính chất, với cùng một văn bản, meme hoặc hashtag lặp đi lặp lại hàng chục lần. Các tài khoản đôi khi sẽ được đăng tải nhiều lần (thậm chí lên đến 30 lần một ngày).

Tất cả các tài khoản đều không rõ ràng, không có tên hoặc vị trí, và theo mẫu mô tả... Ví dụ như một nhóm gồm 30 tài khoản, có các bức ảnh cá tính nổi bật của người Viking, với tên của các căn cứ hoặc cơ quan quân sự Indonesia khác nhau hoặc các bài viết của chính phủ.

Với một nhóm các chương trình, tài khoản bán tự động và giả mạo, MCA đã đánh vào nhận thức của công chúng là một cách đơn giản, đẩy họ vào những cuộc thăm dò trực tuyến một cách tình cờ.

Trong quá trình dẫn dắt đến các sự kiện liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia năm 2019, MCA đã thường xuyên đưa ra các cuộc điều tra có vấn đề hay các cuộc thăm dò với bức tranh không đúng về hai ứng cử viên dự kiến: Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và cựu binh Prabowo Subianto.

Dưới hình ảnh của hai người đàn ông, người dùng được yêu cầu retweet cho Prabowo Subianto hoặc "thích" với ông Joko Widodo. Kết quả, được tweet lại bởi hàng ngàn tài khoản giả mạo và chương trình giả mạo, luôn thay đổi theo sự ủng hộ cho cựu binh Prabowo Subianto…

Mục tiêu đầy ác ý

Năm 2017, đã có 103 trường hợp gọi là "săn tiền thưởng" được thực hiện do MCA điều phối, liệt kê danh sách những người tấn công - bao gồm tên, địa chỉ và danh tính của các thành viên trong gia đình. MCA đã gây dựng nên hình ảnh những người này chỉ trích Hồi giáo trên các tài khoản truyền thông xã hội và  sau đó bị trở thành mục tiêu hăm dọa, đánh đập, và bắt buộc ghi lại lời xin lỗi qua video.

Các nhà phân tích tin rằng MCA là một mạng lưới rộng lớn được sử dụng bởi nhiều bên liên quan, thống nhất bởi quan điểm không khoan dung với sứ mệnh lật đổ Tổng thống. Damar Juniarto, từ SAFEnet, Mạng lưới Tự do Tôn giáo Đông Nam Á, đã nghiên cứu chặt chẽ về MCA nói: "Tôi thấy có bốn cụm MCA. Mỗi cụm có một chương trình nghị sự riêng nhưng chúng được phối hợp theo nhóm, với buzzers và bot”. ("Buzzers" dùng để chỉ các tài khoản có số lượng lớn, trong một số trường hợp có hơn 100.000 thành viên, được sử dụng để khuếch đại thông điệp từ các tài khoản có ít lực kéo).

Nghiên cứu của Damar Juniarto cũng cho thấy một số người có vẻ thú vị với việc liên kết các đảng đối lập, quân đội, và những tổ chức Hồi giáo có ảnh hưởng. Hiện Cảnh sát Indonesia vẫn chưa cung cấp nhiều thông tin về vấn đề này nhưng theo một số nguồn tin, họ cũng đã xác định được ít nhất một nhà tài phiệt có ảnh hưởng lớn trong xã hội Indonesia tham gia vào việc này.

Ảnh chụp các tweet của MCA trên Twitter.

Savi Ali, Giám đốc trực tuyến của nhóm Hồi giáo lớn nhất Indonesia Nahdlatul Ulama mô tả sự bùng nổ của các chương trình giả mạo và các nhóm kiểu như MCA giống chiến tranh tâm lý đang diễn ra "trong thời kỳ đen tối của Internet". Đồng quan điểm này, Shafiq Pontoh đến từ Công ty tư vấn dữ liệu Provetic, cho biết, Twitter đang bị biến thành “chiến trường khổng lồ và đẫm máu về chính trị”.

Cũng theo Shafiq Pontoh, nạn nhân lớn nhất trong cuộc chiến này của MCA phải kể đến chính trị gia Basuki Purnama, hay còn gọi là “Ahok” đã bị mất vị trí dẫn đầu cuộc đua giành chiếc ghế Thị trưởng Jakarta chỉ vì một đoạn video “chế” đăng tải trên mạng xã hội.

Shafiq Pontoh nói: “Việc này xảy ra từ tháng 2 năm ngoái và nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống chính trị của Indonesia. Tại quốc gia ngàn đảo này, những tin giả bị phát tán bởi cá nhân hoặc nhóm người với mục đích gây ra bất ổn chính trị hoặc bôi nhọ một nhóm dân thiểu số, một tôn giáo. Những tin giả thường bắt đầu và lan truyền trên WhatsApp, Facebook rồi Twitter. Những thông tin bị bóp méo đó lại được nhiều người coi là đúng vì chúng được chia sẻ giữa những người thân với nhau. Tại quần đảo 255 triệu dân với nhiều sắc tộc này, hậu quả mà tin giả gây ra hoàn toàn có thể tạo ra biến động lớn”.

