Chiến tranh thông tin và những mối đe dọa

Thứ Tư, 19/12/2018, 16:21
4.0 được coi là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nói đến cuộc cách mạng này, không thể không nhắc đến Internet, một công cụ từ lúc nào đã trở nên không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội nói riêng và càng không thể thiếu trong sự phát triển của kỷ nguyên kỹ thuật số nói chung.

Bất chấp mọi khoảng cách về không gian và địa lý, ngày nay, Internet đã trở thành phương tiện giúp truyền đạt, trao đổi thông tin, hợp tác, giao lưu... giữa mọi cá nhân, tổ chức và quốc gia trên khắp thế giới.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, cùng với sự phát triển không ngừng của các ứng dụng và tiện ích mà Internet và công nghệ thông tin mang lại, thực tế đã nảy sinh nhiều hiện tượng đáng lo ngại như vấn nạn tin tặc, đánh cắp dữ liệu, lạm dụng thông tin, các lực lượng phiến quân hay khủng bố hoạt động trên không gian mạng, các mạng lưới gián điệp mạng... và một thách thức mới nguy hiểm, nghiêm trọng hơn được đặt ra trong kỷ nguyên số là chiến tranh mạng.

Chuyên gia an ninh mạng của Ai Cập Mohamed Abdel Wahed cho rằng chiến tranh mạng, hay còn gọi là chiến tranh thông tin, đang trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của nhiều nước trên thế giới hiện nay. Nguy cơ về chiến tranh mạng đã đặt ra những thách thức mới đối với các cơ quan an ninh, tình báo trên thế giới.

Về lý thuyết, chiến tranh thông tin là việc áp dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao vào các hoạt động chỉ huy - quản lý, tình báo, điều khiển, chiến tranh điện tử, kinh tế, tâm lý, xã hội,... và là một loại hình tác chiến phổ biến trong chiến tranh hiện đại: Đó là tổng hợp những hoạt động và biện pháp như tung tin giả, thông tin sai lệch nhằm vào cá nhân hoặc tổ chức với mục đích gây rối loạn trật tự xã hội, tác động vào các cơ cấu ra quyết định nhằm làm cho đối phương có các hành động sai lầm hay có các quyết định có lợi cho mình, đồng thời ngăn cản hoạt động thu thập, xử lý thông tin của đối phương.

Mục đích của chiến tranh mạng là kiểm soát, điều khiển, tác động lên các quyết định và làm suy giảm hoặc phá hủy các hệ thống mạng - viễn thông của đối phương trong khi đó bảo vệ các hệ thống của mình và đồng minh chống lại những hành động như vậy. Mục tiêu tấn công của chiến tranh mạng là các cơ sở hạ tầng thông tin (quân sự, tài chính, ngân hàng, mạng máy tính quốc gia...). Virus máy tính có thể làm cho hệ thống vũ khí của đối phương bị mất điều khiển và cũng có thể phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế của quốc gia, làm rối loạn hoạt động của nền kinh tế, hay làm tắc nghẽn mạng thông tin.

Chiến tranh mạng - cuộc chiến không khói súng nhưng hết sức quyết liệt.

Chuyên gia Ai Cập này cho rằng thời đại Internet và cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã mở ra rất nhiều cơ hội đi kèm với vô vàn thách thức trong công cuộc xây dựng và phát triển của một quốc gia. Bên cạnh những mặt tích cực mà công nghệ mang lại, nó cũng tạo ra một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia như các mạng xã hội đang tồn tại ở nhiều nước hiện nay.

Mạng xã hội hay truyền thông xã hội đã mang đến một cuộc cách mạng góp phần thay đổi nhiều khái niệm cơ bản của ngành truyền thông. Các trang mạng xã hội ngày càng trở thành những công cụ vận động chính trị có tác động mạnh và là một phương tiện quan trọng góp phần làm thay đổi đời sống chính trị. Vì những khả năng có thể thành hiện thực trong chiến tranh mạng, các công cụ hay phương thức nêu trên cũng có thể tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, từ đó ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Cùng với sự trỗi dậy gần đây của chủ nghĩa dân túy ở nhiều nước trên thế giới, một trong những chiến thuật tác chiến trên không gian mạng cũng thường được áp dụng là lan truyền hay phát tán tin giả thông qua nhiều hoạt động, gây ra nhiều hậu quả ở mức độ khác nhau.

Theo chuyên gia an ninh Ai Cập, nhiều nhóm khủng bố và các nước tài trợ cho chúng đã sử dụng những công cụ như vậy, đặc biệt là các công nghệ, để đánh cắp thông tin nhằm thâm nhập vào các hoạt động xã hội hay các trang mạng xã hội để gieo rắc những tư tưởng cực đoan cũng như truyền bá hình ảnh và các hoạt động của chúng. Các tổ chức khủng bố phát hiện ra rằng các công nghệ liên quan đến mạng xã hội đã trở thành những công cụ thuận tiện để liên lạc với các thành viên của tổ chức dù những đối tượng này ở bất cứ đâu.

Chúng cũng có thể sử dụng mạng xã hội để tuyển mộ các thành viên mới cũng như mở rộng phạm vi hoạt động. Nguy hiểm hơn, các nhóm khủng bố cũng sử dụng mạng xã hội để huấn luyện thành viên lên kế hoạch, chế tạo vật liệu nổ... nhằm tiến hành các vụ tấn công khủng bố. Mạng xã hội đã trở thành kênh liên lạc hiệu quả của những đối tượng này. Mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã sử dụng mạng xã hội vào những mục đích nêu trên.

Tuy nhiên, các trang mạng xã hội hay các ứng dụng chạy trên nền tảng Internet đang được hàng tỷ người sử dụng mỗi ngày cũng được coi là “mảnh đất màu mỡ” đối với các cơ quan tình báo nước ngoài, đặc biệt vì những kẽ hở trong việc bảo mật thông tin của người dùng mạng xã hội qua điện thoại di động ngày càng lớn. Tình báo các nước đã phát hiện ra nhiều cơ hội để tung tin giả và tin đồn trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, WhatsApp hay Instagram, vốn đang được lan truyền với tốc độ “chóng mặt” mỗi ngày.

Thực tế, người sử dụng các trang mạng xã hội có thể thoải mái viết, công bố hay đưa ra những tin tức, thông tin và những ý tưởng, kể cả những thông tin giả, tin đồn, hay thông tin chưa được kiểm chứng mà có rất ít quy định hạn chế hành động này.

Một cuộc chiến tranh mạng có quy mô tổng lực có thể được triển khai chỉ bằng một cú kích chuột máy tính. Những nguy cơ và hiểm họa liên quan đến an ninh mạng đã khiến nhiều quốc gia tăng cường và siết chặt quản lý không gian mạng cũng như các trang mạng xã hội. Vấn nạn tin giả đã đặt ra nhiều thách thức cả về công nghệ kiểm soát, ngăn chặn cũng như những quy định pháp luật liên quan đến vấn đề tự do ngôn luận.

Đây chính là thách thức đang đặt ra đối với nhà chức trách ở nhiều nước trên thế giới khi “buông cũng không được mà quản cũng không xong”.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.