Châm cứu giảm béo – Hai mặt của một vấn đề

Thứ Sáu, 18/03/2016, 15:00
Vài năm gần đây, bên cạnh những giải pháp giảm béo như tắm hơi xoa bóp, ăn kiêng, mang đai phát nhiệt, uống thuốc Tây, thuốc Nam, lắc vòng, tập thể hình, mổ thắt dạ dày…, khá nhiều chị em phụ nữ quay sang chọn lựa cách châm cứu để có được thân hình thon thả. Một số người cho biết sau nhiều lần châm cứu, hiệu quả giảm cân thấy rõ.

Tuy nhiên, châm cứu cũng có những nguy hiểm của nó mà nếu không cẩn thận thì hậu quả là liệt tứ chi, thậm chí liệt nửa người, nhiễm trùng máu, nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, C  và còn có thể tử vong do huyết khối gây nhồi máu mạc treo, nhồi máu não …

Từ đai giảm béo, trà giảm béo đến châm cứu

Chị Thuận, 30 tuổi, nhà ở cư xá Phú Lâm B, quận 6 TP HCM khá xinh xắn nhưng mỗi khi ra đường, chị luôn mặc cảm vì thân hình quá khổ của mình: Cao 1,57m nhưng chị lại nặng đến… 67kg. Chị kể: “Qua người bạn giới thiệu, tôi gặp Tiến sĩ Y Sinh học Đào Đại Cường, nguyên là giảng viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM với hy vọng sẽ được kê toa một loại thần dược. Trong đầu tôi đã mường tượng một ngày nào đó, tôi sẽ trở nên thon thả và duyên dáng trong chiếc áo dài hoặc bộ váy ngắn…”.

Hình ảnh mô tả các huyệt đạo ở tai tương ứng với các cơ quan trong cơ thể.

Thế nhưng, khi gặp Tiến sĩ Cường rồi qua giải thích, chị mới vỡ lẽ ra rằng thức ăn khi đi vào cơ thể, nếu là tinh bột (cơm, bánh mì, bún, phở…) thì nói một cách nôm na, nó sẽ chuyển hóa thành đường. Phần lớn lượng đường này được dùng để nuôi các mô, cơ. Số còn lại tích lũy ở gan, làm vai trò dự trữ. Riêng với chất đạm cũng như chất béo (thịt, cá, trứng, sữa, mỡ, bơ…), sau khi cung cấp cho các bộ phận trong cơ thể, nó chuyển hóa thành mỡ và thường tập trung ở bụng, dưới cằm, đùi, mông…

Nếu ăn nhiều, mà lại ít vận động thì về lâu về dài, lượng mỡ tích lũy mỗi lúc một dày lên, gây ra béo. Một số khảo sát của những chuyên gia dinh dưỡng cũng đã chứng minh rằng lượng đường dư thừa trong cơ thể, trải qua quá trình chuyển hóa phức tạp, cũng sẽ biến thành tế bào mỡ.

Thế rồi thay vì viết đơn thuốc, Tiến sĩ Cường kê cho chị Thuận một tờ… thực đơn, trong đó ghi tỉ mỉ buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều ăn gì, số lượng bao nhiêu. Lúc đưa cho chị Thuận, Tiến sĩ Cường dặn: “Thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng này, cộng với một môn thể dục, đơn giản là đi bộ chẳng hạn, và tập thường xuyên, đều đặn thì sẽ giảm béo”.

Cầm tờ thực đơn ra về mà lòng ngao ngán vì phải sau vài tháng, nó mới hiệu quả trong lúc chị Thuận lại muốn gầy ngay tức thì.

Đọc trên mạng, chị thấy quảng cáo loại thuốc giảm cân Miraflocid, uống liên tục 15 ngày giảm được 3kg nhưng lúc đến tiệm thuốc Tây, chị tá hỏa khi nghe ông dược sĩ giải thích: “Tác dụng phụ của Miraflocid là gây ảo giác. Người sử dụng nó có cảm tưởng như mình đang lắc lư trên mây, không còn kiểm soát được hành vi ngôn ngữ, hành vi vận động (và đó chính là một trong những “thuốc lắc” mà một số thanh niên nghiện ngập vẫn thường sử dụng)”.

Chị nói: “Thấy thuốc men nguy hiểm quá, tôi ra chợ Kim Biên mua loại đai của Trung Quốc, gọi là đai giảm béo. Theo lời người bán thì khi đeo vào bụng hoặc vào đùi rồi cắm điện, đai sẽ phát ra một sức nóng từ 40 đến 60 độ tùy vào sự điều chỉnh. Dưới sức nóng ấy, mỡ tan ra và nếu để ở độ nóng tối đa, đeo khoảng 30 phút, vòng bụng sẽ giảm được khoảng 2cm.

