Câu chuyện của một "người cứu hộ" trên Instagram

Thứ Ba, 05/01/2021, 22:13
Lướt qua nguồn cấp dữ liệu Instagram trên điện thoại của mình, Ingebjorg Blindheim, 22 tuổi, giải thích lý do tại sao cô được đặt cho biệt danh “người cứu hộ”.

Người phụ nữ trẻ Na Uy giải thích: “Tôi thấy rất nhiều người muốn chết. Tôi sẽ không chỉ nhìn lướt qua xem ai đó tuyên bố sẽ tự sát rồi bỏ qua nó mà luôn hy vọng điều tốt nhất đến với họ”.

Người điều tra

Ingebjorg không chọn cho mình vai trò can thiệp để giúp cứu mạng người dùng Instagram nào đó có ý định tự tử. Ingebjorg không làm việc cho trang mạng xã hội và cũng không được trả tiền cho những gì cô làm. 

Ingebjorg cũng không đủ điều kiện chính thức để đề nghị giúp đỡ, không được đào tạo về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Thay vào đó, Ingebjorg cảm thấy buộc phải hành động, tự nhận ra rằng mình là cơ hội cuối cùng để giúp đỡ những người đăng nỗi tuyệt vọng lên mạng xã hội.

Điều này có nghĩa là phải theo dõi Instagram liên tục, xác định những ai đang "ở gần bờ vực" rồi báo cho cảnh sát và dịch vụ cứu thương. Ingebjorg thừa nhận đã có những đêm mất ngủ. 

Ingebjorg biết rằng việc bị phân tâm bởi điện thoại có thể khiến gia đình và bạn bè tức giận, nhưng cô lo lắng nếu không cảnh giác, ai đó có thể chết một cách vô lý. Ingebjorg hiện đang theo dõi khoảng 450 tài khoản Instagram cá nhân - những tài khoản cần được chủ sở hữu chấp thuận trước khi bạn được phép theo dõi. 

Hầu hết trong số này thuộc về những phụ nữ trẻ đăng bài bộc lộ cảm xúc đen tối nhất của họ, mặc dù cũng có một số chàng trai. Đó là một thế giới bí mật của những suy nghĩ, hình ảnh và lời thú nhận riêng tư, được điều chỉnh bởi một quy tắc bất thành văn “không được ghi nhớ”.

Khi gọi cảnh sát, Ingebjorg cẩn thận không nói quá nhiều về cộng đồng vì sợ các thành viên xa lánh. Cô thường cảm thấy mình giống như một thám tử, chuyên lùng sục khắp nơi để tìm ra càng nhiều thông tin càng tốt về một người dùng ẩn danh để gửi thông điệp tích cực. Nhưng, phản ứng nhận được từ các chuyên gia khá là mâu thuẫn. Đôi khi Ingebjorg được cảm ơn vì đã hành động đúng, những lần khác thì không được tin tưởng.

Ingebjorg Blindheim, 22 tuổi, được đặt cho biệt danh “người cứu hộ”.

Đầu năm 2019, Ingebjorg cho biết đã cố gắng nhờ cảnh sát can thiệp trong một vụ mà một cô gái đe dọa sẽ tự kết liễu đời mình. Ingebjorg nói với cảnh sát rằng cô gái đã đe dọa tự sát 16 lần trước đó song họ không tin. 

Ingebjorg nói: “Tôi đã cầu xin họ kiểm tra để xem cô ấy có ổn không nhưng họ đã không coi trọng việc đó”. Ingebjorg biết sức mạnh của chia sẻ trực tuyến từ kinh nghiệm cá nhân của mình. 

Khi còn là một thiếu niên trẻ, đang vật lộn với chứng rối loạn ăn uống, Ingebjorg bắt đầu theo dõi các tài khoản Twitter nơi những người khác đăng bài công khai về chứng biếng ăn hoặc tự làm hại bản thân.