Savi Ali thì nhấn mạnh: “Các cụm chương trình trong Twitter cho thấy có những chiến dịch được sử dụng để đạt mục đích chính trị ngắn hạn. The Guardian đã hỗ trợ trong việc xác định một nhóm cố tình phát tán các thông tin chống lại Ahok , thậm chí chỉ 2 ngày trước khi cuộc bầu cử bắt đầu và chương trình này đã chấm dứt 3 ngày sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Đó chính là những thông tin giả mạo, chương trình, chiến dịch đen, thành kiến và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chúng phục vụ cho mục đích chính trị và tham vọng quyền lực, gây ra những mâu thuẫn không đáng có trong xã hội Indonesia”.

Với những lo ngại về sự không khoan dung ngày càng gia tăng và những cuộc tranh luận căng thẳng xung quanh cuộc bầu cử năm 2019 đang diễn ra, ít ai ngờ rằng các mạng xã hội của Indonesia sẽ ngày càng được sử dụng. Vì vậy, ngay cả sau những vụ bắt giữ gần đây, Damar Juniarto vẫn khuyến cáo rằng, chỉ là vấn đề thời gian trước khi những biểu hiện mới xuất hiện. “Đây chỉ là sự khởi đầu. MCA sẽ được trang bị cho năm 2019 với mục tiêu chính là cuộc bầu cử”, Damar Juniarto nhấn mạnh.

Trên thực tế thì từ tháng 11 năm 2016, tình trạng tin giả mạo lan truyền trên Internet hay mạng xã hội ở Indonesia ngày càng tạo ra những hậu quả khó lường. Nhiều người trong số 130 triệu người dân Indonesia đang sử dụng Internet đã bị “nhiễm độc” bởi những thông tin giả mạo, cụ thể là thông tin giả mạo về việc các nhà lãnh đạo của nhóm Hồi giáo cực đoan mang tên Mặt trận bảo vệ Hồi giáo bị quân đội Indonesia tấn công đến mức phải nhập viện.

Tiếp đó là một loạt thông tin gây nhũng nhiễu khác như: Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến tranh sinh học tại Indonesia bằng cách tung ra những loại hạt giống ớt nhiễm độc; hay tin các lao động nhập cư từ Trung Quốc sẽ thay thế chỗ hàng nghìn lao động Indonesia… Sự việc diễn ra nghiêm trọng, tạo nên hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ và quân đội mặc dù các cơ quan chức trách Indonesia trước đó đã ngăn chặn nhiều trang web đưa tin giả.

Đầu năm 2017, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phải bày tỏ lo ngại về những hành vi phỉ báng, hận thù và lăng mạ trên các mạng xã hội. Ông Joko Widodo cũng tuyên bố ý định về việc thành lập một cơ quan chống lại tin tức giả tại Indonesia.

Cơ quan chống lại tin tức giả tại Indonesia vừa được thành lập hồi đầu tháng 1. Ảnh: Getty.

Người phát ngôn của Chính phủ Indonesia Johan Budi khi đó nhấn mạnh, cơ quan chuyên xử lý tin giả mạo lan tràn trên mạng xã hội  sau khi được thành lập sẽ kiểm chứng sự thật và chỉ ra những tin giả mạo; triệt phá các mạng lưới khủng bố và xử lý các nội dung thù địch trên mạng. Ngoài ra, cơ quan này sẽ bảo vệ các tổ chức của Nhà nước khỏi nguy cơ bị tấn công mạng.

Hôm 3-1 vừa qua, cơ quan này đã chính thức đi vào hoạt động. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bổ nhiệm Thiếu tướng Djoko Setiadi, nguyên Giám đốc Cơ quan mật mã của nước này, làm người đứng đầu cơ quan an ninh mạng mới. Theo ông Setiadi, công nghệ của cơ quan này sẽ không chỉ có thể phát hiện, mà còn có thể xâm nhập mạng lưới của khủng bố và kiểm soát không gian ảo.

Hiện Indonesia cũng đang phát động cuộc chiến chống lại những tin tức giả mạo với phương pháp áp dụng gồm: truy tố liên đới tới những cá nhân lan truyền tin giả; phong tỏa các trang mạng đưa tin; tuyên truyền giúp người dân biết sử dụng Internet và mạng xã hội cho những mục đích đúng đắn, đồng thời thiết lập một danh sách các trang web "đáng tin cậy" do nhà nước kiểm duyệt.

Bộ trưởng An ninh Indonesia, ông Wiranto nhấn mạnh: “Tự do ngôn luận là một quyền trong nền dân chủ, nhưng người dân cũng còn có bổn phận phải tuân thủ luật pháp”.

Châu Anh (theo The Guardian, Telegraph)
.
.