Đeo được vài lần, chị Thuận có cảm giác bụng mình nhỏ đi, nhưng đến một bữa, lúc vừa tắm và lau người xong, chị đeo đai, cắm điện thì bị giật nảy đom đóm, ngã lăn đùng ra nền nhà vì dây điện bị hở. Chị kể: “Sợ quá, tôi quẳng luôn cái đai. Nghe bạn bè nói có loại trà giảm béo cũng của Trung Quốc, tôi mua về uống thử. Sáng sớm thức dậy, tôi pha nguyên một gói với nước ấm. Trà có vị hơi chát và đắng. Đến trưa, thêm một gói nữa rồi đến tối, khi vừa uống xong gói thứ 3 thì chỉ khoảng 15 phút, bụng tôi bỗng sôi ùng ục, đau quặn từng cơn. Từ đó cho tới 11 giờ khuya, tôi vào nhà vệ sinh không dưới 20 lần. Người tôi lả đi, chân tay run lẩy bẩy. Bác sĩ đến khám kết luận là tôi bị ngộ độc tiêu hóa. Nằm bẹp suốt 2 ngày với 6 chai “nước biển”, tôi mới ngồi dậy được”.

Sợ thì có sợ, nhưng cái mộng giảm béo vẫn không ngớt thôi thúc. Cuối cùng, theo lời khuyên của một bác sĩ Đông y, chị đi châm cứu!

Châm cứu giảm béo?

Theo Đông y, châm là đưa kim vào huyệt; cứu là dùng sức nóng tác động vào huyệt. Châm cứu có nhiều hình thức như hào châm, mai hoa châm, nhu châm, nhĩ châm, tỵ châm, thủ châm, đầu châm, diện châm… Ngoài ra, có thể kết hợp thêm kỹ thuật hiện đại như quang châm (tác động bằng tia laser, tia hồng ngoại) hoặc từ châm, thủy châm… để kích thích huyệt đạo, kinh mạch.

Sau 1 tháng nhĩ châm, cô gái này đã giảm được 3kg.

Hiện tại, để giảm cân, các thầy thuốc Đông y thường sử dụng phương pháp nhĩ châm nhằm tác động vào một số huyệt, gây ức chế thần kinh làm giảm hiện tượng thèm ăn. Qua đó, lượng mỡ dư thừa trong cơ thể sẽ tiêu hao, người béo sẽ trở nên thon thả. Nhưng quá trình giảm cân phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt về thời gian bởi lẽ việc hạ trọng lượng một cách cấp tốc sẽ gây xáo trộn chuyển hóa trong cơ thể, làm cho người suy kiệt, da nhăn nheo, mất tính đàn hồi. Bên cạnh đó, việc giảm cân đột ngột còn là yếu tố khiến các bệnh tiềm ẩn trong cơ thể có cơ hội bộc phát.

Trở lại chuyện chị Thuận, sau nhiều ngày tìm hiểu, chị quyết định chọn một tiệm spa ở đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh với những lời quảng cáo có cánh: “Liên tục châm cứu trong 2 tháng, mỗi lần 30 phút, bạn sẽ giảm được từ 5 đến 10kg!?”. Thế nhưng sau một tháng, tốn hết 6 triệu đồng nhưng khi đứng lên bàn cân, chị vẫn thấy cây kim nằm ở con số 67. Cuối cùng, chị quyết định tìm đến phương pháp “nhĩ châm”.

Theo nhiều tài liệu cả ở phương Đông lẫn phương Tây, nhĩ châm đã hình thành và đưa vào ứng dụng trong việc điều trị một số bệnh từ hàng nghìn năm trước. Trong bộ sách Đông y “Nội kinh”, “Nạn kinh” và “Y học chỉ nam” được viết cách đây khoảng 2.000 năm, đã mô tả mối quan hệ giữa tai và toàn bộ cơ thể thông qua hệ thống kinh lạc.

Theo mô tả này, loa tai có 115 huyệt, mỗi huyệt hoặc nhiều huyệt lại tương ứng với một bộ phận trong người. Khi châm cứu đúng cách, nó mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc điều trị nhiều chứng bệnh, kể cả giảm cân, số ngày điều trị không kéo dài, rất ít tai biến.

Gần đây nhất, năm 2013, một nhóm các bác sĩ Đông y ở Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc đã tiến hành châm cứu giảm cân cho 15 người trưởng thành béo phì, trong đó 5 người được châm cứu 5 huyệt ở tai, 5 người châm cứu 1 huyệt là “huyệt đói khát” và 5 người còn lại được châm giả vờ. Tất cả đều áp dụng một chế độ ăn như nhau.

Sau 8 tuần theo dõi, có 5 người bỏ cuộc, trong đó hơn một nửa thuộc nhóm được châm giả vờ. Họ cho biết không thể chịu được những cơn đói, khát, thèm ăn khi phải tuân thủ chế độ ăn uống hạn chế. Những người thuộc nhóm được châm cứu 5 huyệt đã giảm 6% chỉ số khối cơ thể (BMI), nhóm được châm “huyệt đói khát” giảm 5,7%. Lượng mỡ và số đo vòng eo của họ cũng giảm. Để giảm béo, các thầy thuốc Đông y thường châm vào các huyệt Thần môn, Vị, Đại tràng, Nội tiết, Phê, Tâm, Tam tiêu.