Sự hỗ trợ mà người dùng cảm nhận được là mặt tích cực của cộng đồng trực tuyến. Ingebjorg nói rằng đó có thể là nơi để cảm thấy được lắng nghe và được thấu hiểu khi những người khác - đặc biệt là người lớn và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe - đôi khi có thể tỏ ra chán ghét hoặc phán xét. Nhưng nền tảng Instagram là không gian không an toàn. Ingebjorg tin rằng bất cứ điều gì tốt mà một số người tìm thấy ở nền tảng đều bị lấn át bởi điều xấu. 

Ingebjorg nhận định có một phần thưởng cho việc đăng những suy nghĩ và hình ảnh cực đoan - suy nghĩ càng đen tối, càng sâu sắc thì bạn càng nhận được nhiều lượt thích và chú ý. Chúng có thể thúc đẩy cảm giác cạnh tranh và đóng vai trò như một hướng dẫn cách thức để làm hại bản thân hoặc thậm chí tự sát.

Ingebjorg nói: “Tôi nghĩ rằng cộng đồng mạng khiến mọi người trở nên tồi tệ hơn bởi vì họ cho bạn ý tưởng về cách bạn có thể tự sát, cách bạn có thể nhịn đói hoặc loại bỏ thức ăn bạn ăn và cách bạn có thể che giấu bệnh tật của mình với mọi người”. 

Sau khi đăng loạt ảnh về cơ thể tiều tụy của mình lên Twitter, Ingebjorg đã được một nhà trị liệu liên hệ và cảnh báo rằng những hình ảnh này đang “khích lệ” một số người khác có ý nghĩ tiêu cực. Ingebjorg cho biết những kẻ tự làm hại bản thân mà cô biết được đã chuyển từ Twitter sang Instagram vì nền tảng này dễ dàng ẩn giấu những gì họ đăng.

Năm 2015, Ingebjorg và người bạn thân 15 tuổi của cô đều được điều trị vì các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ. Sau đó, cả hai đều được xuất viện cùng một lúc. 

Ingebjorg tự tin mình sẽ khỏi bệnh, nhưng bạn của cô đe dọa sẽ tự sát nếu bị đuổi về nhà. Cô gái đã đăng một bức ảnh đường ray khiến Ingebjorg phải gọi cho cô, cầu xin cô giữ an toàn. Cô bạn trấn an sẽ không có chuyện dại dột như thế, nhưng vài giờ sau Ingebjorg nhận được tin cô bạn mình qua đời. 

Ingebjorg nói: “Đó là lý do tại sao tôi đang làm những việc mà tôi đang làm. Tôi đã hứa với bản thân rằng sau khi mất đi người bạn thân nhất của mình, tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể được để ngăn mọi người cảm thấy cảm giác tiêu cực”.

Trong khi Ingebjorg theo dõi Instagram tại nhà ở thành phố cảng Bergen của Na Uy, cũng có một nhà báo điều tra theo dõi thế giới khép kín, đầy xáo trộn – đó là Annemarte Moland làm việc cho đài truyền hình nhà nước NRK. 

Lần đầu tiên Annemarte xuất hiện trên cộng đồng mạng vào năm 2018 khi đến một thị trấn nhỏ của Na Uy để nghiên cứu câu chuyện về 3 cô gái tuổi thiếu niên đã tự sát. Một trong những cô gái có tài khoản Instagram riêng tư, nơi chia sẻ những suy nghĩ về ý định tự sát cũng như tự làm hại bản thân.

Annemarte nói: “Cảnh sát nói với tôi rằng cô ấy có 100 người theo dõi trên khắp đất nước. Tôi nghĩ, điều này thật kỳ lạ. Một trăm người theo dõi? Những người này là ai?” 

