Chương trình quốc gia đối phó thảm họa hạt nhân của Mỹ "có vấn đề"?

Thứ Ba, 06/06/2017, 13:58
Một nhóm các nhà khoa học ở Đại học Princeton, Washington, mới đây lên tiếng tố cáo Cơ quan An toàn Hạt nhân Mỹ đã dựa trên những tính toán sai để lập Chương trình quốc gia đối phó thảm họa hạt nhân. Các nhà khoa học cho rằng, nếu tai nạn xảy ra ở Mỹ sẽ gây hậu quả khủng khiếp hơn nhiều lần so với thảm họa Fukushima ở Nhật hồi năm 2011.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Princeton đã tiến hành mô phỏng những gì có thể xảy ra khi một trong hàng tá nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ bị hỏa hoạn. Kết quả công bố trên tạp chí Science tuần này đã gây sốc cho cộng đồng khoa học và người dân Mỹ.

Theo họ, trong phần lớn các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ, các thanh nhiên liệu dùng cho các lò hạt nhân được để bên cạnh chất thải hạt nhân. Mặc dù trong một số trường hợp, chất thải đã được di dời ra khỏi vùng hoạt động của lò phản ứng nhưng chúng vẫn tiếp tục phân hủy và tản nhiệt. Tất cả các nhà máy điện hạt nhân đều trữ xỉ hạt nhân trong 4 tháng ở các bể chứa, nơi chúng được làm nguội từ từ.

Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island tại bang Pennsylvania.

Nhưng theo các nhà khoa học, đây mới chính là ẩn họa chết người vì một khi có quá nhiều chất thải hạt nhân được chứa trong các bể sẽ khiến vùng làm nguội có nguy cơ bị cháy. Trong khi những vùng này lại ở gần các lò phản ứng.

Nhà vật lý Frank von Hippel cho rằng, nếu xảy ra hỏa hoạn tại một trong các nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất ở Mỹ thuộc thành phố Peach Bottom (bang Pennsylvanie), mây phóng xạ sẽ bao phủ một diện tích lớn hơn hai lần New Jersey (tức gần 50.000 km²). Điều này sẽ buộc khoảng 8 triệu người phải rời bỏ nơi ở và gây thiệt hại vật chất khoảng 2.000 tỉ USD.

Các nhà khoa học ở Đại học Princeton cho rằng, Cơ quan An toàn Hạt nhân Mỹ đã phạm sai lầm khi phân tích mối đe dọa tiềm tàng về thảm họa hạt nhân. Frank von Hippel thì khẳng định chính ngành công nghiệp hạt nhân đã gây sức ép lên Cơ quan An toàn Hạt nhân Mỹ trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua quốc hội) để giảm thiểu những hậu quả tiềm tàng của một thảm họa hạt nhân.

Theo đánh giá của cơ quan này, nếu xảy ra hỏa hoạn tại bể chứa chất thải phóng xạ gần một lò phản ứng hạt nhân thì tầm mức gây hại sẽ "chỉ trong khoảng" 125 tỉ USD. Cũng theo báo cáo của Cơ quan An toàn Hạt nhân Mỹ, việc nhanh chóng di dời các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng sang các bể chứa khô sẽ giúp giảm 99% nguy cơ rò rỉ phóng xạ trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Nhưng nguy cơ xảy ra kịch bản này là rất thấp và các biện pháp bảo đảm an toàn là không cần thiết, theo Cơ quan An toàn Hạt nhân Mỹ. Hiện nay, các doanh nghiệp quản lý và vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ không phải bỏ ra hàng triệu USD để thực hiện các phương án đề phòng trên.

Trong khi ấy, các nhà khoa học thì chắc chắn rằng, nguy cơ xảy ra thảm họa cao đến mức người ta phải bưng bít và làm lơ các biện pháp an toàn. Một thảm họa hạt nhân có thể gây ra bởi rất nhiều yếu tố từ thiên tai tới khủng bố. Nhưng Cơ quan An toàn Hạt nhân Mỹ lại loại bỏ khả năng khủng bố và thậm chí còn cho rằng nếu xảy ra thảm họa thì chỉ gây ảnh hưởng trong bán kính 80 km tính từ tâm nhà máy điện hạt nhân. Frank von Hippel khẳng định việc thiếu khả năng đưa ra một đánh giá chuẩn xác về những hậu quả khi xảy ra tai nạn hạt nhân là vô cùng tai hại.

Đây không phải là lần đầu các chuyên gia ở đại học Princeton đưa ra lời cảnh báo về thảm họa hạt nhân ở Mỹ. Công trình nghiên cứu trước đây của họ đã chỉ ra nhiều chỗ sai trong báo của Cơ quan An toàn Hạt nhân Mỹ. Để làm được điều đó, các nhà nghiên cứu đã dựa trên những thông số thu được trong vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản năm 2011. Trận động đất mạnh 9 Richter đã gây sóng thần và làm ngập các máy phát điện dự phòng. Khi hệ thống điện bị cúp dẫn đến bộ phận làm mát các lò phản ứng bị ngưng hoạt động. Kết quả là các thanh nhiên liệu trong các lò phản ứng 1, 2 và 3 tan chảy gây một vụ cháy và nhiều vụ nổ sau đó.

Theo đánh giá của Cơ quan an toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản, lượng khí césuim-137 phát tán vào không khí lúc xảy ra tai nạn tương đương với lượng phóng xạ của quả bom ném xuống thành phố Hiroshima năm 1945. Thảm họa này được xếp ở mức thứ 7 (mức cao nhất) trên thang các thảm họa hạt nhân. 88.000 người đã được sơ tán trong bán kính 50 km tính từ tâm nhà máy điện hạt nhân. Trên thực tế, số nạn nhân của vụ này gấp đôi con số được công bố nếu tính tới những gia đình tự nguyện rời khỏi vùng ảnh hưởng. 1.100 km² đất nông nghiệp bị nhiễm xạ và cho đến nay vẫn không thể canh tác.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Mỹ cũng sử dụng các số liệu trong thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Ukraine để đưa ra một kịch bản có thể xảy ra với các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ theo những điều kiện thời tiết khí hậu của năm 2015. Theo đó, nếu xảy ra thảm họa hạt nhân ở Peach Bottom, lần lượt các bang như New York, Philadelphia, Baltimore và Washington DC sẽ bị ảnh hưởng bởi các đám mây phóng xạ.

Trưởng nhóm nghiên cứu Frank von Hippel cho rằng nếu Cơ quan An toàn Hạt nhân Mỹ không có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời, vụ việc sẽ được đưa ra quốc hội. Theo ông, chính phủ liên bang chỉ nên tài trợ cho những nhà máy điện hạt nhân cam kết chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trong các bể chứa khô, bằng bê tông cốt thép. Nếu không một vụ lũ lụt lớn hay sóng thần hoặc động đất có thể gây ra một thảm họa hạt nhân khôn lường.

Trong một thông tin liên quan, ngày 30-5, công ty khai thác Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island tại bang Pennsylvania, Mỹ, thông báo dự kiến sẽ được đóng cửa vào tháng 9-2019 với lý do thu không đủ bù chi và thiếu sự nâng cấp cần thiết. 

Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island đã từng được biết tới với sự cố rò rỉ phóng xạ tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, làm ít nhất 675 người bị nhiễm phóng xạ. Hiện nay, chỉ duy nhất một lò phản ứng hạt nhân tại đây hoạt động. Toàn nước Mỹ hiện có 23 lò phản ứng hạt nhân hoạt động tại các nhà máy điện hạt nhân.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.