Trong quá trình châm, người muốn giảm béo cần hạn chế bánh kẹo, nước ngọt, chất bột, giảm lượng cơm hàng ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Không nên ăn loại trái quá ngọt như dứa, mít, sầu riêng, hồng xiêm, nhãn, vải… Bên cạnh đó, cần cân đối mỡ động vật và dầu thực vật cũng như tăng cường vận động thể dục, tự xoa bóp toàn thân mỗi ngày.

Theo chị Thuận, sau một tháng nhĩ châm đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt lời dặn của các bác sĩ Đông y về chế độ ăn uống, chị đã giảm được 3kg, vòng eo từ 81cm giờ xuống còn 78cm. Chị nói: “Nhiều người cũng béo và cũng đi châm như tôi, ai nấy đều có kết quả. Điều tuyệt vời nhất là vòng bụng giảm nhưng da lại không nhăn”. Chị Hài, ở đường Trần Quang Khải, quận 1 cho biết cũng như chị Thuận, chị đã từng áp dụng 1001 cách giảm béo, từ mang đai, uống trà, đắp thuốc thảo mộc cho đến nhịn ăn, chạy bộ…, thậm chí chị còn nghĩ đến việc mổ thu nhỏ dạ dày.

Chị nói: “Giảm thì có giảm thật, nhưng được vài ba bữa là lại đâu vào đó. Bây giờ đi nhĩ châm, cả tháng rồi chỉ thấy “xuống” chứ không “lên”. Nhĩ châm chứng minh giảm cân hiệu quả nhờ vào sự kích thích chuyển hóa năng lượng dư thừa, điều hòa nội tiết cơ thể. Hầu hết các trường hợp áp dụng phương pháp nhĩ châm đều ghi nhận kết quả tốt.

Mỗi lần châm từ 7 đến 8 chiếc kim ngắn, bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi đau khi kim đi vào da nhưng sau đó hết ngay. Người được châm sẽ tiêu tiểu nhiều hơn bình thường, ăn uống ngon miệng nhưng không làm tăng cân vì không bị ứ đọng năng lượng thừa như trước. Chỉ cần theo đuổi liệu trình điều trị liên tục trong 30 ngày, có thể giảm  từ 3 đến 5 kg, vòng 2 và vòng 3 cũng giảm tương ứng.

Những tai biến khi châm cứu

Tuy nhiên, nhĩ châm không phải là “chiếc đũa thần” bởi lẽ giảm cân là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ. Nó đòi hỏi phải thay đổi lối sống, thói quen ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi chứ không chỉ đơn thuần dựa vào những “cây kim”.

Ở một số nơi, tay nghề và kiến thức của kỹ thuật viên châm cứu không đến nơi đến chốn. Họ “châm” mà chẳng cần hỏi người được “châm” khỏe hay yếu, có bệnh về tim mạch, huyết áp hay không. Do thiếu trình độ và kinh nghiệm, những kỹ thuật viên này có thể gây ra những tai biến nguy hiểm do châm không đúng vị trí huyệt đạo, kim châm vào thiếu hay thừa độ sâu, dẫn đến hiện tượng người được châm chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, ngất… mà nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến teo cơ, liệt tay, chân hoặc liệt nửa người, thậm chí tử vong.

Khoa Hồi sức tích cực BV 175, TP HCM đã từng cấp cứu cho bệnh nhân nam tên S., 38 tuổi, ở Bình Phước, nhập viện trong tình trạng bị nhiễm khuẩn huyết, gan tổn thương nặng. Theo các bác sĩ, sau khi châm cứu khoảng 2 tiếng, anh S. thấy đau dữ dội, chóng mặt, sốt cao. Điều trị tại nhà một thời gian không khỏi, gia đình mới đưa vào bệnh viện. Kết quả thăm khám, xét nghiệm cho thấy ngoài nhiễm trùng máu, tổn thương gan, anh S. còn bị viêm tủy xương ở đầu trên xương đùi trái, xác định là do châm cứu gây ra.

Bác sĩ Sơn, chuyên khoa Da liễu cho biết: “Châm cứu rất nguy hiểm nếu kim châm không được vô trùng đúng cách. Ngoài các bệnh  như HIV, viêm gan siêu vi B, C do dùng chung kim hoặc châm trúng mạch máu, tạo ra huyết khối, dẫn đến nhồi máu mạc treo ruột non phải mổ cắt bỏ, nhồi máu não gây liệt nửa người - thậm chí tử vong, nó còn có thể gây ra bệnh mycobacteriosis - là bệnh nhiễm vi khuẩn dạng sợi (mycobacteria), phát triển xung quanh vết châm do bông băng, khăn lau hoặc vải chườm bẩn.

Thời gian ủ bệnh mycobacteriosis khá dài nên ít người biết mình bị do châm cứu. Nó dẫn đến ápxe, lở loét quanh vùng châm. Thường thì đa số bệnh nhân hồi phục nhưng có đến 5 hoặc 10% phải chịu hậu quả nghiêm trọng như thoái hóa khớp, tổn thương đa cơ quan,  loét lâu dài, bại liệt…

Vũ Cao
.
.