Sau khi câu chuyện được đăng tải, Annemarte được một phụ nữ trẻ tiếp cận và nói có ít nhất 10 cô gái khác trong cùng mạng Instagram cũng đã tự kết liễu đời mình. Nhận thấy bản thân tình cờ gặp một câu chuyện lớn hơn rất nhiều, nhà báo đã cố gắng liên lạc với mạng lưới bí mật. 

Lúc đầu, Annemarte thiết lập một hồ sơ giả sử dụng những hình ảnh u ám, nhưng không bạo lực để kết nối với những cô gái khác. Annemarte rất ngạc nhiên về việc Instagram đề xuất hàng chục hồ sơ để cô theo dõi một cách nhanh chóng như thế nào, trong đó chia sẻ tài liệu về hành vi tự hại bản thân và tự sát!

Andrine.

Ngăn chặn hành vi tự sát

Nhà báo nữ Annemarte Moland cố gắng xác nhận những vụ tự sát mà cô được kể lại, kín đáo theo dõi rồi gọi điện cho các thành viên trong gia đình. Điều này dẫn cô đến với một phụ nữ tên Heidi có người con gái tên Andrine đã tự sát năm 2016 đúng ngay trước sinh nhật 18 tuổi của mình. 

Khi Heidi cho biết bà vẫn còn giữ điện thoại di động của con gái nhưng chưa chạm vào nó kể từ khi con gái qua đời, Annemarte nhận ra rằng mình có thể đã tìm ra cách xâm nhập vào mạng lưới tự sát này.

Vào thời điểm đó, Annemarte đang ở văn phòng của mình ở Oslo và Heidi đang ở nhà ở thành phố Tromso, ở cực bắc của Na Uy. Annemarte khuyên Heidi không nên mở điện thoại một mình, nhưng Heidi cảm thấy buộc phải tiếp tục. 

Heidi biết Andrine đã có một cuộc sống bí mật trên Instagram vì một số bạn bè trực tuyến vẫn duy trì liên lạc kể từ khi cô con gái qua đời. Nhưng Heidi chưa chuẩn bị tinh thần để nhìn những hình ảnh mà Andrine đã đăng. Annemarte nói: “Heidi gọi lại cho tôi nói rằng Andrine đã tự sát trên mạng. Andrine ghi lại từng giây về vụ tự sát”.

Ngay sau đó, Heidi đến Oslo để truy cập tài khoản Instagram của Andrine cùng với Annemarte. Heidi nói: “Tôi tìm thấy hình ảnh, video, văn bản. Một số rất buồn cười. Một số rất vui khi thấy cô con gái còn sống vì nó rất vui và đã thể hiện phần nào con người kể cả gương mặt buồn”. Nhưng những bài đăng khác lại khiến người xem đau lòng, giống như một bài không hiển thị gì ngoài một màn hình đen với tiếng khóc của Andrine. 

Heidi tìm thấy những bức ảnh về hành vi tự làm hại bản thân nghiêm trọng và những đoạn video trong đó Andrine nói rằng cô không thể chịu đựng được nữa và muốn chết. Những bài đăng khó xem nhất là những bài viết ghi lại những giờ cuối cùng trước khi Andrine tự sát. Heidi nói: “Nó gần giống như Andrine đang gào thét về cái chết của mình”.

Từ điện thoại của Andrine, Annemarte bắt đầu xây dựng một bức tranh về bao nhiêu người trẻ khác đang ở trong mạng Instagram đen tối. Bằng cách xem xét những người theo dõi Andrine, nhà báo nữ có thể xác định được tổng cộng 26.000 tài khoản. Từ đây, Annemarte xóa tất cả các tài khoản đã công khai, giảm con số xuống còn 5.000. 

Annemarte tiếp tục thu hẹp tìm kiếm của mình bằng cách chỉ tập trung vào các tài khoản sử dụng hình ảnh, từ hoặc biểu tượng cảm xúc trầm cảm. Annemarte tìm thấy hơn 1.000 tài khoản đen tối tương tự, tất cả đều liên quan đến hồ sơ cá nhân của Andrine. Họ bao gồm những phụ nữ trẻ và thanh thiếu niên ở ít nhất 20 quốc gia khác nhau - bao gồm Đan Mạch, Anh, Đức, Australia và Mỹ.

Andrine, 17 tuổi, là thành viên của một mạng lưới trên Instagram khi tự kết liễu đời mình.

Sau khi phân tích, Annemarte và các đồng nghiệp có thể xác định các mẫu. Hầu hết các tài khoản được nắm giữ bởi các cô gái có độ tuổi trung bình là 19. Hầu hết đều có một số vấn đề về sức khỏe tâm thần, từ cảm thấy kiệt sức đến trầm cảm và lo lắng nghiêm trọng. Nhiều người đã ở trong và ngoài bệnh viện. 

Một đồ họa mà NRK tập hợp lại cho thấy mạng lưới tự sát trải dài khắp thế giới như một mạng nhện đen tối, với Andrine ở trung tâm của nó. Giống như Ingebjorg, Annemarte có thể thấy sức hút của nó. Xen lẫn với các bài đăng về hành vi tự làm hại bản thân và cái chết, các cô gái cư xử như những thanh thiếu niên bình thường, chia sẻ hình ảnh về quần áo mới hoặc video quay cảnh họ nhảy theo nhạc.

Annemarte nói: “Họ có được nhiều sự hỗ trợ và chú ý. Tất cả đều có điểm chung là họ không tin rằng mình có thể nhận được sự giúp đỡ ở bất kỳ nơi nào khác. Vì vậy, họ gặp nhau để cố gắng giúp đỡ lẫn nhau và hỗ trợ nhau trong những ngày đen tối nhất”. Nhưng Annemarte cũng có thể nhìn thấy sự nguy hiểm tiềm tàng của mạng lưới. 

Annemarte lưu ý đến những cảm nghĩ đen tối nhất luôn nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Những người ủng hộ sẽ đăng các biểu tượng cảm xúc trái tim và các cụm từ như “giữ vững”. Annemarte bình luận: “Tôi gọi đây là phiên bản ngược của việc hỗ trợ thực tế vì đây là những cô gái khá ốm yếu đang cố gắng giúp đỡ những cô gái ốm yếu khác. Đó là một nơi bị đảo ngược”.

Bởi vì mạng lưới rất riêng tư, không có tiếng nói bên ngoài nào kiểm duyệt nội dung hoặc đưa ra lời khuyên hữu ích hoặc chuyên nghiệp. Sau khi dành thời gian bên trong nó, nhà báo bắt đầu cảm thấy các cô gái đang vô tình khuyến khích nhau tiến xa hơn. 

“Tôi có cảm giác như họ đã đẩy nhau ngày càng gần đến bờ vực hơn. Nhưng khi đến bờ vực, tất cả đều nói, Ồ không, đừng làm vậy. Hãy sống sót”, cô nói. Heidi tin rằng loại hành vi nhóm này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến Andrine.

“Tôi nghĩ rằng cộng đồng có ý nghĩa tất cả đối với Andrine. Kết thúc thật tồi tệ bởi vì Andrine rất dễ bị người khác tác động từ khi còn nhỏ”, Heidi nói. Qua cuộc điều tra kéo dài một năm, Annemarte có thể xác nhận rằng ít nhất 15 cô gái Na Uy từ mạng lưới mà NRK tạo được đã tự sát. 

Annemarte nói về toàn bộ cộng đồng: “Họ đang chơi đùa với cuộc sống của chính mình. Nếu ai đó tự cắt da thịt mình, họ sẽ nhận được vô số trái tim và lượt thích. Làm thế nào bạn có thể thích bức ảnh của ai đó khi bạn đã cắt sâu qua cánh tay của mình?”

Duy Minh (tổng hợp)
.
.